CHƯƠNG 3: THỰC TRẠNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ PHÒNG NGỪA LAO ĐỘNG TRẺ EM Ở VIỆT NAM
3.1. Thực trạng lao động trẻ em ở Việt Nam
3.1.3. Thực trạng lao động trẻ em trong một số khu vực kinh tế
Trước nhu cầu tiêu thụ vật liệu xây dựng phát triển nhanh, những năm gần đây xuất hiện ngày càng nhiều các cơ sở sản xuất và tụ điểm buôn bán vật liệu xây dựng tại các thành phố. Trẻ em hiện đang làm việc ở những lò sản xuất gạch và khai thác cát bên sông, là thợ xây, phụ hồ, đóng gạch, bốc vác [8]. Công việc chủ yếu là lao động chân tay, không đòi hỏi kỹ năng lao động cao, tuy nhiên liên quan đến vật liệu xây dựng là những loại hình công việc nặng nhọc, độc hại và nguy hiểm và môi trường bụi bặm với cường độ lao động cao đối với trẻ em.
+ Lao động trẻ em bị lạm dụng vào làm việc tại các làng nghề truyền thống.
Việt Nam hiện có khoảng 2.800 làng nghề, trong đó có những làng nghề thủ công truyền thống có lịch sử hàng trăm năm. Trẻ em tham gia làm việc ở các làng nghề truyền thống như thêu ren, gia công các sản phẩm vàng bạc, làm nón, sản xuất đồ gỗ dân dụng và mỹ nghệ, sản xuất gốm sứ. Nhìn chung các công việc thủ công truyền thống là nhẹ nhàng và được xem là phù hợp với sức khoẻ và sự phát triển của trẻ em. Hầu hết trẻ đều đang đi học, với những em đã bỏ học, hầu hết đã học xong lớp 8 hoặc lớp 9, ở độ tuổi 14-15 [13]. Có 2 nhóm làm việc tại các làng nghề, một là để học nghề và hai là để kiếm thêm thu nhập. Số giờ làm việc bình quân trong ngày của trẻ em lao động vào thời điểm mùa vụ là 6,03 giờ/ngày và vào thời điểm bình thường là 4,08 giờ/ngày. Số ngày làm công việc chính bình quân trong tháng của trẻ em là 21,04 ngày công/tháng. Tiền công các em nhận được chủ yếu từ các sản phẩm được khoán. Đa số trẻ em tham gia làm việc sau giờ học và vào ban ngày.
96
Phần lớn các cơ sở sản xuất kinh doanh đều được tổ chức tại gia đình hoặc gần với nơi sinh sống của gia đình. Điều kiện làm việc thiếu an toàn, thiếu trật tự vệ sinh, máy móc thiết bị để lộn xộn, nhà xưởng chật chội, ồn, bụi v.v.
gây ảnh hưởng lớn đến sự an toàn và sức khỏe cho những người lao động, trong đó có trẻ em, còn ảnh hưởng đến năng suất và hiệu quả lao động, tư duy sáng tạo nghề [13].
Xã Bát Tràng thuộc huyện Gia Lâm sống bằng nghề làm gốm sứ, hàng ngày tập trung khoảng từ 4000 đến 6000 lao động, trong đó ước tính từ 25%
đến 30% lao động dưới 18 tuổi, phần lớn là trẻ em gái từ 16 đến 18 tuổi. Trẻ em lao động tại đây chủ yếu đến từ các huyện lân cận, chỉ có một số rất nhỏ là trẻ em địa phương. Một số em sống với chủ, số còn lại phải đi xa tới 20km để tới nơi làm việc. Từ 65% đến 70% số trẻ em làm việc được trả công tại Bát Tràng ở độ tuổi từ 16 đến 18, số còn lại từ 13 đến 16 tuổi. Phần lớn trẻ em làm việc tại Bát Tràng đã bỏ học kiếm sống. Công việc ở đây được xem là không nặng nhọc nhưng các em phải làm việc nhiều giờ và nguy cơ độc hại cao do khói và khí độc do đất nung. Một nghiên cứu tại Bát Tràng cho thấy nồng độ của khí độc trong không khí vượt quá mức độ cho phép là 1,5-1,8 lần. Nồng độ bụi trong không khí vượt quá tiêu chuẩn cho phép là 2,4 lần [8]. Trẻ em lao động ở đây thường mắc các bệnh phổi và bệnh ngoài da, nhiều trẻ em còn bị đau lưng do phải ngồi lâu. Nhiều nghề truyền thống khác như dát vàng và bạc phải sử dụng đến các hóa chất, hay đúc và luyện đồng và nhôm cũng bị coi như những công việc độc hại cho trẻ em. Các em làm việc trong ngành dệt hoặc làm thảm phải hít thở không khí đầy bụi cotton và nhiều khả năng mắc các bệnh về đường hô hấp và về thị lực.
