Alsace và Lorraine t ừ năm 1919 đến trước Chiến tranh thế giới thứ hai

Một phần của tài liệu Vấn đề Alsace và Lorraine trong quan hệ Đức - Pháp từ 1871 đến 1919 (Trang 108 - 113)

Chương 3. ALSACE VÀ LORRAINE TRONG QUAN HỆ ĐỨC-PHÁP TỪ NĂM 1911 ĐẾN NĂM 1919

3.3. Alsace và Lorraine sau Chi ến tranh thế giới thứ nhất

3.3.1. Alsace và Lorraine t ừ năm 1919 đến trước Chiến tranh thế giới thứ hai

Sau khi chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc, Hòa ước Versailles được kí kết vào ngày 28-6-1919. Hiệp ước là một bằng chứng cho sự thất bại của Đức cho kế hoạch bành trướng lãnh thổ của mình. Một trong những điều Đức phải trả giá cho thất bại này thứ nhất là mặt lãnh thổ. Đó là phải trả lại các vùng đất mà Đức đã chiếm được cho các nước thắng trận: Eupen và Malmedy cho Bỉ, phía Bắc Schleswig cho Đan Mạch, Schleswig cho Czechoslovakia, Tây Phổ, Posen và Thượng Silasia cho Ba Lan và không thể thiếu hai tỉnh Alsace và Lorraine cho Pháp. Sau hơn bốn mươi năm dưới sự thống trị của Đức, Alsace và Lorraine lại thuộc về Pháp. Hơn nữa, về mặt quân sự, quân đội Đức giảm xuống chỉ còn 100.000 người. Không được trang bị xe tăng. Đức cũng không cho phép sử dụng không quân, chỉ được phép duy trì sáu tàu chiến, không có tàu ngầm. Phía Tây của vùng đất sông Rhine và 50 km về phía Đông của lưu vực sông Rhine là khu phi quân sự hóa (DMZ). Không một binh lính hay vũ khí nào được sử dụng ở khu vực này. Quân đồng minh cũng đóng quân ở bờ Tây sông Rhine trong mười lăm năm.

Sau Chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc, Đức nhận về sự thất bại ê chề.

Ngày 22-11-1918, quân đội Pháp vượt qua dãy núi Vosge được nhân dân Alsace và Lorraine chào đón với niềm vui cuồng nhiệt ở tất cả mọi ngôi làng, thành thị với khắp các biểu ngữ: Bạn là người giải phóng của chúng tôi hay Chúng tôi đã đợi bạn từ rất lâu,… Khắp các con đường được trang hoàng như lễ hội, thậm chí trên cửa sổ của các ngôi nhà còn thấy xuất hiện các biểu tượng của tổ tiên của họ - một bằng chứng cho thấy trong suốt bốn mươi năm dưới sự thống trị của Đế quốc Đức, mặc dù người Đức luôn tìm cách đồng hóa người dân nơi đây nhưng chưa bao giờ họ đạt đến thành công. Người Alsace và Lorraine luôn trung thành với nước Pháp. Chủ tịch của Hội đồng Quốc gia của hai tỉnh này phát biểu trên

khán đài nhằm khẳng định với người Pháp rằng Alsace và Lorraine đã tự trao sự tự do của chính mình cho Pháp, cùng lúc đó thì Quốc hội tại Strasbourg lại ban hành một tuyên bố rằng họ rất vui vẻ được trở lại là một phần của nước Pháp sau một thời gian dài chia cắt đầy đau khổ và chào đón một tương lai mới của sự tự do, thịnh vượng và hạnh phúc.

Sau khi được sáp nhập trở lại nước Pháp, Alsace và Lorraine vẫn tiếp tục đóng vai trò là một mảnh đất giàu có như trước kia mặc dù đã bị Đức khai thác rất triệt để. Cụ thể là Lorraine cung cấp 5,279,000 than cho Pháp vào năm 1925, chiếm 38,8% sản lượng gang và 35% sản lượng thép của Pháp và Alsace lại có trữ lượng kali cacbonat rất giàu có và một nền công nghiệp dệt rất phát triển – theo thống kê dân số năm 1926, có đến 49% dân số ở đây sống ở nông thôn. Ở Alsace, đất đai rất màu mỡ và thường được canh tác theo các trang trại có diện tích dưới 100 acre là phổ biến. Còn đất đai ở Lorraine lại cằn cỗi hơn, nên chủ yếu khu vực này nuôi bò lấy sữa.

Vào ngày 9-11-1918, một đoàn thủy thủ từ Kiel (nơi bắt nguồn của cuộc cách mạng Đức) đến Strasbourg thành lập Hội đồng Binh lính và Công nhân theo như cách mà nước Nga đã làm, cắm lá cờ màu đỏ lên ngọn tháp của nhà thờ và tuyên bố cuộc cách mạng bùng nổ. Hai ngày sau đó, các thành viên của Quốc hội ở Alsace và Lorraine thành lập Hội đồng quốc gia và Chính quyền ở đây.

