Dạy học nêu vấn đề và vận dụng dạy học nêu vấn đề trong dạy học các môn khoa học xã hội và nhân văn ở các trường sĩ quan quân đội

Một phần của tài liệu Vận dụng dạy học nêu vấn đề trong dạy học các môn khoa học xã hội và nhân văn ở các trường sĩ quan quân đội theo hướng phát triển năng lực người học (Trang 48 - 71)

Chương 2 NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ DẠY HỌC NÊU VẤN ĐỀ VÀ VẬN

2.2. Dạy học nêu vấn đề và vận dụng dạy học nêu vấn đề trong dạy học các môn khoa học xã hội và nhân văn ở các trường sĩ quan quân đội

2.2.1. Những vấn đề lý luận về dạy học nêu vấn đề 2.2.1.1. Khái niệm về dạy học nêu vấn đề

* Vấn đề

Theo từ điển tiếng Việt: “Vấn đề là điều cần được xem xét, nghiên cứu, giải quyết” [107, tr.1105].

Chủ tịch Hồ Chí Minh giải thích: “Sao gọi là vấn đề? Khi việc gì có mâu thuẫn phải tìm cách giải quyết, tức là có vấn đề” [59, tr.342].

Tác giả Lê Phước Lộc cho rằng: “Vấn đề là một số sự việc, một hiện tượng, một khái niệm, một hiện trạng tồn tại khách quan có thể ta chưa biết nó hoặc biết rất ít về nó, mà ta gặp phải trong tư duy, trong hành động” [52, tr.56].

Như vậy, vấn đề có nhiều cách hiểu khác nhau, theo cách hiểu chung nhất, vấn đề là những sự vật, hiện tượng có mối quan hệ nào đó với nhau buộc nhà nghiên cứu phải giải quyết, trong đó một dạng quan hệ nổi bật thường gợi ra nhất của vấn đề là mối quan hệ có mâu thuẫn. Vấn đề có thể là một khó khăn, thách thức, mâu thuẫn nào đó cần phải xem xét, phân tích, lý giải, giải quyết. Vấn đề có thể xuất hiện cả trong cuộc sống và trong nhận thức của con người trên nhiều lĩnh vực khác nhau: học tập, công việc, gia đình, môi trường, chính trị, kinh tế, xã hội...

Theo quan niệm của tác giả, vấn đề là những điều chứa đựng mâu thuẫn cần phải giải quyết.

Trong cuộc sống, luôn có nhiều mâu thuẫn đặt ra giữa: cao - thấp; nặng - nhẹ; phải - trái; đúng - sai; tích cực - tiêu cực, ... khi con người có xu hướng giải quyết mâu thuẫn ấy thì thành vấn đề của cuộc sống.

Trong nhận thức, cũng luôn tồn tại nhiều mâu thuẫn: giữa cái đã biết với cái chưa biết; giữa cái đã biết với thực tiễn thay đổi, giữa nhận thức với hành động, giữa trình độ đã biết với trình độ cần hướng tới, giữa hành động vẫn làm với hành động cần làm, phải làm; giữa lý luận với thực tiễn, giữa lý luận này với lý luận khác, giữa thực tiễn này với thực tiễn khác...chỉ khi nào chúng ta coi những mâu thuẫn ấy cần phải giải quyết thì mới thành vấn đề nhận thức.

* Vấn đề học tập

Vấn đề học tập là một bộ phận của vấn đề nhận thức nói chung, đây là những vấn đề phát sinh trong quá trình dạy học ở các nhà trường. Trong DHNVĐ việc xây dựng và tạo ra vấn đề học tập là cốt lõi để tổ chức, tiến hành kiểu dạy học này. Gọi là vấn đề học tập vì nó là một đơn vị nội dung khoa học của môn học mà người học chưa hiểu, chưa biết, nhưng cần phải biết, nó chứa đựng tính vấn đề đối với người học.

Vấn đề học tập là những vấn đề chứa mâu thuẫn nhận thức mà người học gặp phải trong quá trình dạy học.

Đó có thể là mâu thuẫn giữa các quan điểm trái ngược nhau, giữa lý

thuyết đã biết và chưa biết, giữa lý luận và thực tiễn, giữa thực tiễn mới mà lý luận chưa đề cập... mà người học gặp phải trong quá trình học tập của mình.

