Hiện nay theo báo cáo của Ban MTTN của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thì thanh niên tín đồ Phật giáo chiếm tỷ lệ 14% trong tổng số thanh niên; có 953 đơn vị GĐPT hoạt động (trong đó có 612 đơn vị GĐPT có đăng ký hoạt động, 341 đơn vị GĐPT chưa đăng ký), với 77.789 đoàn sinh GĐPT (trong đó có 36.407 đoàn sinh đã đăng ký và 41.382 đoàn sinh chưa đăng ký) và 8.246 huynh trưởng (trong đó 5.409 huynh trưởng đã đăng ký và 2.837 huynh trưởng chưa đăng ký) [35, tr. 4]. Một số liệu khác của BTGCCP
thống kê ở
21 tỉnh thành phía Nam trong năm 2002 thì có 89.637 đoàn sinh và 19.150 huynh trưởng GĐPT đang sinh hoạt trong 1.332 đơn vị GĐPT (Phụ lục 1, 2, 3).
Những số liệu thống kê trên đây chỉ mang tính tương đối do việc quan niệm về tiêu chuẩn trong việc xác định TTN tín đồ Phật giáo và đoàn sinh
GĐPT; cũng như việc nắm danh sách và báo cáo của các chùa chiền, niệm phật đường còn lỏng lẻo; do sự phân hóa trong nội bộ GĐPT. Tuy vậy chúng ta vẫn có thể khẳng định rằng, số lượng TTN tín đồ Phật giáo hoạt động trong tổ chức GĐPT có xu hướng gia tăng và "sự phục hồi hoạt động của GĐPT đã thu hút nhiều TTN tham gia, đây là điều đáng quan tâm" [36].
Là bộ phận quan trọng trong TTN Việt Nam và trong các tín đồ tôn giáo;
đại đa số TTN tín đồ Phật giáo là con em nhân dân lao động, mang trong mình truyền thống tốt đẹp của dân tộc và của thế hệ trẻ Việt Nam. Vấn đề đặt ra là Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Hội LHTN Việt Nam phải tạo ra được một môi trường
"đồng thuận" nhằm đáp ứng những nhu cầu và nguyện vọng chính đáng của TTN tín đồ Phật giáo để phát huy tính tích cực chính trị- xã hội của họ, tạo nên một hợp lực của những vectơ cùng chiều trong việc "đồng hành cùng dân tộc"
nhằm thực hiện mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh".
Có thể nói rằng, đoàn kết, tập hợp TTN tín đồ Phật giáo là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị trong chiến lược đoàn kết tôn giáo, đại đoàn kết toàn dân của Đảng, trong đó đóng vai trò nòng cốt vẫn là Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Hội LHTN Việt Nam. Mục tiêu của công tác vận động là tạo điều kiện cho TTN Phật giáo phấn đấu trưởng thành, tiếp thu các truyền thống tốt đẹp của dân tộc, phát huy tiềm năng to lớn của họ, cùng với thế hệ trẻ cả nước xung kích sáng tạo trong sự nghiệp CNH,HĐH đất nước. Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề đó, thời gian qua Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Hội LHTN Việt Nam đã có các chương trình hành động cụ thể để đoàn kết, tập hợp TTN tín đồ Phật giáo.
