Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã

Một phần của tài liệu Nâng cao chất lượng cán bộ, công chức cấp xã trên địa bàn thành phố uông bí, tỉnh quảng ninh (Trang 24 - 27)

Chương 1 CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ KINH NGHIỆM THỰC TIỄN

1.1. Cơ sở lý luận về chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã

1.1.3. Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã

Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học do Nhà xuất bản Đà Nẵng xuất bản năm 2000 định nghĩa: “Chất lượng là cái tạo nên phẩm chất, giá trị của một con người, một sự vật, sự việc”.

Chất lượng là một phạm trù trừu tượng, nó mang tính chất định tính và khó định lượng, chúng ta không thể cân đo đong đếm được. Dưới mỗi cách tiếp cận khác nhau thì quan niệm về chất lượng cũng khác nhau.

Theo một cách hiểu khác thì: “Chất lượng là một phạm trù triết học biểu thị những thuộc tính bản chất của sự vật, chỉ rõ nó là cái gì, tính ổn định tương đối của sự vật để phân biệt nó với sự vật khác. Chất lượng là đặc tính khách quan của sự vật, biểu hiện ra bên ngoài qua các thuộc tính. Nó là cái liên kết các thuộc tính của sự vật lại làm một, gắn bó với sự vật như một tổng thể, bao quát toàn bộ sự vật và không tách khỏi sự vật”. (Bách khoa toàn thư)

1.1.3.2. Khái niệm chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã

Trong phạm vi đề tài nghiên cứu về chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, có thể hiểu chất lượng đội ngũ công chức là khả năng giải quyết các vấn đề thuộc tất cả các lĩnh vực, khả năng thỏa mãn các yêu cầu của tổ chức, cá nhân (khách hàng) về cung ứng các dịch vụ hành chính.

Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức được đánh giá dựa trên các tiêu chuẩn và quy định của ngành. Các tiêu chuẩn này xác định những yêu cầu cụ thể về trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức và các tiêu chí khác đối với từng ngành nghề riêng biệt. Để đánh giá chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, không thể không nhắc đến chất lượng của từng cá nhân cán bộ, công chức, vì mỗi cán bộ, công chức đóng góp một phần quan trọng trong hình thành và hoạt động của đội ngũ. Chất lượng của từng cán bộ, công chức được xác định bằng việc đánh giá trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức và các yếu tố khác liên quan đến công việc và vai trò của họ trong ngành công chức.

Đánh giá chất lượng quản lý của cán bộ, công chức chấp xã, chúng ta cần tiếp cận dưới nhiều góc độ khác nhau. Theo Nguyễn Tiến Linh (2019), chất lượng hoạt động của công chức cấp xã, phường được thể hiện thông qua hoạt động của bộ máy chính quyền cấp xã, đặc biệt là việc nâng cao hiệu lực và hiệu quả hoạt động của chính quyền cấp xã.

Chất lượng của cán bộ, công chức cấp xã, phường được đánh giá dưới góc độ phẩm chất đạo đức, trình độ năng lực và khả năng hoàn thành nhiệm vụ được giao, cũng như hiệu quả công tác của họ. (Trần Thị Mai, 2020). Xa hơn nữa, chất lượng công việc cao hay thấp của công chức cấp xã, phường còn được thể hiện qua mức độ tín nhiệm của nhân dân địa phương trong việc xử lý công việc.

Chất lượng quản lý của cán bộ, công chức cấp xã, phường cũng được đánh giá dưới góc độ khả năng thích ứng, xử lý các tình huống phát sinh trong quá trình thực hiện công vụ được giao. (Vũ Thúy Hiền, 2016). Công vụ là một hoạt động đặc thù liên quan đến công chức, bao gồm thi hành pháp luật, quản lý và sử dụng công sản và ngân sách Nhà nước để phục vụ nhiệm vụ chính trị và đưa pháp luật vào đời sống.

Chất lượng của cán bộ, công chức được định nghĩa là sự tổng hợp của những phẩm chất quan trọng như sức khỏe, trí tuệ khoa học, chuyên môn nghề nghiệp, phẩm chất đạo đức, ý chí, niềm tin, năng lực, khả năng làm việc cùng tập thể, và khả năng thực hiện nhiệm vụ hiệu quả. Theo OECD, 2002 thì “Năng lực là khả năng cá nhân đáp ứng các yêu cầu phức hơp và thực hiện thành công nhiệm vụ trong bối cảnh cụ thể”. Trong giai đoạn công nghiệp hóa và hiện đại hóa của đất nước, yêu cầu về chất lượng của cán bộ, công chức ngày càng cao. Đòi hỏi cán bộ, công chức không chỉ phải đáp ứng tiêu chuẩn về trình độ và phẩm chất của một người công chức, mà còn phải là gương mẫu, đi tiên phong trong lý luận và thực tiễn. Họ cần có tinh thần kỷ luật cao, tư duy khoa học, lý luận sắc bén, sẵn lòng nghĩ, làm và chịu trách nhiệm. Hơn nữa, cán bộ, công chức phải luôn gắn bó với tập thể và cộng đồng, sở hữu kỹ năng tốt trong việc kết hợp tri thức khoa học, kinh nghiệm và kỹ năng thực tiễn một cách nhạy bén và linh hoạt. Đồng thời, họ phải tuân thủ nghiêm chỉnh chủ trương, đường lối, chính sách và pháp luật của Đảng và Nhà nước.

Đánh giá chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức là một quá trình liên tục và toàn diện, nhằm đảm bảo rằng các công chức đáp ứng được các yêu cầu và nhiệm vụ của mình. Qua việc đánh giá chất lượng, có thể xác định những điểm mạnh và hạn chế của đội ngũ công chức, từ đó đề xuất các biện pháp cải tiến và đào tạo để nâng cao chất lượng cán bộ, công chức và hiệu quả hoạt động của họ.

Tóm lại, chất lượng quản lý của cán bộ, công chức cấp xã, phường phụ thuộc vào việc đánh giá và đánh giá các khía cạnh như hoạt động của bộ máy chính quyền, phẩm chất đạo đức, trình độ năng lực, sự thích ứng và xử lý tình huống phát sinh trong công vụ.

Một phần của tài liệu Nâng cao chất lượng cán bộ, công chức cấp xã trên địa bàn thành phố uông bí, tỉnh quảng ninh (Trang 24 - 27)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(119 trang)