- Công ty TNHH Hà Nam là một đơn vị kinh tế ngoài quốc doanh, hạch toán kinh
3.2.2 Nâng cao năng lực tài chính
Năng lực tài chính đóng vai trò quan trọng trong hoạt động sản xuất kinh doanh của một doanh nghiệp và có ý nghĩa quyết định trong việc hình thành, tồn tại và phát triển của doanh nghiệp. Khả năng tài chính của các nhà thầu thể hiện ở khả năng thanh toán, hiệu quả sử dụng vốn và khả năng huy động vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Trong đấu thầu thì năng lực tài chính của công ty được thể hiện trong hồ sơ năng lực. Đây là một trong những điều kiện đầu tiên để nhà thầu có đủ tiêu chuẩn để tham gia dự thầu hay không. Khả năng tài chính của nhà thầu là một trong những yếu tố quyết định đến tiến độ, chất lượng công trình và hiệu quả sản xuất của nhà
thầu khi trúng thầu. Do đó khả năng tài chính ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng cạnh tranh trong đấu thầu của Công ty.
Thời gian qua, Công ty đã hoạt động có hiệu quả, các hoạt động sản xuất kinh doanh đều mang lại lợi nhuận nhưng tiềm lực tài chính vẫn chưa được xem là mạnh so với một số doanh nghiệp khác hoạt động cùng ngành. Vậy nên các giải pháp nâng cao năng lực tài chính là rất cần thiết cho Công ty để nâng cao vị thế, sức cạnh tranh của mình trên thị trường. Em xin phép đưa ra vài giải pháp như sau:
* Huy động vốn tự có
Đây là kênh huy động vốn an toàn nhất, với kênh huy động vốn này, Công ty không phải mang áp lực trả nợ, không mất chi phí vay vốn, mang tính chủ động trong sử dụng vốn. Nguồn vốn này được trích từ lợi nhuận giữ lại để dùng vào các hoạt động tái đầu tư. Muốn huy động vốn từ kênh này, Công ty phải giảm lợi nhuận trả cho các thành viên góp vốn, do vậy cần tạo niềm tin cho các thành viên vào sự phát triển trong tương lai của Công ty bằng các bản báo cáo tài chính lợi nhuận dương hàng năm đồng thời đầu năm cần vạch ra chiến lược phát triển rõ ràng, cụ thể của Công ty trong năm tới, các phương hướng đầu tư tạo lợi nhuận. Từ đó thuyết phục các thành viên đầu tư nhiều hơn cho sự phát triển của Công ty đồng thời chính là phương hướng đầu tư hợp lý nhất.
* Huy động vốn vay từ các ngân hàng
Nguồn vốn tự có tuy an toàn nhưng luôn luôn có hạn, do vậy Công ty luôn cần các nguồn vốn vay bên ngoài, từ các tổ chức tín dụng và ngân hàng. Trong thời gian qua Công ty đã thiết lập được mối quan hệ tốt với một số ngân hàng như Ngân hàng Đầu tư phát triển Hà Giang, Ngân hàng thương mại cổ phần Hàng Hải, Ngân hàng Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn…Trong thời gian tới Công ty cần tiếp tục phát triển các mối quan hệ đã có đồng thời mở rộng các mối quan hệ mới để đáp ứng các nhu cầu vay vốn, các khoản bảo lãnh lớn tại các tổ chức tín dụng do yêu cầu của Bên mời thầu.
Công ty khẳng định uy tín, năng lực của mình với các ngân hàng và tổ chức tín dụng bằng các báo cáo kế hoạch trả nợ chi tiết và luôn luôn hoàn trả nợ đúng hạn, đúng kỳ.
* Tạo mối quan hệ tốt với các nhà cung ứng vật tư, nguyên vật liệu, máy móc, các cơ quan nhà nước
Mối quan hệ với các nhà cung ứng nguyên vật liệu đầu vào là vốn quý cho Công ty. Trong quá trình sản xuất kinh doanh, có những lúc giá cả thay đổi, có những biến động không thể lường trước được, lúc đó mối quan hệ lâu dài với các nhà cung ứng sẽ giúp chúng ta mua được nguyên vật liệu đúng giá, nguồn cung ứng ổn định… Đảm bảo tiến trình xây dựng cũng như đảm bảo quá trình sản xuất kinh doanh không bị gián đoạn.
