PHÂN LOẠI NHÓM MỎ THEO QUAN ĐIỂM MÔI TRƯỜNG

Một phần của tài liệu Giáo trình phương pháp thăm dò mỏ (Trang 297 - 302)

Ảnh 12.5. Sạt lở moong khai thác vàng tại Na Rì - Bắc Kạn

12.4. PHÂN LOẠI NHÓM MỎ THEO QUAN ĐIỂM MÔI TRƯỜNG

Trên thế giới, nghiên cứu về địa chất môi trường nói chung, môi trường liên quan hoạt động khoáng sản nói riêng được hình thành và phát triển từ thập kỷ 70 của thế kỷ 20. Còn ở nước ta vấn đề này mới được ứng dụng và đưa vào giảng dạy trong các trường đại học... từ thập kỷ 90 của thế kỷ 20. Theo từ điển Địa chất Anh - Việt (NXB Bách Khoa, Hà Nội, 2001, trang 210), Địa chất Môi trường - ĐCMT (Environmental Geology) là lĩnh vực khoa học nghiên cứu mối quan hệ tương hỗ giữa con người với môi trường địa chất (MTĐC) như một bộ phận cấu thành môi trường sống của giới hữu sinh. ĐCMT vận dụng cơ sở lý thuyết và phương pháp luận cũng những tri thức của Địa chất học vào việc phát hiện, giải thích, đánh giá bản chất, quy luật hình thành tiến hóa của các hiện tượng và quá trình địa chất phát sinh, hoặc dự báo có thể phát sinh, do tác động qua lại giữa MTĐC với con người và những hoạt động nhân sinh; từ đó đề xuất các biện pháp để một mặt phòng ngừa, giảm thiểu các tác động tiêu cực, mặt khác tận dụng, phát huy những tác động tích cực từ cả hai phía nhằm bảo vệ, cải tạo, hoàn thiện và sử dụng tối ưu tài nguyên khoáng sản vào sự an ninh sinh thái và phát triển bền vững của xă hội loài người.

Xét trên khía cạnh ứng dụng, địa chất môi trường có thể được định nghĩa rộng hơn là một lĩnh vực nghiên cứu của Khoa học trái đất đi sâu vào nghiên cứu toàn bộ dải phổ tương tác của con người với môi trường. Trên phương diện này, thì địa chất môi trường là một lĩnh vực khoa học môi trường nghiên cứu mối tương quan giữa các quá trình vật lý, sinh học và xã hội.

296 Luật khoáng sản và luật bảo vệ môi trường của nước ta đã quy định việc nghiên cứu và đánh giá tác động của hoạt động khoáng sản đến môi trường là công việc bắt buộc đối với mỗi tổ chức hoặc cá nhân tham gia hoạt động khoáng sản. Việc nghiên cứu những vấn đề môi trường liên quan hoạt động khai thác mỏ phải được thực hiện trên cơ sở những yêu cầu của luật pháp khoáng sản và pháp luật về bảo vệ môi trường.

Tuy còn nhiều ý kiến khác nhau, song các nhà nghiên cứu đều thống nhất xét theo quan điểm bảo vệ môi trường có thể phân các mỏ khoáng sản thành 3 nhóm sau:

1. Nhóm 1 (nhóm ít gây tai biến): Bao gồm các mỏ khi khai thác ít có tác động hoặc tác động nhiều đến môi trường. Đối với các mỏ này trong khai thác chế biến không đòi hỏi phải có biện pháp gì đặc biệt về bảo vệ môi trường.

Ví dụ: ở Việt Nam khi khai thác một số mỏ bentonit, điatomit, một số mỏ sét gạch ngói có thể cải tạo đất để cấy lúa một vụ năng suất thấp thành 2 vụ năng suất cao hơn, hoặc khai thác một số mỏ đá xây dựng cho phép hoàn thổ để trồng rừng, khai thác than bùn cho phép cải tạo thành hố nuôi trồng thủy sản,…

2. Nhóm 2 (nhóm mỏ có gây tai biến môi trường): Là những mỏ có thể khai thác toàn bộ hay từng phần sau nhưng phải thực hiện yêu cầu cần thiết nào đó về bảo vệ môi trường.

Ví dụ: ở nước ta có một số mỏ than, kaolin, pyrit và fluorit, đá xây dựng, sa khoáng ven biển,... khi khai thác các mỏ này cần phải phân tích chi tiết lợi ích kinh tế dưới góc độ bảo vệ môi trường và phải có biện pháp bảo vệ môi trường phù hợp.

