CÁC CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI

Một phần của tài liệu Ảnh hưởng giao đất, giao rừng đến sinh kế của người dân tại xã hồng thượng, huyện a lưới, tỉnh thừa thiên huế (Trang 39 - 43)

CHƯƠNG 1. TỔNG QUAN CÁC VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU

1.4. CÁC CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI

- Nghiên cứu của Trần Đức Viên (1999) cho rằng: Giao đất lâm nghiệp chỉ có tác động tích cực nơi mà vấn đề an toàn lương thực đã được đáp ứng. Một nhận định khác khá bất ngờ là chỉ có khoảng 20-30% số hộ sử dụng đất lâm nghiệp được giao đúng mục đích.

29

- Nghiên cứu của Tô Xuân Phúc (2003) cho thấy quá trình giao đất giao rừng gây nên sự khác biệt về diện tích sử dụng đất giữa hộ giàu và hộ nghèo trong cộng đồng.

Những hộ nhận đất, nhận rừng thường là những hộ giàu và có thế lực.

- Nghiên cứu của Nguyễn Quang Tân (2008) về giao đất giao rừng ở Đăk Lăk cho thấy nguồn thu từ rừng chủ yếu nằm trong tay một số nhóm nhỏ trong cộng đồng trong khi đại đa số các hộ còn lại hầu như không có gì. Thu nhập từ rừng của hộ khá bằng 280%

so với hộ nghèo.

- Theo đánh giá của các chuyên gia tại Hội thảo Quản lý và sử dụng đất tại cộng đồng các dân tộc thiểu số miền núi được tổ chức năm 2011, cho thấy một số vấn đề về công tác giao đất và cấp GCNQSDĐ lâm nghiệp, cụ thể như sau:

+ Công tác quy hoạch, sử dụng đất lâm nghiệp chưa sát với thực tế, chậm điều chỉnh và thường xuyên bị phá vỡ quy hoạch. Việc xác định ranh giới các khu rừng phòng hộ, đặc dụng chưa rõ ràng, gây khó khăn và làm chậm tiến độ giao đất lâm nghiệp;

+ Diện tích đất lâm nghiệp giao cho hộ gia đình và cá nhân bình quân đến 2010 là 3,9 ha/hộ. Tuy nhiên, việc giao đất lâm nghiệp chưa gắn với các chính sách cụ thể về cơ chế hưởng lợi, hỗ trợ đầu tư, hỗ trợ kỹ thuật... Vì vậy, tỉ lệ đất lâm nghiệp được giao đưa vào sử dụng chỉ đạt từ 20- 30%.

+ Các cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện công tác giao đất lâm nghiệp không thống nhất, trước tháng 11/1999 do cơ quan Kiểm lâm đảm nhiệm và sau tháng 12/1999 do cơ quan Địa chính đảm nhiệm. Do thiếu nhân lực, hiểu biết và kinh nghiệm trong lĩnh vực lâm nghiệp và sự phối kết hợp giữa ngành NN&PTNT và Địa chính còn nhiều hạn chế, chưa thống nhất trong cách giao, phương thức giao đất lâm nghiệp, nên từ đó đến nay công tác giao đất, cho thuê đất lâm nghiệp gần như bị ngưng trệ. Việc cấp GCNQSDĐ lâm nghiệp không đồng bộ, nhiều nơi giao đất sau 3 đến 4 năm vẫn chưa được cấp GCNQSDĐ và chỉ mới tập trung cấp GCNQSDĐ lâm nghiệp (chủ yếu đất chưa có rừng) cho một số dự án của nước ngoài hỗ trợ đầu tư trồng rừng.

Nhìn chung công tác giao đất, cho thuê đất lâm nghiệp và cấp GCNQSDĐ chưa gắn kết với công tác giao rừng và các cơ chế hưởng lợi, chính sách hỗ trợ đi kèm. Vì vậy hiệu quả của việc sử dụng rừng và đất rừng còn rất thấp, tài nguyên rừng vẫn bị suy giảm và đời sống của người dân cũng không được cải thiện.

