CHƯƠNG 3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
3.1. ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN, KINH TẾ, XÃ HỘI THÀNH PHỐ HÀ TĨNH
3.1.2. Thực trạng phát triển kinh tế - xã hội
Theo kết quả điều tra, thu thập, tổng hợp số liệu từ Chi cục Thống kê thành phố Hà Tĩnh (2016) thấy rằng quá trình đô thị hóa đã làm chuyển dịch cơ cấu thành phố Hà Tĩnh theo hướng kinh tế đô thị, ưu tiên phát triển mạnh lĩnh vực thương mại, dịch vụ;
năm 2016 tổng giá trị sản xuất theo giá hiện hành đạt 10.109 tỷ đồng, trong đó: ngành Thương mại - Dịch vụ đạt 6.086 tỷ đồng, chiếm 60,2% (năm 2010 là 30%); Công nghiệp - TTCN - Xây dựng đạt 3.700 tỷ đồng, chiếm 36,61% (năm 2010 là 62%);
Nông nghiệp - Thủy sản còn 323 tỷ đồng, chiếm 3,19% (năm 2010 là 8%). Thu nhập bình quân đầu người đạt gần 40 triệu đồng (năm 2010 là 23,13 triệu đồng).
a. Khu vực kinh tế Thương mại - Dịch vụ
Thành phố là trung tâm thương mại của tỉnh, thời gian qua đã tích cực huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng các chợ, cơ sở kinh doanh thương mại, dịch vụ;
chuyển đổi mô hình quản lý chợ theo hướng giao doanh nghiệp, hợp tác xã quản lý;
hình thành các cơ sở kinh doanh, dịch vụ như: Siêu thị Coopmart (BMC), Vinmart, chợ Cầu Đông, Trung Đình, Cầu Phủ, Thạch Môn, Chợ kinh doanh giết mổ gia cầm tập trung. Tổng mức bán lẻ hàng hoá năm 2016 theo giá hiện hành đạt 12.046 tỷ đồng, tăng hơn 2 lần so với năm 2010. Trên địa bàn hiện có 27 khách sạn, 20 nhà nghỉ, 16 ngân hàng, chi nhánh ngân hàng thương mại, 5 phòng giao dịch của các ngân hàng;
các nhà hàng, siêu thị, cửa hàng, cửa hiệu, kinh doanh hộ gia đình cũng tăng nhanh.
Hệ thống dịch vụ bưu chính, viễn thông, chăm sóc sức khoẻ, bảo hiểm, tư vấn, tài chính, ngân hàng, vận tải…cơ bản đáp ứng nhu cầu của người dân. Các dịch vụ ô tô buýt, taxi phát triển mạnh .
b. Khu vực kinh tế Công nghiệp - TTCN - Xây dựng
Quan tâm đầu tư phát triển các ngành nghề có lợi thế như cơ khí, nhôm kính, mộc dân dụng, may mặc, dược phẩm, in ấn… tạo việc làm cho hàng ngàn lao động.
Giá trị sản xuất công nghiệp, TTCN so với năm 2010 tăng 50,78%. Thành phố đã quan tâm đầu tư xây dựng hạ tầng cụm tiểu thủ công nghiệp Thạch Đồng; khai thác, duy trì sản xuất tại cụm sản xuất tiểu thủ công nghiệp tập trung ở phường Thạch Quý. Phần lớn các cơ sở sản xuất đã đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ, cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm.
c. Khu vực kinh tế Nông nghiệp - Thủy sản
Nhờ đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn; quan tâm nâng cấp các tuyến đê, hệ thống giao thông nội đồng, thủy lợi; định hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa; ban hành nhiều cơ chế chính sách, đề án, kế hoạch phát triển nông nghiệp, chăn
nuôi, nuôi trồng thủy sản nên giá trị sản xuất nông nghiệp, thuỷ sản Thành phố liên tục tăng trong những năm qua với mức tăng bình quân hàng năm là 4,87%; năm 2015, năng suất lúa bình quân đạt 52 tạ/ha; tổng sản lượng đánh bắt, nuôi trồng thủy sản đạt 545 tấn, tăng 16%; tổng sản lượng gia súc, gia cầm tăng 11,4% so với năm 2010. Xây dựng được một số mô hình sản xuất có hiệu quả: Nuôi cá lồng bè trên sông ở xã Thạch Hạ, Thạch Hưng; chăn nuôi liên kết ở xã Thạch Bình, Thạch Môn; phát triển trang trại, gia trại ở Thạch Linh, Thạch Môn; trồng hoa, cây cảnh ở Thạch Quý, Văn Yên, Bắc Hà, Hà Huy Tập…
Tổng số vốn đầu tư xây dựng nông thôn mới từ năm 2011 - 2014 đạt 139,19 tỷ đồng, trong đó: ngân sách Nhà nước 72,86 tỷ đồng, lồng ghép từ các chương trình, dự án 48,4 tỷ đồng, nguồn xã hội hóa 17,93 tỷ đồng; đến nay đã có 4/6 xã về đích nông thôn mới.
Hình 3.4 Tổng GDP thành phố Hà Tĩnh giai đoạn 2006-2015 3.1.2.2 Dân số, lao động và việc làm
Theo số liệu tổng hợp từ Niên giám thống kê thành phố Hà Tĩnh (2015) và Kết quả điều tra lao động việc làm tỉnh Hà Tĩnh (2015) thì dân số, lao động, việc làm ở thành phố Hà Tĩnh có số liệu cụ thể như sau:
- Dân số:
Đến năm 2015, Thành phố Hà Tĩnh có 24.580 hộ gia đình với dân số là 96.996 người. Bao gồm 10 phường và 6 xã. Trong đó: Nội thị: 69.944 người (gồm 10 phường), ngoại thị: 27.052 người (gồm 6 xã), mật độ dân số đô thị là: 1.707 người/km2.
