Tăng cường giáo dục tư tưởng chính trị; giáo dục truyền thống đạo đức cách mạng nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm công dân

Một phần của tài liệu LUẬN án TIẾN sĩ GIA ĐÌNH PHẬT tử và vấn đề đoàn kết tập hợp THANH THIẾU NIÊN TRONG các GIA ĐÌNH PHẬT tử nước nước TA (QUA KHẢO sát một số TỈNH MIỀN TRUNG) (Trang 181 - 189)

- Trong quá trình chuyển đổi cơ chế kinh tế, những mặt trái của cơ chế thị trường đã có tác động không tốt đến tư tưởng, nhận thức, niềm tin lối sống và cản trở việc phát huy tính tích cực xã hội của TTN và "các thế lực thù địch sẽ tiếp tục tác động phức tạp đến nhận thức của thế hệ trẻ, thách thức gay gắt

bản lĩnh chính trị, hệ giá trị, tư tưởng, đạo đức và lối sống của thanh niên" [38, tr. 3].

Cái đáng quan ngại không chỉ dừng lại ở chỗ tình trạng suy thoái về đạo đức; một bộ phận thanh niên chưa nhận thức được tình hình, nhiệm vụ của giai đoạn cách mạng mới và trách nhiệm của thanh niên...; mà vấn đề đáng quan tâm hơn là:

Thế giới quan, nhân sinh quan cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh chưa thấm nhuần sâu sắc vào một bộ phận thanh niên. Trên thực tế có nhiều thanh niên bế tắc trong cuộc sống đã tìm đến tôn giáo, coi đó là chỗ dựa và lối thoát.

Hiện tượng thanh niên đi tu, chịu ảnh hưởng của các tôn giáo, của mê tín dị đoan và hệ tư tưởng duy tâm đang tăng lên ở một số đối tượng thanh niên làm ảnh hưởng đến tư tưởng, tinh thần của thanh niên là một hiện tượng cần được quan tâm nghiên cứu giải quyết, trong quá trình tác động của đời sống kinh tế, xã hội [116, tr. 309].

Hiện nay lối sống thực dụng, ăn chơi đua đòi; tình trạng phạm pháp, tệ nạn ma túy trong học sinh, sinh viên đang là nỗi lo của nhiều gia đình và xã hội:

"Trong thời gian qua tác động tiêu cực của cơ chế thị trường đã làm băng hoại tinh thần dân tộc trong một bộ phận TTN; lối sống thực dụng, ăn chơi đua đòi và tình hình trẻ hóa tội pháp, trẻ hóa người sử dụng ma túy, trẻ hóa gái mại dâm, nhiễm HIV/AIDS, tỷ lệ nạo phá thai trong TTN vào hàng cao nhất thế giới...

đang là nỗi lo cho nhiều gia đình và xã hội" [13, tr. 14]. Đây là một trong những nguyên nhân cơ bản khi hiện nay có không ít phụ huynh TTN Phật giáo có nhu cầu cho con em mình sinh hoạt trong tổ chức GĐPT với mong muốn: "Thế hệ TTN giữ được truyền thống đạo đức dân tộc khỏi bị ảnh hưởng bởi những luồng gió độc mang theo nếp sống trụy lạc, đầy dục vọng và cạm bẫy làm băng hoại và tha hóa đạo đức" [118, tr. 245].

