6. Cấu trúc luận văn
3.2. Biểu đạt ý thức về vẻ đẹp của người phụ nữ
Trong ca dao khi nói về thân phận người phụ nữ, đa phần người phụ nữ ý thức được thân phận bé mọn của mình, nhưng bên cạnh đó họ vẫn ý thức được vẻ đẹp của chính bản thân mình. Đó là ý thức về vẻ đẹp ngoại hình:
- Thân em như chim phượng hoàng Khi bay qua bể, khi đậu ngàn sơn lâm.
- Thân em như thể chuông vàng
Ở trong thành nội có một ngàn quân lính hầu.
Quả thật, người phụ nữ mang vẻ đẹp cao quý lắm thay:
Thân em như cá hóa long Chín tầng mây phủ, ở trong da trời.
Nếu như người phụ nữ ý thức về vẻ đẹp của mình mang tính chủ quan.
Thì qua cái nhìn, sự đánh giá dưới con mắt của nam giới, nó khách quan hơn.
Đó là cái nhìn trân trọng về vẻ đẹp của người phụ nữ. Người phụ nữ với vẻ đẹp đài các, sang trọng, đáng được nâng niu chiều chuộng:
Em như cái búp hoa hồng
Anh giơ tay muốn bẻ về bồng nâng niu.
Em đẹp, thơm tho, ngát hương quý phái như cây quế, mà anh chỉ là khách đi qua khát khao được tiếp cận, chiêm ngưỡng:
Em như cây quế trong nhà
Anh như người khách đi qua ngoài đường.
Em dịu dàng, thướt tha, mặn mà như tấm lụa đào mà anh muốn biết em đã có tình với ai chưa để anh cùng em chung tình:
Thân em như tấm lụa đào
Còn nguyên hay đã xé vuông nào cho ai?
Em đẹp đẽ sang trọng như trăng rằm, dù cuộc đời có trắc trở thì đối với anh, em vẫn là niềm khao khát được kết duyên:
Thân em như thể trăng rằm Mây đen có phủ khôn lầm giá trong
Duyên kia đứt mối chỉ hồng Để anh nối lại thỏa lòng ước mơ.
Rõ ràng người phụ nữ được nam giới đánh giá rất cao, họ khát khao vẻ đẹp trong sáng, thơm tho, thướt tha, dịu dàng của người con gái.
Trong ý thức về vẻ đẹp ngoại hình của người phụ nữ, mặc dù ý thức khẳng định vẻ đẹp cao quý là thế nhưng trong đó vẫn mang âm hưởng buồn.
Hay nói đúng hơn đó là dự cảm về kiếp “hồng nhan bạc phận”. Theo Hoàng Phê “hồng nhan” là chỉ “gương mặt có đôi má hồng, dùng để chỉ người con gái đẹp” [28, tr.596]. Nhưng xưa nay hồng nhan thường đi kèm với bạc phận.
Đó chính là, thân phận người con gái thường mỏng manh, không ra gì theo
quan niệm cũ. Chính vì thế, người phụ nữ càng đẹp bao nhiêu thì cuộc đời càng éo le, nghiệt ngã bấy nhiêu:
Trách hồng nhan vô duyên bạc mệnh Duyên nợ gần sao không đặng xứng đôi.
Dù có trách thân, trách phận nhưng cái “kiếp hồng nhan”, “phận má đào” xưa nay vẫn thế, vẫn mang trong mình nỗi khổ cực tột cùng của số phận.
Và cũng chính vẻ đẹp ấy, đã đẩy những người phụ nữ vào số kiếp đoạn trường:
Thân em như tấm lụa đào Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai.
“Tấm lụa đào” mang vẻ đẹp kiêu sa, nhưng cũng chỉ là tấm thân mang bán phố phường. Người phụ nữ như món hàng vui thì thử làm chơi, buồn thì vứt xó để lâu trong nhà mà thôi. Và rồi số phận của họ không biết nương tựa vào ai, mỏng manh như chính thân phận của người con gái đang độ xuân xanh.
Những từ ngữ chỉ thân phận người phụ nữ, thể hiện vẻ đẹp ngoại hình vốn có của bản thân họ. Đó là vẻ đẹp của tạo hóa ban cho người phụ nữ, vẻ đẹp trắng trong, mộc mạc và thanh tao vô cùng.
