MỘT SỐ NGHIÊN CỨU CÓ LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI

Một phần của tài liệu Đánh giá hiệu quả sử dụng đất sản xuất nông nghiệp khu vực ven đô thành phố hà tĩnh (Trang 52 - 55)

CHƯƠNG 1. TỔNG QUAN CÁC VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU

1.3. MỘT SỐ NGHIÊN CỨU CÓ LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI

Thời gian qua cũng đã có một số đề tài nghiên cứu về Đánh giá hiệu quả sử dụng đất sản xuất nông nghiệp. Các công trình nghiên cứu cũng đã góp phần xây dựng các luận cứ khoa học, đề xuất định hướng các giải pháp, mô hình phát triển sẩn xuất nông nghiệp bền vững cho một số địa phương như các đề tài:

“ Đánh giá hiệu quả sử dụng đất sản xuất nông nghiệp vùng đồng bằng thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế” luận văn thạc sỹ năm 2016, Đinh thị Ngọc Diệu – Đại học Nông Lâm Huế đã đưa ra được định hướng các kiểu sử dụng đất phù hợp với điều kiện đất đai, địa hình, khí hậu của địa phương như sau: kiểu sử dụng nên duy trì diện tích sản xuất là chuyên lúa 2 vụ và cây ăn quả (thanh trà, quýt), các kiểu sử dụng về rau màu và cây công nghiệp ngắn ngày như lạc - hành, chuyên rau; lạc - sắn; lạc - đậu xanh; lạc - ngô;… nên mở rộng diện tích sản xuất. Đồng thời, nghiên cứu còn đưa ra các giải pháp về quy hoạch, bố trí sản xuất; đào tạo nguồn nhân lực, các giải pháp về vốn và thị trường tiêu thụ cũng như một số giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất sản xuất nông nghiệp và góp phần cải thiện cuộc sống người nông dân.

“ Đánh giá hiệu quả sử dụng đất sản xuất nông nghiệp tại huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa” luận văn thạc sỹ năm 2016, Lê Văn Sang – Đại học Nông Lâm Huế, đã đưa ra một số giải pháp để nâng cao hiệu quả sử dụng đất sản xuất nông nghiệp cụ thể:

Bố trí hệ thống canh tác hợp lý trên đất sản xuất nông nghiệp, hình thành và ổn định thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; tăng cường đầu tư nguồn lực và khoa học công nghệ; hoàn thiện hệ thống chính sách tác động đến hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp, nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và tiêu thụ nông sản. Với những giải pháp này giúp nông nghiệp pháp triển theo hệ thống hình thành vùng chuyên canh phù hợp với đặc điểm của từng vùng nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất sản xuất nông nghiệp.

“ Đánh giá thực trạng và ảnh hưởng của manh mún đất đai đến hiệu quả sử dụng đất sản xuất lúa tại thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam” luận văn thạc sỹ năm 2016, Võ Thị Ngân Tranh – Đại học Nông Lâm Huế, đã chỉ ra được Ruộng đất tích tụ làm tăng hiệu quả sử dụng đất: năng suất cao làm hiệu quả kinh tế, giảm được lượng phân, thuốc bón vào môi trường, tiết kiệm chi phí phân, công, giống và năng suất tăng

làm tăng hiệu quả kinh tế. Công tác dồn điền đổi thửa đã cho thấy những hiệu quả bước đầu trong việc giảm chi phí sản xuất và tăng hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp tuy nhiên một số người dân chưa thực sự hài lòng về công tác này vẫn còn nhiều hạn chế cần có các giải pháp và việc làm cụ thể để khắc phục trong thời gian tới.

Hà Tĩnh là địa phương có điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên cơ bản thuận lợi và khá phong phú để phát triển kinh tế - xã hội. Từ sau khi chia tách tỉnh đến nay Hà Tĩnh phát triển khá năng động; chuyển dịch cơ cấu kinh tế khá rõ nét; là một trong những địa phương có nhiều công trình, dự án trọng điểm Quốc gia đã và đang triển khai hoạt động. Quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa thời gian qua đã mang lại nhiều thành tựu to lớn trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, mặt trái của nó lại là nguyên nhân chính làm mất diện tích đất nông nghiệp (chuyển sang để sử dụng cho mục đích phi nông nghiệp) với quy mô lớn.