Tuy nhiên các vấn đề học tập, các mâu thuẫn tồn tại khách quan với người học, chỉ khi người học nhận thức được sự tồn tại của mâu thuẫn, có nhu cầu và khả năng giải quyết mâu thuẫn đó thì mâu thuẫn khách quan mới chuyển thành mâu thuẫn chủ quan, lúc này người học ở trong THCVĐ. Như vậy cùng một vấn đề học tập nhưng không phải ai cũng đứng trong THCVĐ.

Có vấn đề học tập nhưng chưa chắc đã có THCVĐ. Điều kiện để vấn đề học tập trở thành THCVĐ là người học phải ý thức được vấn đề học tập, có mong muốn, trách nhiệm, nghĩa vụ và khả năng giải quyết vấn đề học tập. Để tạo ra THCVĐ phụ thuộc vào trình độ, năng lực của người dạy, nhu cầu, động cơ, khả năng của người học và phụ thuộc vào chính các vấn đề học tập cụ thể.

Những biểu hiện cơ bản của vấn đề học tập, gồm:

Câu hỏi có vấn đề: là câu hỏi kích thích tư duy của người học, có tính vấn đề và chứa đựng các vấn đề học tập của môn học, bài học. Hay nói cách khác đó là vấn đề học tập được đặt ra dưới dạng câu hỏi. Mỗi vấn đề học tập thường được chuyển hoá thành một câu hỏi vấn đề tương đương;

Nhiệm vụ có vấn đề: là vấn đề học tập được đặt ra dưới dạng một nhiệm vụ, một bài tập nhận thức, một giả thuyết, giả định... đòi hỏi người học phải chứng minh, luận giải nó. Mỗi một vấn đề học tập đều chứa đựng các nhiệm vụ dạy học nhất định.

Tình huống lý luận và thực tiễn có vấn đề: là những tình huống xuất phát từ lý luận hoặc thực tiễn, ẩn chứa các nội dung hoặc mối quan hệ với nội dung bài học được giáo viên khai thác và xây dựng thành vấn đề học tập phù hợp.

* Dạy học nêu vấn đề

Tác giả I. Ia. Lecne đưa ra định nghĩa: “Dạy học nêu vấn đề là phương pháp dạy học trong đó, sinh viên tham gia một cách có hệ thống vào quá trình giải quyết các vấn đề và các bài toán có vấn đề được xây dựng theo nội dung tài liệu trong chương trình”

[39, tr.6]. Trong quan niệm này, tác giả đã nhấn mạnh đến vai trò tích cực của người học trong việc tham gia vào giải quyết các vấn đề được xây dựng theo nội dung có trong chương trình. Tuy nhiên, trong thực tế, việc giải quyết vấn đề của người học không thể

thực hiện một cách tùy tiện mà phải có sự tổ chức, định hướng của người dạy.

Ở một góc độ khác, tác giả I. F. Khaclamov khi quan niệm về DHNVĐ đã nhấn mạnh tới “tình huống có vấn đề”, đây là nhân tố cốt lõi của DHNVĐ:

Dạy học nêu vấn đề bao gồm tạo ra trước người học những tình huống có vấn đề làm cho các em ý thức được, thừa nhận và giải quyết tình huống này trong quá trình hoạt động chung của giáo viên và người học với tính tự lực cao nhất của người học và dưới sự chỉ đạo chung của giáo viên [38, tr.52].

Tác giả Z. Rez đã có sự phát triển ở chỗ làm rõ hơn về “tình huống có vấn đề”, theo tác giả trong DHNVĐ các tình huống có vấn đề phải có sự liên kết với nhau và có các mức độ phức tạp dần lên tùy thuộc vào đặc điểm của người học và mục đích của quá trình dạy học:

Dạy học nêu vấn đề là một hệ thống các tình huống có vấn đề để liên kết với nhau và phức tạp dần lên mà qua giải quyết các tình huống đó, học sinh dưới sự giúp đỡ và chỉ bảo của thầy cô giáo sẽ nắm được nội dung của môn học, cách thức môn học đó, phát triển cho mình những đức tính cần thiết để sáng tạo trong khoa học và cuộc sống. Mức độ của tình huống có vấn đề và tính chất của câu hỏi mang vấn đề tùy thuộc vào trình độ phát triển và năng lực văn học của học sinh, do mục đích sư phạm của việc dạy học quy định [74, tr.135].