3.2.2. Ý thức về vẻ đẹp tâm hồn đạo đức
Cuộc đời người phụ nữ bất hạnh là thế, ai oán là vậy “Đớn đau thay phận đàn bà / Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung”. Thế nhưng vượt lên số phận ấy, người phụ nữ vẫn sống, sống với đúng bản chất của mình trong ý thức tâm hồn cao quý.
Đó là những con người cam chịu cho số phận:
Đi đâu cho thiếp đi cùng
Đói no thiếp chịu, lạnh lùng thiếp cam.
Sự nhún nhường trong tư thế của một người vợ, cam tâm tình nguyện vì số kiếp tại trời. Họ không thể làm gì để thay đổi số phận, chỉ biết phục tùng và làm theo những gì gọi là duyên phận.
Người phụ nữ hi sinh tình duyên vì mẹ già, em thơ:
Em không lấy chồng thì thua chúng kém bạn Em ra lấy chồng thì không đành đoạn với anh Em cũng muốn lấy chồng kịp lúc xuân xanh Vì mẹ già em dại, nên em đành ở ri.
Người phụ nữ vất vả, tảo tần chăm sóc chồng con, thậm chí hi sinh cho chồng, cho con:
- Vì chàng thiếp phải bắt cua
Những như mình thiếp thì mua mấy đồng.
- Vì chàng thiếp phải ngủ ngồi Nghĩ như thân thiếp tìm nơi mà nằm.
- Có con phải khổ vì con
Có chồng phải ngậm bồ hòn đắng cay.
Từ ngày cất bước theo chồng, người đàn bà phải đón nhận nhiệm vụ làm vợ, rồi thiên chức làm mẹ. Có con người mẹ phải khổ vì con, khổ vì mang nặng đẻ đau, lại chắt chiu nuôi đàn con khôn lớn. Công việc nhọc nhằn đó, người mẹ phải dành trọn cả cuộc đời, chứ không phải một ngày một bữa. Có chồng cũng khổ vì chồng, vì người đàn bà phải tề gia nội trợ, quán xuyến tất cả những việc trong ngoài của nhà chồng. Nếu gặp người chồng hư thân mất nết, cờ bạc rượi chè lại vũ phu, nay đánh mai chửi, thì nỗi khổ lại thêm chồng chất. Phần đa người phụ nữ đều gặp nỗi bất hạnh về đường chồng con, nhất là trong buổi “chồng chúa vợ tôi”. Thế nhưng là một người vợ, một người mẹ,
người phụ nữ suốt đời gắn kết với trăm ngàn nỗi lo. Họ lo cho chồng, cho con từng bữa ăn trong cuộc sống, lo cho mái ấm gia đình luôn được hạnh phúc vẹn toàn, còn bản thân thì không hề quan tâm. Đó là sự hi sinh cao cả của người phụ nữ trong xã hội xưa.
Người phụ nữ Việt Nam thật đáng yêu, không phải họ chỉ đẹp bằng hình ảnh khăn nhung mỏ quạ của xứ kinh kì, bằng chiếc nón lá rất Huế hay bằng một chiếc áo bà ba dịu dàng Nam bộ mà họ còn đẹp về tâm hồn và phẩm hạnh. Quả thật họ như bông sen mọc giữa đầm lầy, đậm sắc và ngát hương.
Có thể nói, người phụ nữ với số phận tủi hờn, cuộc đời đầy cay đắng, hẩm hiu, bạc bẽo.Thế nhưng, đôi lúc người phụ nữ cũng phải gồng mình nén nỗi đau, ý thức vươn lên số phận, thể hiện sự lạc quan bên ngoài mà trong lòng chứa nặng những ưu tư. Và họ đã thể hiện mình là những người phụ nữ thủy chung, sắt son một lòng với người mình yêu thương:
Thuyền dời bến nào có dời
Khăng khăng một lời quân tử nhất ngôn.
Dẫu trải qua bao giông tố cuộc đời, số kiếp có bạc bẽo đến đâu thì nguời phụ nữ vẫn vẹn toàn đức hạnh:
Thân em như cây quế trên non Trăm năm khô rụi vỏ còn dính cây.
Vẻ đẹp của người phụ nữ như một hằng số, bất biến ngàn đời. Đó là sự nhẫn nại, cam chịu, là sựu thủy chung son sắt. Dù bao đau khổ bất hạnh vẫn không thể vùi lấp được những vẻ đẹp đó. Nó như những viên ngọc thô mà thời gian, những bất hạnh khổ đau là chất xúc tác mài giũa, càng ngày càng tỏa sáng lấp lánh.