- Báo cáo của Bộ NN&PTNT/FSSP (2014): “Giao đất giao rừng là điều kiện tiên quyết quan trọng và cần thiết để cộng đồng địa phương quản lý rừng bền vững, thu được lợi ích từ rừng và tham gia vào quá trình ra quyết định một cách chủ động.

Tuy nhiên, chỉ có quyền vẫn chưa đủ. Việc chuyển giao quyền hưởng dụng sẽ chỉ đem lại những tác động mong muốn với điều kiện cộng đồng... có thể thực hiện các quyền của họ như pháp luật quy định... Sự tham gia của cộng đồng vào công tác quản lý các khu bảo tồn và quá trình ra quyết định về quản trị rừng là các vấn đề quan trọng”.

- Nghiên cứu của Phạm Đình Phong (2014) về đánh giá công tác giao đất và cấp GCNQSDĐ lâm nghiệp có sự tham gia ở tỉnh Quảng Ngãi cho thấy rằng: Trong quá trình thực hiện tại vùng mà đa số là nhân dân là người dân tộc thiểu số là một công việc khó khăn cần đòi hỏi phải kiên trì, không được nóng vội trong thực hiện; phải lấy hiệu quả làm tiêu chí cơ bản, phát huy vai trò nòng cốt của các Hội đoàn thể trong công tác vận động quần chúng; cần lồng ghép với các chương trình, dự án khác nhằm hỗ trợ cho nhân dân có đủ điều kiện sản xuất trên mảnh đất được giao có hiệu quả; cần có kế hoạch hỗ trợ lâu dài cho nhân dân đặc biệt chú trong trong thời gian chưa đến tuổi khai thác sản phẩm trên đất để người dân có điều kiện chăm sóc và bảo vệ thành quả đã đầu tư trên đất nhằm hạn chế tình trạng chuyển nhượng quyền sử dụng đất hoặc bán rừng non sau khi được cấp GCNQSDĐ, không để người dân mất đi tư liệu sản xuất đặc biệt đó là quyền sử dụng đất.

- Nghiên cứu của Phạm Hùng Thiêng (2014) về đánh giá hiệu quả của công tác giao đất lâm nghiệp tại huyện Trà Bồng cho thấy: Sau khi giao đất và cấp GCNQSDĐ lâm nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân đã giải quyết được một loạt các vấn đề vướng mắc ở miền núi như tạo công ăn việc làm, giảm số vụ tranh chấp đất đai, đời sống vật chất và tinh thần được cải thiện, tuy nhiên vẫn còn tình trạng người dân lấn chiếm đất của các nông, lâm trường quốc doanh để sản xuất.

- Nghiên cứu của Lê Anh Tuấn (2014) về đánh giá kết quả quy hoạch và đề xuất giải pháp quản lý việc sử dụng đất lâm nghiệp của các Lâm trường ở huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi cho thấy: Việc cân đối quỹ đất lâm nghiệp để chia bình quân theo đầu hộ dân ở hầu hết các địa phương không thực hiện được; cán bộ địa chính các xã trình độ còn quá yếu; công tác quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp thiếu chặt chẽ để nhiều người tự ý lấn chiếm, phá rừng làm nương rẫy; các ngành chức năng chưa phối hợp giải quyết thấu đáo tình trạng tranh chấp, lấn chiếm, xâm canh về đất đai, ... Đó là

"bài toán" nan giải đối với các cấp, ngành chức năng liên quan ở tỉnh, huyện trong công tác quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp hiện nay.

- Tình hình giao đất, giao rừng tại tỉnh Thừa Thiên Huế: trong những năm qua, tỉnh Thừa Thiên Huế xác định giao đất, giao rừng cho đồng bào dân tộc thiểu số là giải pháp quan trọng để bà con ổn định đời sống và thoát nghèo bền vững. Khi rừng được giao cho bà con quản lý, công tác bảo vệ rừng được bà con quan tâm hơn, rừng được phát triển tốt hơn. Đến năm 2016, toàn tỉnh có 225 cộng đồng dân tộc thiểu số được giao đất, giao rừng để quản lý và sử dụng. Trong đó, có 96 cộng đồng đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng. Tổng diện tích rừng được giao cho đối tượng này là 20.254,17 ha chiếm 91,3% diện tích rừng được giao cho các cộng đồng trên toàn tỉnh.

