Chương 3 KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN
3.3. ĐÁNH GIÁ CÔNG TÁC GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO VÀ TRANH CHẤP ĐẤT ĐAI TẠI HUYỆN PHÚ HÒA, TỈNH PHÚ YÊN GIAI ĐOẠN 2014 -
3.4.2. Đề xuất các giải pháp tăng cường hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và tranh chấp đất đai
Công tác giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai ở các địa phương nhìn chung hiệu quả chưa cao, thiếu kịp thời, chưa dứt điểm còn để tồn đọng nhiều đơn thư chưa giải quyết.
Trên cơ sở tham khảo kết quả nghiên cứu của nhiều tác giả trong nước, kết hợp với kết quả nghiên cứu của đề tài này chúng tôi đề xuất một số giải pháp nhằm góp phần nâng cao hiệu quả trong giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp trong lĩnh vực đất đai trên địa bàn huyện Phú Hòa
3.4.2.1. Giải pháp về xây dựng hệ thống pháp luật
Xuất phát từ những nghiên cứu toàn diện về hệ thống pháp luật, nhất là những bất cập của nó nhìn từ những yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền; có thể nhận diện được một số yêu cầu sau đây đối với việc xây dựng hệ thống pháp luật:
- Tính ổn định của pháp luật. Đây là yêu cầu cần thiết, bởi không thể thường xuyên đảo lộn các quan hệ xã hội bằng việc thay đổi pháp luật. Ngạn ngữ Anh có câu:
“Pháp luật thay đổi thường xuyên thì tệ hơn là không có pháp luật” (Nguyên văn: “The law that changes every day is worse than no law at all”).
- Tính chuẩn mực, tức là tính quy phạm của pháp luật. Bản thân pháp luật là hệ thống các quy phạm, tức là các chuẩn mực. Giá trị của pháp luật chính là tạo ra các chuẩn mực cho các chủ thể khác nhau trong đời sống xã hội. Nếu pháp luật không chứa đựng các chuẩn mực thì ý nghĩa của nó trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội sẽ không lớn.
- Tính nhất quán, tính hệ thống của pháp luật. Pháp luật phải có tính nhất quán, thể hiện ở chỗ các văn bản pháp luật trong cùng một lĩnh vực, có khi trong nhiều lĩnh vực khác nhau đều phải bảo đảm thực hiện quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể. Ví dụ, quyền sở hữu của công dân được Hiến pháp quy định phải được bảo đảm bởi các
luật và văn bản dưới luật. Các văn bản pháp luật phải quy định trách nhiệm cho các cơ quan nhà nước tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân thực hiện được quyền sở hữu những gì mà pháp luật không cấm. Văn bản pháp luật trong các lĩnh vực khác nhau phải có sự thống nhất về việc điều chỉnh trong cùng một phạm vi, nội dung.
- Tính hệ thống. Tính hệ thống cũng có những khía cạnh tương đồng với tính nhất quán. Tuy nhiên, tính nhất quán của pháp luật hàm chứa khía cạnh nội dung và chính sách, trong lúc tính hệ thống được thể hiện nhiều qua cấu trúc, cách sắp xếp, phân loại thứ bậc, hiệu lực của quy phạm pháp luật.
- Không hồi tố. Bảo đảm không hồi tố là một trong những đòi hỏi của pháp luật trong nhà nước pháp quyền. Giá trị nhân đạo của yêu cầu không hồi tố thể hiện ở chỗ không thể bắt một cá nhân phải chịu trách nhiệm pháp lý về hành vi mà khi thực hiện người đó không thể biết rằng trong tương lai đó sẽ là hành vi vi phạm pháp luật. Do vậy, về cơ bản, nguyên tắc pháp luật trong nhà nước pháp quyền không có giá trị hồi tố. Một số quy phạm pháp luật nhất định có thể có giá trị hồi tố, nhưng chỉ trong trường hợp việc hồi tố đó có lợi cho những chủ thể có liên quan.
- Tính minh bạch. Tính minh bạch của pháp luật là một đòi hỏi rất quan trọng.
Cũng có quan điểm cho rằng tính minh bạch của pháp luật thể hiện ở việc pháp luật được công bố, được phổ biến rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Quan niệm này không sai, song chưa toàn diện, chưa đầy đủ. Tính minh bạch của pháp luật còn thể hiện ở sự minh xác, sự minh định, tính hệ thống và nhất quán. Một hệ thống pháp luật cồng kềnh, khó tiếp cận, khó hiểu, khó vận dụng và chứa đựng những mâu thuẫn nội tại không thể được coi là minh bạch và không thể trở thành nền tảng cho nhà nước pháp quyền.
