Chương 1 TỔNG QUAN CÁC VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU
1.1. Cơ sở lý luận của vấn đề nghiên cứu
1.1.5. Thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư
a. Định nghĩa bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất
Theo Từ điển Tiếng Việt thông dụng: "Bồi thường là đền bù những tổn hại đã gây ra". Theo quan điểm của Luật Đất đai năm 2003: "Bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất là việc Nhà nước trả lại giá trị quyền sử dụng đất đối với diện tích đất bị thu hồi cho người bị thu hồi đất" (khoản 6 Điều 4) [10].
b. Khái niệm hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất
Theo Từ điển Tiếng Việt thông dụng: "Hỗ trợ là giúp thêm, góp thêm vào".
Luật Đất đai năm 2003 quan niệm: "Hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất là việc Nhà nước giúp đỡ người bị thu hồi đất thông qua đào tạo nghề mới, bố trí việc làm mới, cấp kinh phí để di dời đến địa điểm mới" (khoản 7 Điều 4) [10].
c. Quan niệm về tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất
Theo Từ điển Tiếng Việt: Tái định cư được hiểu là đến một nơi nhất định để sinh sống lần thứ hai (lại một lần nữa). Mặc dù thuật ngữ tái định cư được pháp luật đất đai đề cập nhưng lại chưa có quy định nào giải thích cụ thể nội hàm của khái niệm này. Luật Đất đai năm 2003 chỉ quy định: "UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lập và thực hiện các dự án tái định cư trước khi thu hồi đất để bồi thường bằng nhà ở, đất ở cho người bị thu hồi đất mà phải di chuyển chỗ ở,…Trường hợp không có khu tái định cư thì người bị thu hồi đất được bồi thường bằng tiền và được ưu tiên mua hoặc thuê nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước đối với khu vực đô thị; bồi thường bằng đất ở đối với khu vực nông thôn,…" (khoản 3, Điều 42). Từ quy định trên của pháp luật đất đai hiện hành, chúng ta có thể tạm đưa ra quan niệm về tái định cư như sau: Tái định cư là việc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phải chuẩn bị nơi ở mới đáp ứng đầy đủ các điều kiện do pháp luật quy định cho người bị Nhà nước thu hồi đất ở để giúp họ nhanh chóng ổn định cuộc sống.
Thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất là vấn đề phức tạp và nhạy cảm, có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất. Pháp luật về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất có vai trò quan trọng trong việc giải quyết các mâu thuẫn về lợi ích kinh tế giữa Nhà nước, người bị thu hồi đất và chủ đầu tư. Tuy nhiên quá trình áp dụng các quy định của pháp luật vào bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất vẫn bộc lộ những tồn tại, bất cập. Điều này đặt ra yêu cầu phải tiếp tục hoàn thiện các quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để góp phần làm giảm
các vụ việc tranh chấp, khiếu kiện đông người; đảm bảo quyền, lợi ích cho người có đất bị thu hồi.
Đối với các dự án tái định cư khi nhà nước thu hồi đất ở phải bố trí lại đất cho người bị thu hồi đất trong khu quy hoạch chung cho nhiều dự án hoặc từng dự án riêng, lẻ nhưng phải có điều kiện sinh hoạt tốt hơn hoặc bằng nơi củ. Việc bố trí lại đất khi bị thu hồi đất được gọi là tái định cư [10].
1.1.5.2. Đặc điểm của công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ
Nhìn chung, công tác bồi thường, hỗ trợ, TĐC thường mang tính: đa dạng, phức tạp, nhạy cảm nhưng rất cấp thiết.
a. Tính đa dạng: Mỗi địa phương khác nhau thì điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, định hướng phát triển khác nhau, giá trị đất và các tài sản gắn liền trên đất cũng khác nhau. Do đó, các dự án thực hiện trên mỗi vùng khác nhau thì chính sách bồi thường, hỗ trợ, TĐC không thể hoàn toàn giống nhau. Công tác bồi thường, hỗ trợ, TĐC được tiến hành, vận dụng linh hoạt sao cho phù hợp với điều kiện đa dạng của từng địa phương nhằm mang lai hiệu quả cao.
b. Tính phức tạp: Bồi thường, hỗ trợ, TĐC liên quan mật thiết đến nhiều vấn đề kinh tế - xã hội nên rất phức tạp.
