Chương 3 THỰC TRẠNG DẠY HỌC CÁC MÔN KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ
3.6. Đánh giá chung về thực trạng
3.5.1. Ưu điểm và nguyên nhân của những ưu điểm 3.5.1.1. Ưu điểm
Thứ nhất, mục tiêu dạy học các môn KHXH&NV được đổi mới ngày càng đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ giáo dục đào tạo của các TSQQĐ, hướng tới sự phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực người học.
Trong bối cảnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo ở các nhà trường, mục tiêu dạy học các môn KHXH&NV được xây dựng bám sát với yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng quân đội thời kỳ mới; đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Cùng với mục tiêu về kiến thức, kĩ năng, thái độ, thì các mục tiêu phát triển năng lực, đặc biệt là năng lực vận dụng hệ thống kiến thức, kĩ năng vào thực tiễn hoạt động quân sự đã được các nhà trường quan tâm, xây dựng nhằm hướng đến phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực cho học viên đáp ứng những đòi hỏi của nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Để thực hiện mục tiêu dạy học việc vận dụng các lý thuyết, quan điểm, PPDH mới vào quá trình dạy học đang được các nhà trường quan tâm, đẩy mạnh, trong đó vận dụng DHNVĐ trong dạy học các môn KHXH&NV được sử dụng khá phổ biến.
Thứ hai, nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức dạy học được cải tiến theo hướng phát triển năng lực người học.
Nội dung dạy học các môn KHXH&NV từng bước được “chuẩn hóa, hiện đại hóa” bảo đảm tính khoa học, cơ bản, hiện đại; bám sát với thực tiễn hoạt động quân sự, phù hợp với nhận thức của học viên. PPDH thường xuyên được đổi mới, phù hợp với sự phát triển của nền giáo dục hiện đại. Bước đầu giảng viên đã nghiên cứu, vận dụng một số phương pháp, hình thức tổ chức dạy học tích cực vào quá trình dạy học các môn KHXH&NV và đã thu được những kết quả nhất định, kích thích được tính tích cực, chủ động, tư duy độc lập, sáng tạo của người học, qua đó làm phát triển năng lực cần thiết cho họ.
Thứ ba, giảng viên đã chủ động, tích cực sáng tạo trong nghiên cứu, vận dụng các lý thuyết, quan điểm, PPDH hiện đại vào quá trình dạy học, trong đó nổi bật là vận dụng DHNVĐ.
Đội ngũ giảng viên luôn tích cực, chủ động trong công tác, đặc biệt là tích cực nghiên cứu, xây dựng bài giảng mang tính định hướng cao, sát với đối tượng học viên và thực tiễn hoạt động quân sự. Bên cạnh đó, giảng viên cũng thường xuyên bổ sung, cập nhật kiến thức mới của khoa học chuyên ngành. Vì vậy, bài giảng đã phản ánh được thực tiễn phát triển của khoa học
và thực tiễn yêu cầu nhiệm vụ xây dựng quân đội thời kỳ mới, đồng thời sát với chức trách, nhiệm vụ của học viên sau khi tốt nghiệp ra trường.
Giảng viên đã có nhận thức đúng đắn về DHNVĐ. Tuy mới chỉ là những nhận thức ban đầu, nhưng là điều kiện quan trọng để vận dụng DHNVĐ vào quá trình dạy học. Trong đó, đa số giảng viên đánh giá cao khả năng vận dụng DHNVĐ vào dạy học các môn KHXH&NV từ việc xác định mục tiêu, thiết kế nội dung đến lựa chọn phương pháp, hình thức tổ chức dạy học theo hướng phát triển năng lực người học ở các TSQQĐ hiện nay.
Thứ tư, học viên đã tích cực, chủ động trong học tập.
Đội ngũ học viên cơ bản có thái độ, động cơ học tập đúng đắn; hứng thú với những phương pháp, hình thức dạy học tích cực, đòi hỏi phải có sự tư duy sáng tạo, phát huy vốn kinh nghiệm của bản thân vào quá trình học tập. Vì vậy, học viên luôn tích cực, chủ động trong việc tự học, tự nghiên cứu, sưu tầm tài liệu để củng cố và mở rộng kiến thức. Đây là cơ sở quan trọng cho việc vận dụng có hiệu quả DHNVĐ vào dạy học các môn KHXH&NV ở TSQQĐ hiện nay.
Thứ sáu, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học bảo đảm tương đối tốt cho quá trình đổi mới giáo dục.
Các TSQQĐ đã có nhiều quan tâm đầu tư, mua sắm, trang bị những cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học hiện đại để bảo đảm tốt cho quá trình dạy học, cũng như có những cơ chế, chính sách động viên, khuyến khích giảng viên đổi mới, sáng tạo.
