Chương 3 KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN
3.5. Đề xuất một số giải pháp nhằm đảm bảo sinh kế và mang lại một cuộc sống tốt hơn cho người dân có đất bị thu hồi
Trên cơ sở tham khảo kết quả nghiên cứu của nhiều tác giả trong nước về ảnh hưởng của việc thực hiện các chính sách bồi thường, hỗ trợ đến sinh kế của người dân sau khi bị thu hồi đất, kết hợp với kết quả nghiên cứu của đề tài này, chúng tôi đề xuất một số giải pháp nhằm góp phần hoàn thiện việc thực hiện chính sách bồi thường, GPMB và hướng tới mục tiêu thực sự mang lại một cuộc sống tốt hơn cho người nông dân, đối tượng được coi là chịu tác động lớn trong quá trình phát triển công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.
3.5.1. Giải pháp về chính sách
- Điều chỉnh mức giá đất nông nghiệp phù hợp với khả năng sinh lợi của đất, khắc phục tình trạng giá đất nông nghiệp trong mức giá bồi thường thấp hơn nhiều so với giá đất và nhà ở do các đơn vị xây dựng bán cho người dân.
- Nghiên cứu thành lập quỹ hỗ trợ giải quyết việc làm, ổn định đời sống cho người dân có đất bị thu hồi; quỹ được hình thành từ một phần của các khoản tiền sử dụng đất, tiền thuế đất nộp vào ngân sách nhà nước của các doanh nghiệp khi sử dụng đất.
- Bổ sung các quy định về trách nhiệm của cơ quan nhà nước các cấp có liên quan đến vấn đề chuyển đổi nghề nghiệp và đào tạo đối với người dân có đất bị thu hồi.
- Nhà nước cần có cơ chế chính sách dành một tỷ lệ đất (gọi là đất dịch vụ) cho người bị thu hồi đất để tổ chức các hoạt động dịch vụ đối với lực lượng lao động lớn tuổi, khó có khả năng chuyển đổi nghề nghiệp khi bị thu hồi đất (chính sách trợ cấp cho những người già không chuyển đổi được nghề nghiệp khi bị thu hồi đất).
- Chủ đầu tư dự án và các cấp có thẩm quyền cần có chế độ ưu tiên tuyển dụng lao động từ các hộ dân nằm trong diện bị thu hồi đất sản xuất nông nghiệp vào làm việc trong nhà máy nhằm giúp người dân ổn định nguồn thu nhập sau khi quỹ đất nông nghiệp bị thu hẹp.
3.5.2. Giải pháp về tổ chức thực hiện
- Đối với chủ đầu tư khi thực hiện các dự án cần có quy định, bắt buộc:
+ Thực hiện nghiêm túc những cam kết đã hứa với người dân;
+ Cần quy định thời gian sử dụng lao động có đất bị thu hồi của địa phương làm việc trong các doanh nghiệp, để khắc phục tình trạng thu hút lao động chỉ là hình thức, sau một thời gian ngắn lại sa thải.
+ Chủ động phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ sở đào tạo để tuyển sinh, tổ chức các lớp dạy nghề cho người dân có đất bị thu hồi tại doanh nghiệp,...
- Đối với nguồn lao động trẻ, chính quyền địa phương và chủ đầu tư vận động, đưa ra các giải pháp hợp lý sử dụng một phần diện tích đền bù cho đào tạo nghề bắt buộc, đồng thời có cơ chế buộc các doanh nghiệp phải có trách nhiệm tuyển dụng lực lượng lao động thanh niên được đào tạo vào làm việc.
- Chính quyền địa phương, chủ đầu tư chủ động hướng dẫn người dân sử dụng tiền đền bù để đầu tư cho công ăn, việc làm có hiệu quả. Thường xuyên tổ chức và thông tin chính xác qua các buổi tuyên truyền về chính sách, các quy định của pháp luật về đất đai, trọng tâm là những chủ trương của tỉnh tạo điều kiện cho người dân hiểu và thực hiện đúng, đảm bảo cho công tác GPMB được thực hiện đúng tiến độ.