3. Nhóm 3 (nhóm mỏ gây tai biến): Là những mỏ không thể khai thác do ảnh hưởng đến môi trường hoặc buộc phải để lại vì lợi ích kinh tế - xã hội dưới góc độ bảo vệ môi trường khu vực.

Ví dụ: ở nước ta có mỏ graphit chứa urani ở Tiên An, phần mỏ kaolin ở thị xã Yên Bái, một số vỉa than ở Yên Tử, thành phố Hạ Long và các mỏ ở đồng bằng Sông Hồng; hoặc các mỏ khai thác gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường nếu không có biện pháp bảo vệ môi trường hữu hiệu. Ví dụ các mỏ urani, mỏ có chứa nguyên tố phóng xạ và độc hại, …

Cần lưu ý rằng, để liên kết nhóm mỏ thăm dò (4 nhóm mỏ) với nhóm mỏ theo quan điểm bảo vệ môi trường (3 nhóm) nêu trên, người ta phải phân tích toàn diện các thông tin nhận được về điều kiện địa chất, giá trị kinh tế của mỏ và các tác động tiêu cực đến môi trường trong quá trình hoạt động khoáng sản, tránh liên kết một cách cơ học và chủ quan theo ý muốn của người nghiên cứu.

Như trình bày trên, hoạt động khoáng sản có tác động mạnh mẽ đến môi trường tự nhiên; vì vậy, để dự báo và đánh giá tác động của hoạt động khoáng sản đến môi trường sinh thái, các nhà địa chất môi trường, cũng như các nhà địa chất mỏ, các nhà khai thác, tuyển khoáng cần phối hợp tập trung giải quyết một số nội dung cơ bản sau:

- Xác định đá thải trong khai thác và đánh giá khả năng sử dụng chúng cho lĩnh vực nào đó của nền kinh tế quốc dân. Ví dụ, sử dụng đá thải trong khai thác than Quảng Ninh làm vật liệu xây dựng, vật liệu san lấp, …

- Đánh giá mức độ tác hại do sạt lở bãi thải và vỡ hồ chứa đuôi quặng gây ra (bồi lấp sông, suối, phát tán kim loại nặng, nguyên tố phóng xạ ra môi trường đất, nước, mức độ chiếm dụng diện tích canh tác, ...).

- Đánh giá tác hại do quá trình phong hóa quặng. Ví dụ, thân quặng sulphur bị phong hóa sẽ làm ô nhiễm nguồn nước trong khu vực (nước mặt, nước ngầm,…).

- Xác định các ảnh hưởng do khai thác mỏ theo các phương pháp khác nhau (hầm lò, lộ thiên...) tới các quá trình tai biến địa chất (trượt lở, sụt lún...), tới điều kiện địa chất thuỷ văn và địa chất công trình khu vực.

- Dự báo ảnh hưởng của khai thác tới hoạt động sản xuất của các ngành kinh tế khác trong khu vực và vùng phụ cận (sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản,…).

297 - Đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường (nước, đất, không khí, đa dạng sinh học) do khai thác và chế biến khoáng sản.

- Xác định khả năng hoàn phục đất đai (sau cải tạo, phục hồi môi trường) sau khi kết thúc khai thác mỏ (đóng cửa mỏ).

Cần lưu ý rằng, quá trình khai thác mỏ có thể có tác động tiêu cực hoặc trong một số trường hợp có thể có tác động tích cực đến môi trường sinh thái. Tuy nhiên, tác động tiêu cực đến môi trường là chính. Vì vậy, các nhà địa chất, môi trường, khai thác,… cần phải quan tâm đúng mức và khách quan đến bảo vệ tài nguyên khoáng với bảo vệ môi trường, tránh đánh giá phiến diện vì lợi ích kinh tế trước mắt, hoặc chỉ vị vấn đề bảo vệ môi trường bằng mọi giá.

Trong điều kiện nước ta chuyển từ nền kinh tế bao cấp sang nền kinh tế thị trường có định hướng xã hội chủ nghĩa và từng bước hoà nhập với nền kinh tế thế giới, thì vấn đề bảo vệ môi trường trong hoạt động khai khoáng cần phải được đặc biệt coi trọng. Trước đây, do chúng ta hiểu biết chưa đầy đủ về tài nguyên khoáng, nên nhiều người lầm tưởng khoáng sản là tài nguyên vô tận. Từ khi diễn ra cuộc cách mạng công nghiệp và dân số trên thế giới gia tăng theo cấp số nhân, người ta mới dần tỉnh ngộ và nhận thấy rằng khoáng sản không phải là vô tận; vì vậy, chúng ta phải có cách hành xử đúng với nguồn tài nguyên khoáng có khả năng tái tạo này.

