Trong công tác thăm dò và tính trữ lượng khoáng sản rắn, để khoanh nối thân quặng công nghiệp, hoặc các khối quặng công nghiệp cần phải dựa vào yêu cầu về chỉ tiêu đối với chất lượng nguyên liệu khoáng và các yêu cầu về kỹ thuật khai thác mỏ, tức là phải dựa vào các chỉ tiêu công nghiệp. Thân quặng công nghiệp là một khái niệm về kinh tế - địa chất.
Trong đó có hàng loạt vấn đề người kỹ sư địa chất không thể tự giải quyết được, mà phải có sự tham gia của các kỹ sư khai thác mỏ, các nhà công nghệ và các nhà kinh tế mỏ.
Theo định nghĩa của các nhà khoa học Liên Xô (cũ), chỉ tiêu tính trữ lượng là tổ hợp các yêu cầu công nghiệp cần được luận giải về mặt kinh tế đối với chất lượng, số lượng, các thông số địa chất mỏ và điều kiện môi trường. Các chỉ tiêu đó được xác định theo phương án tối ưu để khoanh nối thân quặng công nghiệp và phương pháp tối ưu hóa trong khai thác mỏ.
Chỉ tiêu công nghiệp là luận cứ khoa học, là cơ sở pháp lý để nhà địa chất có cơ sở khoanh nối thân quặng, đánh giá chất lượng và tính trữ lượng khoáng sản đồng thời là cơ sở để đánh giá giá trị kinh tế mỏ. Công việc hết sức khó khăn và phức tạp đối với các nhà địa chất là sau mỗi giai đoạn thăm dò cần phải xác định các chỉ tiêu tính trữ lượng.
Xác lập các chỉ tiêu tính trữ lượng hay chỉ tiêu công nghiệp mỏ là thành lập các luận cứ kinh tế - kỹ thuật về các chỉ tiêu công nghiệp. Đây là công việc khó khăn, bởi lẽ:
- Các tích tụ khoáng sản trong tự nhiên thường không trùng với thể địa chất công nghiệp. Như vậy, để chuyển đổi thông số địa chất thân quặng tự nhiên thành thông số địa chất công nghiệp cần phải xác lập mối quan hệ giữa các thông số địa chất công nghiệp với các thông số kinh tế - kỹ thuật.
- Đối với từng mỏ khoáng sản; đặc biệt các mỏ tổng hợp, tùy thuộc khả năng sử dụng, công nghệ khai thác, chế tuyển… được chọn để khai thác có thể có nhiều chỉ tiêu khác nhau.
Do đó khi nghiên cứu xác lập chỉ tiêu tính trữ lượng, không thể tiến hành nghiên cứu đồng thời các chỉ tiêu mà về nguyên tắc chúng phải tiến hành nghiên cứu đồng thời các chỉ tiêu trong một phương án khai thác, chế tuyển tối ưu.
Hiện nay, quan niệm về chỉ tiêu công nghiệp chưa thống nhất và phương pháp xác định chúng cũng chưa hoàn thiện. Nhiều vấn đề về quan điểm và phương pháp luận chưa
158 thống nhất, cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung và từng bước hoàn thiện. Nhìn chung trong quá trình xác lập chỉ tiêu tính trữ lượng luôn phải tìm kiếm, xác định các thông số kinh tế - kỹ thuật khai thác mỏ, gồm: phương pháp khai thác, sản lượng khai thác, giá thành khai thác, độ tổn thất và nghèo quặng trong khai thác, công nghệ tuyển luyện, chất lượng tinh quặng, độ thu hồi, giá thành, giá bán sản phẩm của nguyên liệu khoáng. Trong điều kiện nước ta hiện nay, những vấn đề trên thường khó xác định. Vì vậy, việc xác định các chỉ tiêu tính trữ lượng khoáng sản chỉ là gần đúng, do đó cần tiếp tục chính xác trong các giai đoạn thăm dò và khai thác mỏ.
Ví dụ: Về mặt kỹ thuật có thể khai thác được các thân quặng dày 0,05 - 0,1m, song vấn đề quan trọng là làm thế nào để khai thác các thân quặng có chiều dày mỏng nhưng khai thác phải bảo đảm có lợi về mặt kinh tế. Do đó, để khoanh nối các thân quặng công nghiệp và đánh giá giá trị của chúng, người ta phải dựa vào hàng loạt chỉ tiêu được xây dựng trên cơ sở tính toán kinh tế - kỹ thuật. Mặt khác, các chỉ tiêu công nghiệp là những thông số động, chúng luôn biến đổi phụ thuộc vào điều kiện kỹ thuật, công nghệ khai thác và nhu cầu của thị trường và các nguyên nhân khác. Do đó, giữa các chỉ tiêu công nghiệp có mối quan hệ và sự phụ thuộc lẫn nhau.
Sự phụ thuộc của giá thành khai thác vào quy mô khai thác, mức thu hồi thành phần có ích phụ thuộc vào hàm lượng của chúng trong quặng, sự nghèo hóa phụ thuộc độ dày và mức độ phức tạp cấu trúc nội bộ của thân quặng.