- Tình trạng đất đai bị biến động về diện tích, hình thể, mục đích sử dụng hay nguồn gốc hình thành đất khác nhau, giấy tờ về nguồn gốc sử dụng đất đai không rõ ràng làm cho công tác bồi thường, hỗ trợ gặp nhiều khó khăn và trở nên phức tạp. Mặt khác, trong quá trình thực hiện thường hay xảy ra các vấn đề bất cập như: số hộ phát sinh, người dân xây mới các công trình trên đất đã quy hoạch, đang thực hiện công tác GPMB,… đã gây trở ngại cho tiến độ thực hiện dự án.
- Giá cả thị trường bất động sản luôn biến động do đó đơn giá bồi thường, hỗ trợ cũng biến động phụ thuộc nhiều vào tình hình phát triển kinh tế. Khi đơn giá thay đổi thì phải tính toán giá trị bổ sung hỗ trợ lại cho người dân bị ảnh hưởng. Nhiều dự án bị đình trệ vì không có đủ kinh phí mặc dù dự toán kinh phí đã được tính toán kỹ lưỡng và được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Tính phức tạp cũng thể hiện ở chính sách thực hiện: Cùng một khu vực nhưng áp dụng nhiều chính sách bồi thường, hỗ trợ khác nhau. Thậm chí, cùng một dự án đặc biệt là các dự án dở dang kéo dài nhiều năm cũng áp dụng các văn bản khác nhau, giá trị bồi thường của các Quyết định cũng khác nhau.
- Đất đai có một vai trò rất quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội, nhất là trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, đất được xem là tư liệu sản xuất đặc biệt quan trọng. Trong khi đó trình độ dân trí ở một số vùng còn thấp nên quá trình GPMB ở những nơi đó rất phức tạp. Do tâm lý của một số người dân, đặc biệt là người dân vùng
nông thôn họ không muốn di dời nên không ủng hộ các chính sách đề ra gây khó khăn cho công tác GPMB.
Thời gian gần đây, trong các kỳ họp Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân các cấp đều có nội dung giải quyết khiếu kiện của nhân dân liên quan đến công tác GPMB bồi thường, hỗ trợ, TĐC. Điều đó đã nói lên tính phức tạp của vấn đề này.
c. Tính nhạy cảm: Bồi thường, hỗ trợ, TĐC ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của người dân nên rất nhạy cảm. GPMB thực tế là một quan hệ chuyển dịch đất đai đặc biệt trong đó người bị thu hồi đất không có nhu cầu chuyển nhượng đất đang sử dụng, không có nhu cầu tái định cư nơi mới mà hoàn toàn phụ thuộc vào Nhà nước và Nhà nước phải bồi thường cho người bị thu hồi đất theo luật định. Vấn đề nhạy cảm này cần được xử lý đúng mực, linh hoạt và khéo léo để hạn chế tình trạng người dân khiếu nại, khiếu kiện, tạo lòng tin trong nhân dân. Nhà nước đã thấy rõ điều đó nên có nhiều chủ trương rất tốt trong việc qui hoạch, GPMB, bồi thường, hỗ trợ, TĐC. Tuy nhiên, không phải tất cả nơi nào và lúc nào cũng thực hiện đúng các chủ trương đó.
d. Tính cấp thiết: Hiện nay, nước ta đang thực hiện quá trình CNH – HĐH đất nước và kéo theo đó là quá trình đô thị hoá. Đô thị hoá đòi hỏi phải xây dựng nhiều công trình mới, làm mới cơ sở hạ tầng hiện có phục vụ cho sự phát triển. Do đó, công tác GPMB, bồi thường, hỗ trợ luôn mang tính cấp thiết. Bồi thường, hỗ trợ, TĐC sao cho phù hợp luôn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Vì vậy cần phải có những giải pháp kịp thời, phù hợp để thực hiện tốt các công tác mang tính cấp thiết này để tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển của đất nước.
