CHƯƠNG 1. TỔNG QUAN CÁC VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU
1.1. CƠ SỞ LÝ LUẬN CỦA CÁC VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU
1.1.3. Vấn đề suy thoái đất sản xuất nông nghiệp
Nhằm mục tiêu đáp ứng được lương thực, thực phẩm cho con người và các yếu tố phục vụ cho con người trong hiện tại và tương lai, con đường duy nhất là thâm canh tăng năng suất cây trồng. Trong điều kiện đất canh tác hầu hết đều bị nghèo về độ phì, để tăng vụ và năng suất cây trồng đòi hỏi phải bổ sung cho đất một lượng dinh dưỡng cần thiết qua con đường sử dụng phân bón. Đây là những nguyên nhân làm suy thoái đất nông nghiệp, giảm khả năng sản xuất của đất.
* Diện tích đất nông nghiệp suy thoái của thế giới
Lịch sử đã chứng kiến sự thoái hóa đất trên quy mô lớn toàn cầu từ hơn 5000 năm qua (Hillel, 1991; Hyams, 1952). Tuy nhiên việc đánh giá suy thoái đất toàn cầu (GLASOD) dựa vào kết quả nghiên cứu chính thức của các chuyên gia khu vực.
Chương trình đánh giá suy thoái đất toàn cầu đưa ra những dẫn liệu về quy mô thoái hóa đất từ sau đại chiến thế giới thứ 2 đến 1990. Theo kết quả nghiên cứu của chương trình môi trường Liên hiệp quốc và Trung tâm Thông tin Đất quốc tế, trong 13.340 triệu ha đất của lục địa đã có 2.000 triệu ha bị thoái hóa. Trong đó Châu Á và Châu Phi có 1.240 triệu ha đất bị thoái hóa. Đất bị thoái hóa trung bình là 900 triệu ha. Dự báo trong vòng 20 năm nữa diện tích đất bị thoái hóa mạnh sẽ tăng thêm 140 triệu ha. (Bảng 1.1)
Diện tích đất nông nghiệp của thế giới bị thoái hóa 562 triệu ha, đất đồng cỏ thoái hóa 685 triệu ha, đất rừng thoái hóa 719 triệu ha.
Phân hóa đất nông nghiệp bị thoái hóa theo các khu vực cụ thể như sau: Châu Phi 121 triệu ha, Châu Á Thái Bình Dương 214 triệu ha, Nam Phi 64 triệu ha, Trung Mỹ 28 triệu ha, Bắc Mỹ 63 triệu ha, Châu Âu 72 triệu ha.
Đất đồng cỏ bị thoái hóa ở các khu vực cụ thể như sau: Nam Phi 243 triệu ha, Châu Á Thái Bình Dương 28 triệu ha, Nam Mỹ 68 triệu ha, Trung Mỹ 10 triệu ha, Bắc Mỹ 29 triệu ha, Châu Âu 54 triệu ha.
Bảng 1.2. Ước tính, thoái hóa đất trên thế giới
(ĐVT: triệu ha)
Vùng
Đất nông nghiệp Đất trồng cỏ Đất rừng Diện
tích
% bị
thoái hóa Diện tích % bị
thoái hóa Diện tích % bị thoái hóa
Châu Phi 187 65 793 31 683 19
Châu Á TBD 585 37 1417 19,8 1429 24,9
Nam Mỹ 142 45 478 14 896 13
Trung Mỹ 38 74 94 11 66 38
Bắc Mỹ 236 26 274 11 621 1
Châu Âu 287 25 156 35 353 26
Thế giới 1475 38 3212 21 4048 18
(Nguồn: FAO, 1990; Oldeman, 1991) Đất rừng bị thoái hóa phân bố như sau: Châu Mỹ 130 triệu ha, Châu Á Thái Bình Dương 356 triệu ha, Nam Mỹ 112 triệu ha, Trung Mỹ 25 triệu ha, Bắc Mỹ 4 triệu ha, Châu Âu 92 triệu ha.
Phân hóa diện tích đất bị sa mạc hóa ở Châu Á Thái Bình Dương: Trung Quốc 932 triệu ha (27%), Mông Cổ 156 triệu ha (41%), Azecbaizan 8,6 triệu ha, Kazakhstan 271,7 triệu ha (60%), Kyrgystan 19,8 triệu ha (60%), Tajikistan 14,3 triệu ha, Turkmenistan 48,8 triệu ha (66,5%), Uzbekistan 44,7 triệu ha (59,7%). Ấn Độ 328 triệu ha (53%), Pakistan 79,6 triệu ha (52%), Afganistan 65,2 triệu ha (85%), Iran 163,6 triệu ha (43%).
Hiện có khoảng 800 triệu dân thiếu đói. Trong đó khoảng 100 triệu dân đang sống trên đất gần như mất khả năng sản xuất [2].
