6. Cấu trúc luận văn
2.1. Đặc điểm về từ chỉ thân phận người phụ nữ
2.1.1. Trên bình diện từ vựng
2.1.1.2. Từ chỉ giới tính thể hiện thân phận người phụ nữ
Thông thường từ chỉ giới tính đơn thuần chỉ là nam hay nữ mà thôi.
Nhưng trong ngôn ngữ nghệ thuật ca dao, tác giả dân gian đã sử dụng những từ nghệ thuật qua một số biện pháp tu từ để thể hiện giới tính trong ca dao. Ở đây, chúng tôi chỉ xét về giới tính nữ mang tính hàm ngôn.
Bảng 3: Từ chỉ giới tính nữ mang tính hàm ngôn chỉ thân phận người phụ nữ
STT Từ Tần số xuất hiện Tỉ lệ (%)
1 Cái bống 15 17,86%
2 Bến 13 15,48%
3 Phượng 12 14,29%
4 Mai 10 11,91%
5 Hoa sen 7 8,33%
6 Mây 5 5,95%
7 Hoa hồng 5 5,95%
8 Hoa đào 5 5,95%
9 Má hồng 4 4,76%
10 Hoa nhài 4 4,76%
11 Má đào 2 2,38%
12 Hoa hường 2 2,38%
Tổng 84 100
Qua bảng thống kê trên, chúng tôi rút ra được một số nhận xét như sau:
Khi nói về thân phận người phụ nữ, đặc biệt là từ chỉ giới tính mang tính hàm ngôn. Thường xét trên hai phương diện ý thức về thân phận: ý thức thân phận thấp hèn, bé mọn; ý thức thân phận cao quý.
Trên phương diện ý thức thân phận thấp hèn, bé mọn, tác giả dân gian sử dụng từ ngữ như “bến”, “cái bống”. Hình ảnh “bến” xuất hiện 13 lần (15,48%), đặt trong điểm nhìn phát ngôn của người phụ nữ, chúng ta thấy thân phận của người phụ nữ hiện lên:
- Thuyền ơi có nhớ bến chăng
Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền. [TH496, tr.2093]
- Thuyền đi để bến đợi chờ Tình đi nghĩa ở bao giờ quên nhau
Chẳng nên tình trước nghĩa sau
Bến này dãi bóng trăng thâu đợi thuyền. [TH481, tr.2090]
“Bến” thể hiện sự cố định, thân phận của người phụ nữ cũng bị bó buộc bởi chế độ phong kiến như vậy. Họ không thể di chuyển, vào nam ra bắc, ngang dọc bốn phương như thuyền (người đàn ông), họ chỉ biết đứng yên một chỗ mà thôi. Ở đây “bến” còn thể hiện lòng thủy chung, sắt son một lòng của người phụ nữ trong tình yêu. Quả đúng là, trong thân có phận, trong ý thức thân phận thấp hèn lại đồng hiện giá trị cao quý của người phụ nữ.
Nhưng để thể hiện thân phận thấp hèn, bé mọn đa phần từ “cái bống”
được sử dụng nhiều hơn cả, với tần số xuất hiện (15 lần), chiếm 17,86% trong tổ số từ chỉ giới tính. “Cái bống”, xét theo nghĩa thực ở đây “bống” là loài cá
nước ngọt, thân tròn dài, mắt bé và ở sát nhau, hàm dưới nhô ra [28, tr.136].
Đây là loại cá có thân hình bé nhỏ và khi kết hợp với danh từ chỉ loại tạo nên tính đơn lẻ, nhỏ bé của sự vật. Trong những bài ca dao “cái bống” gắn liền với thân phận nhỏ bé của người phụ nữ trong xã hội xưa:
Cái bống cõng chồng đi chơi
Đi đến chỗ lội đánh rơi mất chồng. [C54, tr.323].
Ở đây, “cái bống” chỉ người phụ nữ nhỏ bé tội nghiệp, lại đi kèm với việc lấy chồng sớm (nạn tảo hôn trong xã hội xưa). Nó phản ánh thân phận cùng cực trăm đường của người phụ nữ.
Trên phương diện ý thức thân phận cao quý thì lượng từ dùng đa dạng hơn. Ví như khi sử dụng những từ về các loại hoa như: hoa sen (8,33%), hoa đào, hoa hồng (cùng chiếm 5,95%), hoa nhài (4,76%), hoa hường (2,38%):
- Hoa hồng trông thật mỹ miều
Khoe hương buổi sáng buổi chiều còn đâu. [H119, tr.1093]
- Em như cái búp hoa hồng
Anh giơ tay muốn bẻ về bồng nâng niu. [E170, tr.965]
Bên cạnh, sử dụng những từ ngữ về loài hoa để hàm ẩn cho thân phận người phụ nữ thì còn có các từ như: phượng (14,29%), mai (11,91%), mây (5,95%), má hồng (4,76%), má đào (2,38%):
Em đây là gái má đào
Hỏi anh đã có chốn nào hay chưa. [E52, tr.935]
Đặc biệt, khi nói về thân phận cao quý, hình ảnh “chim phượng” được sử dụng nhiều nhất, với tần số xuất hiện là 12 lần, chiếm 14,29 (%). Chim phượng, hay còn gọi là chim phượng hoàng là “loài chim tưởng tượng có hình thù giống chim trĩ, được gọi là chúa của loài chim” [28, tr.1023]. Ở đây, khi ý thức mình là “chim phượng”, người phụ nữ đã khẳng định giá trị cao quý của mình:
Phượng hoàng vỗ cánh bay cao
Quyết tìm cho thấy được cây ngô đồng. [PH107, tr.1737]
Cách dùng từ như vậy để thể hiện cho những giá trị của người phụ nữ trong xã hội. Người phụ nữ dẫu thân phận có thấp hèn, dẫu có bé mọn nhưng họ vẫn mang những vẻ đẹp cao quý mà tạo hóa ban tặng.
Qua đây, chúng ta phần nào thấy được khi sử dụng từ ngữ chỉ giới tính mang tính hàm ngôn chỉ thân phận người phụ nữ thiên về ý thức thân phận cao quý, (66,66%). Nếu như từ xưng hô chỉ thân phận người phụ nữ với ý thức thân phận thấp hèn bao nhiêu, thì từ ngữ chỉ giới tính lại khẳng định giá trị của người phụ nữ bấy nhiêu.