Sinh kế và sinh kế bền vững

Một phần của tài liệu Ảnh hưởng của việc thu hồi đất của một số dự án đến sinh kế người dân tại thành phố đồng hới, tỉnh quảng bình (Trang 31 - 35)

Chương 1 TỔNG QUAN CÁC VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU

1.1. Cơ sở lý luận của vấn đề nghiên cứu

1.1.6. Sinh kế và sinh kế bền vững

Khái niệm sinh kế có thể được hiểu và sử dụng theo nhiều cách khác nhau.

Theo một định nghĩa được chấp nhận rộng rãi thì “Sinh kế bao gồm các khả năng, các tài sản (bao gồm cả các nguồn lực vật chất và xã hội) và các hoạt động cần thiết để kiếm sống” [7].

Một sinh kế bao gồm năng lực tiềm tàng, tài sản (cửa hàng, nguồn tài nguyên, đất đai, đường xá) và các hoạt động cần có để kiếm sống [30].

Sinh kế cũng có thể được mô tả như tổng hợp của nguồn lực và năng lực liên quan tới các quyết định và hoạt động của một người hoặc một nhóm người nhằm cố gắng kiếm sống và đạt được các mục tiêu và mơ ước của mình. Tiêu chí sinh kế bền vững gồm: an toàn lương thực, cải thiện điều kiện môi trường tự nhiên, cải thiện điều kiện môi trường cộng đồng - xã hội, cải thiện điều kiện vật chất, được bảo vệ tránh rủi ro và các cú sốc [7].

Khái niệm về sinh kế của hộ hay một cộng đồng là khả năng của con người kết hợp với những quyết định và những hoạt động mà họ sẽ thực hiện để không những kiếm sống mà còn đật đến mục tiêu đa dạng hơn. Hay nói cách khác, sinh kế của một hộ gia đình hay một cộng đồng còn gọi là kế sinh nhai của hộ gia đình hay cộng đồng đó.

- Đặc điểm và nhân tố ảnh hưởng đến sinh kế:

Để duy trì sinh kế, mỗi hộ gia đình thường có các kế sinh nhai khác nhau. Kế sách sinh nhai của hộ hay chiến lược sinh kế của hộ là quá trình ra quyết định về các vấn đề cấp hộ. Bao gồm những vấn đề như thành phần của hộ, tính gắn bó giữa các thành viên, phân bổ các nguồn lực vật chất và chi phí vật chất của hộ. Chiến lược sinh kế của người dân phụ thuộc vào 5 nguồn vốn cơ bản: nguồn vốn tự nhiên, nguồn vốn con người, nguồn vốn tài chính, nguồn vốn xã hội và nguồn vốn vật chất.

1.1.6.2. Sinh kế bền vững

Một sinh kế được xem là bền vững khi nó phải phát huy được tiềm năng con người để từ đó sản xuất và duy trì phương tiện kiếm sống của họ. Nó phải có khả năng đương đầu và vượt qua áp lực cũng như các thay đổi bất ngờ. Sinh kế bền vững không được khai thác hoặc gây bất lợi cho môi trường hoặc cho các sinh kế khác ở hiện tại và tương lai- trên thực tế thì nó nên thúc đẩy sự hòa hợp giữa chúng và mang lại những điều tốt đẹp cho các thế hệ tương lai.

Sinh kế bền vững, nếu theo nghĩa này, phải hội đủ những nguyên tắc sau: Lấy con người làm trung tâm, dễ tiếp cận, có sự tham gia của người dân, xây dựng dựa trên sức mạnh con người và đối phó với các khả năng dễ bị tổn thương, tổng thể, thực hiện ở nhiều cấp, trong mối quan hệ với đối tác, bền vững và năng động [30].

Một sinh kế bền vững khi nó có khả năng ứng phó và phục hồi khi bị tác động hay có thể thúc đẩy các khả năng và tài sản ở cả thời điểm hiện tại và trong tương lai trong khi không làm xói mòn nền tảng nguồn lực tự nhiên ngầm ẩn trong khung sinh kế bền vững là một lý thuyết cho rằng con người dựa vào năm loại tài sản vốn, hay hình thức vốn, để giảm nghèo và đảm bảo an ninh bảo sinh kế của mình, bao gồm: vốn vật chất, vốn tài chính, vốn xã hội, vốn con người và vốn tự nhiên, là những loại vốn đóng cả hai vai đầu vào và đầu ra. Khung sinh kế bền vững coi đất đai là một tài sản tự nhiên rất quan trọng đối với sinh kế nông thôn. Quyền sử dụng đất đai đóng một vị trí

quan trọng về nhiều mặt và tạo cơ sở để người nông dân tiếp cận các loại tài sản khác và những sự lựa chọn sinh kế thay thế.

Ở một số quốc gia, việc thiếu tiếp cận đối với đất đai là một hạn chế quan trọng đối với sinh kế của nhiều người và những người không có đảm bảo quyền của mình đối với đất đai thì khi diễn ra thu hồi thường bị đền bù một cách không công bằng [28].

1.1.6.3. Phân tích sinh kế bền vững

⬧ Khung sinh kế bền vững:

Phân tích sinh kế bền vững đơn giản là tìm hiểu về sinh kế của người dân và từ đó tìm cách để làm cho chúng trở nên bền vững. Để thực hiện điều này chúng ta sử dụng công cụ mang tên “Khung sinh kế bền vững”. Khung sinh kế bền vững được Cơ quan phát triển quốc tế Vương quốc Anh (DFID, 2003) phát triển, đã nêu lên những yếu tố chính ảnh hưởng đến sinh kế người dân. Khung này không chỉ đơn thuần là công cụ phân tích. Người ta xây dựng nó với dụng ý nó sẽ cung cấp nền tảng cho các hoạt động hướng đến sinh kế bền vững. Chúng ta sẽ phân tích các yếu tố tạo thành

“khung sinh kế bền vững” trong mục tiếp theo.

