CHƯƠNG 3: THỰC TRẠNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ PHÒNG NGỪA LAO ĐỘNG TRẺ EM Ở VIỆT NAM
3.1. Thực trạng lao động trẻ em ở Việt Nam
3.1.5. Nguyên nhân của thực trạng lao động trẻ em
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến lao động trẻ em, trong đó từ góc độ xã hội học có thể phân chia thành những “nguyên nhân bên trong” và
“nguyên nhân bên ngoài”.
Những nguyên nhân bên trong được hiểu là các yếu tố xuất phát từ nội bộ gia đình, ví dụ như tình trạng đói nghèo, thất nghiệp, ly hôn, ốm đau của cha mẹ dẫn đến việc trẻ em phải làm việc sớm hoặc phải bỏ học để làm việc. Những nguyên nhân bên ngoài được hiểu là các yếu tố xuất phát từ xã hội, ví dụ như khủng hoảng kinh tế hoặc hệ thống giáo dục yếu kém khiến cho trẻ em phải sớm đi làm để giúp gia đình hoặc vì không thể tiếp cận với trường học.
Từ góc độ kinh tế học, có thể chia nguyên nhân của lao động trẻ em theo những yếu tố “cung” và “cầu” của thị trường lao động. Cụ thể, bên cung bao gồm những yếu tố thúc đẩy các gia đình cho phép hoặc buộc trẻ em phải tham gia vào thị trường lao động (ví dụ như nghèo đói, trình độ nhận thức thấp, quan niệm sai về vấn đề lao động trẻ em), trong khi bên cầu bao gồm các yếu tố thúc đẩy người sử dụng lao động thuê trẻ em làm việc (ví dụ như thuê trẻ em sẽ có giá nhân công rẻ, trẻ em dễ phục tùng và khéo léo hơn người lớn trong một số công việc). Cung và cầu tác động lẫn nhau và cùng làm gia tăng mức độ nghiêm trọng của tình hình lao động trẻ em.
Thực tế trên thế giới và Việt Nam cho thấy, theo cách phân loại nào thì đói nghèo cũng là nguyên nhân hàng đầu của lao động trẻ em.
Ở Việt Nam, LĐTE có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân lớn nhất là do khó khăn về kinh tế. Khảo sát do nghiên cứu sinh thực hiện với 2 nhóm đối tượng là các cán bộ quản lý ở trung ương và cán bộ quản lý địa phương trên phạm vi các tỉnh Hà Nội, Lạng Sơn, Hòa Bình, Thừa Thiên, Đăk Lắc, Sóc Trăng, An Giang, Đồng Tháp; các bộ ngành: Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Trung
105
ương Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội, Học viện Hành chính Quốc gia, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Kết quả: 246/409 phiếu của các cán bộ địa phương (tỷ lệ 60,1) và 142/192 phiếu của cán bộ địa phương (74%) đều lựa chọn nguyên nhân dẫn đến LĐTE do đói nghèo, không có điều kiện đi học. Điều này cũng hoàn toàn đồng nhất với những phỏng vấn được thực hiện ở Hà Nội.
Nghiên cứu sinh đã tiến hành phỏng vấn một số trẻ em bán hàng rong ở Hà Nội, Lạng Sơn câu trả lời của các em đều do hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên phải đi kiếm sống. “Do nghèo không có tiền đi học nên phải đi bán hàng, chứ 1 ngày đi nhiều mỏi lắm”; (Ý kiến phỏng vấn một em gái 7 tuổi bán hàng rong ở Hà Nội).
Biểu đồ 3.2a: Nguyên nhân lao động trẻ em
(Nguồn: Khảo sát công chức, viên chức (CC, VC) quản lý ở địa phương - Phụ lục 2)
106
Biểu đồ 3.2b: Nguyên nhân lao động trẻ em
(Nguồn: Khảo sát sát công chức, viên chức (CC, VC) quản lý ở trung ương - Phụ lục 2) Nguyên nhân thứ hai là do sự thiếu quan tâm của gia đình. Nhiều trẻ em phải gánh chịu những hậu quả từ việc cha mẹ ly hôn, bỏ mặc con cái dẫn đến trẻ chán nản, bỏ nhà ra đi và phải tự lao động kiếm sống nuôi bản thân hoặc các em phải ở cùng ông bà và trở thành lao động chính trong gia đình. Ở độ tuổi mà đáng lẽ ra các em cần nhận được sự quan tâm chăm sóc của gia đình và xã hội để phát triển toàn diện thì lại trở thành trụ cột của gia đình hoặc phải tự bươn chải để kiếm tiền nuôi bản thân và gia đình. Đây chính là một trong những mầm mống dẫn đến hiện tượng trẻ em vi phạm pháp luật nếu như các em bị lợi dụng vào các hoạt động tội phạm.
Qua phỏng vấn của nghiên cứu sinh đối với các em làm các công việc như phục vụ trong quán ăn, trông giữ xe, có 5/12 em là do bố mẹ ly hôn, dẫn đến việc thờ ơ, bỏ mặc con cái.
Nguyên nhân thứ ba là về nhận thức, tâm lý. Cũng có nhiều em lại mong muốn đi làm để giúp đỡ bố mẹ. Do bố hoặc mẹ mất hoặc bỏ đi, ốm đau bệnh tật, các em phải tự nguyện bỏ học để đi làm đỡ đần gia đình.
