CHƯƠNG I: CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
1.2. Cơ sở thực tiễn về phát triển nông thôn và xây dựng nông thôn mới
1.2.2. Kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới ở một số địa phương của Việt nam
*) Huyện Hải Hậu tỉnh Nam Định
Khi bước vào thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, toàn huyện Hải Hậu mới chỉ đạt bình quân 8/19 tiêu chí. Các tiêu chí chủ yếu như: Quy hoạch, đường giao thông, trường học, y tế, thu nhập, hộ nghèo, môi trường... hầu hết các xã đều chưa đạt. Trên cơ sở 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới của Trung ương, Hải Hậu đã vận dụng một cách sáng tạo để cụ thể hóa thành 12 tiêu chí xây dựng xóm, tổ dân phố nông thôn mới và 8 tiêu chí xây dựng gia đình nông thôn mới. Kết quả đến năm 2014, Hải Hậu trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Nam Định với 35/35 xã, thị trấn đạt chuẩn nông thôn mới.
Cuối tháng 6-2015, Hải Hậu đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới [17].
*) Huyện Đan Phượng - Hà Nội
Trước khi XDNTM, Đan Phượng đã đạt bình quân 10 tiêu chí/xã, trong đó, hệ thống hạ tầng cơ bản đạt chuẩn. Đây là tiền đề quan trọng để huyện sớm hoàn thành nhiệm vụ XD NTM. Dù có nhiều điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện các mục tiêu XDNTM nhưng Đan Phượng vẫn chịu tác động rất lớn của quá trình đô thị hóa, khó khăn cho việc thực hiện quy hoạch phát triển nông nghiệp ổn
định lâu dài, nhất là sản xuất nông nghiệp chuyên canh, ứng dụng công nghệ cao.
Tháng 10/2015, Huyện Đan Phượng đón nhận danh hiệu huyện nông thôn mới. Sau 4 năm triển khai xây dựng NTM, toàn huyện Đan Phượng có 13/15 xã đạt chuẩn NTM (đạt 86,67%), 2 xã còn lại là Hồng Hà và Thọ Xuân đang hoàn thiện hồ sơ trình TP công nhận đạt chuẩn NTM năm 2015. Lợi thế của huyện là huyện ven đô, Đan Phượng tập trung đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng.
Đồng thời, quy hoạch và xây dựng được 6 cụm công nghiệp làng nghề, phát triển 534 DN, thu hút 6.200 lao động. Thu nhập bình quân đầu người đạt 28,8 triệu đồng/người. Tỷ lệ hộ nghèo còn 2,2%. Bên cạnh đó, văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ vượt bậc. Đan phượng là huyện đầu tiên của TP có 100% trường Tiểu học đạt chuẩn quốc gia. Hoạt động chăm sóc sức khỏe Nhân dân ngày càng nâng cao. Năm 2015, 100% số xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế. Cùng với đó, nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang luôn được duy trì. Toàn huyện có 45 làng đạt danh hiệu văn hóa, 90% hộ gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa [17].
*) Huyện Hưng Hà tỉnh Thái Bình
Kết thúc năm 2015, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình đã có 29/33 xã (đạt tỷ lệ 87,87%) số xã đạt chuẩn nông thôn mới, là huyện đầu tiên của tỉnh Thái Bình đạt chuẩn quốc gia nông thôn mới. Trong những năm qua, Đảng bộ và nhân dân Hưng Hà với quyết tâm chính trị cao đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện quyết liệt, toàn diện nên đã đạt được thành tựu to lớn, toàn diện [17].
1.2.2.3. Bài học kinh nghiệm cho huyện Đông Hưng
Từ thực tiễn xây dựng nông thôn mới thành công ở một số địa có điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội tương đồng với huyện Đông Hưng, có thể rút ra một số kinh nghiệm trong xây dựng nông thôn mới như sau:
- Để Chương trình mang lại kết quả thiết thực cần phải có quyết tâm chính trị cao, có kế hoạch chỉ đạo cụ thể, chủ động, sáng tạo, sâu sát, liên tục của các cấp ủy và chính quyền, nhất là vai trò của người đứng đầu cấp ủy và chính quyền các cấp, trực tiếp là Ban chỉ đạo nông thôn mới các cấp, bởi đây là hạt nhân chủ đạo để huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc cùng với sự quan tâm của toàn xã hội.
Điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng làm định hướng dẫn dắt và thúc đẩy tiến trình thực hiện Chương trình.
- Khẳng định và tạo điều kiện về cơ chế chính sách để người dân tích cực, chủ động tham gia xây dựng nông thôn mới với tư cách là chủ thể; phát huy vai trò tích cực của các thôn, xóm trong xây dựng nông thôn mới là yếu tố quyết định đến sự thành bại của Chương trình. Do vậy, cần làm tốt công tác vận động, tuyên truyền, định hướng, giáo dục để một mặt nâng cao tố chất của người nông dân, mặt khác phát huy tinh thần tự chủ, tự lực, tự cường của cộng đồng. Bên cạnh đó, cần nghiêm túc thực hiện các nguyên tắc dân chủ, công khai, minh bạch, thực sự quan tâm đến lợi ích thiết thực của người nông dân trong quyết định lựa chọn nội dung, quản lý, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện cũng như trong công tác vận động, quản lý, sử dụng các nguồn quỹ từ chương trình nông thôn mới ở địa phương.
- Lãnh đạo các địa phương nhất là các Ban chỉ đạo nông thôn mới, cần phải nắm vững mục tiêu, ý nghĩa và các bước thực hiện, triển khai, hệ thống các tiêu chí nông thôn mới để có cách làm chủ động, sáng tạo, phù hợp với tình hình, điều kiện, yêu cầu của người dân từng địa phương; tránh cách làm chủ quan, nóng vội, duy ý chí hay áp đặt dưới mọi hình thức, nhất là việc vận động bà con nông dân đóng góp các loại quỹ để xây dựng nông thôn mới. Muốn vậy phải có cách làm phù hợp, vừa có thể phát huy các nguồn lực tại chỗ, vừa huy động các nguồn lực ngoại sinh.
Thực tiễn từ nhiều địa phương cho thấy, cần phải có kế hoạch lồng ghép các chương trình, các dự án khác với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để vừa phát huy cao độ hiệu suất thực hiện, vừa tránh lãng phí các nguồn lực, tránh chồng chéo. Bên cạnh đó, cũng cần có những cách làm sáng tạo trong việc triển khai thực hiện như biết lựa chọn, tập trung thực hiện các nhiệm vụ ưu tiên, các tiêu chí tiên quyết để tạo ra sự chuyển biến thực tế làm điểm nhấn cho các công việc tiếp theo và hơn thế nữa, tạo ra niềm tin, đồng thuận xã hội đối với mục đích, ý nghĩa của Chương trình.
- Trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện phải có kế hoạch, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ đề ra để có sự điều chỉnh và có giải pháp phù hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; làm tốt công tác thi đua, khen thưởng để động
viên kịp thời các địa phương, các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt và có những đóng góp cho xây dựng nông thôn mới về nhân lực, vật lực, tài lực và trí lực.
- Trong công tác chỉ đạo cần phải xác định mục tiêu chủ yếu của xây dựng nôn thôn mới là nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho người nông dân. Nói cách khác, ngoài việc triển khai thực hiện các “tiêu chí cứng” thì các địa phương cần phải chú trọng đến các “tiêu chí mềm”, trong đó phát triển sản xuất để nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn là nhiệm vụ trọng yếu. Bài học kinh nghiệm từ niều địa phương cho thấy, giải quyết vấn đề việc làm và nâng cao thu nhập cho nông dân là việc làm khó khăn nhất và cũng là điều người dân mong đợi nhất. Do đó, cần tập trung các nguồn lực để phát triển các ngành sản xuất mà địa phương có điều kiện và lợi thế; khuyến khích phát triển, nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ trên địa bàn nông thôn nhằm giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập bền vững cho cư dân nông thôn.
CHƯƠNG II