Đặc điểm sinh lý, tâm lý của trẻ mẫu giáo 5 - 6 tuổi

Một phần của tài liệu Giáo dục tình cảm xả hội cho trẻ 5 6 tuổi ở các trường mầm non huyện đại từ, tỉnh thái nguyên thông qua sử dụng ca dao, đồng nai (Trang 29 - 32)

Chương 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ GIÁO DỤC TÌNH CẢM XÃ HỘI

1.3. Lý luận về giáo dục tình cảm xã hội cho trẻ 5 - 6 tuổi ở trường mầm non

1.3.1. Đặc điểm sinh lý, tâm lý của trẻ mẫu giáo 5 - 6 tuổi

* Đặc điểm sinh lý

Trong giai đoạn trẻ mẫu giáo, các chức năng chủ yếu của cơ thể trẻ dần hoàn thiện, đặc biệt là khả năng vận động và phối hợp động tác. Cơ lực của trẻ phát triển nhanh chóng, cho phép trẻ thực hiện những động tác khéo léo và gọn gàng hơn. Trẻ có thể làm những công việc khá khó khăn và phức tạp hơn, tự phục vụ như tự ăn, tự mặc quần áo và tắm rửa. Hệ thần kinh của trẻ cũng phát triển đáng kể, cả hệ thần kinh trung ương và ngoại biên đã trải qua biến đổi.

Chức năng phân tích và tổng hợp của não đã hoàn thiện, số lượng phản xạ có điều kiện ngày càng tăng và tốc độ hình thành phản xạ có điều kiện nhanh hơn.

Trí tuệ của trẻ cũng phát triển nhanh chóng. Do đó, trẻ có khả năng nói những câu dài, thể hiện sự ham học và có những ấn tượng sâu sắc với những người xung quanh. Trẻ trong giai đoạn này cũng đã biết chơi cùng nhau, học những bài hát ngắn, bài thơ ngắn và nhớ nội dung của các câu chuyện. Vì vậy, tác động của môi trường xung quanh có thể ảnh hưởng đến trẻ, có thể tốt hoặc xấu.

Từ những nét sinh lý này, có thể thấy rằng giai đoạn này tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển toàn diện của trẻ, bao gồm cả sự phát triển về tình cảm xã hội.

* Về đặc điểm tâm lý

- Về ngôn ngữ: So với lứa tuổi mẫu giáo bé và nhỡ thì ngôn ngữ trẻ 5-6 tuổi phát triển và hoàn thiện hơn. Trong giao tiếp sinh hoạt hàng ngày, trẻ biết sử dụng ngữ điệu một cách phù hợp. Trẻ sử dụng ngữ điệu nhẹ nhàng để biểu thị tình cảm yêu thương trìu mến. Tuy nhiên, khi tức giận trẻ sẽ sử dụng ngữ điệu thô và mạnh. Khả năng này thể hiện khá rõ khi trẻ tham gia trò chơi đóng kịch thể hiện các vai diễn của mình. Ngôn ngữ của trẻ mầm non 5 - 6 tuổi trở thành hoạt động đặc biệt dưới các hình thức như: sự lắng nghe, thảo luận, đàm thoại,... sắp xếp từ ngữ của mình một cách logic, chặt chẽ. Vì vậy, trong giai đoạn này nội dung giáo dục ca dao, đồng dao cung cấp vốn từ phong phú, gần gũi với trẻ, tiếp cận tự nhiên qua các bài ca dao, đồng dao phù hợp độ tuổi trẻ mầm non.

- Về trí nhớ: Do người lớn đặt ra yêu cầu đối với trẻ ngày càng cao và do hoạt động của trẻ ngày càng phức tạp, nên các hình thức ghi nhớ và nhớ lại có chủ định phát triển mạnh ở trẻ 5-6 tuổi. Trẻ ở độ tuổi này bắt đầu hình thành trí nhớ lôgic, trẻ thường nhớ và nhớ rất lâu những gì có ý nghĩa và để lại ấn tượng mạnh với trẻ, nhưng sự ghi nhớ của trẻ vẫn là ghi nhớ máy móc. Do đó trong các hoạt động học cần tổ chức các trò chơi đa dạng, sinh động, phong phú… để phát triển sự tập trung chú ý của trẻ.

- Về tư duy: Ở trẻ mầm non 5 - 6 tuổi xuất hiện kiểu tư duy trực quan - hình ảnh. Có thể thấy, nếu kiến thức giáo viên cần truyền tải đến trẻ hay nhiệm vụ mà giáo viên đặt ra cho trẻ chỉ giới hạn qua lời nói, sẽ làm cho trẻ khó tiếp nhận để giải quyết nhiệm vụ. Trong khi dạy học, giáo viên nên lồng ghép các bài hát dân ca minh họa phù hợp với nội dung cần truyền đạt. Từ đó, trẻ sẽ dễ dàng hình thành kĩ năng để giải quyết vấn đề trong cuộc sống.

