CHƯƠNG 2: CƠ SỞ KHOA HỌC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ PHÒNG NGỪA LAO ĐỘNG TRẺ EM
2.1. Những khái niệm và lý thuyết liên quan đến đề tài luận án
2.1.5. Lý thuyết về quyền con người, quyền trẻ em và sàn an sinh xã hội
Quyền con người là những giá trị thiêng liêng, cao quý, kết tinh từ nhiều nền văn hóa, văn minh của các dân tộc trên thế giới. Do có sự khác biệt về hoàn cảnh lịch sử, trình độ phát triển kinh tế, xã hội, chế độ chính trị, giá trị truyền thống, văn hóa nên cách tiếp cận về quyền con người có sự khác nhau giữa các quốc gia. Trong cuốn” Hỏi đáp về Quyền con người” của Liên hợp quốc có nêu
“Quyền con người là những gì bẩm sinh, vốn có của con người mà nếu không được bảo đảm thì chúng ta sẽ không thể sống như một con người”. Theo Văn phòng Cao ủy Liên hợp quốc về quyền con người: “Quyền con người là những bảo đảm pháp lý toàn cầu có tác dụng bảo vệ cá nhân và các nhóm chống lại những hành động hoặc sự bỏ mặc mà làm tổn hại đến nhân phẩm, những sự được phép và tự do cơ bản của con người”. Trong Giáo trình Lý luận và pháp luật về quyền con người cho rằng “Quyền con người là những nhu cầu, lợi ích tự nhiên, vốn có và khách quan của con người được ghi nhận và bảo vệ trong pháp luật quốc gia và các thỏa thuận pháp lý quốc tế” [35, tr.42].
Như vậy, quyền con người là các quyền tự nhiên vốn có của tất cả mọi người, được cộng đồng quốc tế và quốc gia thừa nhận, tôn trọng và bảo đảm bằng hệ thống pháp luật quốc gia và quốc tế [35].
Lý thuyết về quyền trẻ em
Quyền trẻ em là tất cả những gì trẻ em được hưởng, được làm, được tôn trọng và thực hiện để sống và lớn lên một cách lành mạnh, an toàn và phát triển toàn diện. Quyền trẻ em xuất phát từ quan điểm quyền trẻ em chính là quyền con người: trẻ em là con người, là thành viên của xã hội, là công dân của đất nước; và mỗi người đều được hưởng các quyền của mình không phải chỉ khi đã trưởng thành, mà phải ngay từ khi bắt đầu được sinh ra. Quyền trẻ em được
57
xác lập từ văn kiện quốc tế đầu tiên - Tuyên ngôn Giơnevơ về quyền trẻ em 1924 đến Tuyên ngôn về quyền trẻ em 1959 và Công ước quốc tế về quyền trẻ em 1989 theo hướng tiến bộ, tuyên bố đầy đủ, toàn diện về các quyền dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa mà tất cả trẻ em ở khắp mọi nơi trên thế giới đều được hưởng. Theo đó, Công ước về Quyền trẻ em đã đưa ra bốn nhóm quyền cơ bản mà trẻ em trên toàn thế giới được hưởng, bao gồm [64]:
- Nhóm quyền được sống còn (các Điều 5, 6, 24, 26, 27): đảm bảo trẻ được sống và đáp ứng các nhu cầu tồn tại tối thiểu.
- Nhóm quyền được bảo vệ (các Điều 2, 7, 8, 9, 10, 11, 16, 19, 20, 21, 22, 23, 25, 32, 33, 34, 35, 36, 37, 38, 39, 40): bảo vệ trẻ em khỏi bị phân biệt đối xử, thoát khỏi sự bóc lột về kinh tế, sự lạm dụng, xâm hại về thể xác và tinh thần, bị lơ là và bỏ rơi, bị đối xử tàn tệ
- Nhóm quyền được phát triển (các Điều 17, 18, 28, 29, 31, 32): Bao gồm mọi hình thức giáo dục (chính quy và không chính quy) và quyền được có mức sống đầy đủ cho sự phát triển về thể lực, trí tuệ, tinh thần, đạo đức và xã hội của trẻ. Quyền được chăm sóc sức khoẻ, được học tập và phát triển
- Nhóm quyền được tham gia (các Điều 12, 13, 14, 15, 17, 30): Bao gồm quyền được bày tỏ ý kiến trong mọi vấn đề có liên quan tới bản thân, quyền được lắng nghe và được kết giao hội họp. Quyền được tiếp cận thông tin, bày tỏ ý kiến và tham gia hoạt động xã hội.
Như vậy, tiếp cận từ góc độ là quyền con người thì quyền trẻ em sẽ mang đầy đủ các đặc trưng của quyền con người nói chung. Đồng thời do trẻ em là đối tượng thuộc nhóm dễ bị tổn thương cần có những quy định đảm bảo cho trẻ nhận được sự chăm sóc, bảo vệ có hiệu quả và phát triển toàn diện cả về thể chất, trí tuệ, đạo đức và xã hội.
Như vậy có thể khái quát: Quyền trẻ em là những quyền tự nhiên, vốn có mà trẻ em được hưởng, được tôn trọng, bảo vệ và thực thi nhằm đảm bảo sự sống còn, tham gia và phát triển toàn diện của trẻ.
58
Theo hướng tiếp cận bảo vệ quyền trẻ em, nghiên cứu sinh nghiên cứu các quan điểm, đường lối của Đảng về bảo vệ quyền trẻ em, trên cơ sở đó đưa ra các giải pháp phòng ngừa LĐTE phù hợp với thực tiễn.
