CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN CÁC VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU
1.3. Cơ sở thực tiễn
a) Chính sách, chương trình chi trả dịch vụ môi trường trên thế giới
Trên thế giới, việc nghiên cứu và triển khai dự án chi trả dịch vụ môi trường rừng đã được chú ý từ những năm 90 của thế kỷ 20. Rất nhiều nghiên cứu đã được tiến hành, điển hình như nghiên cứu của Trường Đại học California, nhằm xác định khái niệm chi trả dịch vụ môi trường rừng, chi trả cho ai và mức chi trả là bao nhiêu. Các nghiên cứu đã tính toán ra giá trị của rừng trong việc bảo vệ đất, nước, không khí, đa dạng sinh học làm cơ sở đưa ra mức chi trả của xã hội đối với dịch vụ môi trường rừng. Đây là cơ sở, tiền đề cho các nước đi sau như Việt Nam, tham khảo và kế thừa để áp dụng vào thực tiễn bảo vệ môi trường, cụ thể là cho môi trường rừng. Thực tế cho thấy, chi trả DVMTR đã được áp dụng ở rất nhiều nơi trên thế giới như:
Châu Mỹ
Hoa Kỳ là quốc gia nghiên cứu và tổ chức thực hiện các mô hình chi trả DVMTR sớm nhất, ngay từ giữa thập kỷ 80, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ đã thực hiện Chương trình duy trì bảo tồn năm 1985, đã chi trả cho nông dân để trồng thảm thực vật lưu niên trên đất trồng nhạy cảm về môi trường. Hiện nay, cơ chế
chi trả DVMTR được áp dụng thành công và hiệu quả, tạo ra cơ chế quản lý bền vững các tài nguyên thiên nhiên.
Ở Hawaii, việc bảo vệ rừng đầu nguồn để duy trì nguồn nước mặt và nước ngầm, phục vụ đời sống sinh hoạt và tạo điều kiện cho phát triển du lịch, nông nghiệp và các ngành nghề khác. Hawaii đã áp dụng chính sách mua lại đất hoặc nhượng quyền bảo tồn. Như vậy, vấn đề chi trả DVMTR ở Hawaii được bắt đầu từ việc quy hoạch sử dụng đất và bảo tồn hệ sinh thái. Đồng thời, tiến hành nhiều dự án, chương trình hỗ trợ các chủ đất sản xuất nông lâm nghiệp bền vững và tiến hành các hoạt động sản xuất khác để bảo đảm cuộc sống.
Châu Á
Các chương trình chi trả DVMTR đã được phát triển và thực hiện thí điểm tại châu Á như Indonesia, Philippines, Trung Quốc, Ấn Độ, Nepal và Việt Nam nhằm xác định điều kiện để thành lập cơ chế chi trả DVMTR. Đặc biệt là Indonesia và Philippines đã có nhiều nghiên cứu điển hình về chi trả DVMTR đối với quản lý lưu vực đầu nguồn.
Trong khuôn khổ hỗ trợ của Quỹ Quốc tế về Phát triển Nông nghiệp (IFAD), Trung tâm Nông - Lâm Thế giới (ICRAF) đã đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức về khái niệm chi trả DVMTR bằng chương trình chi trả dịch vụ môi trường cho người nghèo vùng cao (RUPES) ở châu Á.
RUCHI Trả DVMTR đang tích cực thực hiện các chương trình thí điểm ở Indonesia, Philippines và Nepal.
Châu Âu
Ở Pháp, Công ty nước đóng chai Perrier Vittel từ năm 1993 đã cung cấp tài chính cho nông dân ở vùng đầu nguồn và vùng lọc nước để xây dựng cơ sở vật chất cho nông nghiệp và chuyển đổi sang hoạt động nông nghiệp hữu cơ (5.100 ha).
Chính phủ Đức đã đầu tư một loạt chương trình để chi trả cho các chủ đất tư nhân với mục đích thay đổi cách sử dụng đất của họ nhằm tăng cường hoặc duy trì dịch vụ hệ sinh thái. Những dự án này bao gồm trợ cấp cho sản xuất cà phê và ca cao trong bóng râm, quản lý rừng bền vững, bảo tồn đất và cải tạo các cánh đồng chăn thả ở các nước Mỹ Latinh, gồm Honduras, Costa Rica, Colombia, Ecuador, Peru, Paraguay và Cộng hòa Dominica.
b) Một số công trình về chính sách chi trả dịch vụ môi trường ở Việt Nam
Ở Việt Nam đã tổ chức thực hiện một số chương trình, dự án liên quan về chi trả dịch vụ môi trường rừng sau đây:
(1) Các chương trình quốc gia. Thực tế, các chương trình trọng điểm quốc gia nhằm phục hồi tài nguyên rừng ở Việt Nam là Chương trình 661 (Chương trình trồng mới 5 triệu hecta rừng) do Chính phủ cấp kinh phí, đã có các nội dung cơ bản liên quan tới các hoạt động của chi trả DVMTR.
