Chương 2 NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ DẠY HỌC NÊU VẤN ĐỀ VÀ VẬN
2.1. Dạy học các môn khoa học xã hội và nhân văn ở trường sĩ quan quân đội theo hướng phát triển năng lực người học
2.1.1. Khái niệm, đặc điểm dạy học các môn khoa học xã hội và nhân văn ở trường sĩ quan quân đội theo hướng phát triển năng lực người học
* Khái niệm Dạy học
Theo tác giả Phạm Viết Vượng: “Dạy học là quá trình tổ chức, điều khiển và hướng dẫn của giáo viên nhằm giúp học sinh tích cực, chủ động nắm vững kiến thức, hình thành kĩ năng và thái độ tích cực theo mục tiêu của giáo dục và đào tạo” [113, tr.26].
Theo tác giả Trần Thị Tuyết Oanh: “Dạy học là một quá trình dưới sự lãnh đạo, tổ chức, điều khiển của người giáo viên, người học tự giác, tích cực, chủ động tự tổ chức, tự điều khiển hoạt động nhận thức - học tập của mình nhằm thực hiện những nhiệm vụ dạy học” [69, tr.104].
Như vậy, dạy học là sự thống nhất biện chứng của hai thành tố cơ bản, đó là hoạt động dạy của người dạy và hoạt động học của người học. Đây là hai hoạt động có quan hệ mật thiết với nhau, diễn ra đồng thời và phối hợp chặt chẽ với nhau, nếu thiếu một trong hai thành tố trên thì quá trình dạy học không tồn tại.
Hoạt động dạy của người dạy là hoạt động tổ chức, điều khiển hoạt động học tập, giúp người học lĩnh hội tri thức, rèn luyện kĩ năng, kĩ xảo và những giá trị theo mục tiêu giáo dục đề ra. Hoạt động dạy bao gồm việc người dạy tổ chức, điều khiển, hướng dẫn, đề ra các yêu cầu, điều chỉnh hoạt động, kiểm tra đánh giá kết quả học tập của người học.
Hoạt động học của người học là hoạt động lĩnh hội tri thức, kĩ năng, kĩ xảo, những giá trị và phương thức tự học, hành động và phát triển bản thân.
Thực chất, hoạt động học là quá trình lĩnh hội tri thức của trò dưới sự hướng dẫn của thầy nhằm biến đổi bản thân, để hình thành và hoàn thiện nhân cách.
Hoạt động dạy học diễn ra trong quá trình dạy học là một hệ thống toàn vẹn, gồm các thành tố mục đích, nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, các phương tiện điều kiện dạy học và kết quả dạy học.
Tóm lại, có thể hiểu: Dạy học là quá trình có mục đích, có tổ chức, phối hợp thống nhất giữa hoạt động dạy với hoạt động học nhằm hình thành kiến thức, kĩ năng, thái độ nghề nghiệp, phát triển năng lực và góp phần giáo dục những phẩm chất nhân cách cần thiết cho người học theo mục tiêu dạy học đề ra.
Dạy học các môn KHXH&HV ở TSQQĐ theo hướng phát triển năng lực người học
Các môn KHXH&NV ở TSQQĐ bao gồm nhiều bộ môn hợp thành, có những bộ môn hoàn toàn với tính cách là khoa học xã hội như: Triết học, Kinh tế chính trị, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam ... nhưng cũng có những bộ môn đặc trưng quân sự như: Học thuyết Mác - Lênin về chiến tranh và quân đội, Kinh tế quân sự, Giáo dục học quân sự, Tâm lý học quân sự, Lịch sử nghệ thuật quân sự, Đường lối quân sự ... theo quyết định 1650 gồm 15 môn học, theo quyết định 1651 gồm 28 môn học [Phụ lục 8, 9]. Các môn KHNX&NV dùng để dạy học cho các đối tượng ở TSQQĐ vừa là một bộ phận của KHXH&NV Việt Nam, vừa là một bộ phận của nền khoa học quân sự và quốc phòng Việt Nam, là một phần kiến thức rất quan trọng trong hệ thống những kiến thức cần hình thành cho người học.
Các môn KHXH&NV chiếm tỉ lệ khối kiến thức lớn trong chương trình, nội dung đào tạo của các đối tượng đào tạo cán bộ cấp phân đội, bậc đại học, cụ thể theo Thông tư số 54/2022/TT-BQP: Ngành Chính trị: 55%; Ngành Chỉ huy - Tham mưu: 28%; Ngành Hậu cần, Quản lý văn hóa, Luật, Quan hệ quốc tế: 20% [5, tr.1].