* Nguyên nhân gây suy thoái hóa đất nông nghiệp
Theo tài liệu của FAO/UNESCO (1993) [40]: trên thế giới hàng năm có khoảng 15% diện tích đất bị suy thoái vì lý do nhân tạo, trong đó suy thoái vì xói mòn do nước chiếm khoảng 55,7% diện tích, do gió 28% diện tích, mất chất dinh dưỡng do rửa trôi 12,2% diện tích. Ở Trung Quốc, diện tích đất bị suy thoái là 280 triệu ha, chiếm 30%
lãnh thổ, trong đó có 36,67 triệu ha đất đồi bị xói mòn nặng; 6,67 triệu ha đất bị chua
mặn; 4 triệu ha đất bị úng, lầy. Ở Ấn Độ, hàng năm mất khoảng 3,7 triệu ha đất trồng trọt. Tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương có khoảng 860 ha đất đã bị hoang mạc hoá làm ảnh hưởng đến đời sống của 150 triệu người. Theo kết quả điều tra của FAO (1993) [40], do chế độ canh tác không tốt đã gây xói mòn đất nghiêm trọng dẫn đến suy thoái đất, đặc biệt ở vùng nhiệt đới và vùng đất dốc. Mỗi năm lượng đất bị xói mòn tại các châu lục là: Châu Âu, Châu Úc, Châu Phi: 5 -10 tấn/ha, Châu Mỹ: 10 - 20 tấn/ha; Châu Á: 30 tấn/ha.
Báo cáo của Viện Tài nguyên thế giới (dẫn theo ESCAP/FAO/UNIDO), cho thấy gần 20% diện tích đất đai châu Á bị suy thoái do những hoạt động của con người.
Trong đó hoạt động sản xuất nông nghiệp là một nguyên nhân không nhỏ làm suy thoái đất. Quá trình thâm canh tăng vụ trong nông nghiệp đã làm phá huỷ cấu trúc đất, xói mòn và suy kiệt dinh dưỡng.
Dự án điều tra, đánh giá tốc độ thoái hoá đất ở một số nước vùng nhiệt đới châu Á cho phát triển nông nghiệp bền vững trong chương trình môi trường của Trung tâm Đông Tây và khối các trường đại học Đông Nam Châu Á đã tập trung nghiên cứu những thay đổi dinh dưỡng trong hệ sinh thái nông nghiệp. Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra rằng các yếu tố dinh dưỡng N, P, K của hầu hết các hệ sinh thái đều bị suy giảm.
Nghiên cứu cũng chỉ ra nguyên nhân của sự thất thoát dinh dưỡng trong đất do thâm canh thiếu phân bón và đưa các sản phẩm của cây trồng, vật nuôi ra khỏi hệ thống.
Hiện tượng suy thoái đất có liên quan chặt chẽ đến chất lượng đất và môi trường. Để đáp ứng được lương thực, thực phẩm cho con người trong hiện tại và tương lai, con đường duy nhất là thâm canh tăng năng suất cây trồng trong điều kiện hầu hết đất canh tác trong khu vực đều bị nghèo về độ phì, đòi hỏi phải bổ sung cho đất một lượng dinh dưỡng cần thiết qua con đường sử dụng phân bón.
* Suy thoái đất Việt Nam
Do áp lực về năng suất, sản lượng đang khiến đất nông nghiệp tại Việt Nam bị khai thác quá mức, trong khi không được bồi bổ, không đủ thời gian nghỉ dưỡng khiến thoái hóa đất ngày một trầm trọng. Không thể phủ nhận những thành tựu ngành nông nghiệp Việt Nam trong mấy thập kỷ qua đạt được, khi từ chỗ là nước thiếu đói chúng ta đã vươn lên trở thành quốc gia xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới với nhiều mặt hàng luôn thuộc tốp đầu. Song cũng bởi có một thời gian dài chạy theo năng suất, tăng trưởng xuất khẩu mà tốc độ phát triển của ngành nông nghiệp đang bắt đầu chững lại, bộc lộ nhiều điểm yếu, phát triển thiếu bền vững, đáng báo động nhất là vấn đề ô nhiễm môi trường do canh tác nông nghiệp thiếu khoa học gây ra.
Những thay đổi về chất lượng đất nông nghiệp ở Việt Nam, cụ thể là những thay đổi liên quan đến các điều kiện về tự nhiên và các hoạt động tiêu cực của con người đều có tác động gây thoái hóa mạnh đến môi trường đất. Đất có độ phì nhiêu kém đi và mất
cân bằng dinh dưỡng do bị rửa trôi, xói mòn, hoang hóa, úng ngập, thoái hóa hữu cơ, đất bị trượt lở do bị thoái hóa. Sự phát triển đô thị và công nghiệp gây hậu quả nghiêm trọng về thoái hóa đất là tình trạng rửa trôi, xói mòn, thoái hóa hóa học và vật lý đất, khô hạn và sa mạc hóa, phèn hóa, mặn hóa, ngập úng, ô nhiễm đất.
