Một trong những nhiệm vụ cơ bản của công tác tôn giáo được xác định trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy (BCHTƯ khóa IX) của Đảng là:
"Tăng cường nghiên cứu cơ bản, tổng kết thực tiễn, góp phần cung cấp luận cứ khoa học cho việc xây dựng và thực hiện chủ trương, chính sách lâu dài đối với tôn giáo" [29, tr. 52] và "trong quá trình thực hiện; kịp thời phát hiện đề xuất, kiến nghị để điều chỉnh, bổ sung cụ thể hóa các chủ trương, chính sách, giải pháp nhằm thực hiện thắng lợi nghị quyết" [29, tr. 56].
Do có những đặc thù riêng về mặt lịch sử, do vậy hoạt động của GĐPT có những biểu hiện rất đa dạng và phức tạp. Giải quyết những vấn đề đặt ra dưới đây không chỉ cung cấp các luận cứ khoa học cho việc hoàn thiện chủ trương, chính sách của Đảng về vấn đề tôn giáo nói chung và GĐPT nói riêng; mà nó còn có ý nghĩa trong việc xác định một thái độ ứng xử đúng đắn của các cơ quan quản lý nhà nước đối với việc quản lý hoạt động của GĐPT.
Hơn thế nữa nó cũng là cơ sở để giúp cho việc giải tỏa những ngộ nhận, mặc cảm không đúng đắn liên quan đến vấn đề tổ chức và sinh hoạt GĐPT của một bộ phận đoàn sinh, huynh trưởng GĐPT; đồng thời nó cũng góp phần phản bác lại các luận điệu xuyên tạc, lợi dụng những vấn đề liên quan đến sinh hoạt GĐPT của các thế lực thù địch để phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc của Đảng ta. Những vấn đề này đúng như GS Nguyễn Tài Thư đã nhận định: "Tuy không quan trọng bằng vấn đề thế giới quan và nhân sinh quan nhưng đã gây ra ngộ nhận, nếu không giải quyết thì chúng sẽ gây ra những trở ngại cho sinh hoạt
bình thường trong Phật giáo, cũng như trong xã hội nói chung" [117, tr. 87-108]
và đôi khi nó sẽ trở thành của tình huống chính trị - xã hội nếu nó bị các thế lực thù địch lợi dụng. Ngoài ra nó còn liên quan đến việc hướng dẫn sinh hoạt tinh thần xã hội của TTN tín đồ Phật giáo - giữa việc đáp ứng nhu cầu tự do tín ngưỡng, tôn giáo với việc phát huy vai trò trách nhiệm của công dân đối với tổ quốc và chế độ. Thả nổi những diễn biến trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa về thực chất là từ bỏ quyền lãnh đạo và vai trò định hướng về mặt tư tưởng đối với thế hệ trẻ nói chung và TTN tín đồ Phật giáo nói riêng [118, tr. 20]. Làm trong sạch, lành mạnh hóa các hoạt động của GĐPT là trách nhiệm của Đảng, của các ban ngành quản lý tôn giáo và của những tổ chức tôn giáo. Do vậy, đòi hỏi cần xét "trong nội dung, cũng như hành vi tôn giáo điều gì nên tôn trọng khuyến khích và điều gì nên phản bác, nhất là các hành vi trái với pháp luật, Hiến pháp, trái với đạo đức, phản văn hóa, hại đến tính mạng và sức khỏe con người" [127, tr. 347]. Vấn đề GĐPT là vấn đề tương đối có tính đặc thù, nhạy cảm, tế nhị - từ phương diện tín ngưỡng, tôn giáo, đến phương diện đạo đức, tư tưởng, ý thức hệ, chính trị, pháp luật. Trong phạm vi nghiên cứu, luận án chỉ tập trung vào việc đề xuất, kiến nghị một số giải pháp liên quan đến vấn đề tổ chức; vấn đề nội quy, quy chế, huynh trưởng; nội dung tu học và huấn luyện; việc phát huy các giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và đấu tranh ngăn chặn các tác động tiêu cực của GĐPT trong TTN tín đồ Phật giáo.