+ Lao động trẻ em tại các bãi vàng.
Hàng năm, hàng ngàn lượt lao động ở Nam Trung Bộ và miền núi phía bắc kéo đến các mỏ vàng ở tỉnh Bắc Kạn, Quảng Nam, Quảng Ngãi, đặc biệt là các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam như Phước Sơn, Phú Ninh, Nam Giang – nơi được mệnh danh là “thủ phủ vàng”. Với tình trạng khai thác vàng trái phép, các chủ sử dụng lao động “thường cho người về địa bàn các huyện nông thôn
97
và miền núi, dụ dỗ đưa lao động trẻ em đi làm việc ở bãi vàng, trả trước một số tiền để gia đình đồng ý cho các em đi. Đến khi vào làm việc, các em bị bóc lột, làm việc nặng, đối mặt với nhiều rủi ro, nếu bỏ trốn sẽ bị truy tìm, bắt giữ trái phép, đánh đập.” Do nhận thức hạn chế, do cả tin và cũng vì đã lỡ cầm tiền của các đối tượng tuyển dụng, không có điều kiện trả lại nên tình trạng này tiếp tục tái diễn [108].
Loạt phóng sự điều tra “Phu vàng xứ Nghệ ở địa ngục trần gian” của nhà báo Tiến Hùng [109] cho thấy, phần lớn trong số các em làm việc tại các mỏ vàng từ 14-17 tuổi, là trẻ em dân tộc ở các huyện miền núi của Nghệ An. “Tụi em làm ngày 11 tiếng, họ kêu trả lương 2,5 triệu đồng/tháng, nhưng phải làm đủ 6 tháng mới được nhận tiền. Làm dưới hầm sâu, tụi em ốm liên tục nhưng họ cứ bắt phải dậy đi làm. Bữa cơm hàng ngày chỉ có cá khô” [110]. “Chúng em bị buộc lao động kiệt sức, lại thường xuyên bị đánh đập, tranh thủ lúc sơ hở, cả hai cắt rừng mà chạy”. Sau khi trốn thoát, các em nói rằng, trong bãi vàng còn có hàng chục phu vàng cùng độ tuổi đang bị lao động khổ sai chưa thể trốn thoát [110]. Để qua mặt cơ quan chức năng, các chủ bãi vàng “thường giấu nhẹm, không hề đăng ký tạm trú với chính quyền” về các “phu vàng nhí” cho nên khó kiểm soát số lượng thực tế LĐTE tại các bãi vàng [109].
+ Lao động trẻ em bị lạm dụng vào việc nhặt và chế biến than.