Mật độ dân số đô thị ở Thành phố phân bố không đều, chủ yếu tập trung ở 4 phường trung tâm (phường: Bắc Hà, Nam Hà, Tân Giang và Trần Phú). Phường có mật độ dân số đô thị cao nhất là phường Bắc Hà: 12.186 người/km2; phường có có mật độ dân số đô thị thấp nhất là phường Thạch Linh: 1.027 người/km2.
- Lao động, việc làm:
Tổng dân số trong độ tuổi lao động toàn Thành phố là: 53.121 người, chiếm tỷ lệ 54,77% tổng dân số.
Tổng số lao động tham gia hoạt động kinh tế 41.950 người, trong đó số có việc làm thường xuyên là 40.026 người, chiếm 95,41%. Tổng số lao động thất nghiệp 782 người, chiếm 1,47%, trong đó số lao động thất nghiệp đã qua đào tạo chiếm 77,75% số lao động thất nghiệp.
Tổng số lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế 41.168 người. Trong đó: ngành Nông nghiệp - Thủy sản 5.777 người, chiếm 14,03 %; ngành Công nghiệp - TTCN - Xây dựng 7,502 người, chiếm 18,22%; ngành Thương mại - Dịch vụ 27.889 người, chiếm 67,74%.
Số lao động chưa qua đào tạo: ngành Nông nghiệp - Thủy sản 4.679 người, chiếm 80,99 %; ngành Công nghiệp - TTCN - Xây dựng 1.226 người, chiếm 16,34%; ngành Thương mại - Dịch vụ 7.799 người, chiếm 27,96% số lao động trong ngành.
Hình 3.5 Biến động cơ cấu lao động giai đoạn 2005-2015
3.1.2.3. Cơ sở hạ tầng
Theo báo cáo của Phòng Kinh tế thành phố Hà Tĩnh (2015) và tổng hợp kết quả điều tra thu thập dữ liệu thứ cấp về thực trạng cơ sở hạ tầng Thành phố cụ thể như sau:
- Hệ thống giao thông, kênh mương, đê bảo vệ:
+ Ngoài các trục đường chính đã được đầu tư hoàn chỉnh như Quốc lộ IA, Tỉnh lộ 3, Tỉnh lộ 9, Tỉnh lộ 22,.. thành phố Hà Tĩnh đã xây dựng được hơn 62,33 km đường giao thông nông thôn mặt nhựa, bê tông và hàng trăm kilomet đường nội đồng phục vụ sản xuất.
+ Kênh tưới: Trong thành phố hiện có các tuyến kênh tưới bắt nguồn từ hồ Kẻ Gỗ như kênh N19, N1, N7 phục vụ cho sản xuất nông nghiệp với tổng chiều dài khoảng 10,8km.
+ Kênh tiêu: Toàn Thành phố hiện có 60 km tuyến mương chính và hơn 40km chiều dài các tuyến mương nhỏ nằm trong khu vực dân cư.
+ Hệ thống đê các sông bảo vệ đô thị: Đê Đồng Môn: từ cầu Cày đến cầu Phủ là tuyến đê cấp III với chiều dài 23,4km; đoạn từ cầu Phủ đến cầu Nủi là tuyến đê cấp III với chiều dài 2.609m. Có cao trình đỉnh đê từ 3,2m.
Đê Trung Linh: là tuyến đê cấp IV kết hợp đường dân sinh với chiều dài 3987,4m. Các tuyến đê bên bờ kia sông Cày, sông Rào Cái có chiều dài 19,8km.
- Hệ thống cấp điện:
+ Nguồn điện cấp cho Thành phố lấy từ Trạm biến áp 110/35/22/10kV Thạch Linh có công suất (25+40) MVA.
+ Lưới điện: Hiện nay Thành phố đang sử dụng các tuyến điện cao thế: Đường dây 220kV từ trạm 500kV Hà Tĩnh đi Hưng Đông (Nghệ An) và đi Đồng Hới (Quảng Bình) với chiều dài 16km; đường dây 110kV từ trạm 220kV Hà Tĩnh đi trạm 110kV Thạch Linh và từ trạm 110kV Thạch Linh đi Can Lộc với tổng chiều dài đường dây là 13km; các tuyến trung thế 35kV dài khoảng 32km, tuyến 22kV dài khoảng 60km và mạng lưới 0,4kV dài khoảng 200km.
- Hệ thống giáo dục đào tạo của Thành phố bao gồm các cấp từ mầm non, tiểu học đến trung học cơ sở, trung học phổ thông và đại học, ngoài ra còn có các trường trung cấp, trung tâm đào tạo nghề. Cơ sở vật chất của hệ thống các trường đã được đầu tư cơ bản kiên cố hoá theo hướng đạt tiêu chuẩn Quốc gia. Thành phố Hà Tĩnh là một trong những đơn vị liên tục dẫn đầu về số lượng học sinh giỏi và giáo viên giỏi trong toàn tỉnh.
- Cơ sở Y tế trên địa bàn thành phố Hà Tĩnh bao gồm Hệ thống bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến dưới cơ bản đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân, đáp ứng đủ
tiêu chí đô thị loại II về các cơ sở y tế. Tuy nhiên cần nâng cao chất lượng trang thiết bị trong các cơ sở y tế cũng như trình độ của đội ngũ y bác sỹ tại các cơ sở này.
- Các công trình văn hoá cơ bản đầy đủ đáp ứng tiêu chí đô thị loại II về số lượng.