Đó là việc làm lâu dài, không chỉ bằng phương pháp giáo dục, mà đôi khi còn phải bằng luật pháp [118, tr. 343].
a) Vấn đề đầu tiên cần khẳng định là tổ chức GĐPT không phải là một đoàn thể chính trị - xã hội; mà chỉ là một tổ chức giáo dục, một phương thức tu học của TTN Phật giáo sinh hoạt trong khuôn khổ pháp lý của GHPGVN và pháp luật hiện hành
Sự phát triển của GĐPT trong lịch sử và hiện nay luôn gắn liền với Giáo hội, vì sự tiến bộ của TTN Phật giáo, chứ không phải hình thành một tổ chức
độc lập đi trái ngược với đường hướng hoạt động của Giáo hội. Theo Điều 19 (chương V) của Hiến chương GHPGVN tu chỉnh ngày 22 - 23/11/1997 thì GHPGVN có trách nhiệm quản lý sinh hoạt GĐPT [62, tr. 10]. GHPGVN là tổ chức Giáo hội duy nhất của tăng ni, Phật tử Việt Nam; GHPGVN hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Do vậy mọi sinh hoạt tu học - kể cả vấn đề cơ cấu nhân sự các cấp - phải ở trong khuôn khổ pháp lý của GHPGVN và luật pháp hiện hành, theo phương châm "Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội" [62, tr. 4].
Mục đích hoạt động của GĐPT từ lâu được xác định: "Gia đình Phật tử đã là một tổ chức giáo dục trong Hội Phật học. Nó lấy giáo lý nhà Phật làm căn bản [21, tr. 135-136]. Khẳng định về vấn đề này Cư sĩ Võ Đình Cường trong cuốn sách "Đây Gia đình" cũng đã viết: "GĐPT chỉ là một tổ chức hoàn toàn giáo dục. Nó không dựa vào lực lượng chính trị, mà cũng không nhúng tay vào chính trị" [21, tr. 123-136]. Ngay những năm đầu sau khi tổ chức GĐPT ra đời; trước những ngộ nhận về mục đích hoạt động của GĐPT, ông Võ Đình Cường tiếp tục khẳng định: "GĐPT không phải không phải là một tổ chức thanh niên có mục đích chính trị hay một tổ chức Hướng đạo trá hình. GĐPT chỉ mượn một ít phương pháp thanh niên hay Hướng đạo mà thôi. Còn tinh thần thì vẫn là tinh thần của Phật giáo" [21, tr. 123-126]. Tất cả những điều này lại được khẳng định một cách chắc chắn trong cuốn sách "Sứ mệnh Gia đình cũng Phật tử" của Lữ Hồ: "GĐPT không phải là một tổ chức chính trị.
GĐPT chưa bao giờ xưng danh là một tổ chức chính trị" [72, tr. 5-65].
Rõ ràng các ý kiến ngộ nhận cho rằng: GĐPT phải được tổ chức hoạt động như một "đoàn thể chính trị - xã hội" là điều không thể chấp nhận được.
Đồng ý rằng trước năm 1975, có những lúc các đoàn sinh và huynh trưởng GĐPT đã tham gia các hoạt động chống Mỹ - Diệm, Thiệu..., nhưng điều ấy không phải hoàn toàn do tính chất và chức năng "chính trị" của tổ chức quy định, thúc đẩy. Trong điều kiện xã hội - lịch sử lúc bấy giờ, GĐPT cũng như
hầu hết Giáo hội Phật giáo cùng các tăng ni, các chùa, tịnh xá..., là những lực lượng thuần túy Phật giáo đã buộc phải xuống đường vì sự sống còn bức thiết của tín ngưỡng, tôn giáo, chứ hoàn toàn không phải là hành động của một tổ chức tự thân có tính chất, động cơ và mục tiêu chính trị. Đó là biểu hiện của xu thế thế tục hóa, xu thế dân tộc hóa nhằm "chống lại sự đồng hóa dân tộc...