Một cuộc điều tra thực hiện gần đây về nhóm trẻ làm việc ở các mỏ than thuộc tỉnh Quảng Ninh đã cho thấy số lượng trẻ em này là rất cao. Chỉ trong một huyện, đã có gần 104 trẻ nhặt than. Công việc chủ yếu là nhặt và chế biến than để bán. Gần một nửa số trẻ tuyển than ở độ tuổi từ 15 đến 17 (45,7%), nửa còn lại từ 11 đến 14 tuổi (42,6%). Số em trai tham gia nhặt than (58,9 %) đông hơn số em gái (41,1%) ở tất cả các nhóm tuổi, nhưng sự cách biệt là tối thiểu, điều này cho thấy không có khác biệt về giới trong nhóm trẻ em nhặt than. Sự khác nhau duy nhất là ảnh hưởng đối với sức khỏe của trẻ em trai và trẻ em gái khi phải mang vác nặng. Phần lớn các em đều được đi học, tuy nhiên, lao động đã ảnh hưởng tới thời gian học của các em và thường các em không có thời gian dành cho nghỉ ngơi và giải trí.
98
+ Lao động trẻ em bị lạm dụng vào làm việc tại mỏ đá.
Công việc của những đứa trẻ từ 15-17 tuổi phải mài đá, đẽo đá, xén đá để tạo hình, tạo tượng, thời gian làm việc khoảng từ 7-8 tiếng/ngày. Tuy nhiên tiếng ồn và bụi đã gây ra cho nhiều em bị mắc các bệnh về hô hấp, còi cọc. Hầu hết số em làm việc ở đây đều chia sẻ muốn làm những công việc khác nhàn hơn nhưng không có khả năng vì chưa học hết phổ thông, do lười học, học kém nên các em phải chấp nhận làm những công việc này [8]. Nhiều em phải chuyển những tảng đá lớn từ nơi này sang nơi khác. Trọng lượng tảng đá không cố định, một số em có thể mang những trọng lượng tới 40 hay 50kg. Các chuyên gia khẳng định rằng trọng lượng tối đa có thể mang vác trên một mặt phẳng đối với lao động trưởng thành là 40 kg cho nam và 30 kg cho nữ. Khi mang những viên đá quá nặng, bọn trẻ phải vận hết sức với khả năng tối đa của chúng và thậm chí hơn nữa. Gắng sức quá khiến cho hệ tuần hoàn và hô hấp, xương và cơ bắp phải hoạt động ở cường độ cao. Mang vác những vật nặng là nguyên nhân gây biến dạng xương và cơ. Đặc biệt điều này xảy ra khi trọng lượng không được mang đúng cách bởi vì bọn trẻ không được đào tạo để làm những việc như thế này. Phải làm việc nặng khi còn nhỏ tuổi còn gây ra một cách trực tiếp tác động tiêu cực khác đối với sự phát triển thể chất và tinh thần của trẻ, chính vì thế mà sức đề kháng kém và dễ tổn thương.
Trong khu vực nông – ngư nghiệp
Khoảng hơn 50 % trẻ em tham gia các hoạt động kinh tế ở Việt Nam là ở khu vực nông nghiệp [21]. Tuy nhiên, tỷ lệ này đang có xu hướng giảm đi. Thực trạng này cũng diễn ra ở nhiều quốc gia đang phát triển khác, với hơn 70% trẻ em lao động làm việc trong các ngành nông, lâm, ngư nghiệp.
Các công việc chủ yếu mà các em tham gia là đánh bắt cá trên sông, làm thuê cho các hộ gia đình nuôi cá bè, làm rẫy thuê, thu hoạch trái cây, thời gian làm việc kéo dài, đặc biệt là vào thời điểm mùa vụ. Thời gian lao động của trẻ không đều, tùy thuộc vào mùa, biển, trời nắng hay mưa, ban ngày hay đêm. Do sự không đều của giờ giấc làm việc, nói chung trẻ em làm
99
nghề cá thường làm việc vào những ngày thời tiết tốt, lúc có thể bắt được nhiều cá nhất [14].