Chỉ tiêu công nghiệp sử dụng trong lập báo cáo thăm dò là chỉ tiêu tạm thời do chủ đầu tư xây dựng hoặc đề xuất và phải được cơ quan chức năng chấp nhận hoặc phê chuẩn. Ở nước ta, theo phân cấp thì các chỉ tiêu công nghiệp tạm thời do Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia phê duyệt (trừ khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường và than bùn là do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt) .
Việc xác định chính xác các chỉ tiêu tính trữ lượng trong thăm dò và nghiên cứu mỏ có ý nghĩa to lớn. Do đó, người ta thường phân thành các loại chỉ tiêu có liên quan với các giai đoạn thăm dò và khai thác mỏ.
- Chỉ tiêu tạm thời: ở giai đoạn thăm dò, chủ đầu tư (các tổ chức, cá nhân tiến hành công tác thăm dò mỏ khoáng sản) sẽ đề nghị hoặc xây dựng các chỉ tiêu tạm thời thông qua nghiên cứu tiền khả thi (hiện nay là dự án đầu tư xây dựng công trình mỏ) hoặc tham khảo các mỏ có điều kiện tương tự và được cơ quan chức năng xem xét phê duyệt hoặc chấp nhận. Sử dụng chỉ tiêu tạm thời cho phép khoanh nối thân quặng công nghiệp, tính toán trữ lượng, tài nguyên khoáng sản xác định và cho phép đánh giá sơ bộ giá trị mỏ, là cơ sở lập báo cáo đầu tư xây dựng công trình khai thác mỏ và thiết kế kỹ thuật thi công.
- Chỉ tiêu công nghiệp chính thức: chủ yếu do các cơ quan thiết kế lập thông qua nghiên cứu khả thi hay báo cáo đầu tư xây dựng công trình khai thác mỏ. Chỉ tiêu này được sử dụng để đánh giá công nghiệp mỏ, để tính trữ lượng khai thác, để thiết kế khai thác mỏ mới và thiết kế lại các xí nghiệp mỏ đang khai thác. Hiện nay, ở nước ta vấn đề xác định chỉ tiêu công nghiệp chính thức cho từng mỏ hầu như còn bỏ ngỏ.
- Chỉ tiêu khai thác (chỉ tiêu tác nghiệp): Do các tổ chức, cá nhân khai thác mỏ đang hoạt động xây dựng trong giai đoạn thăm dò khai thác và khi cần thiết có thể do các cơ quan chức năng xem xét phê duyệt. Các chỉ tiêu khai thác được xây dựng trên cơ sở các chỉ tiêu công nghiệp chính thức đã được Hội đồng Đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia hay cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Chỉ tiêu này được xây dựng nhằm chính xác hóa lại các chỉ tiêu đã được phê duyệt do có sự thay đổi diễn ra trong quá trình khai thác mỏ. Các chỉ tiêu khia thác được sử dụng để lập kế hoạch thường xuyên và đánh giá các khối khai thác hoặc các tầng khai thác riêng biệt theo số liệu lấy mẫu khai thác.
159 Các phương pháp xác định cho từng chỉ tiêu công nghiệp phải được thống nhất cho tất cả các giai đoạn thăm dò và nghiên cứu mỏ. Song, mức độ tính toán ở từng giai đoạn có thể khác nhau. Đối với các chỉ tiêu tạm thời có thể sử dụng phương pháp tương tự hay phương pháp xây dựng đường cong thực nghiệm. Khi xác định chỉ tiêu chính thức phải dùng phương pháp tính trực tiếp, trong giai đoạn này việc đánh giá công nghiệp chung của mỏ là hết sức quan trọng, là cơ sở quyết định các vấn đề có liên quan đến việc lựa chọn quy mô khai thác, vốn đầu tư, thời hạn khai thác mỏ và thời gian hoàn vốn đầu tư xây dựng cơ bản. Các chỉ tiêu công nghiệp chủ yếu được xây dựng theo các giá trị trung bình để đánh giá mỏ; nhưng trong thực tế, quá trình khai thác ở từng khu và từng tầng khai thác thường xảy ra sự sai khác so với giá trị trung bình toàn mỏ, do đó cần xác định rõ chỉ tiêu đối với từng khu và từng tầng khai thác. Vì vậy, chỉ tiêu khai thác cần được tính theo phương pháp trực tiếp và phải tính theo số liệu mới nhất về địa chất mỏ ở khu vực đánh giá hay từng tầng khai thác và dựa vào các chỉ số kinh tế như giá thành khai thác, giá vận chuyển tại thời điểm đánh giá. Thông thường, trong thời gian khoảng 5 năm, người ta tiến hành tính toán lại chỉ tiêu khai thác để phù hợp với thực tế khai thác mỏ.