đồng hóa tôn giáo" [127, tr. 319]. Lịch sử chỉ rõ, không phải vì có tham gia đấu tranh bảo vệ Tổ quốc và bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng, mà nhà chùa và tăng già lại có thể trở thành một đoàn thể chính trị - xã hội. Lâu nay các nhà nghiên cứu và các tu sĩ thường nói đến tinh thần "nhập thế" của Phật giáo [18, tr. 22]. Đặc biệt là một số huynh trưởng cố chấp đã ngộ nhận khái niệm này, đi đến quá nhấn mạnh vai trò chính trị - xã hội của các thiền sư thời Lý - Trần và tuyệt đối hóa ý nghĩa chính trị của một số hoạt động nào đó của GĐPT trong thời kỳ cận hiện đại [118, tr. 236]; trong đó có sự ngộ nhận khi đồng nhất về bản chất của hai sự kiện ngày 8-5-1963 và 24-5-1993 ở thành phố Huế (trên thực tế thực chất của sự kiện ngày 24-5-1993 chỉ là một trong những hoạt động gây rối, cố ý phá hòa hợp tăng, chống phá chế độ của một bộ phận tăng ni, cư sĩ, huynh trưỏng, đoàn sinh GĐPT lợi dụng danh nghĩa của GHPGVNTN). Các huynh trưởng đó cũng đã không hiểu được rằng: "Các thiền sư Việt Nam đều chỉ tham dự chính sự mà không tham gia chính quyền khi triều đình đã có đủ người lo các công việc trên thì các thiền sư chỉ giữ vai trò cố vấn đạo đức và tinh thần" [34, tr. 20]. Tài liệu tu học bậc Hòa của GĐPT cũng đã viết: "Khi nào đất nước bị ngoại xâm... thì Phật giáo đứng lên chống xâm lăng cứu nước, cứu dân. Nước nhà hòa bình thịnh trị... thì các vị thiền sư trở về chùa tu niệm. Lịch sử Việt Nam đã chứng minh hùng hồn và cụ thể điều đó" [49, tr. 32]. Những ngộ nhận, cố chấp nói trên của một bộ phận huynh trưởng, đoàn sinh GĐPT là không phù hợp với tôn chỉ, mục đích của GĐPT và của pháp luật Việt Nam [117, tr. 103].
Như vậy xét về thực chất và tổng thể chúng ta có thể khẳng định GĐPT không phải là một đoàn thể chính trị - xã hội và cũng không phải là một hệ thống tổ chức riêng như các đoàn thể độc lập tồn tại bên ngoài GHPGVN; mà nó chỉ là một tổ chức giáo dục, một phương thức tu học giáo lý, đạo đức Phật giáo của TTN tín đồ Phật giáo, sinh hoạt trong khuôn khổ pháp lý của GHPGVN và luật pháp hiện hành. GHPGVN trách nhiệm bảo hộ các sinh hoạt tôn giáo theo giới, lứa tuổi, nội dung tín ngưỡng; trực tiếp chịu trách nhiệm hướng dẫn và quản lý trong phạm vi tôn giáo. Các vị tăng ni bảo trợ không chỉ đứng bên ngoài GĐPT, làm cố vấn giáo hạnh, mà phải chịu trách nhiệm trước Giáo hội, cũng như pháp luật và có thể trực tiếp phụ trách, chủ trì việc hướng dẫn. Điều này cũng được khẳng định trong thông tư 01/TT/TGCP ngày 03-5-1995 của BTGCCP:
Sinh hoạt Gia đình Phật tử do Giáo hội Phật giáo Việt Nam quản lý là sinh hoạt của một bộ phận TTN con em gia đình theo đạo Phật tự nguyện tham gia, được tu học giáo lý, đạo đức Phật giáo ở trong chùa, tự, viện, niệm phật đường với sự bảo trợ, giúp đỡ và chịu trách nhiệm của các vị sư trù trì hoặc vị sư bảo trợ thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam ở cơ sở [10, tr. 90-91].
