Trong thời đại mà khoa học kĩ thuật phát triển nhanh chóng như hiện nay, các cơ sở giáo dục được giao nhiệm vụ bồi dưỡng dù tốt đến mấy cũng không thể đáp ứng hết nhu cầu học tập của người học nói chung và hiệu trưởng trường trung học
phổ thông nói riêng cũng như đòi hỏi ngày càng cao trong hoạt động quản lý, quản trị trường học. Sự tự giáo dục, tự rèn luyện của hiệu trưởng sẽ giúp hiệu trưởng có thể bù đắp được những thiếu khuyết về hệ thống phẩm chất, năng lực mà hiệu trưởng cần đạt. Từ đó có được sự tự tin trong lãnh đạo và quản trị nhà trường.
Sự tự giáo dục, tự rèn luyện có vai trò to lớn trong việc giúp hiệu trưởng trường trung học phổ thông rèn luyện, học tập phát triển phẩm chất, năng lực lãnh đạo, quản trị nhà trường. Việc tự giáo dục, tự rèn luyện giúp cho hiệu trưởng có thói quen tự đánh giá, xây dựng và thực hiện kế hoạch rèn luyện, học tập, bồi dưỡng cho mình. Hơn thế, tự giáo dục, tự rèn luyện thúc đẩy hiệu trưởng lòng ham học, ham hiểu biết, khát khao đạt chuẩn theo quy định. Qua đó có thể nói rằng tự giáo dục, tự rèn luyện của hiệu trưởng không chỉ là một nhân tố quan trọng trong lĩnh hội tri thức mà còn có ý nghĩa to lớn trong việc hình thành khả năng thực hiện công việc, nhiệm vụ của hiệu trưởng.
Kết luận chương 1
Trên cơ sở các nghiên cứu ở nước ngoài, những nghiên cứu ở Việt Nam và trên cơ sở phân tích đặc điểm hiệu trưởng trường THPT, có thể khẳng định: Bồi dưỡng, quản lý hoạt động bồi dưỡng hiệu trưởng trường THPT là một nội dung và nhiệm vụ quan trọng trong nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục hiện nay.
Các công trình và đề tài khoa học tập trung nghiên cứu về bồi dưỡng hiệu trưởng, quản lý hoạt động bồi dưỡng hiệu trưởng nói chung hoặc chuyên sâu trên từng lĩnh vực, từng đối tượng nhưng các nghiên cứu một cách hệ thống, toàn diện về quản lý hoạt động bồi dưỡng hiệu trưởng trường THPT trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, nhất là trong bối cảnh đổi mới giáo dục, chuẩn hiệu trưởng mới vừa được ban hành chưa được tiến hành.
Trên cơ sở chuẩn hiệu trưởng, nội dung bồi dưỡng hiệu trưởng trường THPT bao gồm năm 05 nội dung cốt lõi sau: (1) Bồi dưỡng phẩm chất nghề nghiệp, (2) Bồi dưỡng năng lực quản trị nhà trường, (3) Bồi dưỡng năng lực xây dựng môi trường giáo dục, (4) Bồi dưỡng năng lực phát triển mối quan hệ giữa nhà trường,
gia đình, xã hội, (5) Bồi dưỡng năng lực sử dụng ngoại ngữ và công nghệ thông tin.
Quản lý hoạt động bồi dưỡng hiệu trưởng trường THPT được xác định chủ yếu theo tiếp cận năng lực và tiếp cận hoạt động. Theo đó, quản lý hoạt động bồi dưỡng hiệu trưởng trường THPT bao gồm các nội dung sau: (1) Quản lý mục tiêu, yêu cầu hoạt động bồi dưỡng hiệu trưởng trường trung học phổ thông; (2) Phát triển chương trình, nội dung bồi dưỡng hiệu trưởng trường trung học phổ thông; (3) Quản lý quy trình tổ chức hoạt động bồi dưỡng hiệu trưởng trường trung học phổ thông (Quản lý vận hành hệ thống tổ chức; Quản lý xây dựng kế hoạch; Quản lý phân bổ giảng viên; Quản lý phương thức tổ chức; Quản lý quy chế, phuong pháp kiểm tra; Quản lý kiểm tra, đánh giá); (4) Quản lý các điều kiện trong tổ chức hoạt động bồi dưỡng hiệu trưởng trường Trung học phổ thông (Chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất; Triển khai các giải pháp hỗ trợ hiệu trưởng; Huy động và sử dụng các nguồn lực).
- Các yếu tố ảnh hưởng tới quản lý hoạt động bồi dưỡng hiệu trưởng trường THPT bao gồm: (1) Chủ trương, chính sách về bồi dưỡng hiệu trưởng; (2) Nhận thức của cán bộ quản lý về hoạt động bồi dưỡng hiệu trưởng; (3) Năng lực quản lý của các cấp bồi dưỡng hiệu trưởng; (4) Nội dung chương trình bồi dưỡng hiệu trưởng và (5) Tinh thần tự học, tự rèn luyện của người hiệu trưởng.
Các nội dung đã trình bày ở Chương 1 là cơ sở khoa học để hình thành phương pháp và thiết kế các phiếu hỏi, đề cương phỏng vấn để khảo sát thực trạng bồi dưỡng và quản bồi dưỡng hiệu trưởng trường THPT trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh ở Chương 2.