- Khi xây dựng phương án đầu tư từng dự án, phải ghi rõ các khoản chi phí đào tạo nghề cho người có đất bị thu hồi một cách cụ thể, rõ ràng, công khai để người dân biết và giám sát quá trình thực hiện.
- Địa phương cần rà soát lại quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp, điều chỉnh quy hoạch đất nông nghiệp gắn với quy hoạch dạy nghề, tạo việc làm, đặc biệt gắn giữa kế hoạch phát triển doanh nghiệp với kế hoạch tuyển dụng lao động tại chỗ, trước hết cho thanh niên để có kế hoạch đào tạo họ phù hợp với ngành nghề và cơ cấu lao động của doanh nghiệp. Cần nắm rõ thực trạng tình hình lao động, việc làm ở những khu vực đất nông nghiệp bị thu hồi, từ đó xây dựng kế hoạch đào tạo lao động ở địa phương mình. Mỗi địa phương cần xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực tầm dài hạn cho đến năm 2020, để chủ động trong việc bố trí việc làm cho người dân bị thu hồi đất;
mỗi địa phương cần quy hoạch khu công nghiệp làng nghề nằm trong các khu vực không ảnh hưởng đến việc canh tác đất nông nghiệp.
- Các cơ quan nhà nước địa phương phải trực tiếp thu hồi đất, không để tình trạng các chủ dự án tự thỏa thuận với dân; cùng một địa bàn, có dự án trả giá bồi thường cao, có dự án trả bồi thường thấp, điều này gây ra sự khiếu kiện trong dân, dẫn đến mất ổn định xã hội,...
- Lựa chọn những cán bộ đủ phẩm chất đạo đức để thi hành công vụ, giáo dục tinh thần trách nhiệm của người cán bộ trong việc đảm bảo sinh kế cho người dân có đất sản xuất bị thu hồi đất,...
3.5.3. Giải pháp đảm bảo sinh kế cho người dân có đất bị thu hồi
Qua nghiên cứu ảnh hưởng của việc thực hiện các chính sách bồi thường, GPMB đến sinh kế người dân ở thành phố Đồng Hới, ngoài những giải pháp chung như hoàn thiện cơ chế, chính sách về bồi thường, hỗ trợ cũng như các giải pháp trong khâu tổ chức thực hiện, chúng tôi đưa ra một số giải pháp cụ thể nhằm đảm bảo sinh kế cho người dân bị thu hồi đất như sau:
* Giải pháp về nguồn vốn tự nhiên
- Đối với diện tích đất nông nghiệp còn lại của hộ gia đình, người dân nên mạnh dạn áp dụng những hình thức sản xuất mới đạt hiệu quả cao. Nhà nước phải cần có các chính sách hỗ trợ để người dân tiếp cận về kỹ thuật, giống mới, vốn đầu tư quan tâm đến thị trường đầu ra cho người dân.
- Những diện tích đất bị thu hồi nhưng chưa đầu tư xây dựng các công trình thì cần tạo điều kiện để những lao động nông nghiệp sử dụng sản xuất nhằm đảm bảo sinh kế trong giai đoạn giao thời chuyển đổi nghề nghiệp. Các đơn vị có liên quan phải thông báo rõ thời điểm san lấp mặt bằng để người dân chủ động và yên tâm đầu tư sản xuất.
- Cho thuê đất lâu dài để làm mặt bằng cho những lao động lớn tuổi kinh doanh phục vụ ăn uống, giải khát ở khu vực gần chợ Bắc Lý.
* Giải pháp về nguồn vốn con người
Để đảm bảo việc làm, ổn định đời sống cho những hộ bị thu hồi cần chuyển đổi nghề phải phù hợp theo những hình thức linh hoạt, sát với yêu cầu của thị trường lao động và phải phân ra từng loại hình cần đào tạo với những giải pháp khác nhau:
+ Đối với lao động trẻ tuổi của các hộ bị thu hồi đất nông nghiệp là những người được đào tạo chuyển đổi nghề. Nên dùng một phần tiền đền bù để đào tạo nghề bắt buộc, có chính sách ưu tiên xuất khẩu lao động kỹ thuật đối với lao động trẻ qua đào đạo chuyển đổi nghề.