Dạy học các môn KHXH&NV là quá trình có mục đích, có tổ chức, phối hợp thống nhất giữa hoạt động dạy với hoạt động học nhằm hình thành kiến thức, kĩ năng, thái độ nghề nghiệp quân sự, phát triển năng lực và góp phần giáo dục những phẩm chất nhân cách cần thiết cho người học theo mục tiêu các môn KHXH&NV đề ra.
Dạy học các môn KHXH&NV là một nội dung cơ bản, trọng yếu trong chương trình đào tạo ở các TSQQĐ, trực tiếp trang bị tri thức về KHXH&NV, góp phần quan trọng định hướng chính trị, bồi dượng đạo đức cách mạng và hình thành thế giới quan, phương pháp luận khoa học; giáo dục mục tiêu, lý tưởng chiến đấu cho học viên, để khi ra trường học viên có đủ phẩm chất và năng lực, làm nòng cốt xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ; bảo đảm sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với quân đội. Đồng thời, bồi dưỡng kỹ năng đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng - lý luận, góp phần bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng.
Như vậy, dạy học các môn KHXH&NV có ý nghĩa quyết định đến xây dựng phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, trình độ năng lực, phương pháp, tác phong công tác của các đối tượng học viên; chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo của các nhà trường, góp phần xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Dạy học các môn KHXH&HV ở TSQQĐ theo hướng phát triển năng lực người học là quá trình tác động qua lại có mục đích, có tổ chức giữa giảng viên và học viên, trong đó giảng viên tổ chức, điều khiển, hướng dẫn, học viên học tập độc lập, sáng tạo tiếp thu kiến thức, kĩ xảo, kĩ năng của các môn KHXH&NV nhằm hình thành, phát triển những năng lực cần thiết đáp ứng yêu cầu của lĩnh vực nghề nghiệp và thực tiễn hoạt động quân sự.
* Đặc điểm dạy học các môn khoa học xã hội và nhân văn ở trường sĩ quan quân đội theo hướng phát triển năng lực người học
Về mục tiêu dạy học
Mục tiêu dạy học các môn KHXH&NV ở TSQQĐ là trực tiếp góp phần quan trọng vào việc hình thành, phát triển thế giới quan, phương pháp luận khoa học; giáo dục mục tiêu, lý tưởng chiến đấu, định hướng chính trị, bồi dưỡng đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, làm nòng cốt xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ; bảo đảm sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Quân đội. Đồng thời,
giúp học viên có kiến thức về các môn KHXH&NV để người học tham gia đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng - lý luận, góp phần bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng.
Mục tiêu dạy học các môn học KHXH&NV ở TSQQĐ theo hướng phát triển năng lực người học được mô tả theo cách tiếp cận chuẩn đầu ra, nghĩa là mục tiêu dạy học được mô tả chi tiết, có thể quan sát được, đánh giá được, tập trung vào hệ thống năng lực cần có ở học viên sau khi kết thúc quá trình đào tạo. Mục tiêu dạy học truyền thống chủ yếu do chuẩn kiến thức, kĩ năng, thái độ của chương trình đào tạo quy định, theo các mức độ nhớ, hiểu, vận dụng, phân tích, tổng hợp, đánh giá. Mục tiêu dạy học theo hướng phát triển năng lực người học không chỉ là kết quả kiến thức, kĩ năng, thái độ cần đạt được mà còn là cách thức, con đường người học “đi” từ kiến thức, kĩ năng, kinh nghiệm đã có “đến” những kết quả đó. Như vậy, Mục tiêu dạy học theo hướng phát triển năng lực không chỉ coi trọng kết quả: người học đạt được điều gì (kiến thức, kĩ năng, thái độ hay hành vi), mà còn coi trọng quá trình: người học tư duy, giải quyết vấn đề, trải nghiệm, khám phá, vận dụng kiến thức, kĩ năng, kinh nghiệm vào thực tiễn cuộc sống.
