Tình hình chung về thu hồi đất và công tác bồi thường thiệt hại trên địa bàn thành phố Đồng Hới

Một phần của tài liệu Ảnh hưởng của việc thu hồi đất của một số dự án đến sinh kế người dân tại thành phố đồng hới, tỉnh quảng bình (Trang 70 - 73)

Chương 3 KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN

3.3. Tình hình chung về thu hồi đất và công tác bồi thường thiệt hại trên địa bàn thành phố Đồng Hới

3.3.1. Tình hình chung về thu hồi đất thành phố Đồng Hới

Công tác thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng là công việc nhạy cảm, phức tạp và khó khăn. Vấn đề đặt ra là làm sao để cân bằng lợi ích giữa người dân - Nhà nước - Doanh nghiệp đầu tư. Đây là công việc vừa đòi hỏi theo nguyên tắc nhưng cũng đòi hỏi tính linh hoạt, mỗi dự án có một điều kiện khác nhau có các yếu tố cụ thể khác nhau mà không theo một khuôn mẫu nhất định.

Luật đất đai năm 2003 ra đời với nhiều thay đổi trong quy định về đất đai. Chính phủ ban hành Nghị định 197/2004/NĐ-CP ngày 03/12/2004 hướng dẫn thi hành về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Để giải quyết một số vướng mắc còn tồn tại khi thực hiện theo Luật đất đai 2003. Ngày 25/5/2007 Chính phủ ban hành Nghị định số 84/2007/NĐ-CP quy định bổ sung về việc cấp GCN quyền sử dụng đất, thu hồi đất, thực hiện quyền sử dụng đất, trình tự, thủ tục bồi thường hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất và giải quyết khiếu nại về đất đai. UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định của Chính phủ. Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết bồi thường, giải phóng mặt bằng còn nhiều bất cập.

Mới đây, Chính phủ ban hành Nghị định số 69/2009/NĐ-CP ngày 12/8/2009 quy định bổ sung về quy hoạch, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.

UBND tỉnh Quảng Bình ban hành Quyết định số 02/2010/QĐ-UBND ngày 05/2/2010 về việc quy định chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.

Bộ máy hoạt động bồi thường, giải phóng mặt bằng ở thành phố được phân định rõ ràng như sau:

- Thành lập hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng do phó Chủ tịch UBND thành phố phụ trách khối đô thị làm chủ tịch hội đồng.

- Hội đồng có nhiệm vụ lập các phương án bồi thường giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng.

- Để giúp cho hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng của thành phố, Hội đồng đã lập Tổ tư vấn có nhiệm vụ thực hiện các bước theo quy định để lập phương án bồi thường giải phóng mặt bằng.

Căn cứ vào tình hình thực tế ở địa phương, Ủy ban nhân dân cấp thành phố giao việc thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường gồm:

+ Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cấp thành phố;

+ Trung tâm phát triển quỹ đất.

Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư thành phố do lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố làm chủ tịch Hội đồng, các thành viên gồm:

+ Đại diện phòng Tài chính - Kế hoạch;

+ Đại diện phòng Tài nguyên và Môi trường;

+ Chủ đầu tư;

+ Đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã, phường nơi có đất bị thu hồi;

+ Đại diện của những hộ gia đình bị thu hồi đất từ một đến hai người;

+ Một số thành viên khác do Chủ tịch Hội đồng quyết định cho phù hợp với tình hình thực tế ở thành phố.

3.3.2. Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng thành phố Đồng Hới năm 2013 3.3.2.1. Những kết quả đạt được

- Công tác giải phóng mặt bằng được chỉ đạo thường xuyên, quyết liệt, huy động được sức mạnh của toàn bộ hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở. Chú trọng công tác tuyên truyền, vận động và công khai dự án, các phương án bồi thường theo quy định;

- Thẩm định, trình UBND thành phố phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư do GPMB xây dựng 39 công trình, dự án đã được UBND tỉnh quyết định giao đất, cho thuê đất với tổng kinh phí 84.358.257.492,0 đồng;

