Tuy mục đích, tôn chỉ của GĐPT luôn chỉ rõ "Gia đình Phật tử là một tổ chức giáo dục của thanh thiếu niên tín đồ Phật giáo"; nhưng trong quá trình hình thành và phát triển, do ảnh hưởng của hoàn cảnh lịch sử với những xu hướng chính trị - xã hội khác nhau, nên trong từng giai đoạn lịch sử tổ chức này cũng chịu những biến động phức tạp về tổ chức, về tính chất, mục đích và
khuynh hướng hoạt động. Nét đặc thù trong sinh hoạt của GĐPT được biểu hiện ở các nội dung cơ bản sau:
a) Tiền thân của GĐPT được xác định là một tổ chức giáo dục của TTN theo đạo Phật. Trong bối cảnh xã hội đương thời, sự ra đời của nó, một mặt do nhu cầu củng cố Phật giáo, củng cố tinh thần dân tộc mà cuộc vận động "Chấn hưng Phật giáo" đã chủ trương nhằm mục đích giúp TTN tự vệ, chống lại sự nô dịch văn hóa, sự suy đồi và tha hóa về đạo đức trong xã hội đương thời [5, tr. 232]; mặt khác do tác động mạnh mẽ của phong trào TTN hoạt động có tổ chức dưới những màu sắc chính trị - xã hội, tôn giáo khác nhau với tinh thần dân tộc. Trong quá trình tồn tại và phát triển với một hình thức tập hợp và sinh hoạt tương đối có quy củ, chặt chẽ [117, tr. 89] và hấp dẫn, nó không chỉ là một môi trường tương đối lành mạnh được TTN Phật giáo và gia đình của họ hưởng ứng hoặc có cảm tình; mà nó còn chủ động tham gia vào các phong trào xã hội, phong trào yêu nước với động cơ tự nguyện nhằm phát huy truyền thống yêu nước và truyền thống đạo đức dân tộc. Khách quan mà xét, tiền thân của GĐPT là một phương thức tu học của TTN tín đồ Phật giáo có nội dung hoạt động tương đối lành mạnh, có tinh thần dân tộc. Trong những năm kháng chiến cứu nước, GĐPT là lực lượng nòng cốt của các đoàn thể Phật giáo, nó cũng đã giữ một vai trò tích cực trong các phong trào đấu tranh bảo vệ Phật giáo và nhiều lúc: "Cuộc đấu tranh này vừa có nội dung mục tiêu Phật giáo đòi tự do, bình đẳng tín ngưỡng tôn giáo và tự bảo vệ mình, vừa là một bộ phận của cuộc chiến đấu chống đế quốc Mỹ và tay sai của nhân dân ta ở vùng đô thị tạm chiếm" [130, tr. 5].
b) Trong quá trình phát triển (giai đoạn 1954 - 1975) do luôn chịu sự tác động bởi các yếu tố chính trị - xã hội khác nhau... cho nên những hoạt động của GĐPT nhiều khi không chỉ dừng lại trong phạm vi tín ngưỡng, tôn giáo; mà còn liên quan đến nhiều vấn đề chính trị, pháp luật với các biểu hiện
đa dạng và phức tạp. Tính đa dạng và phức tạp đã được thể hiện ở các phương diện mục đích hoạt động, tính chất và khuynh hướng, tổ chức...:
* Xét về mặt tổ chức, tính đa dạng và phức tạp đó được biểu hiện ở chỗ:
Cũng giống như "Phật giáo canh tân", nhiều lúc GĐPT cũng có biểu hiện của đặc điểm "vấn đề tổ chức trở nên quan trọng hơn vấn đề giáo lý" [71, tr. 227]:
Thứ nhất, trong mối quan hệ với Giáo hội, đứng về mặt khế lý mà xét thì GĐPT là một bộ phận, là "hiếu tử", là "tế bào" [72, tr. 205-263], là lực lượng nòng cốt, xung kích [121, tr. 15] của tổ chức Giáo hội hợp pháp, có trách
nhiệm phục
