Chiến lược WO: Khắc phục nhược điểm để theo đuổi cơ hội

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ kinh tế phân tích chuỗi giá trị chôm chôm tỉnh bến tre (Trang 76 - 79)

CHƯƠNG 3: MỘT SỐ GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHUỖI GIÁ TRỊ CHÔM CHÔM TỈNH BẾN TRE

3.2. Các chiến lược đề xuất ứng với tình hình thực tế chuỗi giá trị chôm chôm tỉnh Bến Tre

3.2.2. Chiến lược WO: Khắc phục nhược điểm để theo đuổi cơ hội

* Chiến lược khắc phục yếu kém bằng kinh nghiệm của các nước thông qua mạng internet, giao lưu với các tổ chức phi chính phủ và đầu tư cải tạo vườn chôm chôm trong thời hội nhập:

- Học hỏi kinh nghiệm từ các nước trồng chôm chôm để khắc phục những khuyết điểm trong quản lí chuỗi và kĩ thuật bảo quản để hạn chế hao hụt và nâng cao giá trị xuất khẩu.

- Đầu tư cải tạo những khu vườn già cỗi không hiệu quả và trồng mới những giống có năng suất, có giá trị xuất khẩu, áp dụng khoa học kĩ thuật tiên tiến vào chăm sóc và thu hoạch tạo điều kiện giảm chi phí.

- Các nông hộ có kinh nghiệm trồng trọt và xử lí vụ nghịch nên trao đổi kinh nghiệm và hướng dẫn áp dụng khoa học kĩ thuật cho những hộ gặp khó khăn về kĩ thuật tạo điều kiện phát triển đồng bộ và quy mô giúp giảm chi phí trong sản xuất.

* Chiến lược đầu tư vào sản xuất chế biến đồ hộp:

Đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài vào Bến Tre tăng và Bến Tre có diện tích trồng chôm chôm lớn. Bên cạnh đó, tỉnh Bến Tre giáp với 2 tỉnh cũng trồng chôm chôm nhiều là Vĩnh Long và Tiền Giang, đây là điều kiện thuận lợi cho việc kêu gọi đầu tư hoặc liên kết đầu tư nghành chế biến thực phẩm, trong đó có đóng hộp trái cây để tăng cường bảo quản và xuất khẩu.

* Chiến lược tuyên truyền nâng cao nhận thức về kĩ thuật trồng, chăm sóc và sự cạnh tranh:

- Thường xuyên tuyên truyền về sự cạnh tranh nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm do nông hộ làm ra, để từ đó người dân thay đổi cách nghĩ và cách

làm truyền thống, góp phần tăng năng suất, tiết kiệm chi phí và làm ra sản phẩm phục vụ người tiêu dùng an toàn hơn.

Bên cạnh đó cần tiếp nhận những thông tin phản hồi từ khách hàng sau đó sàng lọc những thông tin có lợi cho sản xuất và phát đến tận tay người sản xuất những ý kiến đó để họ thấy rằng họ cần phải làm gì, nếu họ không hiểu thì cần có người tư vấn trực tiếp cho họ hiểu.

* Chiến lược ứng dụng công nghệ sau thu hoạch vào thực tiễn ở Bến Tre:

Nghiên cứu và áp dụng công nghệ sau thu hoạch tiên tiến của các nước sao cho phù hợp với người Việt Nam, để có thể bảo quản sản phẩm lâu hơn và giảm hao hụt hơn trong toàn chuỗi; trợ giúp người bán lẻ cách bảo quản sản phẩm bằng những kĩ thuật hiện đại, bằng cách giới thiệu và phân phát những tài liệu được viết ngắn gọn, đọc dễ hiểu và có hình ảnh minh họa.

* Chiến lược phát triển liên kết ngang và dọc:

Thiết lập liên kết dọc trong chuỗi nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và sản lượng, góp phần làm nên thương hiệu sản phẩm trong nước và xuất khẩu sang thị trường nước ngoài khó tính như: Nhật, Mỹ và Châu Âu. Trong thời gian tới, để nâng cao được chất lượng và sản lượng đạt tiêu chuẩn thì thường xuyên tập huấn và có chuyên gia tư vấn về các tiêu chuẩn và cách thực hiện, tiến hành cùng với nông dân để người dân nắm vững và cảm thấy tiêu chuẩn như là cuộc sống của họ và họ cảm thấy nhẹ nhàn hơn, không quá khó khăn đối với người nông dân khi áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn.

Khắc phục bớt các khâu trung gian không cần thiết nhằm từng bước cải thiện toàn chuỗi, nâng cao thu nhập cho người dân.