Chủ thể dạy học
Chủ thể dạy học các môn KHXH&NV theo hướng phát triển năng lực người học là đội ngũ giảng viên ở các TSQQĐ. Đây là người trực tiếp tổ chức, định hướng, giúp đỡ và giáo dục người học. Trong quá trình dạy học theo hướng phát triển năng lực người học, giảng viên tổ chức liên tiếp các hoạt động học tập, qua đó giúp học viên tự khám phá những điều chưa biết chứ không phải thụ động tiếp thu những tri thức đã được sắp đặt sẵn. Giảng viên cũng chú trọng rèn luyện cho học viên những tri thức phương pháp để họ biết cách tự tìm kiếm thông tin, tri thức từ giáo trình, tài liệu, biết cách suy luận để tìm tòi, phát hiện kiến thức mới … rèn luyện cho học viên các thao tác tư duy như phân tích, tổng hợp, khái quát hóa, trừu tượng hóa, so sánh, đối chiếu …để dần hình thành và phát triển tiềm năng sáng tạo của họ. Ngoài ra, giảng viên cũng tăng cường phối hợp học tập cá thể với học tập hợp tác nhóm nhằm tạo điều kiện cho học viên nghĩ nhiều hơn, làm nhiều hơn và thảo luận nhiều hơn. Để mỗi học viên vừa cố gắng tự lực một cách độc lập, vừa hợp tác chặt chẽ với nhau trong quá trình tiếp
cận, phát hiện và tìm tòi kiến thức mới. Lớp học trở thành môi trường giao tiếp thầy – trò và trò – trò nhằm vận dụng sự hiểu biết và kinh nghiệm của từng cá nhân và tập thể trong giải quyết các nhiệm vụ học tập chung.
Đối tượng dạy học
Đối tượng dạy học các môn KHXH&NV ở TSQQĐ là tất cả học viên đào tạo sĩ quan cấp phân đội ở các TSQQĐ. Trong dạy học theo hướng phát triển năng lực, học viên vừa là đối tượng chịu sự tác động của hoạt động dạy, vừa là chủ thể tự tổ chức, tự điều khiển các hoạt động nhận thức của bản thân, bằng năng lực cá nhân của mình tham gia vào tiếp nhận và giải quyết các vấn đề học tập để chiếm lĩnh tri thức, kĩ xảo, kĩ năng, qua đó làm thay đổi, phát triển những năng lực, phẩm chất của bản thân. Đồng thời, trong quá trình học tập người học còn phải tham gia vào các hoạt động học tập có tính chất nhóm, chia sẻ, giúp đỡ, phản biện để nhóm hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập đã đề ra. Như vậy, trong dạy học theo hướng phát triển năng lực, người học chủ động tiếp thu tri thức, kỹ năng, thái độ không phải tiếp thu thụ động, ghi nhớ máy móc.
Nội dung dạy học
Nội dung dạy học các môn KHXH&NV ở TSQQĐ thông thường được chắt lọc từ chương trình, giáo trình, tài liệu in sẵn và từ giáo án, kinh nghiệm thực tiễn của giảng viên. Do đó, nội dung dạy học bảo đảm tính khoa học, cơ bản, hiện đại, tính thực tiễn, tính giáo dục, sát với mục tiêu, nhiệm vụ dạy học và đối tượng học viên. Tuy nhiên, nhiều nội dung dạy học còn mang tính hàn lâm, bày sẵn, áp đặt hoặc theo khuôn mẫu mang tính đồng loạt dành cho mọi đối tượng người học. Nội dung dạy học các môn KHXH&NV ở TSQQĐ theo hướng phát triển năng lực người học, một mặt căn cứ vào chương trình môn học, mục tiêu của bài học đã đề ra, mặt khác gắn liền với bối cảnh cuộc sống, với thực tiễn quân đội, xã hội, đồng thời tăng cường nội dung thực hành gắn với nhiệm vụ, chức trách và thực tiễn nghề nghiệp hoạt động quân sự của từng đối tượng học viên, qua đó giúp học viên phát triển năng lực vận dụng, bảo đảm được tính bền vững của những tri thức, kĩ năng được hình thành trên lớp, làm cho việc học tập trở nên hứng thú và tích cực hơn. Ngoài ra, nội dung dạy học cũng sát với từng đối tượng học viên, đây là điều kiện giúp họ
thực hiện được thành công các hoạt động học tập, phát triển được năng lực, khắc phục được những mặt hạn chế, yếu kém (nếu có) và đồng thời phát huy được những mặt mạnh, yếu tố tích cực, năng khiếu của từng học viên.
Phương pháp, phương tiện dạy học
Đối với dạy học các môn KHXH&NV ở TSQQĐ theo hướng phát triển năng lực người học, PPDH có sự kết hợp đa dạng nhiều phương pháp hướng tới mục tiêu hình thành, phát triển năng lực cho học viên như: phương pháp thuyết trình, đàm thoại, trình bày trực quan, thảo luận nhóm, đóng vai nhận thức, kiểm tra, đánh giá.... Ngoài ra, giảng viên cũng tích hợp nhiều PPDH hiện đại nhằm kích thích tính tích cực học tập của học viên. Các PPDH coi trọng làm phát triển tư duy của học viên, đưa học viên tham gia trải nghiệm nhiều hoạt động khác nhau, bồi dưỡng phương pháp tự học, tự nghiên cứu.