3.5.1.2. Nguyên nhân của những ưu điểm
Một là, thường xuyên nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Giám hiệu của các TSQQĐ về nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo nói chung, chất lượng dạy học các môn KHXH&NV nói riêng; đặc biệt là nghiên cứu, vận dụng PPDH tích cực vào quá trình dạy học nhằm đáp ứng mục tiêu, yêu cầu giáo dục, đào tạo của nhà trường. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, các TSQQĐ đã quán triệt và triển khai thực hiện hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Quân đội, nhất là Nghị quyết số 29 NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo;
Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, coi “Giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển đất nước”[18, tr.136]. Trong bối cảnh mới và yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng quân đội và bảo vệ tổ quốc, Đảng ủy Ban Giám hiệu của các TSQQĐ đã có nhiều chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo thiết thực về công tác giáo dục, đào tạo thể hiện rõ trong Nghị quyết lãnh đạo nhiệm kỳ, năm học.
Đây được coi là khâu đột phá, trọng tâm, trọng điểm nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, nâng cao chất lượng dạy học các môn KHXH&NV, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo đáp ứng yêu cầu phát triển của nhà trường trong tình hình mới.
Hai là, đội ngũ giảng viên có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao, được đào tạo cơ bản, có kinh nghiệm thực tiễn chỉ huy đơn vị; có kiến thức, kĩ năng và say mê với nghề nghiệp; có trình độ sử dụng công nghệ thông tin, bắt nhịp nhanh và thích ứng linh hoạt với các PPDH hiện đại, luôn đổi mới, sáng tạo trong quá trình dạy học; có nhận thức rõ ràng, tinh thần, trách nhiệm cao với bài giảng, với bản thân và với học viên. Luôn tích cực, chủ động nghiên cứu, ứng dụng các phương pháp, hình thức dạy học tích cực nhằm nâng cao chất lượng dạy học các môn KHXH&NV. Đổi mới hình thức kiểm tra, đánh giá trong dạy học nhằm hướng đến đánh giá năng lực người học; khả năng vận dụng kiến thức, kĩ năng vào thực tiễn hoạt động quân sự làm phát triển các năng lực của người học.
Ba là, học viên nắm rõ mục tiêu, yêu cầu đào tạo và chuẩn đầu ra theo chương trình đào tạo nhà trường; có nhu cầu cao trong việc tìm kiếm, mở rộng tri thức, rèn luyện kĩ năng, phát triển năng lực để hoàn thiện bản thân, phục vụ cho hoạt động thực tiễn tại đơn vị sau khi tốt nghiệp ra trường.
Bốn là, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học hiện đại, giáo trình, tài liệu ngày càng được các nhà trường quan tâm, đầu tư mua sắm; hệ thống giảng đường, phòng học được xây mới góp phần nâng cao chất lượng dạy học nói chung, dạy học các môn KHXH&NV ở TSQQĐ nói riêng.
3.5.2. Hạn chế và nguyên nhân của những hạn chế 3.5.2.1. Hạn chế
Thứ nhất, mục tiêu dạy học chưa phù hợp với yêu cầu đổi mới giáo dục theo hướng phát triển năng lực người học.
Việc xác định mục tiêu dạy học các môn KHXH&NV của một số giảng viên còn chung chung, một số bài giảng còn nặng về mục tiêu trang bị kiến thức, chưa thật chú trọng tới rèn luyện, phát triển năng lực cho người học; đặc biệt là khả năng vận dụng hệ thống kiến thức, kĩ năng vào giải quyết các tình huống, vấn đề trong thực tiễn hoạt động quân sự cho học viên. Vì vậy, chất lượng một số bài giảng, đặc biệt là bài giảng DHNVĐ chưa cao, thiếu tính hấp dẫn, chưa đáp ứng tốt mục tiêu, nhiệm vụ dạy học đặt ra.
Thứ hai, nội dung dạy học còn nặng về lý thuyết, dàn trải, thiếu chắt lọc, chưa thật sát với chức trách, nhiệm vụ, thực tiễn hoạt động quân sự của học viên.
Nội dung dạy học các môn KHXH&NV vẫn nặng về lý thuyết, còn có nội dung chưa cập nhật, trùng lặp, mất cân đối; chưa hướng đến rèn luyện tư duy sáng tạo, năng lực vận dụng tổng hợp kiến thức, kĩ năng vào giải quyết các vấn đề sát với thực tiễn hoạt động quân sự; chưa hướng đến phát triển các kĩ năng mềm, kĩ năng xã hội cho người học. Nội dung các vấn đề học tập trong DHNVĐ còn chưa được xây dựng chu đáo, thiếu tính linh hoạt, logic, chưa sát đối tượng người học, thực tiễn nghề nghiệp hoạt động quân sự và chưa hướng tới sự phát triển năng lực cho người học.