2.2.2.1. Về công tác chỉ đạo và tuyên truyền, giáo dục
- Quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng về công tác tôn giáo trong tình hình mới, trong những năm qua, BCHTƯ Đoàn (khóa V, VI, VII, VIII) đã luôn coi trọng và quan tâm chỉ đạo các cấp bộ Đoàn trong cả nước làm tốt
công tác vận động, đoàn kết tập hợp TTN tín đồ các tôn giáo. Nhiều văn bản và Nghị quyết chuyên đề về công tác TTN tôn giáo đã được ban hành. Cụ thể là tháng 8 năm 1990, BCHTƯ Đoàn (khóa V) đã có kết luận "Về công tác xây dựng Đoàn, Hội, Đội và công tác tập hợp, đoàn kết TTN ở vùng tôn giáo" và Nghị quyết số 54 ngày 6/9/1990 "Về tăng cường đoàn kết, tập hợp TTN vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc ít người và vùng tôn giáo". Ngoài ra BCHTƯ Đoàn còn có các Công văn số 44/HD-TWĐTN ngày 14-5-1996 hướng dẫn
"Về công tác đối với TTN tham gia sinh hoạt GĐPT"; Công văn số 54 HĐKH/TWĐTN hướng dẫn kế hoạch Đoàn thanh niên tham gia tổng kết NQ24/BCT của Bộ Chính trị về "Tăng cường công tác tôn giáo trong tình hình mới". Trong năm 1997, BCHTƯ Đoàn có hướng dẫn chỉ đạo việc Đoàn thanh niên tham gia tổng kết Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị "Về công tác tôn giáo trong tình hình mới". Năm 1998, được sự đồng ý của Ban Bí thư, Ban MTTN đã xuất bản cuốn sách "Về công tác đoàn kết tập hợp thanh niên tín đồ tôn giáo", cuốn sách này đã giúp về nghiệp vụ và kinh nghiệm, mô hình cho đội ngũ cán bộ Đoàn vùng tôn giáo. Năm 1999, BCHTƯ Đoàn đã ra văn bản chỉ đạo tăng cường vận động và đoàn kết tập hợp thanh niên tín đồ công giáo.
Năm 2001, BCHTƯ Đoàn đã có Kết luận số 12-KL/TWĐTN về "Công tác đoàn kết tập hợp thanh niên tín đồ tôn giáo trong tình hình mới" và Hướng dẫn số 58 (ngày 21-05-2001) của BCHTƯ Đoàn "Về tuyên truyền chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo và âm mưu lợi dụng tôn giáo chống phá cách mạng của các thế lực thù địch". Gần đây, BCHTƯ Đoàn lại có Nghị quyết Hội nghị lần thứ 3 (khóa VIII) "Về tăng cường, củng cố và mở rộng mặt trận đoàn kết, tập hợp thanh niên vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh" - nghị quyết này là sự cụ thể hóa Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 BCHTƯ Đảng (khóa IX) về phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, tôn giáo [38].
Ngoài ra, các cấp bộ Đoàn - Hội còn tổ chức nghiên cứu những đề tài khoa học cấp Bộ về xây dựng Đoàn, đoàn kết tập hợp thanh niên vùng tôn
giáo như đề tài "Công tác đoàn kết tập hợp thanh niên tín đồ tôn giáo trong thời kỳ mới", "Công tác đoàn kết tập hợp thanh niên tín đồ Phật giáo" và một số đề tài khác có liên quan.
Cùng với việc kịp thời ban hành các nghị quyết và các văn bản chỉ đạo hướng dẫn chuyên đề về công tác vận động TTN tôn giáo, BCHTƯ Đoàn cũng đã chủ động làm việc với các ban, ngành trung ương và các tỉnh(thành) Đoàn có nhiều TTN tôn giáo để thống nhất chủ trương, biện pháp công tác;
đồng thời phối hợp với BTGCCP mở nhiều lớp tập huấn về công tác tôn giáo;
