Biểu đạt ý thức thân phận thấp hèn, bé mọn của người phụ nữ

Một phần của tài liệu Từ ngữ chỉ thân phận người phụ nữ trong ca dao người việt (Trang 48 - 54)

6. Cấu trúc luận văn

3.1. Biểu đạt ý thức thân phận thấp hèn, bé mọn của người phụ nữ

Từ khi sinh ra người con gái đã mang tiếng “nữ sinh ngoại tộc” nghĩa là con sinh ra là gái thì kể như đặt ngoài dòng họ. Chính vì thế, thân là phận nữ nhi, lại cực khổ trăm bề:

Mặt trời đã xế ngang đầu Em còn ở lại làm giàu cho cha.

Người con gái vất vả làm lụng trong gia đình, nhưng đến khi chia phần thì đáng là bao. Vì quan niệm “trọng nam khi nữ”, coi trọng con trai hơn con gái, thế cho nên người con gái mới thở than:

Tua rua đã đứng ngang đầu Em còn ở mãi làm giàu cho cha

Giàu thời chia bảy chia ba Phận em là gái được là bao nhiêu.

Đã đành cam phận làm thân con gái, vất vả vì gia đình mình nghĩ cũng đặng. Thế nhưng mẹ cha lại “tham công tiếc việc” để người con gái đến nỗi phải “quá lứa lỡ thì”:

Mẹ em tham việc tiếc công

Cầm duyên em lại, tiết thu đông muộn màng.

Không chỉ “quá lứa lỡ thì”, mà ai oán thay người phụ nữ không có quyền lựa chọn tình yêu cho mình. Tất cả đều do cha mẹ sắp đặt từ khi sinh ra cho đến khi cất bước theo chồng:

Thân em mười sáu tuổi đầu Cha mẹ ép gả làm dâu nhà người

Người con gái tuổi mới còn thơ, cái gánh nặng gia đình chưa kịp trút bỏ đã phải gánh thêm công việc bên nhà chồng. Nào ai biết nỗi sầu “trăm tơ nghìn mối” ấy, đắng cay xé lòng:

Mẹ mong gả thiếp về giồng

Thiếp thân phận thiếp gánh gồng chẳng kham.

Người con gái than thân trách phận, chưa thể gánh vác được việc gia đình, đang tâm lại bắt làm dâu nhà người thế này thật là bi đát. Việc xưng

“thiếp” lại càng làm tăng thêm giá trị biểu đạt của thân phận làm dâu bao trái ngang của người phụ nữ.

Đặc biệt làm dâu nơi xứ người, bơ vơ một mình không biết nương tựa vào đâu. Đang tuổi ăn, tuổi lớn trong gia đình, cất bước về nhà chồng, người con gái cảm thấy nhớ nhà, tủi phận:

Thiếp than phận thiếp còn thơ Lấy chồng xa xứ bơ vơ một mình.

Con gái mà lấy chồng xa coi như vĩnh viễn rời xa quê mẹ. Vì rằng công việc nặng nhọc phải gánh vác bên nhà chồng. Và khi duyên phận là do số phận an bài, số phận bắt sao thì mình phải chịu vậy. Do đó, nếu có gặp số phận hẩm hiu thì chỉ còn biết cắn răng cam phận mà thôi.

Chính vì việc ép gả duyên con sớm những bậc sinh thành đã khiến con gái mình trở thành nạn nhân của tục lệ tảo hôn. Và người con gái than trách duyên kia mới bẽ bàng:

Em còn bé dại ngây thơ

Thầy mẹ ép uổng những ngày còn thơ.

Lênh đênh giữa vời, người con gái không biết nương tựa vào đâu. Ngay cả khi sống trong gia đình mình mà thân phận họ đã cùng quẫn, đã xót đau

như vậy, thì không biết xã hội đối với người phụ nữ ra sao. Thiết nghĩ, cái

“trăm tơ nghìn mỗi” sầu bi trong gia đình người phụ nữ gỡ ra chưa xong, thì

“trăm nghìn vạn mớ” đắng cay của xã hội dành cho họ lại thêm bội phần.

3.1.2. Thân phận thấp hèn, bé mọn khi làm dâu

Nói đến làm dâu đó là số kiếp không thể chối bỏ của người phụ nữ.

Việc ý thức thân phận thấp hèn, bé mọn khi làm dâu được nhìn nhận trên hai phương diện: việc làm dâu ép buộc và thân phận tủi cực với gia đình chồng.