Thứ ba, phương pháp, hình thức tổ chức dạy học các môn KHXH&NV ở TSQQĐ hiện nay mặc dù có nhiều đổi mới nhưng vẫn còn lạc hậu, giản đơn.
PPDH các môn KHXH&NV hiện nay chủ yếu tập trung vào hoạt động của giảng viên, ít có sự tương tác giữa giảng viên và học viên; chưa đáp ứng tốt yêu cầu làm phát triển năng lực cho người học. Việc đổi mới và vận dụng PPDH tích cực vào quá trình dạy học còn cứng nhắc, thiếu linh hoạt, chưa phát huy được tính tích cực, tư duy độc lập, sáng tạo của học viên trong quá trình học tập.
Việc vận dụng DHNVĐ trong PPDH còn có biểu hiện hình thức, rời rạc, chưa có sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa giảng viên và học viên.
Thứ tư, một số giảng viên chưa thật quan tâm đến hình thành các mục tiêu học tập về phát triển năng lực cho học viên.
Mặc dù có nhấn mạnh mục tiêu trên ba yếu tố về kiến thức, kĩ năng, thái độ, tuy nhiên trên thực tế vẫn chủ yếu là trang bị kiến thức cơ bản và vận dụng kiến thức ở các tình huống quen thuộc, tương đối đơn giản, mang tính khuôn mẫu, chưa hướng tới mục tiêu phát triển năng lực. Đồng thời, một bộ phận giảng viên thiếu kiến thức hệ thống; thiếu kinh nghiệm chỉ huy, huấn luyện, quản lý bộ đội, nhất là năng lực dạy học theo các lý thuyết hiện đại như là DHNVĐ.
Thứ năm, một số học viên thiếu ý thức học tập, rèn luyện, phát triển bản thân.
Ở các TSQQĐ còn có bộ phận không nhỏ học viên chưa tự giác, thiếu tính chủ động, ỷ lại, dựa dẫm vào người khác, thậm chí một số học viên tham gia học tập một cách chiếu lệ, với tư tưởng trung bình chủ nghĩa, ít cố gắng học tập, rèn luyện, phát triển bản thân dẫn đến hiệu quả DHNVĐ chưa cao.
3.5.2.2. Nguyên nhân của những hạn chế
Một là, nhận thức về DHNVĐ của giảng viên và học viên còn hạn chế nhất định, chưa hiểu biết đầy đủ về DHNVĐ, nhất là quy trình tổ chức dạy học theo kiểu DHNVĐ. Mặt khác, hầu như chưa có nhiều tài liệu chuẩn để định hướng cho giảng viên trong quá trình vận dụng DHNVĐ trong dạy các môn KHXH&NV ở TSQQĐ theo hướng phát triển năng lực người học, đây là rào cản việc nghiên cứu và vận dụng DHNVĐ vào quá trình dạy học hiện nay.
Hai là, năng lực sư phạm của đội ngũ giảng viên ở các TSQQĐ hiện nay còn những hạn chế nhất định, nhất là việc cập nhật những tri thức mới theo chuẩn quốc gia và quân đội. Một số giảng viên có tư tưởng ngại đổi mới, thiếu tích cực trong nghiên cứu, học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ là nguyên nhân dẫn đến những hạn chế trong quá trình vận dụng DHNVĐ vào dạy học các môn KHXH&NV ở các TSQQĐ theo hướng phát triển năng lực người học.
Ba là, hiện nay các TSQQĐ chưa xây dựng một quy trình chuẩn về tổ chức DHNVĐ trong dạy học các môn KHXH&NV để làm căn cứ khoa học cho giảng viên vận dụng vào thực tiễn công tác giảng dạy. Đây là chỉ dẫn quan trọng để giảng viên có bước đi, tiến trình vận dụng đúng đắn, tránh những thử nghiệm mò mẫm không mang lại hiệu quả cao. Đồng thời cũng là
căn cứ để cán bộ quản lý giáo dục và các cơ quan chức năng kiểm tra, đánh giá chất lượng vận dụng DHNVĐ trong dạy học các môn KHXH&NV theo hướng phát triển năng lực người học, từ đó có sự điều chỉnh, rút kinh nghiệm kịp thời nhằm không ngừng nâng cao chất lượng vận dụng DHNVĐ. Do đó, Đòi hỏi các TSQQĐ cần quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo việc nghiên cứu, xây dựng quy trình tổ chức DHNVĐ để giảng viên vận dụng DHNVĐ vào quá trình dạy học các môn KHXH&NV đạt hiệu quả cao. Đồng thời tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ, năng lực của đội ngũ giảng viên, nhất là năng lực dạy học theo kiểu DHNVĐ.
Bốn là, nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức dạy học các môn KHXH&NV đã thường xuyên được đổi mới, tiếp cận với những PPDH hiện đại.
