CHƯƠNG 2: CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ DỊCH VỤ NGÂN HÀNG ĐIỆN TỬ VÀ TÁC ĐỘNG CỦA DỊCH VỤ NGÂN HÀNG ĐIỆN TỬ ĐẾN KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG NGÂN HÀNG
2.2. Đánh giá kết quả hoạt động của ngân hàng
2.2.1. Khung xếp hạng hoạt động ngân hàng CAMELS
Trong những năm gần đây, một trong những mô hình được sử dụng nhiều nhất để ước tính hiệu suất hoạt động của ngân hàng là khung xếp hạng CAMELS.
Trên thực tế, khung phân tích dựa trên hệ thống xếp hạng CAMELS, là một hệ thống đánh giá được tạo bởi các nhà quản lý ngân hàng liên bang để đánh giá hiệu suất tổng thể của các NH Hoa Kỳ (Rose & Hudgins, 2012). Từ năm 1988, Ủy ban Basel về giám sát ngân hàng đã khuyến nghị sử dụng CAMELS để đánh giá sự lành mạnh của các tổ chức tài chính bao gồm các NHTM. Hệ thống này được phát triển bởi các cơ quan quản lý của các NH Hoa Kỳ: NH Dự trữ Liên bang Mỹ, Văn phòng kiểm soát tiền tệ Mỹ và Tổng công ty bảo hiểm tiền gửi liên bang Mỹ đều sử dụng hệ thống này.
Nghiên cứu của Barr và cộng sự (2002) đưa ra nhận định rằng các tiêu chí đánh giá của CAMELS đã trở thành một công cụ cụ thể và chi tiết, đồng thời là không thể thiếu đối với các nhà giám sát và cơ quan quản lý. Hệ thống đánh giá này với mong muốn lành mạnh hóa hoạt động NH bằng cách xem xét các khía cạnh khác nhau của NH dựa trên nhiều nguồn thông tin khác nhau như báo cáo tài chính, nguồn tài trợ, dữ liệu kinh tế vĩ mô, ngân sách và dòng tiền. Các NH trung ương chịu trách nhiệm giám sát các NH ở mỗi quốc gia thông qua việc sử dụng hệ thống xếp hạng để đánh giá sự đúng đắn của các NH (Doumpos & Zopounidis, 2010).
Từ viết tắt CAMELS là viết tắt của: “Capital adequacy”- Mức độ an toàn vốn; “Asset quality”- Chất lượng tài sản có; “Management”- Khả năng quản lý;
“Earning”- Khả năng sinh lời, và “”Liquidity” -Thanh khoản. Các nhà điều hành đã bổ sung yếu tố “Sensitivity” - Độ nhạy cảm, để đánh giá rủi ro thị trường liên quan đến thay đổi lãi suất và các yếu tố khác, nhất là trong cuộc khủng hoảng của thị trường tài chính (Kandrac, 2014).
(1) Mức độ an toàn vốn của NH (Capital adequacy): Mức độ an toàn vốn là một chỉ tiêu cần thiết để đánh giá mức độ an toàn trong hoạt động của NH, được tính toán thông qua bảng cân đối kế toán NH. Tỷ lệ an toàn vốn viết tắt là CAR được Ủy ban Basel giám sát NH đưa ra có tính đến các rủi ro (RR) tài chính như RR ngoại hối, TD và lãi suất bằng cách gắn trọng số RR cho tài sản của NH. Đây là tỷ lệ giá trị sổ sách của vốn tự có (chủ yếu vốn cấp 1,2) của NH so với giá trị sổ sách của tài sản có điều chỉnh RR. Tỷ lệ cao hơn cho thấy mức độ an toàn vốn cao hơn.
Hiệp định Basel I năm 1992 đã thực thi tỷ lệ an toàn vốn đối với tài sản điều chỉnh RR của các NHTM, trong đó, vốn tự có phải bằng hoặc vượt quá 4% tài sản có RR của các NHTM. Tỷ lệ này được tăng lên thành 8% ở Basel II, III.