vụ Giáo hội [52, tr. 159] và Giáo hội phải chịu trách nhiệm pháp lý hộ cho GĐPT [72, tr. 76]. Tuy nhiên, do tác động của sự phân hóa trong nội bộ Giáo hội Phật giáo và các yếu tố chính trị - xã hội khác cho nên có những lúc Giáo hội không còn quản lý được GĐPT [121, tr. 15]. Nghĩa là, GĐPT đã tự thân hình thành một hệ thống quản lý dọc từ trung ương đến địa phương, hoàn toàn do các huynh trưởng lãnh đạo, chi phối; hoạt động độc lập với Giáo hội và Giáo hội chỉ mang tính cố vấn giáo hạnh [121, tr. 15], [72, tr. 76]. GĐPT lúc này không còn là một "tổ chức hoàn toàn giáo dục" [21, tr. 136], mà thực chất hoạt động của nó là hoạt động của một đoàn thể tôn giáo với một hệ thống tổ chức khá quy củ và chặt chẽ từ Trung ương đến cơ sở (như một tổ chức chính trị - xã hội). Thứ hai, do tác động của sự phân hóa trong nội bộ Giáo hội Phật giáo đương thời (với ba nhóm xu hướng chính: phái yêu nước, phái trung dung, phái phản động) và do sự lôi kéo của một số phe nhóm chính trị phản động...; cho nên trong hàng ngũ đoàn sinh, huynh trưởng GĐPT đã có sự phân hóa một cách rõ nét. Biểu hiện của sự phân hóa đó là một bộ phận đoàn sinh, huynh trưởng có tinh thần yêu nước, ủng hộ và tham gia các phong trào đấu tranh cách mạng do Đảng và Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam lãnh đạo; một bộ phận tham gia trong bộ máy ngụy quân, ngụy quyền và trong số
họ có không ít người công khai ủng hộ chế độ đương thời, chống phá cách mạng; số đông các đoàn sinh, huynh trưởng còn lại thì có thái độ lừng chừng, cầu an. Với đặc điểm đó, do vậy hoạt động của GĐPT nhiều lúc đã bị tha hóa thành công cụ để một số cá nhân tranh giành địa vị, quyền lợi với các lợi ích mang tính cục bộ, bản vị và bị các thế lực thù địch lợi dụng, lôi kéo vào các mưu đồ chính trị. Vì thế trong những trường hợp nhất định đã làm cho nó "xa rời Giáo hội, xa rời tổ chức hợp pháp, xa rời mục đích tu học" [60, tr. 1]; nó không còn là vấn đề tu học thuần túy của TTN Phật giáo, mà đã trở thành vấn đề chính trị.
* Xét về mục đích hoạt động thì sinh hoạt của GĐPT qua nhiều lần tu chỉnh nội quy đã cho thấy mục đích của GĐPT lúc đầu chỉ nhằm sinh hoạt thuần túy giáo lý "xây dựng hạnh phúc gia đình trên nền luân lý Phật giáo, đào tạo thanh thiếu và đồng niên thành những Phật tử chân chính để phục vụ chánh pháp..."...; nhưng sau đó lại có "sự chuyển mình" qua lĩnh vực xã hội với mục đích "góp phần xây dựng xã hội theo tinh thần Phật giáo" [46, tr. 38- 39] và trong những trường hợp nhất định, tính chất chính trị của nó còn được biểu hiện ở chỗ: "Gia đình Phật tử phải có những sứ mệnh đối với lịch sử và xã hội" [72, tr. 199-209]. Để đạt được mục đích đó, họ đã không ngừng củng cố tổ chức, phát triển lực lượng [72, tr. 262] và không ngừng thực hiện các hành vi với phương châm "Đạo trong Đời và Đời trong Đạo" [21, tr. 158]
bằng cách tham gia vào những hoạt động trần tục phi tôn giáo: chính trị, xã hội, văn hóa, đạo đức, giáo dục, y tế [127, tr. 180-185]. Điều này đã làm cho các hoạt động của GĐPT dường như sôi động hơn, phân tán và phức tạp hơn, diễn biến theo tình hình của chính trị và các thế lực chính trị - xã hội không ngừng lợi dụng sự chuyển biến phức tạp ấy để phục vụ cho ý đồ riêng tư [127, tr. 169-178].
