Chương 1.ALSACE VÀ LORRAINE TỪ NĂM 58 TRƯỚC CÔNG NGUYÊN ĐẾN CHIẾN TRANH PHÁP-PHỔ
2.1. Quan hệ quốc tế ở châu Âu cuối thế kỉ XIX – đầu thế kỉ XX
Chiến tranh Pháp - Phổ kết thúc bằng việc kí hiệp ước đình chiến ở Frankfort ngày 10-5-1871 đã đánh dấu một giai đoạn mới trong lịch sử quan hệ quốc tế ở châu Âu. Nước Đức từ một nước phân tán về chính trị đã trở thành một quốc gia thống nhất đặt dưới sự thống trị của chủ nghĩa quân phiệt Phổ. Nền kinh tế Đức có những bước phát triển vượt bậc. Sản lượng công nghiệp của Đức chiếm một vị trí đáng kể trong nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, trên bình diện chính trị, vị thế của Đức chưa lớn, lực lượng quân sự chưa mạnh trong tương quan với Anh, Pháp và các nước khác ở châu Âu. Chính điều này đã chi phối chính sách đối ngoại của Đức trong suốt 30 năm cuối thế kỉ XIX.
Trong thời gian này, nước Pháp cũng đang tìm cách phục thù nước Đức vì trước đó, Pháp thất bại trong cuộc chiến tranh Pháp-Phổ, Pháp phải nhượng hai vùng đất Alsace và Lorraine và bồi thưởng 5 tỉ franc cho Đức.
Thắng lợi của Đức và thất bại của Pháp trong chiến tranh Pháp-Phổ đã làm cho quan hệ giữa hai nước trong những năm 70 trở nên căng thẳng. Nguy cơ bùng nổ chiến tranh trở thành vấn đề nóng bỏng luôn đe dọa tình hình châu Âu.
Hơn nữa, giới cầm quyền Đức hiểu rõ rằng sự tồn tại của một Đế chế Đức hùng mạnh là điều nguy hiểm đối với các quốc gia nằm sát cạnh Đức cho nên các nước đó sẽ liên minh với nhau để chống lại Đức. Trong đó, Pháp là nước sẵn sàng tham gia vào bất kì khối liên minh nào để chống Đức. Nếu một liên minh Pháp-Nga hình thành sẽ là mối đe dọa thường trực đối với sự sống còn của Đế chế Đức. Trong bối cảnh đó, Otto von Bismarck được giao trọng trách là người
vạch ra chiến lược ngoại giao của Đức lúc bấy giờ. Biện pháp ngoại giao của Bismarck khá an toàn bằng cách khi tăng cường liên minh với các quốc gia khác nhằm làm suy yếu Pháp. Do đó, châu Âu từ 1871-1890 được gọi là Thời kì ngoại giao Bismarck và mâu thuẫn Đức-Pháp trở thành mâu thuẫn chủ yếu và là trục chính chi phối quan hệ quốc tế ở châu Âu thời gian này.
Việc đầu tiên mà Bismarck cần làm là thiết lập một liên minh quân sự, chính trị dưới sự bảo trợ của Đức để chống Pháp; việc thứ hai là phải cô lập và loại trừ Pháp ra khỏi liên minh với Áo và Nga. Để thực hiện mục tiêu, Bismarck giương cao ngọn cờ thống nhất tư tưởng của các nước quân chủ nhằm chống lại các nước có chính thể cộng hòa. Bằng cách đó, Bismarck đã lôi kéo được Áo và Nga tham gia vào liên minh Ba hoàng đế (gồm Wilhelm I – Đức, Aleksandr II – Nga và Franz Joseph – Áo-Hung) vào năm 1873. Theo nội dung thỏa thuận của ba vị hoàng đế, nếu một trong ba nước bị một nước thứ ba tấn công thì ba nước sẽ triệu tập một cuộc họp khẩn cấp để bàn cách đối phó. Như vậy, sự ra đời của liên minh Ba Hoàng đế đã làm tăng vị thế của Đức trên chính trường châu Âu và ở một mức độ nhất định đã tách được Áo, Nga ra khỏi mối liên hệ với Pháp. Tuy nhiên, đây là một liên minh không vững chắc, mỗi khi bị đụng chạm quyền lợi thì ngay trong nội bộ liên minh bộc lộ dấu hiệu của sự rạn nứt. Năm 1875, Đức âm mưu phát động một cuộc chiến tranh nhằm đánh bại hoàn toàn nước Pháp.