Trên cơ sở đó, học viên có khả năng tự tìm tòi, phát hiện, tự làm giàu vốn kiến thức của mình, tự vận dụng kiến thức vào thực tiễn cuộc sống, làm chủ được bản thân trong môi trường cuộc sống đa dạng, nhờ đó mà khơi nguồn cho sự nhận thức sáng tạo, tạo động lực cho sự phát triển năng lực.
Sử dụng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật hiện đại vào quá trình dạy học nói chung và dạy học các môn KHXH&NV theo hướng phát triển năng lực nói riêng ở các TSQQĐ hiện nay là rất cần thiết. Các TSQQĐ đã đầu tư, mua sắm, trang bị nhiều phương tiện dạy học hiện đại để phục vụ cho quá trình dạy học, nổi bật là việc ứng dụng Powerpoint để xây dựng các bài giảng và sử dụng các phương tiện: máy vi tính, máy chiếu đa năng, máy ảnh kỹ thuật số, các băng đĩa ghi âm, ghi hình…để minh họa cho bài giảng, giảm tính trừu tượng, làm cho người học dễ tiếp thu, chủ động trong quá trình học tập, chủ động trong suy nghĩ, mạnh dạn bày tỏ ý kiến, tranh luận, tích cực tham gia vào quá trình dạy học, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho sự hình thành và phát triển năng lực người học.
Hình thức tổ chức dạy học
Ở các TSQQĐ hiện nay, các hình thức tổ chức dạy học ngày càng phát triển đa dạng và phong phú, bên cạnh các hình thức tổ chức cơ bản: bài giảng, tự học, xêmina, thảo luận, thực hành, thực tập, kiểm tra đánh giá kết quả học tập …
còn có các hình thức như: tham quan, phụ đạo, ngoại khóa, trải nghiệm thực tế
… Đối với dạy học các môn KHXH&NV theo hướng phát triển năng lực người học thường chú trọng hình thức dạy học cá nhân, song do tính chất đào tạo theo niên chế ở TSQQĐ nên hình thức dạy học chủ yếu là tổ chức hoạt động trên lớp tập trung kết hợp với hoạt động nhóm, lớp ở đơn vị. Để dạy học các môn KHXH&NV theo hướng phát triển năng lực có hiệu quả, giảng viên cần thường xuyên phối hợp, giữ mối liên hệ chặt chẽ với các đơn vị quản lý học viên. Đồng thời, có sự kết hợp hợp lý giữa hình thức học tập trên lớp với các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm thực tế, để học viên có thể tham gia nhiều loại hình hoạt động khác nhau: đố vui, tham quan, văn nghệ, báo tường, các trò chơi, lao động công ích ...qua đó vừa giúp học viên giải tỏa những áp lực, căng thẳng từ việc học tập, vừa có tác dụng làm phát triển năng lực người học.
Kiểm tra, đánh giá kết quả học tập
Kiểm tra, đánh giá là một khâu quan trọng được thực hiện trong suốt quá trình dạy học, có tác dụng điều chỉnh, định hướng việc học tập của học viên. Các TSQQĐ hiện nay thường sử dụng kiểm tra đánh giá định kỳ và kết thúc môn học để đánh giá kết quả học tập của người học. Mục đích nặng về xếp loại học viên với các mức độ như: xuất sắc, giỏi, khá, trung bình, yếu. Nội dung chủ yếu theo chuẩn kiến thức, kĩ năng theo barem điểm có sẵn, đánh giá bằng điểm số theo kết quả bài thi, bước đầu đánh giá được năng lực vận dụng, chưa đánh giá được các năng lực chung... với cách thức kiểm tra, đánh giá hiện nay khó xác định chính xác được năng lực và sự phát triển năng lực của người học. Do đó, ngoài kiểm tra, đánh giá theo định kỳ và kết thúc môn học nên kết hợp với nhiều loại hình khác: đánh giá quá trình, đánh giá đồng đẳng, tự đánh giá... đồng thời bám sát chuẩn đầu ra của học phần và chương trình đào tạo, Trong quá trình dạy học các môn KHXH&NV theo hướng phát triển năng lực người học, giảng viên cần thường xuyên kiểm tra, đánh giá kiến thức, kĩ năng, thái độ và năng lực vận dụng kiến thức môn học trong xử lý các tình huống gắn với thực tiễn của người học, điều này góp phần đánh giá khách quan, chính xác hơn kết quả học tập cũng như năng lực đạt được của người học trong suốt quá trình học tập các môn KHXH&NV.