+ Đối với lao động trẻ của các hộ bị thu hồi đất nông nghiệp chưa có việc làm, chưa qua đào tạo: loại lao động này chiếm tỷ lệ cao trong lực lượng lao động trẻ, bao gồm đa số những người chỉ làm nông nghiệp, khả năng cạnh tranh và hội nhập thị trường lao động kém. Do đó cần phải hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề phù hợp, hỗ trợ họ tiếp cận hệ thống tín dụng của địa phương để phát triển kinh tế gia đình, kinh doanh cá thể, tiểu thương,...
+ Đối với lao động trên 35 tuổi trở lên và lao động có trình độ học vấn thấp, đối tượng này chỉ có kinh nghiệm trong sản xuất nôn nghệp truyền thống, khi bị thu hồi khó thích nghi với môi trường mới và thị trường lao động, không đủ trình độ văn hoá để tham gia các khoá đào tạo chuyển đổi nghề; tâm lý ngại xa gia đình, ngại chi phí cho đào tạo. Vì vậy, nên phát triển các ngành nghề thủ công truyền thống, mở rộng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, đời sống cho dân để tạo việc làm trong lĩnh vực này; có chính sách cho vay vốn ưu đãi, miễn, giảm thuế với người lao động lớn tuổi, lao động có trình độ học vấn thấp để họ tự tạo việc làm trong lĩnh vực dịch vụ đời sống, du lịch, thương mại; có chính sách khuyến khích họ tham gia tích cực vào các lớp khuyến nông, ứng dụng công nghệ mới. Để làm được điều này địa phương cần kết hợp với Hội nông dân, Hội phụ nữ, Hội cựu chiến binh mở các lớp đào tạo ngắn hạn miễn phí.
* Giải pháp về nguồn vốn tài chính
- Áp dụng hình thức bồi thường, hỗ trợ theo hình thức sổ tiết kiệm đối với những lao động cao tuổi khó chuyển đổi việc làm thay vì bằng tiền mặt.
- Quản lý nguồn vốn hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp bằng cách miễn học phí tại các lớp học nghề.
- Tuyên truyền, vận động để người dân sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn vốn bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất, hạn chế việc dùng nguồn vốn này để xây dựng, sửa chữa nhà cửa, mua sắm tài sản sinh hoạt đắt tiền mà không phục vụ mục đích kinh doanh sinh lợi.
* Giải pháp về nguồn vốn vật chất
- Tuyên truyền, vận động để người dân sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn vốn bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất, hạn chế việc dùng nguồn vốn này để xây dựng, sửa chữa nhà cửa, mua sắm tài sản sinh hoạt đắt tiền. Thay vào đó khuyến khích người dân mạnh dạn hợp tác đầu tư mua sắm phương tiện sản xuất, kinh doanh từ nguồn vốn bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất.
- Xây dựng đề án quỹ hỗ trợ lao động ngoài độ tuổi nằm trong các vùng bị di dời giải tỏa mất đất sản xuất, kể cả mất nghề truyền thống nhưng lại không được bố trí lao động vào các doanh nghiệp.
- Quản lý nguồn vốn hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp bằng cách miễn học phí tại các lớp học nghề.
* Giải pháp về nguồn vốn xã hội
- Phát triển hệ thống cơ sở dạy nghề tại chỗ như trung tâm hướng nghiệp dạy nghề, tăng cường liên kết đào tạo nghề với các trường dạy nghề Trung cấp, Cao đẳng,
Đại học trên địa bàn. Có sự liên kết, phối hợp giữa các cơ sở sử dụng lao động với các cơ sở đào tạo nghề để nâng cao trình độ tay nghề cho người lao động, sau khi học xong có thể làm việc được ngay.
- Bên cạnh đời sống vật chất thì đời sống tinh thần cũng là điều cần thiết không thể thiếu. Cùng với sự phát triển của thành phố thì UBND phường cần phát triển các loại hình dịch vụ vui chơi, giải trí cho người lao động sau những giờ làm việc mệt nhọc để người lao động có một môi trường lành mạnh cả về kinh tế, xã hội và môi trường.
- Đồng thời cần phải hỗ trợ cho những hộ nghèo thuộc diện thu hồi đất về các vấn đề như tiếp cận y tế, giáo dục, các hoạt động giải trí,…