12.4.2. Một số giải pháp bảo vệ môi trường trong hoạt động khoáng sản

Trái đất biến đổi liên tục và không ngừng, nên việc triển khai hiệu quả các dự án liên quan tới nguồn tài nguyên khoáng sản hiện có và không ảnh hưởng tới nhu cầu tài nguyên của các thế hệ tương lai trở thành một nhiệm vụ cấp bách và rất khó khăn mang tính toàn cầu.

Thực tế, người ta đã nhận ra rằng có nhiều biến đổi trên Trái đất là do các nguyên nhân tự nhiên gây ra và không thể tránh khỏi, song cũng có nhiều biến đổi là do tác động trực tiếp hoặc gián tiếp của con người; trong đó có nguyên nhân do hoạt động khoáng sản gây ra.

Trước đây khoảng 50 năm trước, nếu ai đó cho rằng việc đốt năng lượng hóa thạch (than đá và dầu, khí) có thể ảnh hưởng tới sự tăng CO2 trong khí quyển, thì sẽ bị nhiều người phản đối rất mạnh mẽ. Nhưng, thực tế ngày nay đã chứng minh ảnh hưởng của việc đốt nhiên liệu hóa thạch gây hủy hoại bầu khí quyển, làm tăng CO2 trong khí quyển, là nguyên nhân chính gây hiệu ứng nhà kính. Một thực tế là các hoạt động khai thác khoáng sản bên cạnh việc mang lại lợi ích kinh tế, cũng đã gây ra tác động phá hoại đa dạng sinh học khu vực và gây ra ô nhiễm môi trường (nước đất, không khí,...). Điều đó, đủ chứng tỏ con người có khả năng gây mất cân bằng tự nhiên và thực tế là loài người đang tham gia một cách trực tiếp hoặc gián tiếp tới việc mất cân bằng đó.

Khai thác khoáng sản mang lại nguồn lợi kinh tế rất lớn đối với các nước đang phát triển, đã tạo ra công ăn việc làm cho một bộ phận không nhỏ người dân tham gia vào ngành công nghiệp khai khoáng. Tuy vậy, để đảm bảo khai thác khoáng sản an toàn, hạn chế những tác động tiêu cực tới môi trường và tránh được các rủi ro tai biến môi trường từ hoạt động khoáng sản, rất cần các biện pháp trước mắt và lâu dài nhằm đảm bảo an toàn môi trường trong khai thác khoáng sản.

a. Gii pháp v chính sách

- Để đảm bảo sử dụng triệt để nguồn tài nguyên khoáng, kết hợp bảo vệ môi trường, đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững, nhà nước cần xây dựng chính sách và chiến lược hoạt động khoáng sản; đồng thời hoàn chỉnh hệ thống văn bản pháp luật về quản lý và bảo vệ môi trường trong hoạt động khoáng sản.

- Tăng cường tuyên truyền pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn lao động để mọi người ý thức được vai trò, sự cần thiết cũng như nắm được những điều đáng lưu tâm trong khai thác khoáng sản. Đồng thời cần chú trọng bồi dưỡng, tăng cường hiệu quả hoạt động của

298 các cơ quan quản lý Nhà nước, giáo dục kỹ năng và nhận thức cho cán bộ, người dân về an toàn trong khai thác khoáng sản.

- Cần điều chỉnh các nội dung về tính phí bảo vệ môi trường trong công nghiệp khai thác khoáng sản, cần xét đến hệ số bóc đất đá trong khai thác lộ thiên, tỷ lệ thu hồi tinh quặng từ quặng nguyên khai, thành phần chất gây ô nhiễm trong quặng trong tính toán kinh tế mỏ.