(2) Chất lượng tài sản có (Asset quality): Rủi ro TD là một trong những yếu tố quyết định tình hình hoạt động của một NHTM. Rủi ro TD phụ thuộc vào chất lượng tài sản do một NHTM cá nhân nắm giữ. Chất lượng tài sản do một NHTM nắm giữ phụ thuộc vào các rủi ro cụ thể, xu hướng của các khoản nợ xấu, và lợi nhuận của người vay NH, đặc biệt là khu vực doanh nghiệp.
Chất lượng tài sản do các NHTM nắm giữ có thể được đánh giá qua các yếu tố như: Mức độ tập trung cho vay theo ngành, khu vực (ví dụ như lĩnh vực nông nghiệp phải chịu rủi ro liên quan đến thời tiết, khí hậu); cơ cấu KH (Cá nhân, hộ kinh doanh hay doanh nghiệp); Chất lượng và giá trị của tài sản thế chấp; Mục đích vay; Tỷ lệ dự phòng RR cho vay; Chất lượng và giá trị của tài sản thế chấp (nếu có);
Rủi ro chính trị: ví dụ các chương trình xóa nợ, trần lãi suất, cho vay trực tiếp vào các lĩnh vực hoặc nhóm người cụ thể (ADB, 2018).
(3) Khả năng quản lý (Management): Quản lý là chìa khóa cho hiệu suất NH nhưng rất khó đo lường. Đây là một yếu tố định tính áp dụng cho các tổ chức đơn lẻ. Tuy nhiên, một số chỉ số có thể cùng đóng vai trò tham chiếu đánh giá chất lượng quản lý như: (i) Tỷ lệ tăng trưởng: tăng trưởng tổng tài sản, tăng trưởng cho vay, tăng trưởng danh mục đầu tư; (ii) Hiệu suất hoạt động: Tỷ lệ CP hoạt động/thu nhập; chi phí/mỗi nhân viên; thu nhập/ mỗi nhân viên,; (iii) Thị phần: thị phần tiền gửi, thị phần TD; (iv) Hệ thống vận hành: mức độ tự động hóa, nhận diện thương
hiệu, mức độ tuân thủ; (v) Lợi ích cổ đông: mức độ tuân thủ mục tiêu chiến lược, chính sách chi trả cổ tức, lợi nhận / VCSH… (ADB, 2018).
(4) Khả năng sinh lời (Earnings): Đây là yếu tố không thể thiếu trong đánh giá hiệu suất của một NHTM. Các NHTM không có lãi thường xuyên thường có nguy cơ mất khả năng thanh toán và mặt khác, lợi nhuận cao bất thường có thể phản ánh rủi ro quá mức của một NHTM. Các chỉ số thể hiện khả năng sinh lời có thể kể đến như: Lợi nhuận / tài sản, lợi nhuận / VCSH, tỷ lệ chênh lệch lãi suất, tỷ lệ thu nhập chênh lệch, tỷ suất lợi nhuận gộp. Hệ số biên lợi nhuận hoạt động và tỷ suất lợi nhuận ròng là các chỉ số lợi nhuận thường được sử dụng tại các NH thường mại (Rostami, 2015).
(5) Thanh khoản (Liquidity): Rủi ro thanh khoản đe dọa khả năng thanh toán của các tổ chức tài chính. Trong trường hợp của các NHTM, loại RR thanh khoản đầu tiên phát sinh khi người gửi tiền của các NHTM tìm cách rút tiền của họ. Các NHTM phải vay thêm vốn hoặc bán tài sản với giá thấp để trả các khoản nợ tiền gửi. NH trở nên mất khả năng thanh toán nếu giá bán của tài sản không đủ để đáp ứng việc rút tiền. Loại RR thanh khoản thứ hai phát sinh là khi nhu cầu cho các khoản vay tăng bất ngờ trong khi không thể được đáp ứng do thiếu vốn.