Bản chất của nhà nước pháp quyền chính là sự ngự trị của pháp luật, ở tính thượng tôn pháp luật trong việc tổ chức toàn bộ đời sống kinh tế, xã hội của một quốc gia. Nhà nước pháp quyền đòi hỏi một hệ thống pháp luật hoàn thiện, đáp ứng những yêu cầu nêu trên. Xây dựng một hệ thống pháp luật hoàn thiện là đòi hỏi và cũng là điều kiện tiên quyết của nhà nước pháp quyền. Không thể có nhà nước pháp quyền ở bất cứ một quốc gia nào, nếu như ở đó nhà nước chưa được tổ chức và hoạt động trên nền tảng của một hệ thống pháp luật có thể bảo đảm các quyền tự do, dân chủ của nhân dân và công lý.
3.4.2.2. Giải pháp về xây dựng hệ thống quản lý đất đai
- Hoàn thiện hệ thống điều tra, đánh giá tài nguyên đất, đảm bảo cung cấp đầy đủ thông tin, tư liệu về số lượng, chất lượng, tiềm năng và môi trường đất phục vụ cho việc hoạch định chính sách và ban hành quyết định của cơ quan nhà nước trong lĩnh vực quản lý và sử dụng đất.
- Xây dựng hệ thống đăng ký đất đai hiện đại, do một hệ thống cơ quan đăng ký thống nhất thực hiện, với quy trình, thủ tục cơ bản được tự động hóa bằng công nghệ số; hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận ban đầu; triển khai thống nhất trong cả nước hệ thống hồ sơ địa chính dạng số dựa trên cơ sở hệ thống bản đồ địa chính dạng số được chỉnh lý biến động thường xuyên, cơ bản được cập nhật đầy đủ, kịp thời.
- Xây dựng hệ thống kiểm kê, thống kê đất đai được tự động hóa dựa trên hệ thống hồ sơ địa chính dạng số được cập nhật, chỉnh lý thường xuyên, đầy đủ, đảm bảo cung cấp số liệu thống kê, kiểm kê nhanh chóng và chính xác.
- Hoàn thiện hệ thống quy hoạch - kế hoạch sử dụng đất với vai trò là công cụ quản lý nhà nước về đất đai, đảm bảo phân bổ tài nguyên đất đai hợp lý, quản lý và sử dụng đất hiệu quả, đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu sử dụng đất phù hợp với sự chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế trong quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.
- Hoàn thiện hệ thống các công cụ tài chính, kinh tế đất để điều tiết các quan hệ đất đai và quản lý thị trường bất động sản. Trong đó, hệ thống định giá đất đảm bảo được yêu cầu định giá đất phục vụ các mục đích khác nhau trong quản lý, sử dụng và giao dịch về quyền sử dụng đất; hệ thống phát triển quỹ đất được hoàn thiện về các mặt quy trình chuyên môn, cơ chế và tiềm lực tài chính hợp lý, đáp ứng nhu cầu tạo quỹ đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
- Tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra nhằm đưa công tác quản lý, sử dụng đất theo đúng pháp luật.
- Hoàn thành việc xây dựng hệ thống thông tin đất đai thành một bộ phận của Hệ thống Dữ liệu Quốc gia.
3.4.2.3. Giải pháp về nâng cao năng lực cán bộ giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp trong lĩnh vực đất đai
- Cần tăng cường công tác quản lý cán bộ, thực hiện tốt việc đánh giá gắn với phân công bố trí hợp lý đội ngũ cán bộ. Đây là một nội dung quan trọng, đòi hỏi các cấp ủy, tổ chức Đảng phải nghiên cứu quán triệt một cách sâu sắc để mỗi cán bộ, đảng viên nắm vững chủ trương, quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác cán bộ; phải nắm vững mục tiêu, yêu cầu, nguyên tắc và các giải pháp nhằm nâng cao nhận thức, nhất là đối với đội ngũ cán bộ chủ chốt, đối với cấp ủy và người đứng đầu cơ quan, đơn vị để có đổi mới cách nghĩ, cách làm cho phù hợp với tình hình mới. Quá trình thực hiện phải có sự nhất quán nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, tính chiến lược trong công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ, nhằm đáp ứng yêu cầu nhân sự cho nhiệm kỳ kế tiếp và chủ động tạo nguồn cán bộ cho những nhiệm kỳ tiếp theo với chất lượng cao, đồng bộ về cơ cấu
theo yêu cầu của từng giai đoạn cách mạng. Có quản lý tốt mới có đánh giá chính xác về cán bộ, là cơ sở để phân công, bố trí hợp lý, giúp cán bộ phát huy năng lực sở trường công tác, cống hiến tài năng cho sự nghiệp cách mạng. Trong quá trình đánh giá cán bộ phải đảm bảo tính khách quan, công khai, trung thực và trách nhiệm của cấp ủy Đảng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị. Đồng thời đề cao tính trung thực của cán bộ khi tự đánh giá về mình và phát huy vai trò trách nhiệm của các tổ chức thành viên trong hệ thống chính trị, kịp thời phát hiện nhân tài để bồi dưỡng, sử dụng và phát huy hết khả năng của cán bộ làm công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, TCĐĐ.