Mối quan hệ với các cơ quan nhà nước là mối quan hệ nhạy cảm, cần giữ vững để doanh nghiệp thuận lợi trong quá trình hoạt động. Đặc trưng của ngành xây dựng luôn liên quan đến đất đai, mà đất đai là do nhà nước quản lý, mối quan hệ tốt với các cơ quan chính quyền địa phương nơi thi công công trình sẽ giúp Công ty tránh được các phiền toái trong các thủ tục hành chính nhiêu khê phức tạp, tốn nhiều thời gian.
Mặt khác, khi thi công xây dựng các công trình có vốn đầu tư nhà nước thì các cơ quan nhà nước có thể gây khó khăn khi nghiệm thu, thanh quyết toán... Do đó Công ty cần tạo mối quan hệ tốt để không rơi vào tình trạng như đã nêu trên
* Tạo vốn bằng cách liên kết với các đơn vị khác
Trong hoạt động đấu thầu, có nhiều công trình có giá trị rất lớn, kỹ thuật thi công đòi hỏi rất cao mà Công ty không thể tự mình đáp ứng hết các yêu cầu từ phía chủ đầu tư. Lúc này liên kết với một nhà thầu khác sẽ giúp Công ty giải quyết các khó khăn về vốn, công nghệ máy móc, kỹ thuật… để thắng gói thầu đó. Liên doanh với nhà thầu khác còn có thể giảm bớt rủi ro trong thi công xây dựng, rủi ro khi thị trường biến động …
Ngoài việc mở rộng các kênh huy động vốn Công ty cũng cần đảm bảo cơ cấu vốn hợp lý giữa nguồn vốn vay và nguồn vốn tự có, không để rơi vào tình trạng vốn vay chiếm tỷ trọng quá lớn, gây nguy cơ về tài chính cho Công ty.
Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây lắp thường có đặc trưng khác với các doanh nghiệp sản xuất thông thường, các doanh nghiệp xây lắp thường trong tình trạng “chi trước, thu sau”.Do vậy cần có giải pháp thích hợp trong việc thu hồi công nợ của Công ty.
Việc công nợ thu hồi chậm làm cho nguồn vốn và khả năng đáp ứng vốn cho các công trình đang thi công bị hạn chế, gây ảnh hưởng xấu đến công tác dự thầu, nhất là khi dự thầu nhiều công trình cùng một lúc. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm trễ trong khâu thanh toán. Có thể do việc cấp vốn của nhà nước chậm, chủ đầu tư chưa làm hết trách nhiệm trong việc thanh toán kịp vốn cho nhà thầu, nhưng nguyên nhân quan trọng nhất vẫn là do phía nhà thầu chậm trễ trong khâu hồ sơ quyết toán công trình hoặc việc hoàn chỉnh hồ sơ đảm bảo tính pháp lý chưa cao. Do vậy, để khắc phục tình trạng này Công ty cần phải có kế hoạch hết sức chặt chẽ, cụ thể từ khâu chuẩn bị hồ sơ dự thầu đến việc thi công và thanh quyết toán.
Trong khi thi công phải đặc biệt chú ý đến các thủ tục quy định hiện hành của Nhà nước thi công xong phần nào phải hoàn thiện ngay thủ tục của phần đó để làm hồ sơ nghiệm thu làm cơ sở thanh toán với chủ đầu tư. Thi công dứt điểm các công trình, đảm bảo chất lượng từng công trình, biện pháp này sẽ tăng khả năng thu hồi vốn, giảm ứ đọng vốn, rút ngắn được chu kỳ sản xuất, tăng nhanh vòng quay của vốn.
* Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn
Công ty cần quản lý chặt chẽ, chi tiết các khoản thu chi, tiết kiệm chi phí bằng cách thực hiện công tác hạch toán nghiêm túc, thường xuyên, kịp thời; phân phối các chi phí đến từng bộ phận cụ thể. Theo định kỳ hàng quí, Công ty nên quyết toán vật tư, kiểm tra quá trình thanh lý máy móc, thiết bị cũ, vật tư tồn kho để giảm vốn lưu động trong sản xuất, tăng vốn cho tái đầu tư mở rộng.
Sau khi mua nguyên vật liệu cần kiểm tra định kỳ với từng chủng loại nguyên vật liệu. Khi nhập kho cần giao trách nhiệm cụ thể đến từng bộ phận, từng nhân viên trong bộ phận đó để đảm bảo không có tình trạng lãng phí, sử dụng nguyên vật liệu vượt quá định mức gây thất thoát. Công ty nên có biện pháp khen thưởng, khuyến khích hoặc kỷ luật nghiêm minh đối với các CBCNV có hành động nêu trên..