Liên kết ngang cần duy trì, phát triển giữa các tác nhân là nông dân để trao dồi kinh nghiệm của nhau và hỗ trợ kĩ thuật thông qua các hoạt động đoàn thể, tổ sản xuất, Hội Nông dân đã có sẵn.

* Chiến lược giúp nhà kinh doanh gần nhau hơn:

Lập và liên kết các trung tâm giao dịch hàng nông sản để từ đó các nhà kinh doanh nông sản có điều kiện gặp gỡ và và mua bán các sản phẩm giữa các tỉnh và thành phố và xuất khẩu.

* Chiến lược tạo chỗ đứng cho thương hiệu và quảng bá hình ảnh của thương hiệu ra bên ngoài:

Hình ảnh của một thương hiệu là rất quan trọng đối với người sản xuất. Một khi người tiêu dùng quan tâm sẽ giúp cho sản phẩm được bán nhiều hơn và nếu được tin dùng thì sản phẩm đó tiêu thụ ổn định hơn. Do đó, cần tạo một thương hiệu và giữ vững thương hiệu đó bằng nhiều cách, một trong những cách mà nhiều người biết đến là liên kết và sử dụng các kênh truyền thông đại chúng như truyền hình, internet, với sự kết hợp các nhà khoa học và bác sĩ tư vấn về sức khỏe để giới thiệu và chứng minh được lợi ích của chôm chôm cho sức khỏe và làm đẹp cho phụ nữ…

Cách thức phân biệt chôm chôm của tỉnh Bến Tre và các nơi khác, từ đó quảng bá thương hiệu, hình ảnh của chôm chôm tỉnh Bến Tre, để thương hiệu ngày càng được nâng cao và người tiêu dùng ngày càng an tâm hơn khi sử dụng.

* Chiến lược xây dựng nền tảng kinh doanh trên cơ sở pháp lí:

Bằng nhiều biện pháp nhưng biện pháp tuyên truyền là chính, cụ thể là liệt kê các mối nguy hại khi hợp đồng bằng miệng với đối tác làm ăn cho người dân nắm, với những dẫn chứng cụ thể và rõ ràng; hướng dẫn người dân các thủ tục làm hợp đồng. Bên cạnh đó, địa phương cũng cần cải tiến những thủ tục hoặc đề nghị cách làm thủ tục, sao cho những thủ tục này đơn giản và hiệu quả, để người nông dân không cảm thấy các hợp đồng kinh doanh trên là phiền phức từ đó trở thành thói quen khi hợp đồng phải dựa trên cơ sở pháp lí để tạo cầu nối, liên kết sự ràng buộc với nhau giữa các tác nhân trong các khâu của chuỗi, nhằm thúc đẩy sự hợp tác với nhau và nâng cao chất lượng hoạt động của toàn chuỗi một cách có hiệu quả nhất.

* Chiến lược tăng cường nghiên cứu thị trường:

Nghiên cứu thị trường để dự báo nhu cầu sử dụng và mở rộng thị trường tiềm năng trong và ngoài nước. Qua khảo sát người tiêu dùng và nhận thông tin phản hồi từ họ, từ đó hoạch định chính sách, hay qui hoạch phát triển bền vững.

* Chiến lược áp dụng khoa học kĩ thuật vào sản xuất để tăng quy mô sản xuất rải vụ (vụ nghịch):

Việt Nam có lợi thế là trồng được vụ nghịch, trong khi đó các nước trồng chôm như Mexico, Guatemala… thì không. Nếu xuất khẩu vào vụ thuận qua Mỹ, chôm chôm Việt Nam không thể cạnh tranh nổi với chôm chôm của các nước, vì điều kiện địa lý và kinh nghiệm xuất khẩu (ví dụ như Thái Lan ). Mặc dù khó xử lí vụ nghịch và do biến đổi khí hậu ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình xử lí cây chôm chôm cho trái vụ nghịch, nhưng với những kinh nghiệm của các nhà nông trồng cây chôm chôm

lâu năm kết hợp chặt chẽ với các nhà khoa học và nhà dự báo thời tiết thì chúng ta sẽ đạt được kết quả cao từ xử lí vụ nghịch, nâng mức trồng vụ nghịch theo quy hoạch lên 40% từ năm 2015 trở đi trở thành hiện thực.

Áp dụng tiến bộ của khoa học kĩ thuật vào xử lí cây chôm chôm Thái cho năng suất cao hơn, và nghiên cứu lai tạo cây chôm chôm này sao cho ít sâu bệnh, giảm công chăm sóc và phân thuốc, để giảm chi phí cho nông hộ tăng thu nhập và đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng.

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ kinh tế phân tích chuỗi giá trị chôm chôm tỉnh bến tre (Trang 76 - 79)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(110 trang)