Đối với bộ phận TTN tín đồ Phật giáo, bên cạnh việc tác động của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; thì họ vẫn chịu sự chi phối bởi tư tưởng của Phật giáo thông qua nội dung tu học và các hoạt động của GĐPT. Do đó không thể không xảy ra tình trạng giành giật, co kéo, trì trệ [118, tr. 18] trong nhận thức tư tưởng và hành động của TTN. Đặc biệt là trong bối cảnh các thế lực xã hội không có thiện cảm với chế độ đang muốn tách học thuyết tư tưởng của tôn giáo mình "ra khỏi sự chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, đều muốn nắm lấy chúng để tranh thủ quần chúng và điều khiển xã hội" [118, tr. 20]. Những hoạt động lợi dụng danh nghĩa của GĐPT và của GHPGVNTN trong thời gian qua của một bộ phận đoàn sinh, huynh trưởng cực đoan là biểu hiện sinh động của thực trạng trên. Thả nổi những diễn biến phức tạp trên lĩnh vực ý thức hệ của TTN nói chung và TTN tín đồ Phật giáo nói riêng, thực chất là từ bỏ vai trò hướng dẫn sinh hoạt tinh thần của xã hội [118, tr. 20]. Do vậy, vấn đề cấp bách đặt ra hiện nay là phải tăng cường giáo dục lý tưởng đạo đức cách mạng, truyền thống văn hóa dân tộc, xây dựng lối sống lành mạnh; khơi dậy trong TTN hoài bão lớn của dân tộc, để hình thành một thế hệ con người mới có lý tưởng cao đẹp, có ý thức trách nhiệm công dân, có tri thức, có sức khỏe và lao động giỏi; sống có văn hóa và tình nghĩa, giàu lòng yêu nước và tinh thần quốc tế chân chính. Với quan điểm "giáo dục là một trong những biện pháp mạnh nhất để cải biến xã hội hiện nay" [94, tr. 49], Lênin đã chỉ ra rằng: "Phải làm cho toàn bộ sự nghiệp giáo dục, huấn luyện, học tập của thanh niên ngày nay phát triển được đạo đức cộng sản trong thanh niên" [94, tr. 177]. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng cho rằng giáo dục đạo đức cách mạng cho TTN cần phải được đặt lên hàng đầu: "Đảng cần chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những con người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa hồng, vừa chuyên" [97, tr. 9]. Một trong những chủ trương, giải pháp của Đảng đối với thanh niên nhằm tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc trong giai đoạn hiện nay là: "Đẩy mạnh giáo dục nhận thức chính trị, giáo dục truyền thống và đạo đức cách mạng, nâng cao giác ngộ lý

tưởng và hoài bão cho thanh niên" nhằm xây dựng sự đồng thuận xã hội [29, tr, 17-24]. Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba BCHTƯ Đoàn (khóa VIII) về tăng cường mở rộng mặt trận đoàn kết tập hợp thanh niên cũng nhấn mạnh việc:

"Tăng cường giáo dục lòng yêu nước, giáo dục đạo đức cách mạng cho thanh niên góp phần hình thành thế hệ thanh niên sống có văn hóa, yêu lao động, giàu lòng nhân ái" [38, tr. 8].

Giáo dục đó không chỉ dành cho đối tượng TTN nói chung, mà còn cho cả TTN tín đồ Phật giáo. Bởi vì, phần lớn thanh thiếu niên Phật giáo đang sinh hoạt trong GĐPT cũng đều là học sinh, sinh viên đang học tập trong các trường phổ thông, cao đẳng, đại học. Do vậy việc giáo dục sẽ góp phần cho TTN định hướng niềm tin, hình thành lý tưởng cao đẹp và khắc phục được tình trạng "bế tắc trong cuộc sống đã tìm đến tôn giáo" [116, tr. 309]. Việc giáo dục cũng sẽ góp phần giúp TTN tín đồ Phật giáo được nâng cao ý thức trách nhiệm của công dân trong việc tuân thủ pháp luật; nắm bắt được chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước để họ khỏi "bị lừa dối, mê hoặc, làm những điều vi phạm Hiến pháp và pháp luật, phản văn hóa" [127, tr. 346- 347], bảo vệ sự trong sáng của tôn giáo mà họ tin theo và ngay cả chính bản thân họ.