7.1.2. Một số quan điểm về xây dựng chỉ tiêu tính trữ lượng khoáng sản a. Quan điểm của Liên Xô (cũ) và một số nước Đông Âu
Theo Liên Xô (cũ) và một số nước Đông Âu trước đây, thì chỉ tiêu tính trữ lượng được tính toán cho từng mỏ hoặc khu mỏ tương ứng với kết quả của từng thăm dò. Ở Liên Xô trước đây và Liên Bang Nga hiện nay, sau mỗi giai đoạn thăm dò bắt buộc phải tiến hành đánh giá kinh tế địa chất và dựa trên kết quả đánh giá đó để luận giải chỉ tiêu tính trữ lượng. Công tác đánh giá nhằm xác định chỉ tiêu tính trữ lượng được tiến hành theo trình tự sau:
- Dựa theo tài liệu thăm dò tiến hành khoanh nối thân quặng theo phương án hàm lượng biên khác nhau, thường chọn 3 đến 5 phương án, khoảng cách giữa các phương án liền kề nhau phải đủ điều kiện để xác định giá trị hợp lý của chỉ tiêu này. Như vậy, ứng với mỗi phương án hàm lượng biên cho phép xác định hàm lượng trung bình của thân quặng và chiều dày của thân quặng tại trong công trình thăm dò, chiều dày trung bình thân quặng, xác định hình thái, kích thước, cấu trúc của thân quặng và tính được trữ lượng/tài nguyên địa chất của quặng (kim loại hoặc oxyt kim loại…) theo từng phương án hàm lượng biên.
- Sau khi tính được trữ lượng địa chất và xác định sơ bộ các thông số địa chất khai thác, tiến hành tính toán kinh tế - kỹ thuật theo các phương án hàm lượng biên đã chọn. So sánh kết quả tính toán theo các phương án, phương án nào cho hiệu quả kinh tế cao nhất, đồng thời bảo đảm sử dụng hợp lý, tiết kiệm tài nguyên khoáng sản và bảo đảm môi trường tốt nhất sẽ được lựa chọn làm phương án để luận giải các chỉ tiêu tính trữ lượng.
- Luận giải chỉ tiêu tính trữ lượng: căn cứ vào kết quả ở bước trên, các chỉ tiêu tính trữ lượng sẽ được xác định căn cứ vào các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật của phương án đã được lựa chọn và tính trữ lượng chính thức trên cơ sở các chỉ tiêu tính trữ lượng đã được luận giải và lựa chọn.
Trong thực tế thăm dò và khai thác mỏ thì trữ lượng, cũng như các chỉ tiêu tính trữ lượng luôn phải được xem xét và chính xác hóa lại trong từng giai đoạn nhất định tùy thuộc vào sự thay đổi công nghệ khai thác, điều kiện kinh tế - kỹ thuật và giá trị sử dụng của từng nguyên liệu khoáng do có sự thay đổi so với thời điểm đánh giá.
b. Quan điểm của các nước có nền kinh tế thị trường
Trong điều kiện kinh tế thị trường, thông thường các chủ đầu tư chọn giải pháp chấp nhận rủi ro, hoặc là phải thăm dò để nghiên cứu khả thi (hoặc tiền khả thi). Trong trường hợp đó, các chỉ tiêu tính trữ lượng khoáng sản không thể thực hiện đúng do thiếu nhiều thông tin; đặc biệt các thông tin về kinh tế - kỹ thuật cần nghiên cứu xác lập thông qua công tác thăm dò.
160 Do vậy, trong quá trình thiết kế khai thác mỏ, để bảo đảm hiệu quả kinh tế cho nhà đầu tư và thu hồi khoáng sản trong lòng đất, chủ đầu tư thường xác định chỉ tiêu công nghiệp chính thức cho từng khối khai thác. Hàm lượng công nghiệp tối thiểu khi tính toán theo cách này sẽ có độ tin cậy hơn chỉ tiêu tạm thời. Bởi lẽ, trong khoản chi phí của đầu vào đòi hỏi phải tính đúng các khoản chi phí thực tế, bao gồm các loại thuế, lãi vay tín dụng, tiền đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, quản lý, các loại phí bảo vệ môi trường, thuế tài nguyên, tiền thuê đất và các dịch vụ khác…. Trong tính toán coi chỉ tiêu hàm lượng công nghiệp tối thiểu là chỉ tiêu quan trọng nhất, các chỉ tiêu khác được xem là chỉ tiêu phụ trợ và phân thành 3 nhóm:
- Nhóm chỉ tiêu công nghiệp phụ trợ về chất lượng và tính chất công nghệ của nguyên liệu khoáng.
- Các chỉ tiêu sử dụng khoanh nối thân quặng công nghiệp.
- Các chỉ tiêu công nghiệp về điều kiện khai thác mỏ.
Trong xác lập chỉ tiêu công nghiệp tạm thời, thì chỉ tiêu hàm lượng công nghiệp tối thiểu là chỉ tiêu bắt buộc và cần được tính toán trên cơ sở khoa học và theo tài liệu thực tế thu nhận được trong quá trình thăm dò và nghiên cứu khả thi về khai thác mỏ.
Ngoài ra theo quan điểm kinh tế thị trường, khi đánh giá giá trị của mỏ khoáng để định giá quá trình chuyển nhượng quyền sở hữu mỏ, một số nhà nghiên cứu đề nghị công thức xác định hàm lượng công nghiệp tối thiểu phải dựa trên cơ sở phân tích cân bằng thu chi của cả đời dự án.