3.1.1. Các thuốc điều trị:
Bệnh sinh của hội chứng thận hư là tổn thương cầu thận do phức hợp miễn dịch, do đó điều trị cơ bản là sử dụng thuốc ức chế miễn dịch. Các thuốc thường được sử dụng là:
+ Corticoit: prednisolon (viên 5mg).
- Điều trị tấn công: người lớn 1 - 1,5mg/kg/24 giờ, trẻ em 2mg/kg/24 giờ. Thời gian uống trung bình 2 tháng, có thể kéo dài 3 - 4 tháng (với thể viêm cầu thận màng tăng sinh). Cho uống một lần vào 8 giờ sáng, sau khi ăn.
- Điều trị duy trì: khi hết thời gian điều trị tấn công, giảm liều dần mỗi tuần 10mg. Khi giảm xuống còn 1/2 liều tấn công (0,5 - 0,75mg/kg/24 giờ) thì duy trì liều này trong thời gian 4 - 6 tháng. Hết thời gian duy trì, giảm liều dần mỗi tuần 5mg cho đến khi hết. Một số tác giả khuyên trước khi ngừng điều trị nên tiêm bắp ACTH (synacthen ống 1ml chứa 1mg ACTH) 1mg/ngày trong 2 ngày liền để kích thích tuyến thượng thận bài tiết corticoit.
Prednisolon là loại thuốc thường được sử dụng nhất trong điều trị hội chứng thận hư, và thuốc cũng tỏ ra có hiệu quả nhất. Tuy nhiên đáp ứng với điều trị bằng prednisolon hình như phụ thuộc vào thể tổn thương giải phẫu bệnh của bệnh cầu thận gây ra hội chứng thận hư. Người ta đánh giá hiệu quả đáp ứng với điều trị bằng prednisolon sau khi hết thời gian điều trị tấn công. Có các dạng đáp ứng như sau:
. Đáp ứng hoàn toàn: protein niệu âm tính trên 1 năm; nếu âm tính nhiều năm có thể coi là khỏi.
. Đáp ứng không hoàn toàn (đáp ứng một phần): khi protein niệu giảm xuống dưới 3,5g/24 giờ, nhưng không trở về âm tính được.
. Không đáp ứng: protein niệu tuy có giảm, nhưng không xuống dưới 3,5g/24 giờ được.
. Phụ thuộc corticoit: điều trị bằng corticoit, protein niệu về âm tính nhưng khi giảm liều hoặc ngừng điều trị, bệnh lại tái phát. Điều trị lại bằng
corticoit liều tấn công thì bệnh lại đáp ứng làm không thể giảm liều corticoit
được.
Đối với các trường hợp đáp ứng không hoàn toàn, không đáp ứng hoặc phụ thuộc corticoit, người ta phối hợp corticoit với endoxan thì có thể lại cho đáp
ứng tốt. Hoặc chuyển sử dụng các thuốc khác như: methylprednisolon, cyclosporin A. Một số tác giả sử dụng phương pháp truyền
methylprednisolon liều mạnh (pulse therapy): truyền tĩnh mạch 1000mg methylprednisolon/ngày truyền trong vòng 5giờ, truyền 3 ngày liền; sau đó cho uống duy trì bằng prednisolon 0,5mg/kg/ngày, cũng cho kết quả tốt.
Methyl prednisolon:
Thuốc có biệt dược là medrol, viên 4mg, 16mg (4mg tương đương 5mg prednisolon). Cách dùng tương tự prednisolon. Trước khi ngừng thuốc cần giảm liều dần.
+ Cyclophosphamit (endoxan viên 50mg):
Cyclophosphamit là thuốc ức chế miễn dịch thuộc nhóm .alkin hóa. Liều dùng 2mg/kg/24 giờ, thời gian uống trung bình 2 tháng, khi ngừng thuốc không cần giảm liều.
+ Clorambucin:
Clorambucin cũng thuộc nhóm alkin hoá, viên 2mg. Liều 4 - 8mg/ngày trong thêi gian 3 - 6 tuÇn.
+ Cyclosporin A:
Là thuốc ức chế miễn dịch mạnh, được sử dụng trong chống thải ghép cơ quan.
Thuốc được ứng dụng trong điều trị hội chứng thận hư kháng với corticoit.
Cyclosporin A: viên 25mg, 50mg, 100mg.