- Những nội dung cơ bản trong việc giáo dục lý tưởng đạo đức cách mạng, truyền thống văn hóa dân tộc cho TTN là: Trước hết là giáo dục cho họ lòng yêu nước nồng nàn. Yêu nước là giá trị hàng đầu là giá trị định hướng của các giá trị đạo đức truyền thống Việt Nam, giá trị bền vững nhất của dân tộc Việt Nam nhằm khơi dậy và phát huy tính tích cực chính trị - xã hội và khả năng sáng tạo của thanh niên [38, tr. 6]. Nội dung chủ yếu của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam hiện nay là yêu hòa bình, độc lập của dân tộc và yêu chủ nghĩa xã hội, là đem hết tinh thần và nghị lực, sức mạnh và tài năng để bảo vệ độc lập dân tộc, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Thứ hai, là giáo dục các giá trị đạo đức tốt đẹp của dân tộc

như lòng nhân ái, vị tha. đó là cội nguồn của đạo đức và là truyền thống quý báu của dân tộc ta. Lòng nhân ái, vị tha là động lực mạnh mẽ thúc đẩy TTN tham gia vào các chương trình nhân đạo như chống nạn ma túy, mại dâm, đại dịch AIDS, giúp đỡ và ủng hộ đồng bào các vùng bị thiên tai, lũ lụt... Lòng nhân ái, vị tha đó bao hàm trong đó lý tưởng nhân đạo của giai cấp công nhân là giải phóng giai cấp, dân tộc, đem lại tự do hạnh phúc cho nhân dân; quan tâm đến cuộc sống hạnh phúc, phẩm giá của con người, sự phát triển toàn diện của cá nhân và kể cả việc bảo vệ môi trường sinh thái - nhân văn cho sự tồn tại của con người. Thứ ba, là việc giáo dục ý thức cộng đồng và truyền thống đoàn kết của dân tộc. Ý thức cộng đồng và truyền thống đoàn kết là nguồn sức mạnh nội sinh của dân tộc ta từ xưa đến nay. Sự gắn bó giữa cá nhân và cộng đồng và sự quan tâm, tạo điều kiện của cộng đồng cho sự phát triển của cá nhân sẽ tạo ra tính tích cực chính trị - xã hội to lớn của thế hệ trẻ trong sự nghiệp CNH, HĐH đất nước. Thứ tư là việc giáo dục đạo đức lối sống cho TTN cũng cần phải chú trọng việc làm thế nào để thực hiện được đạo đức

"cần, kiệm, liêm chính", lối sống giản dị và lành mạnh. Càng khó khăn thì càng cần phải cần kiệm, chống thói ăn chơi đua đòi, xa hoa, lãng phí, lai căng, ma túy, mại dâm, mê tín dị đoan. Phải lấy phương châm sống đẹp, sống có văn hóa, sống lành mạnh, sống có nghĩa có tình, để chống lại lối sống lạnh lùng, băng giá, vô đạo đức, vô lương tâm. Thứ năm, là cần giáo dục cho TTN ý thức pháp luật, trách nhiệm công dân nhằm định hướng hành vi tôn trọng pháp luật và thực hiện pháp luật một cách nghiêm minh; nâng cao ý thức tự giác trong việc đấu tranh với những nhận thức và việc làm sai trái, phê phán và bác bỏ các quan điểm cơ hội phản động. Phải tăng cường các hoạt động thông tin và giáo dục pháp luật nhằm tác động, định hướng hành vi của TTN trong hoạt động tuân thủ, thi hành và áp dụng pháp luật. Phải giáo dục cho TTN thấy rằng giữa đạo đức và pháp luật có mối quan hệ rất mật thiết: Pháp luật là thứ đạo đức tối thiểu và đạo đức chính là pháp luật tối đa; nói cách khác, người tôn trọng và tuân thủ pháp luật pháp luật nghiêm chỉnh là người

có đạo đức. Nội dung giáo dục này không chỉ giành cho đối tượng TTN trong nhà trường mà phải được phản ánh cả trong nội dung tu học của GĐPT. Điều này nó đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo, Bộ Giáo dục và Đào tạo với GHPGVN.