Trước tình hình đó, Anh và Nga can thiệp bằng cách lên tiếng bảo vệ Pháp làm cho âm mưu của Đức thất bại. Anh và Nga chủ trương duy trì sự cân bằng lực lượng ở châu Âu nên ngăn cản ý đồ của Đức muốn trở thành cường quốc. Hơn nữa, vào thời điểm đó Đức cũng chưa đủ lực lượng để phát động một cuộc chiến tranh.
Trong khi mâu thuẫn châu Âu đang căng thẳng, khu vực Balkan cũng xảy ra khủng hoảng. Năm 1875, các nước Balkan tiến hành đấu tranh chống lại sự
thống trị của Thổ Nhĩ Kì. Bismarck lợi dụng cơ hội đó thúc đẩy Nga tiến hành chiến tranh với Thổ để cho Đức rảnh tay đối phó với Pháp. Chiến tranh Nga-Thổ bùng nổ vào năm 1877-1878 và thắng lợi thuộc về Nga. Hiệp ước Nga-Thổ đã đem lại cho Nga nhiều quyền lợi ở khu vực Balkan. Sau chiến tranh, vị thế của Nga ở khu vực này tăng cao làm cho Anh và Áo không hài lòng, đe dọa sẽ tiến hành chiến tranh với Nga. Trong hoàn cảnh đó, năm 1878 Đức đứng ra triệu tập hội nghị với vai trò là trung tâm hòa giải. Nhưng thực chất, Đức đã đứng về phía Anh và Áo, hạn chế quyền lợi của Nga ở khu vực này. Cả Anh và Áo đều có những lợi ích nhất định ở Balkan. Áo đang là nước bành trướng thế lực ở Balkan nên tìm mọi cách gạt Nga ra khỏi khu vực này. Còn Anh muốn ngăn cản sự có mặt của Nga ở eo biển giữa Thổ Nhĩ Kì và Địa Trung Hải vì sợ Nga và Pháp sẽ uy hiếp tuyến đường giao thông sang Ấn Độ. Dưới sự áp đặt của Đức, hội nghị Berlin quy định eo biển Thổ Nhĩ Kì không được mở cho Nga, Anh được đảo Síp và Áo được Bosnia và Hec…
Do kết quả của Hội nghị Berlin hạn chế quyền lợi của Nga trong khi Nga là nước thắng trận trong chiến tranh Nga-Thổ nên mâu thuẫn giữa Nga và Đức càng trở nên sâu sắc hơn, mối liên minh Ba Hoàng đế bị rạn nứt. Mâu thuẫn với Đức, Nga quay sang liên minh với Pháp. Để ngăn chặn sự xích lại gần giữa Nga và Pháp, Đức tăng cường quan hệ với Áo-Hung. Ngày 7-10-1879, đồng minh giữa Áo-Hung với Đức được thành lập với cam kết nếu một bên bị Nga tấn công thì bên kia phải dốc toàn lực ra viện trợ. Mặt khác, nhằm cô lập Pháp hoàn toàn, năm 1882 Đức thành lập Liên minh Tay ba gồm Đức, Áo-Hung và Ý.
Cùng với sự ra đời của khối quân sự Đức – Áo-Hung – Ý, hoạt động ngoại giao của Bismarck thời kì này còn nhằm mục đích ngăn chặn quá trình hình thành liên minh Nga-Pháp. Vì vậy, nhiệm vụ đặt ra cho Bismarck là bằng mọi cách duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Nga. Do đó, một hiệp ước riêng với Nga đã
được kí vào năm 1887. Theo đó, Nga sẽ đứng trung lập nếu xảy ra chiến tranh Đức-Pháp và Đức sẽ ủng hộ Nga nếu chiến tranh Nga-Anh bùng nổ. Với mật ước trên, Bismarck chỉ dành được 50% thắng lợi vì Nga từ chối giúp đỡ quân sự cho Đức nếu xảy ra chiến tranh Đức-Pháp. Hiệp ước Đức-Nga năm 1887 là nỗ lực ngoại giao cuối cùng của Bismarck nhằm lôi kéo Nga ra khỏi Pháp nhưng đã thất bại.
Qua hàng loạt các hiệp ước và liên minh quân sự do một tay Đức xây dựng, ta có thể thấy tất cả chúng đều nhằm mục đích cô lập và đối phó với Pháp. Thời kì này mọi hoạt động chống lại Pháp đều dựa vào hoạt động ngoại giao theo đường lối đối ngoại của Bismarck. Ngay sau khi Bismarck bị gạt khỏi chức thủ tướng, đường lối ngoại giao của Đức cũng thay đổi.