Một trong những hành động đầu tiên của Hội đồng là tuyên bố Alsace và Lorraine vẫn có quyền duy trì là một phần của Đại gia đình nước Pháp và thể hiện niềm vui của hai tỉnh này khi trở về Pháp. Nhưng sự trở lại này không nhận được sự đồng ý của tất cả người dân nơi đây

Sau khi trở lại là một lãnh thổ của Pháp, khu vực này được chia tách thành hai tỉnh như trước, Alsace và Lorraine. Đối với Lorraine, vùng đất này nhanh chóng hòa nhập trở lại bởi vì có rất ít người Đức sinh sống ở đây. Còn Alsace, mâu thuẫn về chính trị, sắc tộc, văn hóa lại tiếp tục diễn ra thông qua khoảng 150.000 người Đức đang sống ở đây và có thái độ thù địch với chính quyền

Pháp. Một số người thì chào đón Pháp như là một người giải phóng họ khỏi triều đại quân phiệt của Đức, nhưng cũng có những người cảm thấy bị sỉ nhục khi buộc phải sáp nhập vào Pháp bởi họ là những người Đức di cư đến khu vực này trong thời gian vùng đất này nằm dưới sự cai trị của Đức. Chính quyền Pháp không tiến hành một cuộc bỏ phiếu nào cho người dân Alsace bởi người Pháp nghĩ rằng họ chỉ đang lấy lại một tỉnh mà họ bị Đức đánh cắp năm 1871. Mặt khác, Pháp có tiến hành những hành động khác của mình nhằm chống lại mọi hoạt động chống phá chính quyền Pháp của những người Đức đang sống ở đây.

Chính quyền Pháp đã tiến hành phân loại cư dân ở Alsace và Lorraine ra làm bốn loại: cư dân Pháp trước năm 1870, con cháu của những cư dân đó, cư dân của những nước đồng minh hoặc trung lập và kẻ thù – người Đức). Thủ tướng Pháp lúc bấy giờ là ông Georges Clemenceau (1841-1929) ra lệnh cho quân đội Pháp trục xuất một số lượng lớn người Pháp và lên kế hoạch giáo dục lại cho người dân Alsace. Cuối cùng, có hơn 100.000 người Đức bị trục xuất khỏi Lorraine và 150.000 người bị trục xuất khỏi Alsace. Tờ báo của người dân Alsace bằng tiếng Đức cũng bị cấm hoạt động.

Sau khi Pháp tiếp quản, nhân dân nơi đây cũng nêu ra những yêu cầu của mình về việc tôn trọng luật pháp, quốc hội và tôn giáo của riêng vùng đất này.

Hay nói cách khác, Alsace và Lorraine một lần nữa nêu lên yêu cầu về một nhà nước tự trị trong nước Pháp như đã từng làm với nước Đức. Về mặt tôn giáo, Thủ tướng Pháp lúc bấy giờ là Herriot muốn tách chính quyền Alsace và Lorraine ra khỏi Công giáo. Ông đã tiêu hủy tất cả những giáo ước giữa nhà nước và giáo hội nhưng ông đã không thành công. Mặt khác, sau chiến tranh, tiếng Pháp được sử dụng trong các trường học. Học sinh tiểu học phải học tiếng Pháp trong hai năm, sau đó sẽ được học tiếng Đức ba giờ một tuần. Việc giảng đạo hoàn toàn bằng tiếng Đức được bốn giờ một tuần. Nhưng những chính sách mà Pháp thực hiện ở Alsace và Lorraine cũng không nhận được sự đồng ý của hầu hết cư dân nơi đây. Bởi vì khi cuộc chiến tranh dần đi đến kết thúc, nước

Pháp vẫn chưa có bất kì một kế hoạch nào cho việc khôi phục lại hai tỉnh này.

Do đó, khi hai tỉnh này được trao trả lại cho Pháp, Pháp bối rối và thi hành những chính sách đi ngược lại tinh thần và truyền thống của cư dân nơi đây, gần tương tự như những gì Đức đã làm với họ. Đầu tiên, họ bác bỏ Hội đồng Quốc gia và cấm Hội đồng thành phố Strasbourg hoạt động. Điều này đã làm tổn thương đến tinh thần và lòng tự trọng của người dân nơi đây, thay chính quyền bằng một vị thứ trưởng có thái độ chống lại giáo hội. Điều này là bất công đối với những người Alsace và Lorraine và cả người Đức đang sống ở đây. Pháp cử những người đến làm việc ở khu vực này nhưng lại không hề biết tiếng Đức.