- Những nội dung giáo dục nói trên phải được thực hiện thông qua những hình thức và phương pháp giáo dục có hiệu quả, phải được quán triệt trong cả ba môi trường gia đình, nhà trường và xã hội - trong đó môi trường gia đình và nhà trường chiếm vị trí đặc biệt quan trọng:

+ Đối với xã hội cần xây dựng cho được môi trường xã hội lành mạnh.

Tập trung giải quyết các vấn đề có tính cấp bách như: Thiết lập trật tự kỷ cương xã hội, xây dựng nếp sống và làm việc theo pháp luật; chống văn hóa độc hại và nạn ma túy, mại dâm, cờ bạc; chống tham nhũng, buôn lậu và các hành vi tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội; xây dựng và thực hiện các quy ước về nếp sống văn minh ở các địa bàn dân cư, các đơn vị cơ sở, trường học, những nơi công cộng; xây dựng gia đình văn hóa, tăng cường trách nhiệm của gia đình trong việc giáo dục, chăm sóc TTN [3, tr. 54].

+ Phải nhận thấy được rằng ở bất kỳ xã hội nào và thời điểm nào thì gia đình cũng là yếu tố đầu tiên và nhân tố chủ yếu có ý nghĩa quyết định đối với sự hình thành và phát triển nhân cách. Những định hướng trong cuộc sống của TTN bắt đầu từ định hướng của gia đình về việc kính trên nhường dưới, lòng kính trọng và biết ơn, lối sống tình nghĩa, tinh thần tương thân tương ái, về cái thiện và cái ác... Có thể nói gia đình là môi trường quan trọng bậc nhất của giáo dục đạo đức. Sự sút kém về vai trò và hiệu quả của giáo dục gia đình là một trong những nguyên nhân dẫn đến những hiện tượng tiêu cực trong xã hội. Do vậy công tác đoàn kết, tập hợp TTN không chỉ gắn liền với các hoạt động của Đoàn - Hội, với cộng đồng dân cư, mà công tác vận động thanh niên và phát huy vai trò của thanh niên phải bắt đầu từ gia đình. Cần xây dựng gia

đình yên ấm, hạnh phúc để tạo ra môi trường văn hóa lành mạnh cho thanh niên nhận thức được mối quan hệ giữa gia đình và xã hội, giữa cống hiến và hưởng thụ giữa quyền lợi và nghĩa vụ của thanh niên [3, tr. 181]. Theo khảo sát của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì trong năm 2001 tỉnh Thừa Thiên - Huế là một trong bốn tỉnh, thành trong cả nước hầu như không có tình trạng học sinh, sinh viên nghiện ma túy. Nguyên nhân của vấn đề đó theo TS Trần Xuân An (Trưởng ban Công tác chính trị - sinh viên của Đại học Huế) thì ngoài sự cố gắng phòng, chống tệ nạn xã hội của các cấp chính quyền; thì yếu tố môi trường gia đình, xã hội lành mạnh là rất quan trọng: "Thấm nhuần đức hiếu sinh của Phật dạy nên đạo đức trong đời sống gia đình ở Huế khá nghiêm khắc trong khuôn phép và có thể nói xứ Huế còn là xứ của đạo nghĩa ân tình giữa mẹ con, cha con, vợ chồng, anh em, thầy trò, láng giềng, chủ khách gắn bó với nhau trong tình nghĩa thủy chung" [68, tr. 33].

+ Cùng với việc giáo dục thông qua môi trường gia đình, việc giáo dục đạo đức thông qua môi trường nhà trường và xã hội cũng góp phần đào tạo cho đất nước một thế hệ trẻ có phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ năng lực chuyên môn cao, có bản lĩnh chính trị vững vàng. Việc giáo dục được thông qua chương trình nội khóa với các bộ môn đạo đức, giáo dục công dân... ở trong từng bậc học với nội dung và phương pháp giáo dục tùy theo đặc điểm về tâm sinh lý lứa tuổi và đặc điểm tiếp thu ở mỗi bậc học là rất cần thiết. Ở bậc tiểu học có môn đạo đức, ở bậc trung học cơ sở có môn giáo dục công dân; ở bậc trung học chuyên nghiệp có môn chính trị, pháp luật và kinh tế - chính trị; ở bậc đại học và cao đẳng có môn Triết học Mác - Lênin, Kinh tế - Chính trị, Chủ nghĩa cộng sản khoa học và Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam.

