3.3. MỘT SỐ VẤN ĐỀ ĐẶT RA TỪ THỰC TRẠNG GIÁO DỤC
3.3.1. Mâu thuẫn giữa yêu cầu phải có đội ngũ giảng viên chuyên nghiệp giỏi chuyên môn, có phương pháp sư phạm tốt với thực tế đội ngũ
Đội ngũ giảng viên ở các Trường Chính trị và Hành chính Lào ảnh hưởng trực tiếp tới thái độ học tập, khả năng tiếp thu tri thức cũng như phương pháp tư duy, nghiên cứu khoa học của học viên.
Giáo dục lý luận Mác - Lênin không chỉ truyền đạt tri thức khoa học mà còn truyền bá, giáo dục hệ tư tưởng, làm cho nó trở thành hệ tư tưởng của toàn xã hội. Do vậy, ngoài việc giỏi chuyên môn, người giảng viên còn phải có phẩm chất đạo đức, lập trường chính trị vững vàng, có hiểu biết nhất định về các khoa học khác. Tuy nhiên, từ nhiều năm nay, đội ngũ giảng viên giảng dạy các môn khoa học Mác - Lênin còn nhiều hạn chế về trình độ chuyên môn, phương pháp giảng dạy. Những yếu kém đó phần lớn là do lịch sử của các trường để lại. Bởi vì, trước đây khâu tuyển cán bộ giảng dạy các môn khoa học Mác - Lênin là những người chưa học hết đại học, một bộ phận được tuyển dụng từ nguồn giảng viên không đáp ứng được chuyên môn của các khoa học khác điều động sang giảng dạy các bộ môn khoa học Mác - Lênin. Và cũng có thời kỳ các giảng viên đều là những cán bộ làm công tác ở ban tuyên huấn của tỉnh sang giảng dạy các môn khoa học Mác - Lênin.
Chính sách này đã để lại cho xã hội cũng như học viên dư âm coi thường môn học Mác - Lênin. Sự yếu kém của một số giảng viên kéo theo chất lượng giảng dạy còn thấp kém, có những nội dung của môn học ngay giảng viên cũng chưa hiểu hết nội dung và ý nghĩa thực tiễn của nó, không có phương pháp sư phạm, nên nhiều khi còn lúng túng, truyền đạt còn sai kiến thức cơ bản gây hoang mang, nghi ngờ trong học viên. Vì vậy, có một số học viên tỏ ra chưa coi trọng môn học. Không ít giảng viên hiện nay tuổi đời còn trẻ thậm chí chưa là đảng viên, kinh nghiệm giảng dạy hạn chế, khả năng tổng kết thực tiễn chưa cao nên giảng dạy chủ yếu là truyền đạt những vấn đề lý luận cứng nhắc, không gắn tri thức bài giảng vào lý giải những vấn đề kinh tế - xã hội, thực tiễn trong nước và thế giới. Chính vì vậy, học viên không hiểu bài, không thấy được sự thống nhất biện chứng giữa lý luận và thực tiễn, không giải thích được những vấn đề tương tự trong cuộc sống, chỉ thấy tri thức của khoa học
Mác - Lênin trừu tượng, khó hiểu, khô khan, chỉ học để biết và học theo yêu cầu của tiêu chuẩn đề ra mà thôi.
Hiện nay, nhiều giảng viên phải giảng dạy quá tải, không có thời gian để nghiên cứu sâu, bổ trợ kiến thức phục vụ giảng dạy. Cụ thể, theo chương trình một giảng viên các môn khoa học Mác - Lênin chỉ đảm nhận 300 giờ trên một năm. Nhưng thực tế một giảng viên ở các Trường Chính trị và Hành chính Lào dạy vượt đến 500-600 giờ. Bởi vì, hiện nay tình trạng thiếu hụt giảng viên Mác - Lênin là rất lớn, một giảng viên ngoài dạy các môn khoa học Mác - Lênin, còn dạy các môn khoa học khác. Sự thiếu hụt này là do quy mô đào tạo của các Trường Chính trị và Hành chính Lào mấy năm gần đây đã tăng nhanh. Mỗi năm các trường phải đào tạo cả hệ lý luận trung cấp và lý luận cao cấp, mặc dù số lượng đội ngũ giảng viên lý luận Mác - Lênin có sự phát triển nhưng vẫn không đủ số lượng đáp ứng yêu cầu giảng dạy hiện tại trong các trường.
Đội ngũ giảng viên lý luận Mác - Lênin của các trường ngoài việc đảm nhận phần giảng dạy quá nặng tại các trường còn phải đảm nhiệm thêm phần giảng dạy các trường đại học và các trường tư thục không có biên chế giảng viên Mác – Lênin. Giảng viên đi dạy các trường ngoài để thu thập thêm là công việc mà nhiều giảng viên hướng tới. Bởi với mức lương hiện nay, cuộc sống các giảng viên còn gặp rất nhiều khó khăn. Để đáp ứng những nhu cầu khác ngoài nhu cầu tối thiểu họ phải bươn trải ngoài cuộc sống bằng nhiều công việc khác nhau mà công việc dạy thêm là công việc được ưa chuộng nhất. Tuy nhiên, việc dạy quá nhiều giờ như vậy khiến các giảng viên không có thời gian để tham gia nghiên cứu khoa học, dự giờ đồng nghiệp để rút kinh nghiệm, học hỏi hay tham gia những hoạt động kinh tế - xã hội chung của trường. Hiện tượng giảng viên không đạt chuẩn cần thiết, tình trạng “cơm chấm cơm” là một hạn chế lớn đến chất lượng dạy và học các môn khoa học Mác - Lênin.
Ngoài ra, đội ngũ giảng viên Mác - Lênin còn hạn chế nhiều về ngoại ngữ, tin học, đa số chưa sử dụng thông thạo các phương tiện giảng dạy hiện đại và ngoại ngữ. Đa số giảng viên chủ yếu giảng theo phương pháp thuyết trình, việc cập nhật thông tin thực tiễn chưa đạt kết quả cao, chưa chú trọng đúng mực đến việc nâng cao chất lượng bài giảng. Nhất là ở một số giảng viên trẻ, mới vào nghề cùng một lúc phải hoàn thành công việc của trường và phải tìm mọi điều kiện để nâng cao cuộc sống cá nhân. Đây cũng là lý do làm cho bài giảng các môn khoa học Mác - Lênin chưa hấp dẫn, chưa thu hút người học và chưa có phương pháp thích hợp trong quá trình giảng dạy.