Kế tiếp là sự ra đời Quyết định số 380/2008/QĐ-TTg ngày 10/04/2008 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách thí điểm chi trả DVMTR rừng, theo đó, chi trả DVMTR đã được triển khai thí điểm tại 2 tỉnh Lâm Đồng và Sơn La với các loại dịch vụ: điều tiết nguồn nước; hạn chế xói mòn, bồi lấp và cảnh quan du lịch.
(2) Chương trình bảo tồn đa dạng sinh học khu vực châu Á (ARBCP).
Đánh giá tiềm năng và xây dựng mô hình thí điểm chi trả DVMTR ở tỉnh Lâm Đồng. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Tổ chức Winrock International tổ chức thực hiện từ năm 2006-2009. Chương trình được tài trợ bởi Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID).
Mục tiêu chung của Chương trình là xây dựng và thực hiện Chính sách thí điểm về chi trả dịch vụ môi trường rừng, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 380/QĐ-TTg ngày 10/4/2008. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì và hợp tác với các tỉnh Lâm Đồng và Sơn La thực hiện Chính sách thí điểm này và tổng kết rút kinh nghiệm vào năm 2010.
Các mô hình về chi trả DVMTR đã được tổ chức thực hiện từ năm 2006–2009 trong các chương trình do Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với tổ chức Winrock International, chương trình môi trường trọng điểm và sáng kiến hành lang bảo tồn đa dạng sinh học do Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) tài trợ từ năm 2006–2010. Các tỉnh được chọn thực hiện thí điểm gồm có Sơn La, Lâm Đồng, Bình Thuận, Ninh Thuận.
(3) Tạo nguồn hỗ trợ cho hoạt động bảo vệ vùng đầu nguồn Hồ Trị An, Dự án thực hiện trong 2 năm do Cơ quan phát triển quốc tế của Đan Mạch (DANIDA) tài trợ, Quỹ Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (WWF) tổ chức thực hiện.
Dự án đã nỗ lực xây dựng cơ chế chi trả giữa các công ty cung cấp nước sạch và nhóm đối tượng gây ô nhiễm thượng nguồn. Bước đầu tiến hành phân tích thuỷ văn và tình trạng ô nhiễm chung. Bước này nhằm xác định
nguyên nhân gây ô nhiễm và chi phí của các nhà máy cung cấp nước sạch.
Khi đã xác định được các mối liên kết này, dự án đã phối hợp với các đối tượng gây ô nhiễm để cải thiện hoạt động sản xuất tại các đơn vị này đồng thời xây dựng cơ chế chi trả và quỹ đóng góp từ người hưởng lợi.
(4) Dự án xây dựng cơ chế chi trả cho hấp thụ cacbon trong lâm nghiệp, thí điểm tại huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình. Dự án thí điểm trồng 350 ha rừng keo với 300 hộ tham gia. Nguồn tài chính bền vững của dự án bao gồm nguồn thu bán lâm sản và thương mại tín chỉ cacbon cho thị trường quốc tế. Dự án này do Trung tâm Nghiên cứu Sinh thái và Môi trường Rừng (RCFEE) - Viện Khoa học Lâm nghiệp tổ chức thực hiện.
Lợi ích của dự án không chỉ gồm lâm sản như gỗ và củi đốt như các dự án trồng rừng thương mại thông thường mà còn gồm các lợi ích từ việc bán tín chỉ cacbon. Đây là một sản phẩm môi trường mới và có thể được kinh doanh trên thị trường thế giới thông qua cơ chế phát triển sạch.
(6) Tạo nguồn tài chính bền vững để bảo vệ cảnh quan Vườn quốc gia Bạch Mã do WWF đề xuất và tổ chức thực hiện: Công ty nước Bạch Mã bắt đầu khai thác nước từ năm 2005. Tiền thu được từ Công ty này là tiềm năng đóng góp cho vườn Quốc Gia. Mỗi mét khối nước sạch nên được đánh một khoản thuế gọi là phí môi trường được sử dụng để bảo vệ vùng đầu nguồn. Nếu Công ty nước trích 35% giá trị thu được từ việc bán nước sạch thì Ban quản lý vườn sẽ có 183.600.000đ hay 15% doanh thu. Công ty nước có thể thu phí và chuyển khoản tiền này trực tiếp cho những người sử dụng đất vùng đầu nguồn. Khoản phí này phải được miễn thuế.