Ở độ tuổi 15, trẻ em làm nghề cá cũng có thể đảm đương không kém gì người trưởng thành, nhưng tuổi “học nghề” bắt đầu trước nhiều. Từ 5 đến 6 tuổi, trẻ em đã bắt đầu tập chèo thuyền và tới 7 hoặc 8 tuổi đã có thể lái thuyền. Khoảng 10 đến 12 tuổi, các em bắt đầu lao động kiếm tiền nuôi gia đình hoặc nuôi chính bản thân mình. Càng lớn, gánh nặng công việc và thời gian lao động sẽ tăng lên. Trong số trẻ em điều tra ở Vân Đồn (Quảng Ninh) và Phú Vang (Thừa Thiên-Huế), Vĩnh Cửu ( Đồng Nai) [14] đa phần các em đã nghỉ và bỏ học do kinh tế khó khăn, chán học và nhận thức của cha mẹ và trẻ em về tác hại của LĐTE thấp, nhận thức về tầm quan trọng của giáo dục thấp.Ngày làm việc của trẻ làm nghề cá thường bắt đầu từ thời điểm chúng chèo thuyền tới ngư trường và kết thúc khi chúng trở về nhà.
Ngày làm việc đánh bắt cá và động vật nhuyễn thể, liên tục hay ngắt quãng, phụ thuộc vào sức khỏe của mỗi đứa trẻ. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng 37,7% trẻ làm việc từ 1 đến 4 giờ mỗi ngày; 23,8% làm việc từ 5 đến 7 giờ mỗi ngày và 38,5% làm việc trên 7 giờ mỗi ngày.
Trong khu vực dịch vụ
+ Lao động trẻ em trong hoạt động du lịch
Khảo sát được ILO tiến hành năm 2013 [14] tại Lao Chải, San Sả Hồ là hai xã thuộc huyện Sa Pa, với tổng số 538 trẻ em lao động trong lĩnh vực nặng nhọc, chiếm 21,8% tổng số trẻ em từ 5-17 tuổi ở địa bàn, trong đó tỷ lệ trẻ em gái là 10,3%. Những công việc trẻ em tham gia bao gồm: bán hàng rong, phục vụ trong nhà hàng, khách sạn, quán karaoke, khuân vác đồ cho khách du lịch, làm hướng dẫn viên du lịch. Những trẻ em được khảo sát tham gia lao động khi còn nhỏ tuổi, đại đa số các em (66,54%) ở độ tuổi 5- 14, trong đó nhóm tuổi 12-14 chiếm 44,24%. Phần lớn trong số các em chưa đi học bao giờ hoặc đã bỏ học. Các em thường phải làm việc trong điều kiện không thuận lợi. Trẻ em bán hàng rong, đi ăn xin cũng là hiện tượng dễ bắt
100
gặp ở các thành phố lớn chứ không chỉ ở những tỉnh thành phố có các điểm du lịch [50].
+ Lao động trẻ em trong việc làm thuê giúp việc gia đình.
Tuổi trung bình bắt đầu đi làm của trẻ giúp việc là 13,2 tuổi, đều là trẻ em gái. Các công việc hàng ngày các em thường làm bao gồm lau dọn nhà, giặt giũ, rửa bát, làm bếp hay chăm sóc em bé. Các em làm việc khoảng 13 tiếng một ngày, suốt bảy ngày trong tuần, không có quy định về giờ giấc nghỉ ngơi, nhưng có thể biết rằng giờ nghỉ không ấn định trong cả ngày.
Khi xong việc, các em đã quá mệt để có thể tham dự các lớp học buổi chiều trong trường hợp chủ sử dụng lao động cho phép [55]. Nhiều em phải làm thêm các công việc khác như phụ việc tại các cửa hàng của chủ hay làm việc theo yêu cầu của bên thứ ba. Làm thuê giúp việc gia đình thường là các em gái, trong khi các em trai có xu hướng được sử dụng để phụ giúp chủ tại cửa hàng. Phần lớn trẻ làm thuê giúp việc gia đình sống ở nông thôn và lên làm giúp việc tại các thành phố lớn, và không đăng ký tạm trú với cơ quan có thẩm quyền địa phương. Điều kiện không giấy tờ có thể khiến trẻ rơi vào các hoàn cảnh dễ tổn thương và bị ngược đãi, bạo lực và xâm hại.