Neoran: viên 25mg, 50mg, 100mg.
Liều trung bình 100mg/24 giờ. Thuốc có thể gây độc với thận. Hiệu quả, liều lượng và kinh nghiệm sử dụng cyclosporin A trong điều trị hội chứng thận hư còn ít và đang được tiếp tục nghiên cứu.
3.1.2. Tác dụng phụ và các biến chứng của thuốc:
+ Tác dụng phụ của corticoit:
- Với hệ cơ, xương:
. Đau cơ, teo cơ do tác dụng dị hóa protein của corticoit.
. Loãng xương có thể gây gãy xương tự phát hoặc sau một sang chấn nhẹ, xẹp lún thận đốt sống.
. Hoại tử vô khuẩn xương, hay gặp hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi.
- Với hệ tiêu hóa:
. Loét dạ dày, hành tá tràng: hay gặp viêm hoặc loét dạ dày
. Chảy máu dạ dày, tá tràng: có thể xảy ra trên bệnh nhân đã có viêm, loét dạ dày - tá tràng từ trước hoặc xảy ra khi dùng corticoit.
. Thủng dạ dày, thủng ruột.
. Viêm tụy.
- Với hệ tim mạch:
. Tăng huyết áp nặng lên với bệnh nhân đã có tăng huyết áp từ trước, hoặc xuất hiện tăng huyết áp sau khi dùng thuốc.
. Giữ muối, giữ nước gây phù, làm suy tim ứ huyết nặng lên.
. Gây kiềm huyết dẫn tới giảm kali máu; giảm kali máu nặng có thể xảy ra khi dùng phối hợp với thuốc lợi tiểu thải muối.
- Víi chuyÓn hãa:
. Làm khởi phát đái tháo đường hoặc làm đái tháo đường nặng lên.
. Có thể gây hôn mê do tăng thẩm thấu mà không tăng xeton máu ở bệnh nhân đái tháo đường.
. Gây tăng mỡ máu.
. Gây phù dạng Curshing.
- Với hệ nội tiết:
. Trẻ em chậm lớn.
. Phụ nữ có thể gây vô kinh thứ phát.
. Mất điều chỉnh hệ hạ não - tuyến yên - thượng thận.
- Với hệ thần kinh:
. Rối loạn tâm thần.
. Biểu hiện giảm hoạt động điện não.
- Với mắt:
. Gây tăng nhãn áp (glocom).
. Đục thể thủy tinh sau và dưới bao.
- ức chế tế bào xơ:
. Làm chậm liền sẹo vết thương.
. Teo tổ chức dưới da.
- Gây giảm đáp ứng miễn dịch:
Dễ nhiễm khuẩn: nhiễm vi khuẩn, vi rút, vi sinh vật, nấm, ký sinh trùng đặc biệt là lao, viêm gan virút.
- Hội chứng sau cắt thuốc:
. Suy thượng thận cấp do cắt thuốc đột ngột, có thể gây tử vong.
. Suy thượng thận muộn.
+ Biến chứng của cyclophosphamit:
Cyclophosphamit là thuốc ức chế miễn dịch thuộc nhóm alkin hoá, tác động chủ yếu lên DNA của tế bào. Thuốc có ái lực mạnh với vùng mang điện tích
âm của phân tử DNA bằng cách gắn vào cromatit. Các phân tử guanin là những vị trí đầu tiên chịu tác dụng này. DNA sau khi bị alkin hoá sẽ mã hóa sai các phân tử mRNA, gây biến đổi sâu sắc quá trình phân chia tế bào.
Thuốc làm giảm bạch cầu hạt, giảm tiểu cầu nên cần theo dõi công thức máu hàng tuần. Khi số lượng bạch cầu giảm < 3,0 109/l, phải ngừng thuốc và
cho uống leucogen để nâng số lượng bạch cầu lên. Thuốc có thể gây nôn và viêm bàng quang xuất huyết.
+ Biến chứng của clorambucin:
Khi dùng phối hợp clorambucin với bacbiturat thì sẽ làm tăng độc tính của clorambucin. Thuốc làm giảm bạch cầu hạt và tiểu cầu nhưng hồi phục nhanh sau khi ngừng thuốc, cần theo dõi công thức máu hàng tuần. Thuốc còn độc với gan, viêm da, xơ hoá phổi và dị ứng kèm theo sốt.