Diện tích rừng đã giao được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng là 11.933,92 ha.

Trong đó diện tích rừng và đất lâm nghiệp đã giao cho các cộng đồng quản lý trên phạm vi toàn tỉnh có khoảng 61% là rừng sản xuất và 36% là rừng phòng hộ. Đối với

31

việc giao đất, giao rừng cho hộ gia đình dân tộc thiểu số, đến năm 2016, toàn tỉnh có 2.954 hộ gia đình dân tộc thiểu số được giao đất, giao rừng. Trong đó có 2.892 hộ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp. Diện tích rừng và đất lâm nghiệp được giao cho các hộ này là 3.176,69 ha. Ngày 25/2/2020, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 529/QĐ-UBND về việc công bố hiện trạng rừng tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2019; theo đó, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế hiện có 288.334,37 ha đất có rừng (bao gồm rừng tự nhiên: 211.373,11 ha, rừng trồng: 76.961,26 ha). Theo mục đích sử dụng rừng: rừng phòng hộ: 76.957,28 ha; đặc dụng: 93.200,43 ha, sản xuất:

118.176,66 ha, trong đó: sản xuất 99.615,11 ha, ngoài quy hoạch 3 loại rừng nhưng tạm tính là sản xuất 18.561,55 ha và 5.679,73 ha là diện tích đã trồng chưa thành rừng.

Tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh đến hết năm 2019 là 57,37% (Cổng thông tin điện tử tỉnh Thừa Thiên Huế, 2016).

Tổng quan những tài liệu trên cho thấy, chủ trương giao đất lâm nghiệp của Đảng và Nhà nước ta trong những năm qua, tạo bước chuyển căn bản trong quản lý tài nguyên đất, tài nguyên rừng, làm cho đất lâm nghiệp có chủ thực sự, đồng thời góp phần cải thiện đời sống cho một số bộ phận dân cư. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, đã nảy sinh những bất cập, khiến cho một số nội dung và mục tiêu của chương trình đề ra không đạt được như mong muốn. Sinh kế của những người dân vùng núi, những người được cho là nghèo nhất trong số những người nghèo, sống phụ thuộc vào rừng và đất lâm nghiệp, vẫn chưa được quan tâm chính đáng.

Ở nước ta, sau hơn 20 năm triển khai, công tác giao đất lâm nghiệp đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều nhà khoa học và các tổ chức nghiên cứu trong và ngoài nước. Mỗi nghiên cứu đứng trên một lập trường, quan điểm khác nhau, vận dụng các phương pháp và lý thuyết khác nhau để phân tích và đánh giá. Tuy nhiên, các nghiên cứu ở góc độ xã hội, về tác động của công tác đến sinh kế của người dân vẫn còn hạn chế, đặc biệt là các nghiên cứu liên quan đến sinh kế cho người dân ở Miền Trung nói chung và tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng còn rất khiếm tốn. Xã Hồng Thượng, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế là địa bàn đặc thù về miền núi ở miền Trung Việt Nam; diện tích đồi, núi chiếm 2/3 diện tịch toàn xã. Từ trước đến nay, xã Hồng Thượng luôn nhận được sự quan tâm hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền và các tổ chức quốc tế, nhưng đói nghèo vẫn chiếm tỷ lệ còn quá cao, sinh kế của người dân rất bấp bênh, thiếu bền vững, tài nguyên đất lâm nghiệp, rừng tự nhiên bị suy thoái nhanh và bị phá hoại của một số người dân. Vì vậy, rất cần có những nghiên cứu đánh giá sâu về lĩnh vực này, nhằm tìm ra các giải pháp phát triển sinh kế bền vững cho người dân địa phương và quản lý tốt tài nguyên đất lâm nghiệp và rừng trên địa bàn.

Một phần của tài liệu Ảnh hưởng giao đất, giao rừng đến sinh kế của người dân tại xã hồng thượng, huyện a lưới, tỉnh thừa thiên huế (Trang 39 - 43)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(118 trang)