Đó cũng là nguyện vọng tha thiết của đa số các tăng ni, cư sĩ, huynh trưởng, đoàn sinh GĐPT: "Qua thực tế nguyện vọng tha thiết của GĐPT xin được công nhận thực sự là một bộ phận của Ban Hướng dẫn nam nữ Phật tử... do Giáo hội chủ trì và chịu trách nhiệm... GĐPT luôn được hiện hữu và gắn liền trong lòng Giáo hội các cấp" [65, tr. 91]. Báo cáo của Phân ban Hướng dẫn GĐPT Trung ương của GHPGVN tại Hội nghị huynh trưởng cấp Tấn toàn quốc vào tháng 7/2001 (do cư sĩ Võ Đình Cường làm trại trưởng) một lần nữa cũng đã khẳng định:
Giáo hội Phật giáo qua các thời kỳ vẫn là ngôi nhà pháp lý của Gia đình Phật tử suốt hơn nửa thế kỷ qua... Ngày nay Gia đình
Phật tử Việt Nam sinh hoạt tu học trong pháp lý Giáo hội Phật giáo Việt Nam và pháp luật nhà nước hiện hành. Giáo hội Phật giáo Việt Nam quản lý toàn bộ các sinh hoạt tu học của Gia đình Phật tử, kể cả cơ cấu nhân sự các cấp theo Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam [57, tr. 47-65].
Khẳng định điều này không có nghĩa là áp đặt, mà rất hợp lý và phù hợp chân lý và pháp luật. Lịch sử gắn bó GĐPT với Giáo hội đã cho thấy các tổ chức tiền thân của GĐPT như Phật tử Đồng Ấu, Gia đình Phật Hóa phổ, Đoàn Phật học Đức dục đều đặt trực tiếp dưới sự bảo trợ và dìu dắt của tổ chức Giáo hội đương thời, trực tiếp là các Hội Việt Nam Phật học. Điều 16 Hiến chương ngày 14-12-1965 của GHPGVNTN cũng đã cho thấy GĐPT ở trong Tổng vụ Thanh niên của Viện Hóa đạo [46, tr. 5]. Đồng ý rằng trong quá trình phát triển những biến động của lịch sử; do vậy cũng đã có lúc Giáo hội đương thời không còn quản lý được GĐPT và trong thời gian đó các hoạt động của GĐPT gần như đều do đội ngũ huynh trưởng lãnh đạo và chi phối.
Nhưng không phải vì như vậy để hiện nay vẫn ngộ nhận nó là một đoàn thể chính trị - xã hội và hoạt động tách rời ngoài sự quản lý của GHPGVN.
Những biểu hiện xa cách, phân biệt đối xử hoặc điều khiển cảm tính, tùy tiện của một bộ phận huynh trưởng cực đoan là không phù hợp với chân lý và pháp luật, đi chệch con đường phụng sự "Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội"
b) Về vấn đề thứ hai, là việc đòi giữ nguyên nội quy, quy chế GĐPT cũ (trước 1975) của một bộ phận huynh trưởng, đoàn sinh GĐPT cố chấp, cực đoan
Kể từ lúc thành lập đến nay quy chế GĐPT đã thay đổi nhiều lần, như những quy chế của các tổ chức tiền thân (như Phật học Đức Dục, Phật tử Đồng Ấu, Gia đình Phật hóa phổ); quy chế tạm thời năm 1947; quy chế chính thức 1951; quy chế sửa đổi năm 1964; quy chế sửa đổi năm 1974... Như vậy
việc biên soạn một quy chế mới cho phù hợp với hoàn cảnh lịch sử đất nước hiện nay là tất yếu khách quan. Bởi vì: "Chân lý và luật pháp nước ta quy định tất cả hình thức tổ chức tồn tại hợp pháp ở vùng định chiếm, dưới chế độ cũ, đương nhiên bị giải thể và xóa bỏ, cùng với sự sụp đổ của ngụy quyền; tổ chức nào muốn hoạt động phải được phép của Nhà nước trong chế độ mới"
[130, tr. 6].
