Các nghiên cứu về thu hồi đất và sinh kế tại Việt Nam

Một phần của tài liệu Ảnh hưởng của việc thu hồi đất của một số dự án đến sinh kế người dân tại thành phố đồng hới, tỉnh quảng bình (Trang 38 - 42)

Chương 1 TỔNG QUAN CÁC VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU

1.3. Các công trình nghiên cứu liên quan đến đề tài trên thế giới và ở Việt Nam

1.3.2. Các nghiên cứu về thu hồi đất và sinh kế tại Việt Nam

Theo Dung Hiếu (2007), trong 6 năm thực hiện thu hồi đất, có khoảng 2,5 triệu nông dân bị ảnh hưởng đến đời sống. Theo số liệu tại một vài địa phương, có tỉnh có 25 - 30% số lao động sau thu hồi đất không có việc làm hoặc việc làm không ổn định.

Có tỉnh hàng chục nghìn lao động mất việc làm. Tại một số vùng ven đô đồng bằng sông Hồng, trước khi thu hồi đất chỉ có 10% lao động đi làm thuê, sau khi thu hồi đất

tỷ lệ này là 17%. Tình trạng này cũng đang có xu hướng tăng lên ở miền Đông Nam Bộ và vùng Đồng bằng sông cửu long [6].

Hiện nay các vùng kinh tế trọng điểm là khu vực có diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi lớn nhất (khoảng 50% diện tích đất thu hồi trên cả nước). Mặc dù diện tích đất đó chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng diện tích đất tự nhiên của mỗi địa phương (khoảng 1 đến 2%), nhưng lại tập trung phần lớn vào đất canh tác nông nghiệp và khu đông dân cư. Việc thu hồi đất thời gian qua đã góp phần rất lớn vào việc phát triển nền kinh tế - xã hội của đất nước.

Chỉ tính từ 5 năm trở lại đây, theo báo cáo của 49 tỉnh, thành phố (số còn lại không báo cáo) đã lấy đi 750.000 ha đất để thực hiện 29.000 dự án đầu tư, trong đó có tới 80% là đất nông nghiệp. Khoảng 50% diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi nằm trong vùng kinh tế trọng điểm mỗi năm hai vụ lúa. "Phong trào" xây sân golf dồn dập trong hai năm nay, nếu như trong 16 năm chỉ cấp phép cho 34 dự án sân golf, thì có 2 năm (2006 - 2008) đã cấp 104 dự án, tức là cứ bình quân một tuần lại "mọc" 1 sân golf mới. Hiện cả nước có 141 sân golf ở 39 tỉnh, thành, sử dụng tới 49.268 ha, trong đó có 2.625 đất bờ xôi ruộng mật.

Điều tra thực tế cho thấy: 67% lao động nông nghiệp vẫn giữ nguyên nghề cũ, chỉ có 13% chuyển nghề mới và có tới 25 - 30% nông dân không có việc làm, hoặc có nhưng không ổn định. 53% hộ nông dân bị thu hồi đất thu nhập bị giảm so với trước, chỉ có 13% là tăng hơn trước. Trung bình mỗi hộ bị thu hồi đất có 1,5 lao động bị thất nghiệp và mỗi ha đất bị thu hồi làm mất việc của 13 lao động. Nhiều địa bàn có tới hàng ngàn lao động bị mất việc, nhưng chỉ có 10-20 người là đã qua đào tạo nghề mới.

Những năm qua Chính phủ đã có nhiều chính sách ưu tiên giải quyết việc làm cho nông dân vùng dự án, nhưng mỗi năm chỉ giải quyết được khoảng 55.000 người, là

"muối bỏ biển" trong tổng số lao động mất việc.

Kết quả điều tra các hộ bị thu hồi đất cho thấy nguyên nhân khiến họ không có khả năng chuyển đổi ngành nghề và phát triển sản xuất là do khi bị thu hồi đất, họ đã mất đi tư liệu sản xuất chính và thiếu các điều kiện cơ bản trong kinh doanh cũng như trợ giúp ổn định sinh kế.

Báo cáo nghiên cứu mới nhất liên quan đến vấn đề thu hồi đất cho đô thị hóa và công nghiệp hóa do Đặng Ngọc Dinh (2008) và các cộng sự thuộc Viện Những vấn đề phát triển thực hiện, cho thấy có thực trạng tái nghèo nghiêm trọng diễn ra đối với các hộ nông thôn bị thu hồi đất. Địa bàn khảo sát báo cáo là các xã Đình Dù (huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên), Vũ Quý (Kiến Xương, Thái Bình) và Tân Kiên (Bình Chánh, TP.HCM) (http://www.vietnamnet.vn).