Nhiều người trong số họ có cha mẹ là người ở Alsace và Lorraine nhưng đã bỏ đi khi Đức chiếm đóng. Khi họ trở về đây, cái mà họ nhận được là sự đối xử lạnh nhạt của người dân, những người yêu vùng đất này, kiên quyết ở lại để chống lại chính quyền của Đức. Một lần nữa, phong trào "Alsace và Lorraine là của người Alsace và Lorraine" lại sôi sục. Dần dần, sự quản lí chuyển về chính quyền của Paris. Phong trào đấu tranh ngày càng tăng cao và cuối cùng, chính quyền Pháp cũng hiểu được người dân nơi đây muốn gì. Pháp đã đồng ý cho hai tỉnh này vẫn duy trì chế độ song ngữ.

Những người đứng đầu hai tỉnh này nêu bật lên vấn đề cần thay đổi cách quản lí với hệ thống phân cấp cứng nhắc dưới thời Napoleon sang một cách tổ chức tự do cho chính quyền địa phương. Một số đề nghị nhằm thay đổi cách tổ chức này, đó là chuyển giao quyền hành cho Quận trưởng hoặc Phó Quận trưởng, mở rộng phạm vi hoạt động của Hội đồng chung, có quyền quyết định các vấn đề ở địa phương hơn thay cho Bộ trưởng ở Paris. Nhưng những cải cách của chính quyền lại diễn ra tương đối chậm. Việc bảo vệ văn hóa và sự tự do của mình, Alsace và Lorraine đã góp phần làm mới hệ thống quản lí lỗi thời và không hiệu quả của Pháp. Công cuộc cải cách diễn ra vào năm 1926 được thúc đẩy bởi mong muốn xoa dịu người dân Alsace và Lorraine hơn là công nhận một vị trí đặc biệt của hai tỉnh này trong bộ máy nhà nước Pháp. Trong việc mở rộng

quyền lực của các quan chức địa phương nói chung, chính quyền Pháp vẫn duy trì sự phân biệt rõ ràng giữa hai tỉnh này với các khu vực khác của Pháp. Hơn nữa, hai tỉnh này là một ví dụ điển hình về sự hạn hẹp của học thuyết cho rằng có một sự kết nối giữa văn hóa, ngôn ngữ và quốc tịch. Các tác giả người Đức đã từng lập luận rằng do có nền văn hóa và giọng nói giống với người Đức mà Alsace nên là một phần của nước Đức. Sai lầm của học thuyết này đã được chứng minh bằng thực tế rằng chính quyền quân sự của Đức đã đối xử với Alsace và Lorraine như là một lãnh thổ không thân thiện. Người Pháp cũng đã áp dụng học thuyết này nhưng với lí do ngược lại. Alsace và Lorraine là thuộc Pháp và mong muốn trở lại là một bộ phận của Pháp. Vì vậy, chính quyền Pháp cho rằng người dân hai tỉnh này nên học tiếng Pháp ngay khi có thể và từ bỏ nền văn hóa Đức và các phong tục tập quán địa phương. Cả hai lập luận của Đức và Pháp đều sai lầm. Mặc dù người dân ở đây nói phương ngữ Đức nhưng họ không muốn trở thành một bộ phận của nước Đức và họ đã phản đối đến cùng khi Quốc hội Pháp buộc phải nhượng hai tỉnh này để đổi lấy hòa bình năm 1871.

Nhưng ngược lại, mặc dù sẵn sàng trở lại là một bộ phận của Pháp năm 1918, người Alsace và Lorraine cũng phẫn nộ khi sự trung thành về mặt chính trị của mình phải gắn liền với việc thay đổi giọng nói và nền văn hóa xa xưa của họ.

Có nghĩa là, người dân Alsace và Lorraine sẵn sàng là một bộ phận của nước Pháp bởi họ đã từng được sống dưới ánh sáng triết học và nền cộng hòa từ cuộc Cách mạng Pháp. Nên họ tự nguyện đứng dưới bộ máy nhà nước cộng hòa dân chủ đó. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc họ chấp nhận từ bỏ những đặc điểm riêng về văn hóa và truyền thống của khu vực mình. Bởi khu vực này là một khu vực đặc biệt, chịu sự ảnh hưởng của cả hai nền văn hóa Pháp, Đức. Vì vậy, việc Alsace và Lorraine chọn lựa Pháp hay Đức là quốc tịch của họ hoàn toàn không dựa vào ngôn ngữ, văn hóa hay truyền thống mà dựa vào đặc điểm của quốc gia đó – tự do hay bảo thủ, có phù hợp với văn hóa của người dân nơi đây hay không.

Một phần của tài liệu Vấn đề Alsace và Lorraine trong quan hệ Đức - Pháp từ 1871 đến 1919 (Trang 108 - 113)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(131 trang)