* Xét về mặt tính chất hoạt động thì điều hạn chế của GĐPT là nhiều lúc không tránh khỏi những hạn chế chung của các phong trào Phật giáo ở
miền Nam trước năm 1975 như tính chất trung lập, lưng chừng, nửa vời và hệ quả tất yếu của nó là dễ dao động, nghiêng ngả; dễ bị kẻ thù lôi kéo, lợi dụng hoặc sa ngã vào "con đường thứ ba" với đặc tính thỏa hiệp và cơ hội về chính trị" [30, tr. 36]. Trong những trường hợp nhất định nhiều khi nó đã vô tình ru ngủ làm lu mờ mục tiêu và ý chí đấu tranh cách mạng của một bộ phận TTN nhằm giải phóng bản thân và giải phóng xã hội. Tính chất lưng chừng của nó được thể hiện ở những nét cơ bản: Thứ nhất, trong lĩnh vực giáo dục, văn nghệ họ "từ khước hai quan niệm giáo dục xung khắc: lấy cá nhân cải tạo xã hội của Nho giáo theo thứ tự TU, TỀ, BÌNH, TRỊ hay lật đổ xã hội cố hữu để nặn ra mẫu người mới như chủ trương của phái xã hội chủ nghĩa" [72, tr. 51]
và chủ trương xây dựng một nền tảng giáo dục, văn nghệ "trung đạo hòa đồng - hòa đồng giữa duy tâm và duy vật, hòa đồng khoa học với tâm linh...
Trung đạo để xây dựng lại cơ sở mới trên truyền thống tín ngưỡng" [72, tr.
244-257]. Thứ hai, trong lĩnh vực lý tưởng, chính trị họ quan niệm "Gia đình Phật tử chỉ có một lý tưởng là phục vụ cho một nước Việt Nam đậm màu sắc Phật giáo" [72, tr. 266] và "không ủng hộ, không dựa vào một lực lượng chính trị..., một chính quyền, một chính đảng nào cả" [72, tr. 63-217].
c) Sự phục hồi và phát triển của GĐPT trong những năm gần đây (sau năm 1986) đã phản ánh nhu cầu về đời sống tâm linh, hoạt động tín ngưỡng và có ảnh hưởng không nhỏ đến nhận thức và hành vi của TTN tín đồ Phật giáo.
Việc Đảng và Nhà nước ta cho phép GHPGVN được thực hiện sinh hoạt GĐPT cho TTN tín đồ Phật giáo với mục đích tu học và vui chơi hướng thiện trong giới hạn pháp lý của GHPGVN và luật pháp hiện hành [10], [26], [27] đã phản ánh và thuyết minh sự sáng suốt của chính sách của Đảng và Nhà nước ta về vấn đề tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của một bộ phận nhân dân. Hoạt động của GĐPT thời gian qua đã có nhiều khởi sắc và đi vào nề nếp [130, tr. 4]. Tuy vậy, do đặc thù về mặt lịch sử và do chi phối bởi sự phân hóa trong nội bộ Giáo hội - giữa GHPGVN (Giáo hội hợp pháp) và nhóm Tăng đoàn (ủng hộ GHPGVNTN) - nên hiện nay trong nội bộ đoàn sinh, huynh trưởng
GĐPT vẫn còn có sự mâu thuẫn, phân hóa (có bộ phận bảo thủ cực đoan, có bộ phận ôn hòa, có bộ phận tiến bộ) và những hoạt động của GĐPT nhiều lúc đã vượt quá giới hạn của hành vi tôn giáo, vi phạm pháp luật và chống phá chế độ.
Sự phân hóa đó đã dẫn đến tình trạng giành giật, lôi kéo lực lượng TTN tín đồ Phật giáo nhằm tạo hậu thuẫn, bè cánh để thực hiện những mưu đồ tham vọng chính trị. Một bộ phận đoàn sinh, huynh trưởng cực đoan đã không ngừng đẩy mạnh các hoạt động khuếch trương lực lượng, phát huy thanh thế, công khai ủng hộ GHPGVNTN, đòi phục hồi lại GĐPT theo hệ thống tổ chức cũ (độc lập với Giáo hội và với đường hướng hoạt động như một đoàn thể chính trị - xã hội). Điều đó đã gây ảnh hưởng không tốt đến sinh hoạt tu học giáo lý, đạo đức của TTN tín đồ Phật giáo; mà còn liên quan đến vấn đề ổn định chính trị - xã hội; không chỉ liên quan đến cuộc đấu tranh về ý thức hệ tư tưởng diễn ra gay gắt, quyết liệt trong đối tượng TTN, mà còn liên quan đến vấn đề chính sách, thể chế của Đảng và Nhà nước trong việc quản lý sinh hoạt của GĐPT.