Chương 2
CƠ SỞ THỰC TIỄN CỦA QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG BỒI DƯỠNG HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG
TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
2.1. Kinh nghiệm quốc tế về quản lý hoạt động bồi dưỡng hiệu trưởng trường trung học phổ thông
Trên thế giới, các nghiên cứu về bồi dưỡng hiệu trưởng đã được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm. Có thể khái quát về các xu hướng quản lý hoạt động bồi dưỡng hiệu trưởng trường học trong nghiên cứu như: nghiên cứu yêu cầu của người hiệu trưởng trường học để có cơ sở xây dựng chương trình bồi dưỡng cho hiệu trưởng, các nghiên cứu về yêu cầu của hiệu trưởng đã được tiến tiến hành.
2.1.1. Kinh nghiệm ở Úc
Bộ tiêu chuẩn nghề nghiệp của các hiệu trưởng cũng đã được xác định dựa trên 3 yêu cầu cơ bản của người lãnh đạo (AITSL, 2011):
(1) Tầm nhìn và các giá trị: hiệu trưởng là người chịu trách nhiệm lèo lái tầm nhìn của nhà trường phát triển. Họ cam kết sẽ dẫn dắt việc học tập và phát triển của giới trẻ cũng như người lớn bằng sự công bằng, các tiêu chuẩn đạo đức, giá trị dân chủ và việc học tập trọn đời. Hiệu trưởng là người thấu hiểu, lãnh đạo, dàn xếp và phụng sự cho lợi ích cao nhất của cộng đồng. Điều này được thể hiện thông qua tầm nhìn chiến lược, văn hóa cùng truyền thống của nhà trường, cũng như những điểm tích cực họ cố công xây dựng và phát triển trên phạm vi toàn trường. Họ chỉ hài lòng với những tiêu chuẩn cao nhất và luôn thúc đẩy sự tôn trọng lẫn nhau trong toàn bộ cộng đồng nhà trường.
(2) Kiến thức và sự hiểu biết: hiệu trưởng hiểu rõ cả về lý thuyết lẫn khâu thực hiện của cương vị lãnh đạo tạm thời, qua đó áp dụng những kiến thức này vào công cuộc phát triển, đổi mới nhà trường. Hiệu trưởng là người thông thạo, luôn nắm bắt được những nghiên cứu và tiến bộ mới nhất trong lĩnh vực giáo dục học, chương trình đào tạo, công tác đánh giá và báo cáo, cũng như sự hạnh phúc và khỏe mạnh của người học. Họ không những am tường về các chính sách, hoạt động và
sáng kiến quốc gia có liên quan mà còn hiểu biết sâu về hệ thống pháp chế, các thỏa thuận và chính sách có liên quan của bang và liên bang. Họ hiểu được tầm quan trọng của sự an toàn, khỏe mạnh, hạnh phúc của trẻ, của công tác quản lý nhân sự, quản lý và trách nhiệm giải trình tài chính, cũng như những yêu cầu khác về lập pháp và chính sách có liên quan đến việc phục vụ cộng đồng sở tại và rộng hơn là toàn xã hội.
(3) Các phẩm chất cá nhân và các kỹ năng tương tác với các cá nhân khác và xã hội: hiệu trưởng phải thường xuyên xem xét lại những gì mình đã làm, từ đó tiến hành thay đổi, điều chỉnh phương pháp lãnh đạo và quản lý sao cho phù hợp với tình hình hiện thời. Họ là người giỏi kiềm chế bản thân và biết cách sử dụng các quy tắc đạo đức cùng kỹ năng xã hội để giải quyết xung đột một cách có hiệu quả.
Họ không những có khả năng tạo lập sự tín nhiệm trong toàn bộ cộng đồng nhà trường mà còn có thể tạo ra môi trường học tập tích cực dành cho học sinh và đội ngũ nhân viên nội trong cộng đồng sở tại.
Các yêu cầu này được thể hiện thông qua các lĩnh vực chuyên môn sau:
Lãnh đạo dạy và học;Phát triển bản thân và người khác; Dẫn dắt cải tiến, đổi mới và thay đổi; Dẫn dắt công tác quản lý trường học; Tham gia và làm việc với cộng đồng.[76].
Ngoài ra, tại Bang Victoria, Sở Giáo dục và Đào tạo ban hành chương trình về đào tạo quản trị trường học cho các lãnh đạo nhà trường. Chương trình này bao gồm 4 module chính: (1) Quản trị nhà trường; (2) Lập kế hoạch chiến lược; (3) Quản trị tài chính; (4) Phát triển và rà soát chính sách [35].
Như vậy, chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý giáo dục và quản trị trường học ở một số quốc gia được thực hiện với mục tiêu trang bị cho học viên những kiến thức cập nhật, hiện đại về quản lý giáo dục trong bối cảnh đổi mới. Một số chương trình mong muốn trang bị cho các học viên các kỹ năng để quản lý chương trình đào tạo, kỹ năng lập kế hoạch, tổ chức, lãnh đạo, kiểm tra các hoạt động quản lý giáo dục. Các chương trình này được thiết kế theo các module và khá thuận lợi cho người học bởi họ có thể hoàn thành từng module ở bất cứ thời điểm và cơ sở đào tạo nào có nội dung đào tạo tương đương. Khi có đủ chứng chỉ các môn học, họ sẽ được công nhận hoàn thành chương trình bồi dưỡng.