tổ chức hội nghị chuyên đề về công tác vận động thanh, thiếu nhi vùng tôn giáo. Những năm qua Ban MTTN đã đưa chuyên đề đoàn kết tập hợp thanh niên tín đồ tôn giáo vào các chương trình tập huấn của Hội hàng năm và giúp các tỉnh tập huấn cho cán bộ vùng tôn giáo. Các cụm thi đua vùng trọng điểm tôn giáo đã tổ chức các hội nghị chuyên đề, hội thảo nhằm bàn bạc các giải pháp trong công tác xây dựng Đoàn, Hội, Đội và đẩy mạnh hoạt động trong vùng tôn giáo như cụm đồng bằng sông Hồng, cụm Tây Nguyên, cụm miền Đông Nam Bộ, cụm đồng bằng sông Cửu Long [105]. Đặc biệt gần đây để quán triệt nghị quyết Hội nghị BCHTƯ Đảng lần thứ 7, Ban MTTN Trung ương Đoàn phối hợp với BDVTƯ, BTGCCPP đã khai giảng lớp tập huấn toàn quốc cán bộ Đoàn, Hội, Đội về công tác tôn giáo cho 200 cán bộ Đoàn, Hội của 61 tỉnh thành trong cả nước với các chuyên đề về "Giải pháp đối với vấn đề tôn giáo trong vùng đồng bào dân tộc và trong thanh niên, sinh viên",
"Công tác đoàn kết, tập hợp thanh niên vùng tôn giáo", "Đoàn thanh niên tham gia giải quyết vấn đề truyền đạo trái phép trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số"
[80, tr. 6]. Cũng trong năm 2003, BTHTƯ Đoàn đã tổ chức hội thảo "Công tác đoàn kết, tập hợp thanh niên dân tộc, tôn giáo vào tổ chức Đoàn - Hội" ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long (4-2001)[66, tr. 6] và liên hoan cán bộ Đoàn, Hội có thành tích xuất sắc trong công tác vận động tập hợp thanh niên vùng tôn giáo, dân tộcở 7 tỉnh miền Đông Nam Bộ [105, tr. 2]. Đó là những hoạt
động nhằm đổi mới công tác đoàn kết, tập hợp TTN vùng tôn giáo, dân tộc của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.
Có thể nói, nhận thức được tầm quan trọng của công tác đoàn kết, tập hợp TTN tín đồ tôn giáo, trong những năm qua các cấp bộ Đoàn - Hội của các địa phương đã coi công tác vận động TTN tín đồ Phật giáo và xây dựng Đoàn - Hội - Đội trong vùng là một trong những nhiệm vụ hoạt động của Đoàn - Hội. Kết quả khảo sát cán bộ Đoàn, Hội cấp tỉnh (thành) ở các tỉnh miền Trung với câu hỏi: "Theo anh, chị đoàn kết, tập hợp TTN tín đồ tôn giáo nói chung và TTN tín đồ Phật giáo nói riêng có được xác định là một trong những nhiệm vụ hoạt động của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Hội LHTN Việt Nam tỉnh (thành)... không?" thì có 85,04% ý kiến trả lời là "có" và 14,75% ý kiến trả lời là "không". Kết quả đó cũng đã phản ánh sự nhận thức của cán bộ Đoàn, Hội về tầm quan trọng của công tác vận động TTN tín đồ Phật giáo trong giai đoạn hiện nay. Điều này cũng được khẳng định trong báo cáo của BCHTƯ Đoàn (khóa VII) tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ VIII (2002):
Công tác đoàn kết, tập hợp thanh niên tôn giáo, dân tộc được quan tâm chỉ đạo cụ thể và thiết thực, nhất là công tác tuyên truyền giáo dục, đầu tư các chương trình dự án, xây dựng các mô hình hoạt động, đào tạo, tập huấn các bộ Đoàn, Hội vùng tôn giáo, dân tộc, góp phần củng cố tổ chức cơ sở Đoàn, Hội, làm nòng cốt tập hợp, giáo dục thanh thiếu niên dân tộc, thanh thiếu niên tín đồ, tham gia đấu tranh chống âm mưu và hành động lợi dụng tôn giáo, dân tộc chống phá cách mạng [37, tr. 12].
Trên cơ sở chỉ đạo đó; công tác tuyên truyền, giáo dục TTN tín đồ tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng đã được các cấp bộ Đoàn, Hội chú trọng. Hoạt động giáo dục truyền thống cách mạng của Đảng, của dân tộc, của Đoàn, của Đội được tăng cường thông qua các cuộc thi tìm hiểu, các cuộc gặp
mặt truyền thống, các đợt tham quan các di tích lịch sử, các đợt hành quân "về nguồn". Các hoạt động đó đã thu hút đông đảo thanh niên Phật giáo tham gia.