Theo tác giả Phạm Viết Vượng: “Dạy học nêu vấn đề là phương pháp dạy học, trong đó giáo viên tạo ra các tình huống mâu thuẫn, đưa người học vào trạng thái tâm lí phải tìm tòi khám phá, từ đó giáo viên hướng dẫn, khích lệ người học tìm cách giải quyết để nắm được kiến thức, phát triển trí tuệ và thái độ học tập tốt” [113, tr.187]. Quan niệm này của tác giả đã chỉ ra trọng tâm của DHNVĐ là “tạo ra các tình huống mâu thuẫn”, thông qua đó kích thích người học tìm tòi, khám phá, tham gia giải quyết vấn đề nhằm thực hiện các mục tiêu dạy học về kiến thức, kĩ năng và thái độ.

Như vậy, dạy học “nêu vấn đề” được gọi bằng nhiều thuật ngữ khác nhau như: dạy học “nêu và giải quyết vấn đề”, “đặt và giải quyết vấn đề”,“phát hiện và giải quyết vấn đề”, “giải quyết vấn đề”…. Tuy thuật ngữ có khác nhau,

song cơ bản các quan điểm tương đối đồng nhất về các yếu tố cốt lõi của DHNVĐ là: “nêu vấn đề”, “tình huống có vấn đề” và “giải quyết vấn đề”.

Dạy học nêu vấn đề có thể được hiểu dưới nhiều góc độ khác nhau: khi là kiểu dạy học, DHNVĐ là một mô hình, cách tiếp cận trong dạy học, bao gồm tổng thể các PPDH và cách thức tổ chức, tiến hành dạy học, DHNVĐ có thể liên kết, vận dụng trong các PPDH cụ thể như: thuyết trình nêu vấn đề, đàm thoại nêu vấn đề ...; khi là PPDH, DHNVĐ là cách thức phối hợp hoạt động giữa người dạy và người học, trong đó người dạy nêu lên những vấn đề, tạo ra THCVĐ, điều khiển người học phát hiện vấn đề, hoạt động tự giác, tích cực, chủ động, sáng tạo để giải quyết vấn đề, thông qua đó chiếm lĩnh tri thức, rèn luyện kĩ năng và đạt được những mục đích học tập khác; khi là kĩ thuật dạy học, DHNVĐ là những cách thức hành động của giáo viên và người học trong các tình huống hành động nhỏ nhằm thực hiện và điều chỉnh quá trình dạy học, như: kĩ thuật nêu vấn đề, kĩ thuật tạo THCVĐ, kĩ thuật tổ chức giải quyết vấn đề, thảo luận nhóm ...

Theo cách tiếp cận và phạm vi nghiên cứu của luận án, tác giả quan niệm:

Dạy học nêu vấn đề là một kiểu dạy học, trong đó người dạy nêu lên các vấn đề học tập, đưa người học vào tình huống có vấn đề và tổ chức cho người học giải quyết vấn đề qua đó thực hiện các mục tiêu dạy học đã xác định.

Dạy học nêu vấn đề là một kiểu dạy học, bản chất là đặt ra trước người học các vấn đề học tập có chứa đựng mâu thuẫn giữa cái đã biết và cái chưa biết nhưng cần phải biết, đưa người học vào THCVĐ, kích thích người học tự giác, có nhu cầu mong muốn giải quyết vấn đề, kích thích hoạt động tư duy tích cực, sáng tạo của người học trong quá trình giải quyết vấn đề, tức là làm cho người học tích cực, tự giác trong việc giành lấy kiến thức một cách chủ động, qua đó thực hiện các mục tiêu dạy học đề ra.

Trong DHNVĐ có sự phối hợp thống nhất giữa hoạt động của người dạy và người học theo một phương thức đặc trưng của DHNVĐ: nêu vấn đề - tìm tòi, sáng tạo. Người dạy đóng vai trò là người lựa chọn, thiết kế, nêu (đặt/phát hiện/trình bày) các vấn đề học tập, đưa người học vào THCVĐ để làm nảy sinh ở họ nhu cầu bức thiết muốn được giải quyết vấn đề và tổ chức

cho người học giải quyết các vấn đề học tập, qua đó thực hiện các mục tiêu dạy học. Trong quá trình người học giải quyết vấn đề người dạy hướng dẫn, điều khiển, động viên, khuyến khích hoạt động tìm tòi, sáng tạo, phát hiện, khám phá của người học. Đối với người học, trong DHNVĐ họ được phát huy tính tích cực, tự giác, say mê đi tìm tòi và giải quyết vấn đề đã đặt ra. Hoạt động của người học mang tính độc lập, chủ động cao nhằm tự mình chiếm lĩnh phương án giải quyết vấn đề thông qua đó giúp người học nắm vững kiến thức, cách thức giải quyết vấn đề, bồi dưỡng lòng say mê học tập, tính kiên trì bền bỉ, lòng khát khao được chinh phục khám phá, vì thế không ngừng làm phát triển năng lực cần thiết cho bản thân.