Trước hết, đó là việc làm dâu ép buộc, người phụ nữ không có quyền lựa chọn số phận của mình. Ngày xưa, việc dựng vợ gả chồng cho con cái đều do sự quyết định của cha mẹ. Với quan niệm “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”

con cái chỉ biết vâng lời, và càng biết vâng lời thì càng được khen là con có hiếu. Vẫn biết cha mẹ nào cũng thương con, cũng muốn cho tương lai con gái mình được sung sướng, nhưng điều đáng tiếc là quan niệm về tình yêu, về hôn nhân, về hạnh phúc của hai thế hệ già và trẻ thường không được “ăn ý” với nhau. Vì thế, đã có nhiều trường hợp cha mẹ vô tình giết chết tương lai của con gái. Người con gái có mười hai bến nước, nào “ai biết bến mô trong bến mô đục mà gửi thân”, huống chi là ép gả duyên như thế này. Để rồi tiếng than lại rối bời, thảm thiết:

Mẹ em tham gạo tham gà Bắt em để bán cho nhà cao sang.

Chính vì làm dâu bị ép buộc mà có đôi lúc người phụ nữ lên tiếng quyết liệt. Họ đã nghĩ đến việc quên sinh để giải thoát cho bản thân mình:

Em lấy chồng không cân đôi chi cả Nỏ vừa đôi chi cả

Trách lòng thầy mẹ gả bán em ra ri

Em về lấy con dao vàng tự vẫn sống làm chi để cho bạn cười.

Làm dâu cực khổ là như vậy, nhưng có mấy ai là không làm dâu. Đó là nhiệm vụ là số mệnh không thể làm khác. Việc làm dâu ép buộc đã khiến người phụ nữ đớn đau như vậy. Khi về nhà chồng, họ lại trăm đường khổ cực. Đó là sự quản thúc của cha mẹ chồng đối với phận làm dâu:

Em về làm dâu ba với má, giả như giá nọ làm dưa Ba bốn năm trời, ba với má còn bó buộc đi thưa về trình.

Không những thế, từ khi chân dẫn bước vào nhà chồng, mang kiếp làm dâu, người phụ nữ phải nếm trải biết bao đắng cay. Họ làm việc lam lũ, cùng cực cho nhà chồng, đến nỗi không sắm sửa được gì cho mình:

Ngày xưa em ở với thầy mẹ, em bận cái áo ướm mang rồng

Nay chừ em ra lấy chồng, em bận cái áo rách toạc đằng trước, rách toạc đằng sau.

Đặc biệt, thân phận tủi cực với nhà chồng càng thể hiện rõ trong mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu. Người xưa đã nói “Mẹ chồng nàng dâu / Chúa nhà người ở, khen nhau bao giờ”. Và ý thức được thân phận “người ở” của mình người phụ nữ lại thêm phần xót xa:

Đêm nằm tôi nghĩ tôi rầu Làm dâu thật khổ từ đầu chí đuôi

Ra thân tối mặt vùi đầu

Các chị sung sướng riêng dâu mẹ hành.

Xưa nay, mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu có bao giờ tốt đẹp. Người phụ nữ tủi khổ cho thân phận làm dâu của mình, buồn cho số kiếp “ba chìm bảy nổi chín lênh đênh”, biết bao là sương gió đoạn trường. Trong chế độ cũ, người mẹ chồng xưa kia thường là “nỗi kinh hoàng” của những nàng dâu vì xã hội phong kiến với những quan niệm hôn nhân gả bán cho phép người ta

“mua” vợ cho con khác nào mua người làm không công, trả cái nợ đồng lần mà chính người mẹ chồng trước đây phải gánh chịu.

Làm dâu là vậy, cùng cực đủ đường nhưng người phụ nữ vẫn cam tâm tình nguyện. Vì đó là thân phận của họ, thân phận mà duyên mệnh số trời đã bày sẵn. Chính những từ ngữ chỉ thân phận người phụ nữ, cụ thể là cụm từ

“làm dâu” đã phần nào khắc họa thân phận làm dâu, thân phận đọa đày của người phụ nữ.