- Về tưởng tượng: Ở độ tuổi 5-6 tuổi trí tưởng tượng của trẻ phát triển rất mạnh. Đây là giai đoạn phát cảm về sự phát triển tưởng tượng. Trí tưởng tượng của trẻ vô cùng phong phú. Chẳng hạn: Khi tham gia vào trò chơi đóng kịch,

trẻ hóa thân vào nhân vật, tha hồ thỏa sức mơ ước, hình ảnh tưởng tượng của trẻ bay bổng, nhập vai sáng tạo, giàu màu sắc xúc cảm nhưng đôi lúc phi hiện thực. Tưởng tượng sáng tạo của trẻ ngày càng tăng lên rõ rệt. Chẳng hạn: Bằng trí tưởng tượng sáng tạo của mình, trẻ biết làm phong phú thêm những chủ đề trò chơi, mỗi lần chơi trẻ lại tưởng tượng ra hành động chơi khác nhau… Do đó, GV cần khuyến khích trẻ tham gia tích cực trong các hoạt động vui chơi, lao động, tạo hình... ở trẻ.

- Về ý thức: Đến cuối tuổi 5 - 6 tuổi, trẻ mới hiểu được mình có những phẩm chất gì, nhận ra những thế mạnh và hạn chế của bản thân, tự đánh giá về thành công hay thất bại của mình và tại sao mình có hành động này hay hành động khác…Trẻ nắm được kĩ năng so sánh mình với người khác, cách đối xử của những người xung quanh với mình ra sao so với cách đối xử của mình với họ. Giáo viên có thể đưa các bài ca dao, đồng dao để giáo dục ý thức tự bản thân trẻ, vai trò, vị trí của trẻ trong trường lớp mầm non và trong gia đình.

* Đặc điểm tình cảm của trẻ mẫu giáo 5 - 6 tuổi.

Độ tuổi mẫu giáo 5 - 6 tuổi là giai đoạn cuối cùng của trẻ em ở lứa tuổi mầm non. Ở giai đoạn này, những cấu trúc tâm lý đặc trưng của con người được hình thành trước đây vẫn tiếp tục phát triển mạnh. Trẻ ở độ tuổi mẫu giáo bé, mẫu giáo nhỡ thường để cảm xúc và tình cảm xâm chiếm, đời sống xúc cảm của trẻ còn dễ dao động, mang tính chất tình huống. Trẻ chưa biết điều khiển những tình cảm, cảm xúc của mình, nhưng đến tuổi mẫu giáo 5-6 tuổi trẻ bắt đầu nhận thức được cảm xúc của mình và nhận dạng cảm xúc của người khác, nhận biết được ai yêu thương, có tình cảm với mình.

Tình cảm của trẻ đã khá rõ nét và ổn định hơn các độ tuổi trước. Với sự phát triển của ngôn ngữ và tư duy, trẻ có thể sử dụng các sắc thái khác nhau của ngôn ngữ, các từ ngữ phong phú biểu cảm, điệu bộ để thể hiện cảm xúc, tình cảm của mình. Trẻ cũng có thể nói về tình cảm của mình cho người khác nghe (giải thích vì sao có cảm xúc hay tình cảm đó và đưa ra nhận xét...).

Trẻ biết cách thể hiện sự quan tâm, chia sẻ với bạn bè, người thân quen.

Tình cảm thẩm mĩ, tình cảm đạo đức tiếp tục phát triển và được củng cố. Trẻ không chỉ có những rung động trước cái đẹp, cái tốt lành mà còn có mong muốn được hoạt động tạo ra cái đẹp, bảo vệ cái đẹp, bảo vệ lẽ phải. Tình cảm trí tuệ cũng rất phát triển ở giai đoạn này, trẻ bé thực sự mong muốn và yêu thích các hoạt động khám phá phát triển nhận thức. Trẻ tỏ rõ sự hiếu kì trước những điều mới lạ mà mình chưa biết rõ và có nhu cầu tìm hiểu về chúng. Trẻ không dễ dàng chấp nhận các câu trả lời qua quýt hoặc lảng tránh. Đây là những đặc điểm đáng quý mà người lớn chúng ta cần trân trọng và khai thác để giúp trẻ phát triển tốt hơn.

Ở giai đoạn này, các loại tình cảm phát triển mạnh mẽ. Trẻ bắt đầu nhạy cảm với những đánh giá của người lớn về mình. Nhờ vào khả năng bắt chước, trẻ không những biết kiềm chế cảm xúc mạnh mẽ hơn, mà còn nắm được những hình thức thể hiện tình cảm một cách tế nhị bằng ánh mắt, điệu bộ, ngữ điệu của giọng nói hơn ở các độ tuổi trước. Ý nghĩa của các loại âm thanh xung quanh trẻ làm cho trẻ chú ý hơn và tác động đến cảm xúc, tình cảm, thái độ và hành vi của trẻ trước các âm thanh đó.

Một phần của tài liệu Giáo dục tình cảm xả hội cho trẻ 5 6 tuổi ở các trường mầm non huyện đại từ, tỉnh thái nguyên thông qua sử dụng ca dao, đồng nai (Trang 29 - 32)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(155 trang)