Việc cấu trúc chương trình theo nội dung đồng tâm với các bậc học, bậc học sau kế thừa và phát triển nội dung cao hơn bậc học trước cũng đã bước đầu định hướng cho thế hệ trẻ các giá trị như vấn đề "độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội", "nhân văn, nhân bản, nhân ái", "truyền thống tôn sư trọng đạo và hiếu

học", "tình yêu và hạnh phúc gia đình", "nếp sống văn hóa và lối sống văn minh", "bản lĩnh nhân cách công dân", "đạo đức nghề nghiệp", "chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh"... Tuy vậy hiệu quả của công tác giáo dục này cũng còn nhiều vấn đề bất cập và hạn chế: Đó là việc bổ sung, cập nhật các chủ trương đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước chưa được kịp thời và các giá trị về đạo đức truyền thống của dân tộc chưa được đề cập hoặc đề cập một cách rời rạc. Một số nội dung về tôn giáo, dân tộc, chính sách của Đảng và Nhà nước về tôn giáo và dân tộc chưa được chú trọng. Đội ngũ cán bộ giáo viên giảng dạy những bộ môn nói trên ở cấp trung học phần lớn là trái ngành và kiêm nhiệm; tâm lý về "môn phụ" vẫn còn, đã ảnh hưởng không nhỏ đến thái độ học tập và tâm lý giảng dạy của giáo viên. Việc kiểm tra, quản lý của các cấp lãnh đạo trong nhà trường còn bị buông lỏng. Do vậy, việc khắc phục những hạn chế bất cập nói trên là vấn đề có tính cấp bách. Có thể nói rằng, muốn giải quyết vấn đề tôn giáo từ dưới góc độ văn hóa, thì: "Giáo dục đóng một vai trò quan trọng" [127, tr. 344]. Rất nhiều ý kiến các nhà khoa học và các nhà nghiên cứu tôn giáo đề nghị cần đưa những tri thức tôn giáo giảng dạy ở cấp đang học thông qua các bộ môn khoa học xã hội nhân văn, nhằm làm cho các em học sinh hiểu được rõ đại thể tôn giáo là gì và chính sách của Đảng, Nhà nước đối với vấn đề tôn giáo. Cần giảng dạy tri thức tôn giáo như một bộ môn trong các ngành học ở cấp đại học; cần lưu hành những cuốn sách phổ thông, dễ hiểu giới thiệu về các vấn đề tôn giáo và thái độ của Đảng, Nhà nước ta đối với vấn đề tôn giáo nói chung và GĐPT nói riêng [127, tr. 344].

Mỗi khi các học sinh sinh viên và người dân có một trình độ hiểu biết nhất định về tôn giáo, thì họ sẽ có thái độ ứng xử đúng đắn đối với những vấn đề tôn giáo sẽ tìm thấy những giá trị tích cực trong đời sống tôn giáo (tính hướng thiện, lòng nhân ái, vị tha...); xa lánh các biểu hiện tiêu cực (mê tín, hủ tục) và phân biệt được những hoạt động thuần túy tín ngưỡng tôn giáo với hoạt động lợi dụng tôn giáo vì động cơ danh lợi cá nhân, mục đích kinh tế, mục đích chính trị...

Một phần của tài liệu LUẬN án TIẾN sĩ GIA ĐÌNH PHẬT tử và vấn đề đoàn kết tập hợp THANH THIẾU NIÊN TRONG các GIA ĐÌNH PHẬT tử nước nước TA (QUA KHẢO sát một số TỈNH MIỀN TRUNG) (Trang 181 - 189)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(212 trang)
w