Chương 1: TỔNG QUAN VỀ DỰ ÁN ĐẦU TƯ VÀ QUẢN LÝ CÁC DỰ ÁN ĐẦU TƯ TRONG DOANH NGHIỆP
1.3. Tổng quan các công trình nghiên cứu về quản lý dự án đầu tư
Đến thời điểm hiện nay, còn khó tìm được công trình nghiên cứu khoa học thuộc cấp tỉnh trở lên nghiên cứu một cách tổng thể, nhất quán và đưa ra các giải pháp quản lý dự án đầu tư, đặc biệt là quản lý dự án đầu tư xây dựng. Do đó, nội dung quản lý dự án và các phương pháp quản lý dự án được ghi nhận trong các giáo trình, tài liệu, các công trình nghiên cứu lý thuyết và các quy định của Nhà nước được vận dụng áp dụng vào nhiều dự án đầu tư, nhưng chưa có công trình nghiên cứu nào chỉ ra những bất cập, những vấn đề cần sửa đổi/điều chỉnh để việc quản lý các dự án đầu tư xây dựng mang tính khoa học và hiệu quả hơn.
Tác giả cũng đã nghiên cứu một số luận văn thạc sỹ, tiến sỹ nghiên cứu về vấn đề này ở các phạm vi và mức độ khác nhau như:
- Luận văn “Hoàn thiện hệ thống quản lý các dự án đầu tư xây dựng trong Bộ Tổng tham mưu - Bộ quốc phòng” -Tác giả: Nguyễn Mạnh Hà;
- Luận văn “Hoàn thiện công tác quản lý các dự án đầu tư tại Công ty xây dựng công trình giao thông 5” -Tác giả: Đặng Hữu Vinh;
- Luận văn “ Nâng cao hiệu quả các dự án đầu tư công từ nguồn vốn Ngân sách Nhà nước trong Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam” - Tác giả: Nguyễn Thanh Bình;
- Luận văn “Hoàn thiện công tác thẩm định dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Bộ Kế hoạch - Đầu tư” -Tác giả: Nguyễn Minh Tuấn.
- Luận văn “Nghiên cứu các giải pháp tăng cường quản lý các dự án đầu tư tại Công ty TNHH MTV lọc hoá dầu.”- Tác giả: Vũ Mạnh Tùng.
Các luận văn này có một số vấn đề sau:
- Nêu ra được các phương pháp quản lý dự án đầu tư và chỉ dừng lại ở việc áp dụng các cơ sở lý thuyết này vào thực tiễn. Chưa chỉ ra được những ưu, nhược điểm của các phương pháp này cũng như chưa đề xuất có cơ sở khoa học để thay thế các phương pháp hiệu quả hơn.
- Chỉ tập trung vào các bất cập của doanh nghiệp/đơn vị trong việc áp dụng các phương pháp, chưa chỉ ra được việc chủ đầu tư, nhà thầu vận dụng linh hoạt phương pháp quản lý dự án vào công tác quản lý dự án đầu tư đem lại hiệu quả trong công tác quản lý dự án đầu tư.
- Chưa chỉ ra được những bất cập trong các quy định của Nhà nước về công tác quản lý dự án đầu tư để đề xuất những sửa đổi/bổ sung nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý của Nhà nước trong việc điều chỉnh bằng pháp luật các dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án đầu tư xây dựng cơ bản.
Chính vì vậy, trong phạm vi luận văn này, tác giả tập trung phân tích việc áp dụng, vận dụng các phương pháp quản lý dự án đầu tư vào thực tiễn công tác quản lý dự án đầu tư tại Công ty TNHH một thành viên Môi trường - Vinacomin, trên cơ sở đó đưa ra những đề xuất về lý luận và thực tiễn để công tác quản lý các dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án đầu tư xây dựng cơ bản tại các doanh nghiệp, đảm bảo tiến độ đề ra và đảm bảo hiệu quả kinh tế của dự án, góp phần vào sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Kết luận chương 1
Nghiên cứu tổng quan lý luận về quản lý dự án đầu tư nói chung và hoạt động quản lý dự án đầu tư trong doanh nghiệp nhằm hệ thống hóa các cơ sở lý luận về hoạt động đầu tư, mục tiêu của hoạt động đầu tư trong doanh nghiệp; các bước và nội dung của từng bước trong quá trình quản lý dự án đầu tư mà doanh nghiệp thực hiện để triển khai các dự án đầu tư.
Trong chương 1, tác giả đã tập trung phân trình bày quan điểm của tác giả về dự án đầu tư và mục tiêu của dự án đầu tư trong doanh nghiệp để làm cơ sở cho việc
nghiên cứu sâu về thực tiễn thực hiện các dự án đầu tư gắn liền với mục tiêu phát triển của doanh nghiệp.
Nội dung chính thứ hai trong chương 1, tác giả đề cập đến các bước trong các giai đoạn của việc thực hiện một dự án đầu tư, từ việc nghiên cứu tiền khả thi cho đến khi hoàn thành dự án, nghiệm thu quyết toán công trình. Trong đó, tác giả tập trung phân tích cụ thể các nội dung quản lý dự án đầu tư trong doanh nghiệp để làm cơ sở để so sánh đối chiếu việc áp dụng/vận dụng các cơ sở lý luận này vào thực tiễn quản lý dự án đầu tư của VMEC. Bên cạnh đó, lựa chọn phương pháp quản lý dự án phù hợp với từng dự án và điều kiện thực tế của từng doanh nghiệp là những vấn đề mà doanh nghiệp quan tâm khi triển khai các dự án đầu tư tại doanh nghiệp. Do đó, trong Chương này, tác giả cũng tập trung phân tích các phương pháp quản lý dự án mà doanh nghiệp thường áp dụng, chỉ ra các ưu nhược điểm của từng phương pháp với mục đích tạo ra cơ sở lý luận đầy đủ và vững chắc cho những nghiên cứu thực tế và những kiến nghị cụ thể.
Những cơ sở lý luận trong Chương 1 được trình bày trên cơ sở hệ thống những công trình nghiên cứu, các giáo trình giảng dạy, các đề tài khoa học liên quan đến nội dung luận văn. Vì vậy, các cơ sở lý luận này là cơ sở khoa học để nghiên cứu thực tiễn quản lý dự án đầu tư tại VMEC.
CHƯƠNG 2