Mục đích của DHNVĐ không chỉ là trang bị kiến thức, kĩ xảo, kĩ năng cho người học mà còn là rèn luyện phát triển trí tuệ, tư duy độc lập sáng tạo, bồi dưỡng, phát triển năng lực phát hiện và giải quyết các vấn đề, xử lý các tình huống xảy ra trong lý luận và thực tiễn nghề nghiệp sau này. Mặt khác DHNVĐ góp phần hình thành những phẩm chất cần thiết cho con người trong thời đại mới như tính độc lập tự chủ, kiên trì bền bỉ, năng động, sáng tạo.

2.2.1.2. Các mức độ của dạy học nêu vấn đề

Giáo viên cần căn cứ vào nội dung, chương trình đào tạo, đặc điểm đối tượng người học và độ khó của vấn đề học tập mà có thể tiến hành DHNVĐ theo các mức độ sau:

Mức độ thứ nhất: Giáo viên thực hiện toàn bộ các bước: nêu vấn đề, tạo ra THCVĐ và tự mình giải quyết. Đây là mức độ thấp nhất của việc DHNVĐ, áp dụng cho học sinh chưa quen với cách học tập này. Đồng thời, có thể áp dụng khi buổi học có nhiều vấn đề mà không đủ thời gian để giải quyết tất cả.

Mức độ thứ hai: Giáo viên nêu vấn đề, tạo ra THCVĐ sau đó tổ chức cho học sinh giải quyết một phần của vấn đề. Ở đây, học sinh đã tham gia vào giải quyết vấn đề, tuy nhiên chỉ là một phần của vấn đề, do các điều kiện về thời gian, năng lực và hoàn cảnh cụ thể quy định.

Mức độ thứ ba: Giáo viên hoặc học sinh nêu vấn đề, tạo ra THCVĐ, tổ chức cho học sinh giải quyết toàn bộ vấn đề đã đặt ra. Đây là mức độ cao của DHNVĐ, áp dụng cho người học đã quen với cách thức làm việc độc lập.

Mức độ thứ tư: Giáo viên gợi ý để người học độc lập phát hiện vấn đề và tự giải quyết trọn vẹn vấn đề. Đây là mức độ cao nhất của DHNVĐ. Mức độ này có thể tiến hành trên lớp học song chủ yếu là để tiến hành khi giao các bài tập hoặc các chủ đề, nhiệm vụ học tập cho học sinh tự học, tự nghiên cứu.

Như vậy, DHNVĐ có nhiều mức độ khác nhau, tùy thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh, đối tượng cụ thể mà giáo viên lựa chọn mức độ thích hợp.

2.2.1.3. Đặc điểm của dạy học nêu vấn đề

Dạy học nêu vấn đề là một kiểu dạy học, dạy cho người học tư duy, năng lực phát hiện và giải quyết vấn đề

Dưới góc độ nghiên cứu của luận án, DHNVĐ là một kiểu dạy học bao hàm một hệ phương pháp trong đó phương pháp xây dựng các vấn đề học tập, tạo THCVĐ và tổ chức giải quyết vấn đề có tác dụng gắn bó với các phương pháp khác thành một hệ hoàn chỉnh trong quá trình dạy và học. Như vậy, giáo viên có thể sử dụng kết hợp nhiều PPDH khác nhau để thực hiện kiểu dạy học này.