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh thì giai đoạn 2000 - 2015 giá trị tuyệt đối về diện tích của nhóm đất nông nghiệp tăng 142.196,45 ha (chủ yếu tăng do trồng rừng, một số do khai hoang, cải tạo đất,...), nhóm đất phi nông nghiệp tăng 10.812,72 ha (chủ yếu phát triển hạ tầng, tăng diện tích đất SXKD phi nông nghiệp), nhóm đất chưa sử dụng giảm 159.552,46 ha. Tuy nhiên, để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội thì buộc phải chuyển một số diện tích sang nhóm đất phi nông nghiệp (để xây dựng CSHT, SXKD,...). Cụ thể giai đoạn 2000 - 2015 phải thu hồi đất, bồi thường GPMB đối với nhóm đất ở để chuyển sang nhóm đất phi nông nghiệp không phải đất ở 234,48 ha; riêng nhóm đất nông nghiệp đã chuyển sang nhóm đất phi nông nghiệp 24.248,09 ha (trong đó đất lúa chiếm 7.225,08 ha, các loại đất NN khác 17.023,01 ha); trong đó giai đoạn 2000 - 2010 nhóm đất nông nghiệp đã chuyển 16.006,33 ha (đất lúa chiếm 5.641,76 ha, các loại đất NN khác 10.364,57 ha), giai đoạn 2010 - 2015 nhóm đất nông nghiệp đã chuyển 8.241,76 ha (đất lúa chiếm 1.583,32 ha, các loại đất NN khác 6.658,44 ha).Việc thu hồi đất, bồi thường GPMB làm ảnh hưởng trực tiếp đối với quyền lợi của người sử dụng đất nên đây là nguyên nhân cơ bản gây nên các xung đột giữa người sử dụng đất với các đối tượng liên quan (quản lý, chủ đầu tư các dự án,...)(Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Tĩnh, 2015).

Theo số liệu tổng hợp của Thanh tra tỉnh Hà Tĩnh thì từ năm 2008 - 2013, các cơ quan nhà nước trong toàn tỉnh đã tiếp 13.738 lượt công dân với 7.031 vụ việc, có 24 đoàn đông người. Tính riêng trong lĩnh vực đất đai bồi thường GPMB đã tiếp 12.361 lượt công dân, chiếm tỷ lệ 89,97%; xử lý 5.976 vụ việc, chiếm tỷ lệ 85%(Thanh tra tỉnh Hà Tĩnh, 2013).

Chỉ tính riêng thành phố Hà Tĩnh quá trình đô thị hóa giai đoạn 2000 – 2010 đã phải chuyển mục đích từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp là 14,34% (tương ứng 495,20 ha) so với tổng diện tích đất nông nghiệp đầu kỳ(Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Hà Tĩnh, 2011).

Theo quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 của Thành phố đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì tỷ lệ tăng dân số đến năm 2020 sẽ là 5,81% (chủ yếu là tăng cơ học); nhu cầu sử dụng đất phi nông nghiệp dự kiến là 1.742,1 ha(Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Hà Tĩnh, 2013).

Với điều kiện như vậy thì không còn cách nào khác là phải tiếp tục lấy phần lớn diện tích đất nông nghiệp chuyển sang sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp. Từ đó một bộ phận lớn lao động nông nghiệp sẽ tiếp tục mất tư liệu sản xuất, thiếu việc làm, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, thu nhập của họ và gia đình.

Qua điều tra cho thấy, chưa có một nghiên cứu nào chính thống (đề tài khoa học, dự án) về đánh giá đất, phân hạng thích hợp đất đai trên địa bàn thành phố Hà Tĩnh trong trong những năm gần đây.

Trên cơ sở đó chúng tôi thấy rằng một số vấn đề sau đây cần phải tiếp tục được nghiên cứu để phục vụ cho việc sử dụng đất sản xuất nông nghiệp đô thị và ven đô có hiệu quả:

- Nghiên cứu, khoanh vùng các khu vực đất sản xuất nông nghiệp ven đô thị để tiện đánh giá;

- Thống kê diện tích đất nông nghiệp theo vùng sau các mốc thời gian chuyển đổi đất sản xuất nông nghiệp sang đất đô thị;

- Xác định cụ thể các loại đất chính của vùng đất sản xuất nông nghiệp ven đô thị;

- Nghiên cứu, đánh giá đất theo FAO để lựa chọn các loại sử dụng đất thích hợp và hiệu quả cho vùng đất sản xuất nông nghiệp ven đô thị sau các mốc thời gian chuyển đổi đất sản xuất nông nghiệp sang đất đô thị;

Một phần của tài liệu Đánh giá hiệu quả sử dụng đất sản xuất nông nghiệp khu vực ven đô thành phố hà tĩnh (Trang 52 - 55)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(118 trang)