Chương 3: GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN CÔNG TÁC QUẢN LÝ CÁC DỰ ÁN ĐẦU TƯ TẠI VMEC
3.3. Các giải pháp hoàn thiện công tác quản lý các dự án đầu tư tại VMEC
3.3.3 Một số kiến nghị
Ngoài những giải pháp trên đây, để hoàn thiện công tác quản lý các dự án đầu tư tại VMEC tác giả có một số kiến nghị cụ thể đối với lãnh đạo Công ty, Bộ Công Thương và Nhà nước nhằm bổ sung và thực hiện tốt các giải pháp này.
- Kiện toàn lại cơ cấu tổ chức của Ban quản lý dự án và phòng Kỹ thuật đầu tư của Công ty, rà soát lại năng lực cán bộ của Ban quản lý dự án để điều chuyển bố trí xuống các đơn vị trực thuộc Công ty. Thi tuyển những người có trình độ thực sự và có tâm trong công việc để có thể đảm nhiệm được các dự án lớn.
- Đầu tư thêm máy móc thiết bị để Công ty có đầy đủ năng lực để cạnh tranh đấu thầu không chỉ các đơn vị trong ngành và ngoài ngành Than
- Tăng cường các mối quan hệ với các đơn vị trong và ngoài Tập đoàn, hàng năm phải tổ chức hội nghị khách hàng để tri ân cũng như tạo lập mối quan hệ bền vững, đây cũng là dịp để đơn vị có thể giao lưu, học hỏi và trao đổi kinh nghiệm cũng như mở ra các cơ hội hợp tác mới.
- Có phòng thu hồi công nợ, nhiệm vụ của phòng là theo dõi đối chiếu công nợ các công trình, khách hàng và thu hồi tiền về Công ty trong thời gian sớm nhất để thu hồi vốn tránh để nợ tồn đọng và công nợ kéo dài ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của Công ty.
- Đề nghị Bộ Công thương, Bộ Tài Chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư , Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam sớm có kế hoạch vốn môi trường, đề nghị chậm nhất hết tháng 2 phải có kế hoạch vốn môi trường để đơn vị còn chủ động thực hiện các dự án theo đúng tiến độ.
- Đề nghị các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền rà soát lại hệ thống văn bản pháp luật về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình để tạo hành lang pháp lý thuận lợi trong việc quản lý các dự án đầu tư có quy mô lớn và yêu cầu kỹ thuật, công nghệ cao.
- Nhà nước cần hoàn thiện cơ chế đấu thầu để Công ty không chỉ được đấu thầu các công trình trong ngành Than mà còn trong ngành khai thác khoáng sản vì theo dự kiến nguồn trữ lượng than ngày càng cạn kiệt, ngành khai thác khoáng sản của Tập đoàn đang phát triển với các dự án lớn như nhà máy tuyển Albumin - Nhân cơ, quặng Bauxit Lâm Đồng, khi dự án đi vào hoạt động thì có rất nhiều hạng mục công trình phụ trợ được xây dựng để phục vụ cho hoạt động của Nhà máy như xây dựng đê kè chắn, nạo vét hồ bùn đỏ do tuyển quặng, xây dựng các tuyển băng tải để vận chuyển nhôm, quặng, xây dựng các hồ chứa bùn... đây là các dự án rất lớn, nếu xin được cơ chế thì Công ty sẽ có nhiều việc để làm, đời sống của người lao động ngày càng được nâng cao.
Kết luận chương 3
Trên cơ sở lý luận về quản lý dự án đầu tư, thực tiễn công tác quản lý dự án đầu tư trong và ngoài ngành Than cũng như thực trạng công tác này tại Công ty TNHH MTV Môi trường – Vinacomin (VMEC) trong thời gian qua, chương 3 đã xây dựng các nhóm giải pháp cùng với một số kiến nghị nhằm hoàn thiện công tác quản lý dự án đầu tư tại Công ty trong thời gian tới.
Nội dung các giải pháp và các kiến nghị nhằm thực hiện định hướng phát triển của Công ty đến năm 2025 với nhiệm vụ làm xanh, sạch cho môi trường ngành Than bằng nhiều các dự án đầu tư khác nhau sẽ được triển khai.
