2.1. KHÁI QUÁT VỀ GIÁO DỤC LÝ LUẬN MÁC – LÊNIN CHO HỌC VIÊN HỆ CAO CẤP Ở CỘNG HÒA DÂN CHỦ NHÂN DÂN LÀO
2.1.3. Giáo dục lý luận Mác - Lênin là một nội dung quan trọng trong chương trình giáo dục ở các Trường Chính trị và Hành chính
Các Trường Chính trị và Hành chính Lào với tư cách là cơ quan trực thuộc Học viện Chính trị và Hành chính quốc gia Lào về mặt chuyên môn (chương trình và giáo trình), có nhiệm vụ đào tạo và bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, công chức đang đương chức và thuộc diện quy hoạch cán bộ cấp cao của tỉnh, các cơ quan đoàn thể quần chúng. Đồng thời, nghiên cứu lý luận, khoa học chính trị và hành chính, lý luận cách mạng và thực tiễn để phục vụ việc học tập – giảng dạy và góp phần vào việc nghiên cứu làm cho đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước được cụ thể hóa và hoàn chỉnh hơn.
Với chức năng là cơ quan nghiên cứu và giảng dạy lý luận, nội dung giáo dục lý luận Mác - Lênin cho học viên hệ cao cấp bao giờ cũng phải phù hợp với mục đích đề ra. Với tư cách là một môn khoa học độc lập, các chuyên ngành khoa học Mác - Lênin, về bản chất, có những mục đích và yêu cầu riêng mà công tác giảng dạy môn khoa học này phải hướng vào để phấn đấu.
Ngoài ra, nội dung giáo dục lý luận Mác - Lênin bao gồm cả đường lối quan điểm của Đảng về các lĩnh vực đời sống xã hội… mà mọi học viên đều phải học, phải được đào tạo, bồi dưỡng với những hình thức thích hợp, nhằm xây dựng cho người học khả năng vận dụng đúng đắn và sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, đường lối chính sách của Đảng trong nhận thức cũng như hoạt động thực tiễn.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói rằng:
Chủ nghĩa Mác - Lênin soi phương hướng, đường lối cho chúng ta đi. Có phương hướng đúng thì làm việc mới đúng. Hết lòng hết sức phụng sự nhân dân, phụng sự Tổ quốc; bất kỳ việc to việc nhỏ cũng nhằm mục đích ấy; đó là chủ nghĩa Mác - Lênin. Nếu không hết lòng hết sức phụng sự nhân dân, tự kiêu, tự đại, tự tư tự lợi, như thế là trái với chủ nghĩa Mác - Lênin. Ai đi nhầm đường thì chũng ta giúp họ đi vào con đường chính.
Chủ nghĩa Mác - Lênin còn có tầm quan trọng đặc biệt bởi nó vạch ra con đường đúng đắn nhất cho cuộc đấu tranh của quần chúng chống áp bức bóc lột, giải phóng xã hội, giải phóng con người. Tư tưởng cách mạng của học thuyết là cách mạng triệt để, giải phóng triệt để toàn xã hội khỏi mọi hình thức áp bức, xây dựng xã hội mới – xã hội cộng sản. Chỉ có chủ nghĩa cộng sản mới đạt tới mục tiêu cao cả là cứu nhân loại, đem lại hạnh phúc cho mọi người, không phân biệt chủng tộc và nguồn gốc, đem lại sự tự do, bình đẳng, bác ái, ấm no.
Chủ nghĩa Mác - Lênin là lý trí đồng thời còn là tình cảm nữa. “Hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin là phải sống với nhau có tình có nghĩa. Nếu thuộc bao nhiêu sách mà sống không có tình có nghĩa thì sao gọi là hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin được”.
Đây là những nội dung không chỉ định tính trong việc nâng cao nhận thức lý luận cho học viên mà còn định hướng, định lượng cho học viên hành động, cũng chính là một biểu hiện của nội dung giáo dục lý luận gắn liền với thực tiễn, học đi đôi với hành. Hồ Chí Minh viết: “Những chính sách và nghị quyết của Đảng đều vì lợi ích của nhân dân. Vì vậy, đạo đức cách mạng của đảng viên là bất kỳ khó khăn đến mức nào cũng phải kiên quyết làm đúng chính sách và nghị quyết của Đảng”. “Vì vậy, các cô các chú phải chịu khó học tập lý luận Mác - Lênin, học tập đường lối, chính sách của Đảng, đồng thời phải học tập văn hóa, kỹ thuật và nghiệp vụ”. “Có học tập đường lối, nghị quyết mới thực thiện được nhiệm vụ cách mạng mà nhân dân ta hiện nay đòi hỏi mỗi đảng viên phải tuyệt đối tin tưởng vững chắc vào đường lối, chủ trương của Đảng”.
Giáo dục lý luận Mác - Lênin cho học viên hệ cao cấp ở các trường Chính trị và Hành chính Lào đòi hỏi người đi giáo dục – những giảng viên lý luận Mác - Lênin, trước hết phải có sự hiểu biết rộng và hệ thống về những vấn đề mới nhất của đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.
Theo đó, giảng viên là người trực tiếp truyền đạt những kiến thức khoa học, hướng dẫn người học nâng cao nhận thức tư tưởng và năng lực tổ chức thực hiện các nhiệm vụ cách mạng. Người giảng viên không những truyền đạt mà còn làm sáng tỏ những luận cứ khoa học và hơn thế nữa là hướng dẫn người học cách thức vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Thông qua đội ngũ giảng viên, những quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin, đường lối chủ trương chính sách, pháp luật và nhiều quy định của Đảng và Nhà nước đến với người học một cách chủ động, sáng tạo và có nhiều thuận lợi hơn khi vận
dụng vào thực tiễn. Người học ở đây lại chủ yếu là cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt, lực lượng quan trọng góp phần “biến” đường lối, chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước thành hiện thực. Trong công tác giáo dục và học tập các môn khoa học Mác - Lênin cho học viên hệ cao cấp ở các Trường Chính trị và Hành chính Lào, cần phải chú trọng đến việc giáo dục các mặt:
Đạo đức cách mạng, học đi đôi với hành. Vì có học tập lý luận Mác - Lênin mới củng cố hoạt động cách mạng, giữ vững được lập trường, nâng cao sự hiểu biết, giỏi về chuyên môn mới làm tốt được nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao.
Như vậy, giáo dục lý luận Mác - Lênin là một nội dung tất yếu quan trọng trong chương trình giáo dục ở các Trường Chính trị và Hành chính Lào.
Trong thời đại ngày nay, khi khoa học có vai trò to lớn đối với sự phát triển kinh tế, xã hội, con người thì giáo dục lý luận Mác - Lênin cho cán bộ là một yếu tố hợp thành quan trọng trong nền giáo dục nói chung, nhất là ở các trường đảng. Giáo dục lý luận Mác - Lênin hướng đến việc xây dựng những cán bộ có nhân cách trong sáng, có lập trường tư tưởng chính trị vững vàng, đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao trong quá trình hội nhập và phát triển đất nước với mục tiêu nước mạnh, dân giàu, xã hội đoàn kết hài hòa, dân chủ, công bằng và văn minh. Nhiệm vụ ấy trước hết thuộc về giáo dục lý luận Mác - Lênin. Vậy, giáo dục lý luận Mác - Lênin có vai trò gì đối với học viên hệ cao cấp ở các Trường Chính trị và Hành chính Lào?.