- Tham mưu cho UBND thành phố thông báo chủ trương thu hồi đất 09 công trình với diện tích 1,93 ha;

- Tiếp tục giải quyết các vướng mắc tồn đọng về giải phóng mặt bằng các công trình: Hạ tầng khu đô thị phía Bắc đường Lê Lợi, Chợ Đức Ninh, các công trình thuộc Dự án Vệ sinh môi trường thành phố Đồng Hới, các khu hạ tầng đất ở để đấu giá quyền sử dụng đất;

- Tập trung thực hiện công tác giải phóng mặt bằng 02 công trình trọng điểm của quốc gia và của tỉnh là Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A và xây dựng Cầu Nhật Lệ II. Đến nay đã hoàn thành giải phóng mặt bằng để xây dựng khu tái định cư Cầu Nhật Lệ II tại thôn Hà Thôn, xã Bảo Ninh; đã phê duyệt Phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cầu

Nhật Lệ II tại phường Phú Hải; hoàn thành việc thẩm định Phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và Quyết định thu hồi đất của các hộ gia đình, cá nhân tại xã Bảo Ninh, hiện đang trình UBND tỉnh quyết định giao đất cho chủ đầu tư để phê duyệt Phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo quy định. Đối với công trình Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A hiện đã cơ bản hoàn thành công tác đo đạc diện tích bị ảnh hưởng, đã lập phương án tổng thể về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư để chủ đầu tư bố trí vốn giải phóng mặt bằng theo quy định, UBND thành phố đang chỉ đạo tích cực để sớm hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng theo quy định [32].

3.3.2.2. Những vấn đề tồn tại, vướng mắc

Một số nguyên nhân cơ bản dẫn đến công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng chậm:

- Chế độ chính sách về bồi thường thường xuyên thay đổi, đặc biệt là các văn bản, Quyết định của UBND tỉnh còn nhiều mâu thuẫn chưa thống nhất, khó thực hiện đặc biệt là việc xác định loại đất được bồi thường giữa hội đồng bồi thường thành phố và các Sở, ban nghành cấp tỉnh chưa thống nhất dẫn đến việc lập phương án bồi thường chậm; nhiều phương án đã được phê duyệt nhưng không thể thực hiện được.

- Theo nguyên tắc công tác bồi thường giải phóng mặt bằng phải được triển khai thực hiện trong thời gian chuẩn bị đầu tư (đồng thời với việc lập dự án đầu tư), khi khởi công xây dựng thì công tác giải phóng mặt bằng phải hoàn tất. Thế nhưng, hầu hết các dự án sau khi tổ chức đấu thầu xong Chủ đầu tư mới triển khai công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng dẫn đến vừa thi công, vừa giải phóng mặt bằng cho nên một số công trình khi vướng mắc về giải phóng mặt bằng phải ngừng thi công hoặc thi công dở dang không triệt để.

- Một số phương án sử dụng vốn ngân sách nhà nước khi phương án được phê duyệt Chủ đầu tư giải quyết kinh phí để chi trả còn chậm, khi có kinh phí thì giá cả bồi thường thay đổi phải lập lại phương án.

- Công tác xây dựng các khu tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng phải được thực hiện trước khi lập phương án bồi thường giải phóng mặt bằng, thế nhưng trong thời gian vừa qua, việc chuẩn bị đất tái định cư không đáp ứng được yêu cầu, có nhiều dự án quá trình thực hiện việc giải phóng mặt bằng phải dừng lại do chưa bố trí được đất tái định cư.

- Việc xây dựng bảng giá đất, tài sản phục vụ công tác giải phóng mặt bằng chưa phù hợp, không sát với thị trường (chỉ bằng 50% đến 70% giá thị trường) cho nên các hộ dân bị ảnh hưởng không chấp nhận, phát sinh nhiều kiến nghị, khiếu nại.

Một phần của tài liệu Ảnh hưởng của việc thu hồi đất của một số dự án đến sinh kế người dân tại thành phố đồng hới, tỉnh quảng bình (Trang 70 - 73)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(120 trang)