Các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước liên quan đến vấn đề tôn giáo và thanh niên đã được tuyên truyền bằng các hình thức như phát động TTN đọc báo Đảng, báo Đoàn, báo Đội; tìm hiểu về "vấn đề tôn giáo và chính sách tôn giáo của Đảng Cộng sản Việt Nam", về "Luật đất đai",
"Luật dân sự", "Luật hôn nhân gia đình", "Luật nghĩa vụ quân sự". Các hoạt động tuyên truyền vận động TTN tham gia xây dựng nếp sống văn hóa, bài trừ các tệ nạn xã hội được tổ chức với nhiều hình thức phong phú như: mở các đợt truyền thông về lồng ghép về "dân số - sức khỏe - môi trường"; vận động thanh niên thực hiện cuộc vận động "hai xây, một chống" (xây dựng nếp sống văn hóa mới nơi công cộng và trong gia đình; chống tệ nạn xã hội); tổ chức các hội thi "Thanh niên thanh lịch", "Nét đẹp đội viên"; tham gia xóa các vùng trắng về văn hóa, đem ánh sáng văn hóa văn nghệ đến các vùng đông đảo TTN tín đồ Phật giáo, vùng sâu, vùng xa. Những hoạt động đó đã góp phần tuyên truyền chính sách tôn giáo, chính sách đại đoàn kết toàn dân của Đảng và giúp TTN hiểu rõ các âm mưu lợi dụng Phật giáo để thực hiện các việc làm sai trái, xuyên tạc chính sách tự do tín ngưỡng tôn giáo của Đảng.
Ban Thường vụ Trung ương Đoàn đã triển khai nhiều tài liệu tuyên truyền trong cán bộ đoàn viên thanh niên và tín đồ tôn giáo gồm: "chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước ta"; "Âm mưu diễn biến hòa bình, lợi dụng tôn giáo để chống phá cách mạng nước ta"; "Công tác đoàn kết tập hợp TTN tín đồ tôn giáo"...
Thông qua các hoạt động tuyên truyền giáo dục nói trên, các cấp bộ Đoàn đã góp phần giáo dục TTN tín đồ tôn giáo nói chung và tín đồ Phật giáo nói riêng nâng cao nhận thức, giác ngộ chính trị, có ý thức tốt hơn về trách nhiệm của tuổi trẻ, của công dân đối với quê hương đất nước và củng cố niềm tin của họ vào sự lãnh đạo của Đảng và cũng "đã thu hút đông đảo các tầng lớp
thanh niên tham gia thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội và an ninh quốc phòng" [38, tr. 4].
- Tuy có những cố gắng lớn, nhưng nhìn chung việc chỉ đạo, tuyên truyền giáo dục công tác đoàn kết tập hợp TTN tín đồ Phật giáo vẫn chưa theo kịp với chuyển biến của tình hình tôn giáo. Nhiều cấp bộ Đoàn - Hội chưa quán triệt sâu sắc và vận dụng một cách sáng tạo các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về đoàn kết tôn giáo để xây dựng cho được những chương trình cụ thể về công tác tuyên truyền; nhiều cán bộ Đoàn cơ sở còn chưa nắm được những chủ trương của Đảng và Nhà nước về công tác tôn giáo và về vấn đề GĐPT... Do vậy, đã có không ít cấp bộ Đoàn không nắm bắt được tình hình TTN trong vùng Phật giáo và còn mặc cảm với các hoạt động của GĐPT. Ở các trường phổ thông, cao đẳng, đại học thì các cấp Đoàn, Hội, Đội không nắm được tình hình học sinh, sinh viên của các tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng [79, tr. 1]. Ngoài ra nhiều cấp bộ Đoàn còn chưa nhận thức đầy đủ tính "đặc thù" của đối tượng TTN Phật giáo nên chưa có phương pháp vận