Cụ thể hóa cách tính tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường; quy định cụ thể định mức tín cho cải tạo, phục hồi môi trường bằng các văn bản, thông tư, nghị định phù hợp từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

- Thực hiện chặt chẽ quyết định số 18/2013 của Chính phủ về yêu cầu các tổ chức và cá nhân phải có phương án cải tạo, phục hồi môi trường khi đệ trình dự án đầu tư xin cấp giấy phép khai thác khoáng sản. Đề án cải tạo, phục hồi môi trường phải nêu cam kết về các chỉ tiêu chất lượng môi trường, hệ sinh thái sau khi cải tạo, phục hồi môi trường. Phải có ý kiến tham vấn cộng đồng về báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và đề án cải tạo, phục hồi này. Luật Môi trường quy định các tổ chức, cá nhân khi lập dự án đầu tư khai thác khoáng sản phải lập và trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định báo cáo ĐTM và đề án cải tạo, phục hồi môi trường cùng với thời điểm lập, trình thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, hoặc bản cam kết bảo vệ môi trường. Trường hợp dự án đã được duyệt trước đây, thì trước khi bắt đầu khai thác khoáng sản, tổ chức, cá nhân phải lập, trình đề án cải tạo, phục hồi môi trường. Các đối tượng được phép khai thác khoáng sản phải ký quỹ với số tiền bằng tổng kinh phí thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường, nhằm bảo đảm chắc chắn nguồn tài chính cho việc cải tạo, phục hồi môi trường sau khai thác mỏ.

- Đẩy mạnh công tác giám sát và kiểm tra hoạt động khai thác ở các xí nghiệp mỏ trên cơ sở luật khoáng sản 2010 và luật bảo vệ môi trường 2014, chú trọng công tác hậu kiểm, kiểm soát và kiểm toán môi trường tại các khu vực có hoạt động khoáng sản. Kết hợp quy hoạch hoạt động khai thác khoáng sản với qui hoạch phát triển kinh tế - xã hội, như nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, du lịch và văn hoá, an ninh quốc phòng,….

- Đánh giá kinh tế liên quan đến tác động của hoạt động khai thác khoáng sản tới môi trường, nhằm xác định chi phí cần thiết cho phòng ngừa, giảm thiểu và phục hồi môi trường sau khai thác mỏ.

b. Gii pháp v khoa hc - k thut

- Tăng cường nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ sạch, thân thiện với môi trường trong khai thác, chế biến khoáng sản; có chương trình triển khai và nhân rộng mô hình sản xuất sạch cho cá nhân, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực chế biến khoáng sản và cải tạo, phục hồi môi trường, ...

- Đổi mới công nghệ khai thác và chế biến khoáng sản nhằm thu hồi đầy đủ và sử dụng tiết kiệm tài nguyên khoáng kết hợp với bảo vệ môi trường. Phát triển công nghệ xử lý và tái chế, tái sử dụng chất thải.

- Cần đầu tư xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường trong khai thác và chế biến khoáng sản. Cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường đã được đề xuất từ lâu [4, 5], tuy nhiên hiện nay vẫn chỉ mới dừng lại ở bước thử nghiệm, hoặc triển khai cầm chừng thiếu tính cập nhật. Việc triển khai cơ sở dữ liệu trong quản lý, đảm bảo an toàn khai thác với hệ quản trị dữ liệu được cập nhật, xây dựng có cấu trúc cùng với sự hỗ trợ của các thuật toán truy vấn, phân loại trên máy tính, người quản lý và cán bộ kỹ thuật có thể dễ dàng nắm được các khu vực trọng yếu, những dạng tai biến địa chất tiềm tàng có thể xảy ra đối với khu mỏ khai thác.

Tuy nhiên, một khi xác định đầu tư cơ sở dữ liệu trong khai thác và chế biến khoáng sản, cần đầu tư phù hợp cho việc duy trì, cập nhật và bảo dưỡng hệ cơ sở dữ liệu, tránh triển khai chỉ mang tính hình thức như thời gian qua.

299 MỘT SỐ CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP

1. Các hoạt động khoáng sản theo quy định tại Điều 2, Luật Khoáng sản năm 2010 (Luật Khoáng sản số 60/2010/QH12 ngày 17 tháng 11 năm 2010, Quốc hội Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) ?

2. Tổn thất khoáng sản và các nguyên nhân gây ra tổn thất khoáng sản ?

3. Các chính sách và quy định của pháp luật về bảo vệ tài nguyên khoáng trong hoạt động khoáng sản của Việt Nam?

4. Những vấn đề chung về môi trường và bảo vệ môi trường trong hoạt động khoáng sản ?

5. Nghiên cứu những tác động của hoạt động khai thác và chế biến khoáng sản tới môi trường ?

6. Một số giải pháp bảo vệ môi trường trong hoạt động khoáng sản ?

Một phần của tài liệu Giáo trình phương pháp thăm dò mỏ (Trang 297 - 302)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(302 trang)