1.1.5.3. Vai trò của việc thu hồi đất phục vụ cho đô thị hóa và phát triển kinh tế - xã hội - Về kinh tế: Bồi thường, hỗ trợ, TĐC là vấn đề có liên quan trực tiếp đến lợi ích của người dân bị thu hồi đất và lợi ích của toàn xã hội. Nếu công tác này được thực hiện một cách công bằng, hợp lý theo đúng pháp luật thì sẽ giúp cho việc GPMB tiến hành thuận lợi. Ngược lại, nếu bồi thường, hỗ trợ đi ngược lại với lợi ích của người dân thì việc bàn giao mặt bằng của người dân sẽ chậm trễ, thậm chí có nhiều trường hợp không bàn giao mặt bằng và nảy sinh tình trạng khiếu kiện trong nhân dân kéo dài nhằm đòi lại lợi ích vốn có của họ. Chính điều này đã làm cho công tác GPMB trở nên khó khăn hơn, nhiều dự án phải dừng lại vì không có mặt bằng thi công, gây thiệt hại lớn về kinh tế. Đây cũng là một trở ngại lớn tác động tiêu cực đến khả năng thu hút vốn đầu tư, công nghệ của nước ngoài vào lĩnh vực xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng ở Việt Nam.
Tiến độ thực hiện các dự án phụ thuộc nhiều vào thời gian tiến hành bồi thường, GPMB. Nếu GPMB kéo dài gây ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng các công trình, ảnh hưởng đến việc sử dụng lao động cũng như chi phí cho dự án, có khi gây ra thiệt hại
không nhỏ trong đầu tư xây dựng. Khi GPMB thực hiện đúng tiến độ sẽ tiết kiệm thời gian và việc thực hiện dự án có hiệu quả.
Bồi thường, hỗ trợ và TĐC nếu lệch lạc với những qui định của pháp luật và nếu không có cơ chế quản lý chặt chẽ thì sẽ dễ dẫn đến tham nhũng và lãng phí trong quá trình thực hiện, gây thất thoát một nguồn kinh phí lớn cho Ngân sách Nhà nước.
- Về xã hội: Trong công cuộc xây dựng đất nước, việc qui hoạch xây dựng mới các công trình phúc lợi công cộng, an ninh, quốc phòng là những việc phải làm và công tác GPMB để xây dựng các công trình phục vụ cho nền kinh tế là điều tất yếu.
Tất nhiên trong quá trình thực hiện có đụng chạm đến một số lợi ích của người dân, thậm chí còn xáo trộn đời sống của một bộ phận dân cư.
Thực tế cho thấy, đời sống của người dân nằm trong khu vực GPMB sẽ có nhiều thay đổi sau khi bị mất đất. Nếu người dân được bồi thường, hỗ trợ đúng mức đủ để tiếp tục ổn định nơi ở và việc làm mới thì đời sống của họ dần được nâng cao, xã hội cũng ngày càng phát triển theo hướng văn minh, hiện đại. Nhưng cũng không ngoại trừ những trường hợp như bồi thường, hỗ trợ chưa phù hợp, chưa công bằng, minh bạch hay Nhà nước chưa quan tâm đến việc đào tạo việc làm và bố trí TĐC chưa thực hiện một cách hợp lý, khoa học sẽ gây hoang mang cho người dân, dẫn đến mất ổn định trong đời sống nhân dân. Tình trạng khiếu nại, khiếu kiện vượt cấp làm mất ổn định xã hội.
Công tác GPMB, bồi thường, hỗ trợ, TĐC có nâng cao mức sống của người dân hay không, có làm cho nền kinh tế đất nước ngày càng phát triển, xã hội ngày càng văn minh hay không thì không chỉ phụ thuộc vào chủ trương, chính sách và cách thực hiện của các cấp chính quyền Nhà nước mà còn phụ thuộc phần lớn vào ý thức của người dân. Cũng không ít trường hợp người dân nhận tiền bồi thường xong thì không có kế hoạch phát triển sự nghiệp một cách đúng đắn hay sử dụng số tiền đó vào các mục đích tiêu cực như cờ bạc, ma tuý, các tệ nạn xã hội khác làm mất an ninh trật tự xã hội.