Trong DHNVD, người học liên tục phải tham gia vào quá trình giải quyết các vấn đề học tập dưới sự tổ chức, hướng dẫn, giúp đỡ của giáo viên, điều này làm cho người học phải liên tục tư duy, vận dụng những kiến thức, kinh nghiệm đã có vào giải quyết vấn đề nhờ đó mà tư duy phát hiện và giải quyết vấn đề thường xuyên được luyện tập, thực hành, qua đó giúp họ sớm hình thành năng lực phát hiện và giải quyết những vấn đề trong thực tiễn. Đây là năng lực rất quan trọng trong bối cảnh hiện nay, khi đất nước đối mặt với nhiều thách thức phức tạp và đa dạng trên nhiều lĩnh vực: kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội, khoa học và công nghệ ...Năng lực nhận biết và giải quyết vấn đề giúp người học nhận biết rõ các thách thức đang tồn tại, tìm ra cách tiếp cận và đưa ra giải pháp phù hợp. Mặt khác, năng lực giải quyết vấn đề còn giúp người học nhanh chóng thích nghi với sự thay đổi, tìm ra những ý tưởng mới, tạo ra những giải pháp sáng tạo, đột phá và thúc đẩy sự phát triển và thành công.

Phát huy được vai trò chủ thể của người học trong học tập, thực sự lấy người học làm trung tâm.

Trong DHNVĐ, giáo viên không còn độc thoại, độc diễn và không giữ vai trò chủ đạo trong cung cấp kiến thức cho người học, mà phải dẫn dắt học sinh tự tìm ra kiến thức, kết nối kiến thức đã có với vấn đề cần giải quyết, kích

hoạt các kĩ năng tư duy của học sinh, để họ chủ động, sáng tạo trong học tập.

Bên cạnh đó, giáo viên cần trao quyền cho học sinh, nghĩa là giáo viên không còn ở vị trí hoàn toàn kiểm soát, là người độc tôn đưa ra ý kiến mà phải phát huy vai trò chủ thể của người học, tôn trọng, lắng nghe người học, tạo sự tương hỗ để người học đưa ra ý kiến trong một cộng đồng hợp tác với nhau. Mỗi đối tượng người học sẽ có những tiềm năng phát triển khác nhau, giáo viên luôn tạo ra môi trường học tập tích cực, tạo điều kiện kích thích sự phát triển các tiềm năng đó.

Nội dung dạy học được thiết kế thành các vấn đề học tập

Giáo viên căn cứ vào chương trình dạy học, mục tiêu của môn học, bài học, những chuẩn kiến thức, kĩ năng, thái độ học sinh cần đạt được để lựa chọn nội dung và thiết kế những nội dung dạy học đó thành các vấn đề học tập phù hợp, hệ thống. Tiếp đó là người dạy tạo dựng bối cảnh liên quan đến vấn đề học tập đó, để tạo ra sự liên kết, gần gũi giữa vấn đề học tập với người học. Bối cảnh này gợi ra sự mâu thuẫn, khó khăn, thách thức để tạo sự hấp dẫn, tò mò, thôi thúc học sinh giải quyết các vấn đề học tập. Ngoài ra, những vấn đề học tập được thiết kế phải là vấn đề mở, tức là sẽ có nhiều phương án khác nhau để giải quyết vấn đề. Những vấn đề này thường yêu cầu người học đưa ra nhiều giả thuyết khác nhau, kết hợp nhiều kiến thức liên môn, xuyên môn, kinh nghiệm thực tiễn và quan điểm đa dạng để đưa ra một giải pháp hoặc nhiều giải pháp giải quyết vấn đề. Những vấn đề học tập có thể xuất phát từ lý luận hoặc các tình huống thực tế sát với hoạt động nghề nghiệp của người học, thông qua đó nhằm giải quyết các vấn đề trong lý luận và thực tiễn đặt ra, hướng đến phát triển năng lực vận dụng kiến thức vào giải quyết các tình huống trong thực tiễn cuộc sống cho người học.

Dạy học nêu vấn đề được diễn ra trong tình huống có vấn đề

Dạy học nêu vấn đề luôn hướng tới người học, làm phát triển người học. Thông qua việc đặt người học vào THCVĐ một cách thường xuyên, liên tục buộc người học phải tư duy, hoạt động tích cực và duy trì trạng thái tâm lí này của họ trong suốt quá trình học tập. Trong trạng thái này, người học phải nhận thức rõ vấn đề, có mong muốn giải quyết vấn đề, có khả năng giải quyết vấn đề và được trực tiếp thực hiện hành động giải quyết vấn đề.

Thông qua giải quyết các vấn đề học tập mà người học tiếp nhận các kiến thức, kĩ năng, thái độ theo mục tiêu dạy học đề ra.

Một phần của tài liệu Vận dụng dạy học nêu vấn đề trong dạy học các môn khoa học xã hội và nhân văn ở các trường sĩ quan quân đội theo hướng phát triển năng lực người học (Trang 48 - 71)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(295 trang)
w