Điều tra tại thành phố Hồ Chí Minh, Hưng Yên và Thái Bình cho thấy có tới 83%

số hộ thiếu đất sản xuất nông nghiệp, 66,58% số hộ thiếu vốn kinh doanh và 54,26%

số lao động chưa có nghề ổn định. Đối tượng chủ yếu không tìm được việc làm sau khi bị thu hồi đất nông nghiệp là những lao động có độ tuổi cao trên 40 nhất là lao động nữ. Số này vừa già vừa yếu vừa khó đào tạo nghề mới nên không có cơ hội tìm kiếm việc làm ở các nhà máy, xí nghiệp trong các khu công nghiệp lớn. Không có việc làm đã dẫn đến một thực trạng không hiếm là nguy cơ "trắng tay" khi sử dụng hết tiền đền bù đất. Có không ít những người còn tiêu xài tiền đền bù vào cờ bạc, đề đóm,... Ở TP Hồ Chí Minh, số này chiếm khoảng 44,45%, Hưng Yên 26% và Thái Bình 14%

(Quang Dũng, 2007).

Theo Đỗ Thị Nâng và Nguyễn Văn Ga (2008), nghiên cứu thực hiện tại thôn Thọ Đa, xã Kim Nỗ, huyện Đông Anh, Hà Nội với 31 hộ gia đình sau khi bị thu hồi đất.

Kết quả cho thấy, khi nông dân bị thu hồi đất, họ không chỉ mất đi tài sản sinh kế quan trọng nhất, mất đi nguồn lương thực, thu nhập, địa vị, cơ hội, họ còn phải chịu đựng các xáo trộn trong đời sống xã hội nông thôn. Tiếp đó là sự đối mặt với việc tìm kế mưu sinh mới với những khó khăn và đầy rủi ro. Các hộ gia đình nhận được tiền đền bù, chủ yếu dành cho xây nhà, mua xe máy. Đối với một số hộ neo đơn, tiền đền bù là điểm tựa quan trọng cho các chi tiêu học hành của con cháu họ. Sau thu hồi đất, nguồn thu nhập bấp bênh từ làm thuê lại trở thành nguồn thu nhập chính của nhiều hộ, nhất là các hộ ở độ tuổi 25-45. Họ gặp khó khăn khi muốn xin việc ở khu công nghiệp vì không có bằng cấp III (đây cũng là lý do giải thích vì sao các hộ đều cố gắng đầu tư cho con ăn học, đặc biệt từ năm 2000). Chuyển sang chăn nuôi gà công nghiệp trên đất thổ cư và dựa vào nguồn thức ăn mua chịu từ các đại lý là lựa chọn của nhiều hộ, tuy nhiên họ gặp rủi ro cao do dịch cúm gia cầm. Từ đó, đề tài đưa ra kiến nghị: khi thu hồi đất, nhà nước cần đánh giá đầy đủ các mất mát của hộ và cộng đồng, chứ không chỉ mất đất; đẩy mạnh hướng nghiệp và đào tạo lực lượng lao động nông thôn; cần có chính sách điều chỉnh đất đai, đảm bảo diện tích đất tối thiểu để sản xuất đủ lương thực cho tiêu dùng của hộ; tổ chức tư vấn hộ sử dụng tiền đền bù; đầu tư công tác khuyến nông nhằm giúp các hộ và lao động nông nghiệp chuyển đổi trong sản xuất nông nghiệp [11].

Theo Huỳnh Văn Chương và Ngô Hữu Hoạnh (2010), việc Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp để chuyển đổi sang đất phi nông nghiệp làm thay đổi nguồn tài nguyên tạo sinh kế thực sự là một cú sốc lớn gây xáo trộn cuộc sống của người nông dân. Các nguồn tài nguyên tạo sinh kế có sự luân chuyển cho nhau, qua điều tra và phân tích chỉ ra rằng, tài sản đất đai của người nông dân chuyển thành vốn tài chính và vốn vật chất, rất ít trường hợp chuyển thành nguồn vốn xã hội và nguồn vốn con người trong nhóm các nguồn tài nguyên tạo sinh kế. Nghiên cứu cho thấy nhiều hộ dân tuy có thu nhập cao hơn sau khi chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp để thực hiện quá trình đô thị hoá nhưng người dân không yên tâm do thu nhập không ổn định và cuộc sống tiềm ẩn những bất ổn. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy cần có

những giải pháp cụ thể hơn về tạo việc làm, tư vấn sử dụng nguồn vốn bồi thường, hỗ trợ đền bù, tái định cư từ phía Nhà nước để người dân bị thu hồi đất có sinh kế bền vững sau thu hồi đất [3].

Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh xã hội tỉnh Hải Dương, tính đến năm 2009, tổng số lao động thuộc các hộ bị thu hồi đất nông nghiệp là 113.142 người. Việc thu hồi đất nông nghiệp đã làm cho 56.753 lao động bị mất việc và thiếu việc làm, trong đó có 16.740 người bị mất việc hoàn toàn, 40.013 người bị giảm việc làm. Tính riêng giai đoạn 2001 - 2005, trung bình cứ thu hồi 1 héc ta đất nông nghiệp sẽ làm cho 10,18 lao động bị mất việc làm, trong đó có 2,95 người bị mất việc làm hoàn toàn [5].

Chương 2

ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI, NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Một phần của tài liệu Ảnh hưởng của việc thu hồi đất của một số dự án đến sinh kế người dân tại thành phố đồng hới, tỉnh quảng bình (Trang 38 - 42)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(120 trang)