3.1.3. Thân phận thấp hèn, bé mọn khi làm vợ, làm lẽ

Người phụ nữ trong xã hội xưa luôn bị đè nén trong các quan niệm, hủ tục lạc hậu và hà khắc của chính quyền phong kiến. Chính xã hội ấy, đã khiến cho số phận của họ thêm long đong, lận đận, không thể định đoạt được số phận của mình. Thân phận người phụ nữ điển hình cho nỗi thống khổ của con người dưới chế độ phong kiến. Nỗi thống khổ ấy, là một cuộc hành trình xuyên suốt kể từ khi thân làm con trong gia đình, lấy chồng làm dâu và bây giờ là thân phận làm vợ, làm lẽ. Người phụ nữ tự nhìn về mình, nghĩa là họ tâm tình, thổ lộ với mọi người về bản thân họ, về cuộc đời ai oán chốn trần gian.

Khi làm vợ, người phụ nữ ý thức được thân phận “xuất giá tòng phu”

của mình:

Chữ rằng chi tử vu quy

Làm thân con gái phải đi theo chồng.

Hay nhất nhất phục tùng theo lời nói của chồng vì đó là quan niệm:

Con cuốc kêu khắc khoải mùa hè Làm thân con gái phải nghe lời chồng.

Người phụ nữ với thân phận thấp hèn, bé mọn ấy, tiếng nói của họ trong xã hội xưa không có trọng lượng, và đối với chồng lại tuyệt nhiên không. Vì một khi phàm là phận nữ nhi thì chỉ lo “nữ công gia chánh” còn tất cả quyền quyết định là người đàn ông trong gia đình.

Cuộc đời sao lắm truân chuyên, khi thân làm vợ thấp hèn là thế, bé mọn là thế, nên người phụ nữ không được hưởng hạnh phúc trọn vẹn. Với quan niệm xưa “trai năm thê bảy thiếp”, “gái chính chuyên chỉ có một chồng”, người phụ nữ trăm đường cùng cực. Có những người lâm vào cảnh “làm lẽ”, kiếp chịu chồng chung:

Thân em đi lấy chồng chung Khác nào như cái bung xung chịu đòn.

Khi làm vợ đã mang thân phận thấp cổ bé họng, thì đến khi làm lẽ nào đâu mong được cuộc sống an nhàn. Đó là thân phận khổ cực hơn những đứa đi ở:

Thân em làm lẽ chẳng nề Có như chính thất mà lê giữa giường

Tối tối chị giữ mất chồng

Cho em manh chiếu nằm suông nhà ngoài Sáng sáng chị gọi: Ớ Hai!

Bấy giờ trở dậy thái khoai đâm bèo Vì chưng bác mẹ tôi nghèo Cho nên tôi phải đâm bèo thái khoai.

Thân phận làm lẽ như thân phận hẩm hiu của kẻ tôi đòi, cực khổ trăm bề. Người ta thường nói “làm lẽ ăn bát mẻ, nằm chiếu manh”, và thân phận của người làm lẽ mọn ngày xưa ra sao, tủi nhục như thế nào, chắc chắn không ai là không hay biết. Thế nhưng, từ đời này sang đời khác, vẫn có những con thiêu thân sẵn sàng lao đầu vào ngọn lửa. Tại sao? Cũng có nhiều lí do để giải thích, một trong số đó là vì nhà nghèo, vì gán nợ, vì chữ hiếu nên cô gái phải cam phận kiếp sống hẩm hiu.

Đau khổ đến tột cùng, tủi phận đến tột độ, nhưng người phụ nữ không biết làm gì hơn, vì số phận đã an bài như vậy. Nhưng chính vì đau khổ và tủi

phận như thế, mà trong thời kì trung đại Hồ Xuân Hương đã lên tiếng bênh vực cho những người phụ nữ mang thân phận “làm lẽ”:

Chém cha cái kiếp chịu chồng chung Kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng.

Nhưng tất cả chỉ là những tiếng kêu mà chưa thấu tận trời xanh. Bởi một lẽ, xã hội phong kiến kia đâu có tình thương đối với những người phụ nữ.

Thân phận người phụ nữ bị chà đạp, không được trân trọng thật cay đắng, tủi hờn biết bao. Chính cụm từ “làm lẽ” đã cụ thể khái quát cho thân phận lâm li bi đát của người phụ nữ. Đó là thân phận mười phần thì có chín phần phải ngậm bồ hòn đắng cay, thân phận xót xa cho số kiếp “hồng nhan vô duyên bạc phận”.

Một phần của tài liệu Từ ngữ chỉ thân phận người phụ nữ trong ca dao người việt (Trang 48 - 54)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(72 trang)