động phù hợp; thậm chí có nơi còn cho rằng đây là nhiệm vụ của Ban Tôn giáo và MTTQ Việt Nam. Một số cán bộ Đoàn - Hội khác tuy đã được tập huấn về công tác tôn giáo, nhưng nhìn chung số lượng vẫn còn quá khiêm tốn và nội dung tập huấn chỉ dừng lại ở các vấn đề có tính tổng thể mà chưa đi sâu vào các vấn đề có tính cụ thể mang tính đặc thù (như vấn đề GĐPT). Với câu hỏi: "Anh, chị đã được tập huấn về công tác tôn giáo nói chung và công tác đoàn kết, tập hợp TTN tín đồ Phật giáo chưa?" (dành cho đối tượng là 152 cán bộ Đoàn trong BCH tỉnh (thành) Đoàn các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định, Khánh Hòa...) thì kết quả thu được là: có 16,68% trả lời "đã được tập huấn" và 83,32% trả lời là
"chưa được tập huấn". Cũng với câu hỏi trên dành cho 81 cán bộ Đoàn - Hội (cấp phường, xã) thì kết quả thu được tương ứng là: 11,11% và 88,88%. Đặc
biệt là việc phổ biến các thông tư, chỉ thị, công văn, thông báo của BTGCCP, BDVTƯ, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh "Về việc quản lý sinh hoạt của GĐPT"
cho cán bộ Đoàn - Hội vẫn còn hạn chế: Cũng với đối tượng điều tra trên, thì chỉ có 32,16% trả lời là "có được phổ biến" và 58,90% là "chưa được phổ biến" các thông tri, chỉ thị đó và 8,91% "không trả lời". Do vậy công tác giáo dục tuyên truyền của Đoàn, Hội nhiều lúc còn thiếu chiều sâu, "chưa theo kịp diễn biến tâm lý, nguyện vọng của TTN tín đồ Phật giáo; đội ngũ tuyên truyền viên còn thiếu và còn yếu về năng lực, kỹ năng; hệ thống báo chí của Đoàn, các tờ tin của cơ sở chưa chú ý và nhiều khi còn ngại đề cập đến công tác này" [34, tr. 10]. Hệ quả của những bất cập nói trên là "việc tập hợp thanh niên ở các địa bàn, lĩnh vực đặc thù còn khó khăn, lúng túng và đang đứng trước các thách thức mới" [38, tr. 5]. Một trong các thách thức đó là, bên cạnh các ý kiến đánh giá tương đối khách quan về vấn đề tự do tín ngưỡng nói chung và quản lý hoạt động GĐPT nói riêng của Đảng, Nhà nước ta; thì vẫn còn không ít ý kiến đánh giá của TTN tín đồ Phật giáo về vấn đề này còn mang tính phiến diện: Số liệu điều tra của đề tài KTN 93-07 của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh dành cho đối tượng là 653 TTN tín đồ Phật giáo về "Vấn đề tự do tín ngưỡng ở nước ta hiện nay"; thì có 33,3% cho rằng "có tự do tín ngưỡng", 50% cho rằng "có nhưng còn hạn chế", 7,6% cho rằng "chưa có tự do tín ngưỡng" và 9,1% không trả lời và cũng với vấn đề này khi điều tra ở 198 đoàn sinh GĐPT thì tỷ lệ thu được tương ứng là 45,5% - 43,6% - 5,2% - 5,7% [44, tr. 60]. Số liệu khảo sát trong năm 2002 ở đối tượng là 308 đoàn sinh GĐPT ở các tỉnh miền Trung của tác giả luận án về vấn đề trên cũng phản ánh rõ nét thực trạng đó, với tỷ lệ tương ứng là 37,01% - 52,59% - 10,38%. Nguyên nhân của các nhận định "có nhưng còn hạn chế", "chưa có tự do tín ngưỡng" một phần là do sự nhận thức chưa đầy đủ của một bộ phận TTN tín đồ Phật giáo về vấn đề tự do tín ngưỡng hoặc do tâm lý mặc cảm của họ về vấn đề này - tâm lý đó vẫn tồn tại trong tiềm thức