Lý thuyết về sàn an sinh xã hội
Sàn an sinh xã hội theo ILO thì chính là hệ thống các chính sách nhằm giúp người dân được quyền tiếp cận tới rổ hàng hóa, dịch vụ thiết yếu và chuyển nhượng thu nhập cơ bản theo chuẩn quốc gia đảm bảo người dân được cung cấp đầy đủ lương thực thực phẩm, được chăm sóc y tế, được giáo dục, được dùng nước sạch và có nhà ở.
Khái niệm sàn an sinh xã hội bắt đầu được hình thành từ năm 2009 khi nền kinh tế thế giới rơi vào tình trạng khủng hoảng kéo dài và chưa có dấu hiệu dừng lại. Cuộc khủng hoảng đã đe dọa khả năng hoàn thành các chỉ tiêu thiên niên kỷ của nhiều quốc gia trên thế giới có thể dẫn đến: gia tăng lao động trẻ em; giảm chi tiêu xã hội trong nước cho chăm sóc sức khỏe và giáo dục; dòng vốn tài trợ suy giảm, trong đó tài trợ cho giáo dục bị giảm khoảng 1%, giảm tỷ lệ nhập học ở các nước có thu nhập thấp do giảm chi tiêu của hộ gia đình cho học hành, dẫn đến trẻ phải bỏ học (đặc biệt là trẻ em gái).
Sáng kiến sàn an sinh xã hội của Liên hợp quốc chia dân cư thành 3 nhóm đối tượng chính là trẻ em, người dân trong tuổi lao động nhưng thu nhập từ việc làm không đảm bảo được mức sống tối thiểu; và người già để xác định các nhóm dịch vụ xã hội nào là cần thiết nhất đối với từng nhóm đối tượng. Đối với trẻ em, cần được đảm bảo cung cấp đầy đủ các dịch vụ xã hội thiết yếu và trẻ em có quyền được hỗ trợ để được hưởng các dịch vụ về: (1) chăm sóc y tế; (2) nước sinh hoạt hợp vệ sinh; (3) nhà ở; (4) giáo dục; (5) lương thực thực phẩm;
và (6) các dịch vụ khác tùy theo ưu tiên của từng quốc gia.
Theo Ngân hàng phát triển châu Á: “An sinh xã hội là các chính sách, chương trình giảm nghèo và giảm sự yếu thế bởi sự thúc đẩy có hiệu quả thị trường lao động giảm thiểu rủi ro của người dân và nâng cao năng lực của họ để đối phó với rủi ro và suy giảm hoặc mất thu nhập”. An sinh xã hội có 5 hợp phần: (i) các chính sách và chương trình thị trường lao động; (ii) bảo hiểm xã
59
hội; (iii) trợ giúp xã hội; (iv) quỹ hỗ trợ phát triển cộng đồng và (v) bảo vệ trẻ em”.
Trong Tuyên bố chung về an sinh xã hội thân thiện với trẻ em của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc, mức độ thân thiện với trẻ em của các hệ thống an sinh xã hội phụ thuộc vào mức độ cân nhắc và ứng phó với tính dễ bị tổn thương cụ thể của các hệ thống. Các phương pháp tiếp cận an sinh xã hội giúp giải quyết tính dễ bị tổn thương trong suốt cuộc đời như trợ cấp thất nghiệp đến trợ cấp tuổi già có thể mang lại lợi ích tương đương cho trẻ em; do đó, phương pháp tiếp cận an sinh xã hội thân thiện với trẻ em phù hợp không chỉ đơn thuần tập trung vào các chương trình hướng đến mục tiêu cụ thể là trẻ em.
Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc lựa chọn phương pháp tiếp cận an sinh xã hội thân thiện với trẻ em toàn diện, tập trung thực hiện ba lĩnh vực chủ đề: Đói nghèo ở trẻ em: Đa chiều và biến đổi; Tính dễ bị tổn thương và các yếu tố quyết định; Tác động của chính sách và thực hành an sinh xã hội. Trọng tâm nằm ở tính dễ bị tổn thương về mặt kinh tế và xã hội trong định nghĩa của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc về an sinh xã hội được xác định dựa trên những hiểu biết về nghèo đói và thiếu thốn đa chiều và biến đổi. Tính dễ bị tổn thương là sự tương tác giữa việc tiếp xúc với rủi ro cũng như khả năng ứng phó và giải quyết của một cá nhân. Các chương trình và chính sách an sinh xã hội phải cùng giải quyết tính dễ bị tổn thương về cả hai mặt xã hội và kinh tế cùng các yếu tố tác động cơ bản như các yếu tố cấu trúc về xã hội, chính trị và kinh tế. Nếu an sinh xã hội không đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường khả năng phục hồi của các cá nhân và hộ gia đình, tính dễ bị tổn thương không thực sự được giải quyết mà mới chỉ đang được quản lý.
Nghị quyết 15 Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương khóa XI một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 – 2020, đã khẳng định việc không ngừng cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người có công và bảo đảm an sinh xã hội là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Hệ thống an sinh xã hội phải đa dạng, toàn diện, có tính chia sẻ giữa Nhà nước, xã hội và người dân,
60
giữa các nhóm dân cư trong một thế hệ và giữa các thế hệ; bảo đảm bền vững, công bằng. Đến năm 2020, cơ bản bảo đảm an sinh xã hội toàn dân, bảo đảm mức tối thiểu về thu nhập, giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch và thông tin, truyền thông, góp phần từng bước nâng cao thu nhập, bảo đảm cuộc sống an toàn, bình đẳng và hạnh phúc của nhân dân.
Với việc nghiên cứu phòng ngừa LĐTE theo hướng tiếp cận này, nghiên cứu sinh có thể khắc họa rõ nét hơn sự tác động, ảnh hưởng của đói nghèo, giáo dục đến LĐTE, trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp phòng ngừa LĐTE theo hướng bảo vệ trẻ em trên cơ sở thực hiện an sinh xã hội.