Điều này cũng phù hợp với Tuyên ngôn thế giới và hai Công ước 1966 về quyền con người: "Quyền tự do bày tỏ tôn giáo hoặc tín ngưỡng chỉ có thể bị giới hạn bởi những quy định của pháp luật và những giới hạn này là cần thiết cho việc bảo vệ an toàn, trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức của công chúng hoặc những quyền và tự do cơ bản của người khác" [89, tr. 40]. Trong mối quan hệ với quyền lực công, cá nhân đôi khi phải hy sinh một số lợi ích của mình để ưu tiên cho việc thực hiện các nhiệm vụ của Nhà nước, đó là việc bảo vệ chế độ, Hiến pháp, bảo đảm an ninh, quốc phòng... Là công cụ điều chỉnh mối quan hệ giữa Nhà nước và cá nhân, pháp luật vừa có khả năng bảo vệ quyền con người, vừa có khả năng hạn chế một số quyền của họ. Hạn chế quyền con người là một hiện tượng có thể bắt gặp trong thực tế lập hiến và lập pháp của nhiều nước trên thế giới và xuất phát từ sự cần thiết kết hợp những lợi ích công và lợi ích riêng. Việc hạn chế quyền, về nguyên tắc phải dựa trên những cơ sở pháp lý nhất định được ghi nhận trong pháp luật quốc tế và những lập luận khoa học vững chắc. Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền nêu: "Trong việc thực hiện các quyền và hưởng thụ các tự do của mình, mọi người chỉ giới hạn bằng pháp luật nào nhằm bảo đảm thừa nhận và tôn trọng các quyền và tự do của người khác và nhằm thỏa mãn những yêu cầu đúng đắn của đạo đức, trật tự công cộng và phúc lợi chung của một xã hội dân chủ" (Điều 29) [104, tr.
168].
Bản chất nhà nước XHCN là nhà nước theo thể chế thế tục (laicité), mọi công dân, không phân biệt tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật và mọi
tôn giáo lớn nhỏ đều được đối xử bình đẳng như nhau, được tự do hoạt động trong khuôn khổ của luật pháp [127, tr. 330]. Ở Việt Nam các hội đoàn tôn giáo nói chung và GĐPT nói riêng được hoạt động tự do trong khuôn khổ của Hiến pháp và pháp luật Việt Nam; không một tổ chức cá nhân nào lại được hoạt động tự do ngoài vòng pháp luật. Tất nhiên nhà nước chỉ can thiệp vào những vấn đề pháp luật và chính trị; chứ không can thiệp vào các vấn đề tôn giáo, tín ngưỡng thuần túy. Điều này cũng được Đảng ta khẳng định: "Đối với hội đoàn tôn giáo, thực hiện theo nguyên tắc mọi tổ chức tôn giáo phải được Nhà nước công nhận và hoạt động theo quy định của pháp luật" [29, tr. 55]. Tại Hội thảo bảo vệ và phát triển quyền con người, bản chất của chế độ ta, vào ngày 10-12-1998 nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã chỉ rõ:
Chúng ta cần tiếp nhận có chọn lọc những giá trị chung của nhân loại trên cơ sở những điều kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước; ngăn ngừa những kẻ xấu lợi dụng nhân quyền, dân chủ để can thiệp vào công việc nội bộ, vào chủ quyền quốc gia... Bảo đảm quyền con người phải dựa trên cơ sở phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; giáo dục lòng nhân ái và chăm lo cho thế hệ mai sau, hoàn thiện nhân cách làm người [109].
Như vậy những đòi hỏi thái quá của một bộ phận đoàn sinh huynh trưởng cực đoan về vấn đề đòi giữ nguyên nội quy, quy chế (cũ); phản đối việc soạn thảo và ban hành một nội quy, quy chế GĐPT (mới); vu cáo Đảng, Nhà nước và GHPGVN "áp đặt, lạm dụng, đồng hóa" [55], [56]..., là những việc làm phi lý và phi pháp. Đảng và Nhà nước ta luôn "thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng", nhưng cũng khẳng định rằng, các tôn giáo phải "hoạt động trong khuôn khổ của pháp luật" và nghiêm cấm "các hoạt động trái pháp luật và chính sách của Nhà nước; kích động chia rẽ nhân dân, gây rối, xâm phạm an ninh quốc gia" [29, tr. 48-49]