Diện tích đất nước ta có có khoảng 33,1 triệu ha, trong đó 3/4 là đất dốc, trong điều kiện nhiệt đới ẩm, lượng mưa lớn nên dễ bị rửa trôi xói mòn khá mạnh. Điều kiện đất do rửa trôi bốc hơi, tích luỹ sắt nhôm dễ biến thành đá ong, quá trình này xảy ra nhiều lúc rất mãnh liệt ở vùng trung du, vùng cao ven đồng bằng [9].
Kết quả nhiều năm quan trắc cho thấy: Trên 50% diện tích đất tự nhiên của cả nước (3,2 triệu ha đất đồng bằng, 13 triệu ha đất đồi núi) bị thoái hóa. Đặc biệt cần quan tâm cải tạo đối với 0,82 triệu ha đất phèn nông, 0,54 triệu ha đất cát, 2,06 triệu ha đất xám bạc màu thoái hóa, 0,5 triệu ha đất xói mòn mạnh trơ sỏi đá, 0,24 triệu ha đất mặn sú vẹt đước và mặn nhiều, 0,47 triệu ha đất lầy úng, 8 triệu ha đất tầng mỏng vùng đồi núi. Diện tích đất bị thoái hóa nghiêm trọng: đất bị xói mòn, rửa trôi mạnh, chua nhiều chiếm 16,7 triệu ha; đất có độ phì nhiêu rất thấp và tầng đất rất mỏng chiếm 9 triệu ha; đất khô hạn chiếm 3 triệu ha; Đất bị phèn hóa, mặn hóa mạnh chiếm 1,9 triệu ha [2].
Các kết quả nghiên cứu đều cho thấy đất ở vùng trung du miền núi đều nghèo các chất dinh dưỡng P, K, Ca và Mg. Để đảm bảo đủ dinh dưỡng, đất không bị thoái hoá thì N, P là hai yếu tố cần phải được bổ sung thường xuyên (ESCAP/ FAO/
UNIDO). Tadon H.L.S chỉ ra rằng “sự suy kiệt đất và các chất dự trữ trong đất cũng là biểu hiện thoái hoá về môi trường, do vậy việc cải tạo độ phì của đất là đóng góp cho cải thiện cơ sở tài nguyên thiên nhiên và còn hơn nữa cho chính môi trường”.
Hiện tại những vấn đề về môi trường đã trở thành vấn đề mang tính toàn cầu và được phân thành 2 loại chính: Một loại gây ra bởi công nghiệp hoá và các kỹ thuật hiện đại, loại khác gây ra bởi lối canh tác tự nhiên. Hệ sinh thái nhiệt đới vốn cân bằng một cách mỏng manh rất dễ bị đảo lộn bởi các phương thức canh tác phản tự nhiên, buộc con người phải chuyển hướng sản xuất nông nghiệp theo hướng sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường, thoả mãn các yêu cầu của thế hệ hiện tại nhưng không làm phương hại đến nhu cầu của các thế hệ tương lai. Đó là mục tiêu của việc xây dựng và phát triển nông nghiệp bền vững và đó cũng là lối đi trong tương lai.
Biến đổi khí hậu toàn cầu sẽ làm cho các thiên tai như: Bão, lũ lụt, hạn hán, mưa lớn, nắng nóng, tố lốc,... trở nên ác liệt hơn và có thể trở thành thảm họa, gây rủi ro lớn cho phát triển kinh tế - xã hội hoặc xoá đi những thành quả nhiều năm của sự phát triển, trong đó có những thành quả thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ. Những vùng/khu vực được dự tính chịu tác động lớn nhất của các hiện tượng khí hậu cực
đoan nói trên là dải ven biển Trung Bộ, vùng núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ, vùng đồng bằng Bắc Bộ và đồng bằng sông Cửu Long.
Đất các vùng ven biển, thềm lục địa với các lưu vực sông, cần đặc biệt quan tâm theo dõi sát với sự biến động của nước dâng toàn cầu. Ở các lưu vực sông và vùng ven biển của ta phải gắn để giải quyết vấn đề toàn cầu này. Hiện tại chưa có những dự báo chính xác được. Trong những thập kỷ tới và thế kỷ này, đây là mối quan tâm lớn để nhìn toàn cuộc chiến lược phát triển đất nước. Ở ta lưu vực sông Mê Kông phải gắn với Campuchia, Lào, Thái Lan, Mianma, Trung Quốc. Lưu vực sông Hồng gắn với Trung Quốc (Vân Nam). Lưu vực sông Mã gắn với Lào. Các sông khác chủ yếu là trong nội bộ các tỉnh của đất nước.