Tuy nhiên, nội dung dạy học các môn KHXH&NV còn mang tính hàn lâm, chưa theo kịp sự phát triển của khoa học, thực tiễn kinh tế - xã hội và thực tiễn hoạt động quân sự. Vận dụng các PPDH hiện đại còn cứng nhắc, chưa có sự biến hóa, thiếu linh hoạt dẫn đến chưa phát huy được tính tích cực nhận thức, tư duy sáng tạo trong học tập của học viên. Hình thức dạy học đơn điệu, thiếu tính thực hành, trải nghiệm là nguyên nhân dẫn đến chất lượng dạy học các môn KHXH&NV chưa đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu dạy học theo hướng phát triển năng lực.
Kiểm tra, đánh giá còn nặng về yêu cầu tái hiện kiến thức, chưa mang tính tổng hợp cao, chưa đòi hỏi học viên phải suy luận, sáng tạo trong cách giải quyết vấn đề, nhất là chưa hướng vào đánh giá năng lực của học viên. Hình thức đánh giá thì chưa đa dạng, phong phú, chủ yếu là hình thức tự luận, vấn đáp, chưa kết hợp được nhiều hình thức kiểm tra, đánh giá toàn diện kết quả học tập của học viên.
Năm là, điều kiện bảo đảm cho quá trình dạy học các môn KHXH&NV và điều kiện để vận dụng các lý thuyết hiện đại đã được các nhà trường quan tâm, bảo đảm. Tuy nhiên, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học hiện đại chưa đồng bộ;
giáo trình, tài liệu tham khảo chưa phong phú, đa dạng; quân số lớp học đông là nguyên nhân ảnh hưởng đến chất lượng dạy học. Vận dụng DHNVĐ trong dạy học các môn KHXH&NV theo hướng phát triển năng lực người học còn thiếu cơ chế, hướng dẫn của cơ quan chức năng, dẫn đến giảng viên nhận thức chưa đầy
đủ, lúng túng trong việc vận dụng DHNVĐ vào xác định mục tiêu, thiết kế nội dung, sử dụng PPDH thích hợp. Điều này đòi hỏi các TSQQĐ cần có cơ chế, chính sách để khuyến khích giảng viên tích cực nghiên cứu, đầu tư thời gian, công sức, trí tuệ vào quá trình vận dụng DHNVĐ. Có như vậy mới lôi cuốn, tạo hứng thú, phát huy được tính tích cực, chủ động, độc lập, sáng tạo của học viên trong học tập các môn KHXH&NV hiện nay.
Kết luận chương 3
Để đánh giá khách quan, chính xác thực trạng vận dụng DHNVĐ trong dạy học các môn KHXH&NV ở các TSQQĐ theo hướng phát triển năng lực người học, tác giả đã sử dụng tổng hợp các phương pháp nghiên cứu khác nhau của Khoa học Giáo dục, bao gồm các phương pháp cụ thể như: phương pháp nghiên cứu tài liệu; phương pháp điều tra bằng bảng hỏi;
phương pháp quan sát; phương pháp phỏng vấn; phương pháp chuyên gia;
phương pháp xử lý số liệu bằng thống kê toán học. Với từng phương pháp cụ thể, đã xác định rõ về mục đích, nội dung, đối tượng, khách thể, phương pháp, cách thức tiến hành để thuận lợi cho việc triển khai thực hiện và mang lại ý nghĩa thiết thực cho vấn đề nghiên cứu.
Kết quả nghiên cứu thực trạng dạy học các môn KHXH&NV ở TSQQĐ được đánh giá toàn diện cả về mục tiêu, nội dung, phương pháp, hình thức kiểm tra, đánh giá, cơ sở vật chất bảo đảm. Đồng thời, tác giả tiến hành điều tra, khảo sát thực trạng vận dụng DHNVĐ trong dạy học các môn KHXH&NV ở các TSQQĐ theo hướng phát triển năng lực người học. Trong đó, khảo sát, đánh giá thực trạng nhận thức của giảng viên và học viên về DHNVĐ; khảo sát, đánh giá thực trạng vận dụng DHNVĐ vào xác định mục tiêu, thiết kế nội dung, lựa chọn, sử dụng phương pháp, hình thức tổ chức dạy học và kiểm tra đánh giá. Trên cơ sở đánh giá thực trạng dạy học các môn KHXH&NV và thực trạng DHNVĐ trong dạy học các môn KHXH&NV theo hướng phát triển năng lực người học, chỉ ra ưu điểm, hạn chế và nguyên nhân. Đây là cơ sở khoa học để đề ra các yêu cầu, giải pháp vận dụng DHNVĐ trong dạy học các môn KHXH&NV ở các TSQQĐ hiện nay theo hướng phát triển năng lực người học đạt chất lượng, hiệu quả.