Các NHTM có thể huy động vốn bằng cách giảm tài sản tiền mặt của họ, vay thêm tiền trong thị trường tiền tệ và bán bớt các tài sản khác với giá dưới mức kỳ vọng. Cả rủi ro thanh khoản bên trách nhiệm (rủi ro loại thứ nhất) và rủi ro thanh khoản bên tài sản (rủi ro loại thứ hai) đều ảnh hưởng không tốt đến hoạt động tài chính của các NHTM (Saunders và Cornett, 2006).
Tuy nhiên việc duy trì vị thế thanh khoản cao để giảm thiểu rủi ro như vậy cũng có tác động tiêu cực của các tổ chức tài chính vì lợi nhuận trên tài sản có tính thanh khoản cao gần như bằng không. Do đó, các TCTC nên đánh đổi giữa vị thế thanh khoản và lợi nhuận để họ có thể duy trì một hiệu suất tốt. Mức độ đánh giá tính thanh khoản của NHTM có thể được đo lường bằng cách phân tích cung và cầu thanh khoản. Theo cách tiếp cận này, tổng thanh khoản ròng được thực hiện bằng cách khấu trừ tổng số sử dụng thanh khoản khỏi tổng số nguồn thanh khoản. Ngoài
ra, các tỷ lệ đánh giá thanh khoản khác nhau như: Tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn, ngắn hạn/Tổng tiền gửi; Tỷ lệ cho vay/tiền gửi; Tỷ lệ bảo đảm thanh khoản: tài sản Có thanh khoản cao phải lớn hơn hoặc bằng tài sản Nợ phải thanh toán trong vòng 30 ngày (ADB, 2018).
(6) Độ nhạy cảm rủi ro (Sensitivity): Các NHTM ngày một đa dạng các hoạt động như cho vay và đi vay, giao dịch ngoại hối và đầu tư chứng khoán. Tất cả những điều này phải chịu rủi ro thị trường như rủi ro lãi suất, rủi ro tỷ giá hối đoái, và rủi ro giá tài sản và hàng hóa. Khi hiệu suất của một NHTM là nhạy cảm hơn với rủi ro thị trường nghĩa là nguy hiểm hơn so với trường hợp ít nhạy cảm hơn. Rủi ro ngoại hối, rủi ro lãi suất, rủi ro giá cổ phiếu và rủi ro giá hàng hóa là những chỉ số nhạy cảm với rủi ro thị trường.
Cẩm nang Đánh giá NHTM được ban hành bởi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã mô tả năm mức xếp hạng tổng hợp như sau (Siems và Barr, 1998).
CAMELS = 1 : một NH về cơ bản là có hiệu suất hoạt động tốt trong mọi khía cạnh.
CAMELS = 2 : một NH nhìn chung là họat động tốt tuy nhiên có một vài điểm yếu cần khắc phục.
CAMELS = 3 : một NH có điểm yếu về tài chính, hoạt động hoặc chưa bảo đảm tính tuân thủ gây ra sự lo ngại trong quá trình đánh giá.
CAMELS = 4 : một NH có điểm yếu tài chính nghiêm trọng dẫn đến có thể làm giảm khả năng hoạt động và tồn tại trong tương lai.
CAMELS = 5 : một NH có điểm yếu tài chính quan trọng khiến cho dự báo khả năng thất bại rất cao trong thời gian tới.
Mô hình CAMELS của các NH được bảo mật rất cao, vì nó bao gồm thông tin nội bộ nhạy cảm được thu thập trong quá trình điều tra riêng của từng NH, ngoài thông tin pháp lý về tình hình tài chính của NH có sẵn cho công chúng (Hirtle &
Lopez, 1999). Do vậy mô hình CAMELS thông thường chỉ dành cho quyết định quản lý NH, không được công khai và chỉ được biết đến một cách tuyệt mật đối với
quản lý cấp cao của NH và nhân viên giám sát phù hợp tại các bộ phần quản lý liên quan.