KẾT LUẬN CHƯƠNG 1
Là một sinh hoạt tôn giáo có tính phức tạp và đặc thù; việc xem xét nội dung khái niệm, bản chất, đặc điểm và khuynh hướng hoạt động của GĐPT đòi hỏi phải thực sự khách quan, khoa học, lịch sử - cụ thể; không chỉ ở phương diện tôn giáo, văn hóa, đạo đức, mà còn ở phương diện chính trị - xã hội.
Tiền thân, GĐPT là một tổ chức giáo dục, một phương thức tu học của TTN tín đồ Phật giáo, sinh hoạt trong khuôn khổ pháp lý của một tổ chức Giáo hội hợp pháp và luật pháp đương thời, với mục đích đào luyện TTN tín đồ Phật giáo thành Phật tử chân chính. Cũng như các đoàn thể khác của Phật giáo, GĐPT ra đời một mặt do nhu cầu củng cố tinh thần dân tộc, củng cố Phật giáo mà cuộc vận động chấn hưng Phật giáo đã chủ trương; mặt khác do tác động mạnh mẽ của phong trào TTN hoạt động có tổ chức dưới những màu sắc chính trị, xã hội tôn giáo khác nhau. Trong bối cảnh lịch sử đó GĐPT
được xem là một tổ chức có nội dung hoạt động tương đối lành mạnh, có ý thức dân tộc. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển (giai đoạn 1954 - 1975), do chịu ảnh hưởng của các khuynh hướng trong tổ chức Giáo hội Phật giáo và do chịu sự tác động của các yếu tố chính trị - xã hội trong bối cảnh xã hội đương thời, cho nên những hoạt động của GĐPT nhiều khi không chỉ dừng lại trong phạm vi tín ngưỡng, tôn giáo của TTN tín đồ Phật giáo mà đã trở thành các vấn đề chính trị, pháp luật với các biểu hiện đa dạng, phức tạp về tổ chức và mục đích, tôn chỉ và đường hướng hoạt động. Xét về mặt tổ chức, cũng như
"Phật giáo canh tân", hoạt động của GĐPT cũng mang đặc điểm "vấn đề tổ chức trở nên quan trọng hơn vấn đề giáo lý". Tính đa dạng và phức tạp đó không phải xuất phát từ nguyên nhân do cách hiểu, giải thích khác nhau về nghi thức và phương pháp tu hành; mà chủ yếu là xuất phát từ các nguyên nhân khác như: do nhu cầu củng cố tổ chức; do sự tác động, lôi kéo của các khuynh hướng chính trị khác nhau và do tính cục bộ, bản vị, danh lợi của một bộ phận tăng ni, cư sĩ, huynh trưởng. Với một tổ chức khá chặt chẽ từ Trung ương đến cơ sở, thực chất hoạt động của GĐPT lúc này là hoạt động của một hội đoàn tôn giáo, một đoàn thể áp lực (pressure groups) luôn có khuynh hướng khuếch trương thanh thế, lực lượng để gây áp lực với chính quyền. Về mặt mục đích hoạt động, sinh hoạt GĐPT không chỉ thuần túy tu học giáo lý Phật giáo; mà còn đặt ra cho mình "sứ mệnh" đối với lịch sử, xã hội, đạo pháp với mục đích cứu quốc, kiến quốc, hộ pháp [72, tr. 197-260]. Với tính chất hoạt động lưng chừng, trung lập nên sinh hoạt GĐPT rất dễ bị các thế lực chính trị - xã hội lợi dụng để phục vụ các ý đồ riêng tư, cục bộ, chính trị khác nhau. Mặc dù hiện nay về cơ bản sinh hoạt GĐPT đã đi vào nề nếp trong pháp lý của GHPGVN và pháp luật của Nhà nước; tuy nhiên, những hệ quả về mặt lịch sử nói trên của GĐPT vẫn gây ảnh hưởng tiêu cực đến công tác Phật sự của GHPGVN, đến sinh hoạt tu học của TTN tín đồ Phật giáo và đến vấn đề ổn định chính trị - xã hội. Biểu hiện của sự phức tạp đó là một bộ phận tăng ni, cư sĩ, huynh trưởng ngộ nhận, cố chấp, cực đoan ở trong và ngoài nước
vẫn thường xuyên lợi dụng sinh hoạt GĐPT để thực hiện những tham vọng có tính chất cục bộ và các mưu đồ chính trị. Những hoạt động đó đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc và truyền thống hòa hợp của đoàn sinh, huynh trưởng GĐPT; của tăng ni, Phật tử Việt Nam.