Các nhóm giải pháp tập trung vào khắc phục những tồn tại trong công tác quản lý các dự án đầu tư đã được thực hiện trong thời gian qua nhằm thay đổi, cải tiến phương pháp quản lý cũ, sử dụng một cách khoa học các công cụ quản lý dự án cho phép bảo đảm chất lượng, thời gian, tiến độ dự án, kiểm soát chi phí dự án. Các giải pháp còn hướng tới đào tạo nguồn nhân lực bảo đảm thực hiện nhiệm vụ quản lý các dự án mà VMEC sẽ đầu tư trong thời gian tới. Cùng với các giải pháp, tác giả đã đưa ra một số kiến nghị đối với Công ty, Tập đoàn và các cơ quan quản lý Nhà nước về các vấn đề có liên quan đến công tác quản lý dự án nói chung và của VMEC nói riêng, đặc biệt là vấn đề hoàn thiện hành lang pháp lý và tạo cơ chế thuận lợi để VMEC thực hiện tốt các dự án đầu tư.
KẾT LUẬN
Mục tiêu của mọi doanh nghiệp là lợi nhuận, bên cạnh đó là phát triển. Như một quy luật, không có đầu tư thì không có phát triển. Tuy nhiên, nếu đầu tư không hiệu quả thì không những không có phát triển mà còn có thể dẫn đến những hậu quả khác như thua lỗ, thậm chí có thể phá sản doanh nghiệp. Do đó, để đầu tư và phát triển bền vững, khi thực hiện các dự án đầu tư, doanh nghiệp, với nhiệm vụ là chủ đầu tư, cần phải quản lý các dự án đầu tư bằng những phương pháp, công cụ nhằm đảm bảo dự án đạt được mục tiêu và đảm bảo tính hiệu quả.
Công ty TNHH MTV Môi trường - Vinacomin là công ty con do Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam nắm giữ 100% vốn điều lệ với nhiệm vụ kinh doanh đa ngành nghề: Xử lý nước thải của các hầm lò, trồng cây phủ xanh hoàn nguyên các bãi thải sau khai thác than, trồng rừng; xây dựng kè, đập chắn đất đá, làm đường chuyên dụng để vận chuyển than của các mỏ, xử lý chất thải công nghiệp nguy hại…..
Hàng năm Công ty được Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam giao cho Công ty làm chủ đầu tư và tự thực hiện các công trình từ nguồn vốn quỹ môi trường tập trung của Tập đoàn, Công ty đang từ một đơn vị sản xuất khai thác than và xây lắp công trình đơn thuần được chuyển sang làm một lĩnh vực kinh doanh mới và đa dạng, với đội ngũ cán bộ kỹ thuật còn non trẻ, chưa có kinh nghiệm nên bước đầu Công ty cũng gặp không ít khó khăn, song với sự quyết tâm của Ban lãnh đạo đặc biệt là của đồng chí Giám đốc Công ty với chiến lược phát triển kinh doanh với các định hướng đúng đắn, nắm bắt được các cơ hội đã đưa Công ty ngày càng phát triển và có chỗ đứng trong Tập đoàn. Tuy là một đơn vị phụ trợ trong TKV nhưng hàng năm Công ty cũng đạt được 1-1,5% doanh thu của toàn Tập đoàn. Với sự cố gắng và nỗ lực không ngừng Công ty đã nhận được các phần thưởng cao quý do các Bộ và Nhà nước trao tặng như giải thưởng Môi trường Việt Nam, Bằng khen của Bộ Tài Nguyên Môi trường, Huân chương lao động hạng 3...
và các phần thưởng khác.
Đối với công tác quản lý dự án đầu tư được Công ty luôn chú trọng do đó Công tác quản lý dự án đầu tư của Công ty cũng từng bước được hoàn thiện, đáp ứng được yêu cầu của Tập đoàn giao.
Định hướng Công ty trong các năm tiếp theo là chú trọng phát triển các ngành nghề kinh doanh cốt lõi của Công ty, ngoài thực hiện các công trình vốn môi trường như hiện nay Công ty đang thực hiện. Công ty tăng cường công tác đối ngoại, nâng cao năng lực và tạo uy tín với khách hàng để đấu thầu được các công trình ngoài ngành và ngoài tỉnh với quy mô vốn lớn.