Trường hợp này các em chấp nhận làm việc nhiều giờ; làm các công việc vốn giành cho người lớn; làm các việc độc hại nguy hiểm để kiếm thật nhiều tiền. Do còn non nớt và thiếu kinh nghiệm, sức khỏe và sự dẻo dai hạn chế, các em dễ bị tổn thương và gặp nhiều rủi ro về thể chất hơn người lớn; nhất là khi làm cường độ cao. Trẻ em không còn thời gian học tập, vui chơi, giải
107
trí, nguy cơ bỏ học cao, thiếu tự tin, khó hòa nhập xã hội. Kết quả khảo sát cho thấy, theo các cán bộ quản lý ở địa phương và trung ương, tỷ lệ trẻ em mong muốn giúp đỡ gia đình khá cao, lần lượt là 48,7% và 46,4. Mặc dù xuất phát từ việc tự nguyện muốn giúp gia đình chứ không phải bị ép buộc, thì gốc rễ của vấn đề cũng do hoàn cảnh kinh tế quá khó khăn.
Nghiên cứu sinh phỏng vấn em Bình, năm nay 17 tuổi, nhưng đã làm trông xe ở bãi giữ xe trên đường Nguyễn Thị Thập – Hà Nội được gần 2 năm, mỗi tháng em gửi 1,5 triệu đồng cho bà ngoại và em gái.
Trình độ hạn chế, thiếu hiểu biết xã hội nên các bậc cha mẹ chưa nhận thức hết ảnh hưởng của tham gia lao động sớm tới sức khỏe, học tập và sự phát triển của trẻ em cũng có tác động không nhỏ tới tình trạng LĐTE. Bên cạnh đó, cũng có rất nhiều cha mẹ cho rằng trẻ em cần phải làm việc sớm để “nên người’ và đóng góp vào kinh tế gia đình. Điều này thường xảy ra ở các làng nghề truyền thống, một số bậc cha mẹ muốn truyền nghề cho con từ nhỏ nên để trẻ em làm quen dần với nghề/công việc của gia đình. Quan điểm của một số cha mẹ cho rằng, để trẻ em tham gia lao động cùng gia đình cũng là giải pháp tốt để quản lý con cái, tránh để các em chơi bời lêu lổng, nhiễm những thói hư, tật xấu, tệ nạn xã hội. Mặt khác, họ cũng cho rằng, tham gia lao động sẽ giúp trẻ hiểu được giá trị lao động, rèn luyện ý thức, thói quen chăm chỉ lao động, chuẩn bị cho tương lai sau này [8].
Theo lời chủ một doanh nghiệp tại một làng nghề: “là làng nghề nên đa phần hộ nào cũng làm nghề, người có vốn, có điều kiện thì mở xưởng to, người không có điều kiện thì nhận làm gia công cho các hộ khác. Trong môi trường cả nhà làm, người lớn làm thì trẻ con cũng phải tham gia ít nhiều” [13]. Việc duy trì và phát triển nghề truyền thống của địa phương không những là kế sinh nhai mà còn để giữ truyền thống của tổ tiên. Mặc dù máy móc, phương tiện sản xuất đã được cải thiện, hiện đại hóa, nhưng tay nghề của người thợ vẫn là vấn đề quyết định chất lượng sản phẩm. Độ tuổi tốt nhất để đào tạo nghề khoảng 13- 15 tuổi [13].
108
Bên cạnh những nguyên nhân từ nội tại gia đình và trẻ em, còn có các nguyên nhân khác. Các nguyên nhân này xuất hiện và tác động đến tình hình lao động trẻ em với mức độ khác nhau trong các hoàn cảnh khác nhau.
Nguyên nhân thứ tư là do quá trình đô thị hóa. Đất nước ta đang trong thời kỳ phát triển công nghiệp hoá - hiện đại hoá, với nền kinh tế thị trường, quá trình đô thị hoá đã dẫn đến thực trạng là số trẻ em từ nông thôn, những vùng lân cận ra thành phố để kiếm sống khá đông và tạo ra một số lượng lớn trẻ em lang thang, cơ nhỡ, kiếm sống bằng nhiều nghề tự do và đã tạo ra một môi trường thuận lợi để các cá nhân có mục đích trục lợi từ lao động của trẻ em, vắt kiệt sức lao động của các em.
Nguyên nhân thứ năm là do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh. Việt Nam là một quốc gia thường xuyên chịu ảnh hưởng từ bão lũ, hạn hán do biến đối khí hậu trong những năm gần đây. Sau mỗi đợt thiên tai, nhiều gia đình rơi vào cảnh khốn cùng, đã đẩy trẻ em vào nguy cơ lao động. Đặc biệt hiện nay dưới tác động của dịch bệnh Covid – 19, ILO và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc ước tính khoảng 30.8 triệu người ở Việt Nam đã bị tác động tiêu cực bởi COVID-19 và 53.7 % người lao động phải đối mặt với việc giảm thu nhập [80]. Con số này ảnh hưởng không nhỏ tới trẻ em, đặc biệt trẻ em trong những gia đình nghèo.