Để có cơ sở khoa học trong việc hoạch định chính sách tôn giáo của Đảng, hoàn thiện công tác quản lý sinh hoạt GĐPT của Nhà nước, tăng cường công tác đoàn kết tập hợp TTN Phật giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, thì vấn đề có ý nghĩa thực tiễn là phải quan tâm nghiên cứu các đặc điểm, xu hướng nói trên và chấn chỉnh sinh hoạt của GĐPT. Vấn đề có tính cốt yếu là phải hướng GĐPT hoạt động theo đúng phương châm
"Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội" và sinh hoạt trong khuôn khổ pháp lý của GHPGVN, pháp luật của Nhà nước. Đây thực sự là vấn đề có tính thời sự và có ý nghĩa thực tiễn sinh động.
Chương 2
ẢNH HƯỞNG CỦA GIA ĐÌNH PHẬT TỬ
VÀ THỰC TRẠNG CÔNG TÁC ĐOÀN KẾT, TẬP HỢP
THANH THIẾU NIÊN TÍN ĐỒ PHẬT GIÁO Ở NƯỚC TA HIỆN NAY
2.1. ẢNH HƯỞNG CỦA GIA ĐÌNH PHẬT TỬ TRONG THANH THIẾU NIÊN TÍN ĐỒ PHẬT GIÁO
Trong quá trình tồn tại và phát triển, Phật giáo đã có ảnh hưởng khá sâu sắc đến đời sống chính trị, tư tưởng, văn hóa, xã hội và tâm lý, đạo đức, phong tục tập quán, lối sống của các tầng lớp người - trong đó có thế hệ trẻ. Nó không chỉ "liên quan đến đời sống tinh thần của nhiều tầng lớp nhân dân, đến hình thái tổ chức cộng đồng xã hội", mà còn "liên quan đến chính sách đối nội, đối ngoại của Đảng và Nhà nước, thu hút sự quan tâm của nhiều ngành, nhiều cấp, của tầng lớp thanh thiếu nhi" [118, tr. 206]. Đã có nhiều công trình nghiên cứu chuyên sâu về vấn đề này cho thấy Phật giáo ở miền Nam trước kia và hiện nay đang có xu hướng thế tục hóa [45, tr. 253], xu thế hiện đại hóa, như củng cố tổ chức, trí thức hóa tăng ni, triển khai lực lượng mọi mặt để mở rộng các đoàn thể Phật tử, lôi kéo đông đảo quần chúng với nhiều mục tiêu khác nhau - trong đó đáng chú ý là TTN tín đồ Phật giáo. Hệ thống tổ chức tập hợp TTN Phật giáo được tổ chức tương đối chặt chẽ, với nội dung hoạt động tương đối phong phú và đa dạng, thông qua mô hình tập hợp điển hình là GĐPT. Tuy mức độ biểu hiện đậm nhạt khác nhau, nhưng những hoạt động của GĐPT có xu hướng ngày một gia tăng và ảnh hưởng sâu sắc đến nhận thức và hành vi của TTN tín đồ Phật giáo. Những ảnh hưởng đó bên cạnh mặt tích cực, thì cơ hội tiêu cực nảy sinh không phải là không có; không chỉ trong nhận thức và hành động, mà còn là yếu tố để các thế lực xấu lợi dụng vì những mục tiêu chính trị khác nhau và phản giá trị.