- Tăng cường đổi mới công tác tiếp dân, duy trì công tác tiếp dân thường xuyên và định kỳ; thực hiện tốt việc phân loại và xử lý đơn thư; giải quyết kịp thời các khiếu nại, tố cáo của công dân, tập trung giải quyết cơ bản dứt điểm các vụ việc KN,TC tồn đọng, kéo dài; tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khiếu nại, tố cáo để cán bộ, nhân dân hiểu rõ và thực hiện nghiêm túc.
- Các cấp, các ngành, các địa phương phải nắm chắc tình hình và tập trung phối hợp giải quyết kịp thời ngay từ cơ sở và từ khi mới phát sinh khiếu kiện, hạn chế thấp nhất tình trạng khiếu kiện vượt cấp gây phức tạp tình hình; trong đó chú trọng đến công tác đối thoại, giáo dục, thuyết phục người dân trong công tác giải quyết KN,TC, đặc biệt là các vụ khiếu kiện tập thể.
- Nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy cơ sở. Trước hết, phải tiếp tục đổi mới phong cách lãnh đạo, phương pháp ra nghị quyết theo hướng ngắn, gọn, thiết thực, mang tính khả thi cao, xác định khâu trọng tâm, trọng điểm để tổ chức thực hiện. Chú trọng việc xây dựng quy chế làm việc, quy chế phối hợp hoạt động giữa các khối, các ngành, giảm bớt sự chỉ đạo bằng giấy tờ, hội họp. Tăng cường công tác kiểm tra của Đảng, giữ gìn kỷ luật, kỷ cương trong Đảng coi trọng công tác thanh tra của các cơ quan Nhà nước, đoàn thể trong việc chấp hành các Nghị quyết của Đảng pháp luật của Nhà nước.
3.4.2.4. Giải pháp về công tác tuyên truyền vận động
- Cần nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi và tăng cường vận động xã hội, trong đó nghiên cứu hành vi có liên quan của các đối tượng ưu tiên và đối tượng đích, bao gồm bối cảnh văn hoá, phong tục, tập quán và lối sống. Xây dựng các tài liệu đào tạo, huấn luyện thực hành và các tài liệu phổ biến kỹ năng; Tập huấn giảng viên nguồn và đội ngũ truyền thông nòng cốt; tiến hành các chiến dịch truyền thông phổ biến, chiến dịch hướng dẫn thực hành thí điểm tại cộng đồng; Điều chỉnh và triển khai đánh giá sự thay đổi nhận thức, thái độ, hành vi ở đối tượng thí điểm.
- Tăng cường chất lượng thông tin trên các phương tiện truyền thông, đặc biệt với các cấp cơ sở. Tổ chức các hội thảo, tập huấn, các buổi nói chuyện chuyên đề cho từng đối tượng để nâng cao nhận thức và năng lực.
- Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ truyền thông các cấp về kỹ năng, phương pháp truyền thông có hiệu quả cũng như trang bị cho họ những kiến thức về giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực đất đai. Đa dạng hoá các tài liệu truyền thông phù hợp về tranh chấp, khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực đất đai để cung cấp kiến thức cho các đối tượng khác nhau trong xã hội. Tăng cường năng lực tổ chức kiểm tra, đánh giá quá trình truyền thông, hiệu quả truyền thông và từ đó rút kinh nghiệm trong triển khai, thực hiện. Đồng thời, cần tuyên truyền những mô hình hay, những cách làm tốt của các địa phương, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực đất đai.
KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