⬧ Các yếu tố tạo thành khung sinh kế bền vững:

- Khả năng dễ bị tổn thương:

Khung hoàn cảnh dễ bị tổn thương là môi trường bên ngoài mà trong môi trường đó sinh kế con người và các tài sản sẵn có của họ bị ảnh hưởng cơ bản, vừa tích cực vừa tiêu cực, bởi những xu hướng, sự thay đổi đột ngột hoặc tính mùa vụ mà họ hạn chế được hoặc không thể nào kiểm soát được [30].

Các yếu tố trong hoàn cảnh dễ bị tổn thương:

Xu hướng

• Xu hướng dân số

• Xu hướng tài nguyên (gồm cả xung đột trong sử dụng tài nguyên).

• Xu hướng kinh tế trong nước và trên thế giới.

• Xu hướng cai trị (bao gồm chính trị).

• Xu hướng kĩ thuật

Chấn động

• Thay đổi về sức khỏe con người

• Thay đổi tự nhiên

• Thay đổi về kinh tế

• Xung đột

• Thay đổi trong sức khỏe của cây trồng/vật nuôi.

Thời vụ

• Giá cả

• Sản xuất

• Sức khỏe

• Cơ hội công việc

- Tài sản sinh kế: Tài sản quốc gia là khái niệm dùng để chỉ kho tàng tài nguyên thiên nhiên mà lưu lượng tài nguyên và các dịch vụ có ích cho sinh kế bắt nguồn từ đó.

Các ví dụ về tài sản quốc gia: Rừng, đất, nước, quần thể động thực vật,…

- Nguồn lực con người: Đây có lẽ là nhân tố quan trọng nhất. Nguồn lực con người thể hiện kĩ năng, kiến thức, năng lực để lao động, và cùng với sức khỏe tốt giúp con người theo đuổi những chiến lược sinh kế khác nhau và đạt được mục tiêu sinh kế của mình. Ở mức hộ gia đình thì nguồn lực con người là yếu tố về số lượng và chất lượng lao động sẵn có; yếu tố này thay đổi tùy theo số lượng người trong hộ, kĩ năng lao động, khả năng lãnh đạo, tình trạng sức khỏe,...

- Nguồn lực tài chính: Đây là yếu tố trung gian cho sự trao đổi có ý nghĩa quan trọng đối với việc sử dụng thành công các yếu tố tài sản khác. Nguồn tài chính nghĩa là các nguồn lực tài chính mà con người sử dụng để đạt được mục tiêu sinh kế của mình.

Có hai nguồn tài chính cơ bản, đó là nguồn vốn sẵn có và nguồn vốn vào thường xuyên.

• Nguồn sẵn có: tiết kiệm, tiền gửi ngân hàng, vật nuôi, khoản vay tín dụng,…

• Nguồn vốn vào thường xuyên: trợ cấp, các khoản tiền chuyển nhượng từ nhà nước hoặc các khoản tiền gửi.

- Nguồn lực vật chất: Đề cập đến tài sản do con người tạo nên và các dạng tài sản vật chất. Nguồn vốn vật chất bao gồm cơ sở hạ tầng cơ bản và công cụ sản xuất hàng hóa cần thiết để hỗ trợ sinh kế. Cơ sở hạ tầng được hiểu là một loại hàng hóa công cộng sử dụng mà không cần trả phí trực tiếp, bao gồm những thay đổi trong môi trường vật chất mà chúng giúp con người đáp ứng nhu cầu cơ bản của mình và đem lại nhiều lợi ích hơn. Công cụ sản xuất hàng hóa là những công cụ và thiết bị mà con người sử dụng để hoạt động mang lại năng suất cao hơn. Các công cụ đó có thể do một cá nhân hay nhóm người sở hữu, cũng có thể thuê hoặc mua, phổ biến là đối với các thiết bị phức tạp.

- Nguồn lực xã hội: Là các tiềm lực xã hội mà con người vạch ra nhằm theo đuổi các mục tiêu sinh kế của mình. Các mục tiêu này được phát triển thông qua các mạng lưới và các mối liên kết với nhau, tính đoàn hội của các nhóm chính thức; và mối quan hệ dựa trên sự tin tưởng, sự trao đổi, và ảnh hưởng lẫn nhau.

1.1.6.4. Các chiến lược sinh kế và kết quả

Chiến lược sinh kế là các kế hoạch làm việc dài hạn của cộng đồng để kiếm sống. Nó thể hiện sự đa dạng và kết hợp nhiều hoạt động và lựa chọn mà con người tiến hành nhằm đạt được mục tiêu sinh kế của mình.

Kết quả sinh kế là những thay đổi có lợi cho sinh kế của cộng đồng, nhờ các chiến lược sinh kế mang lại, cụ thể là thu nhập cao hơn, cuộc sống ổn định hơn, giảm

rủi ro, đảm bảo tốt hơn an toàn thực phẩm, và sử dụng bền vững hơn nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Một phần của tài liệu Ảnh hưởng của việc thu hồi đất của một số dự án đến sinh kế người dân tại thành phố đồng hới, tỉnh quảng bình (Trang 31 - 35)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(120 trang)