Tiêu chí đánh giá chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã

Một phần của tài liệu Nâng cao chất lượng cán bộ, công chức cấp xã trên địa bàn thành phố uông bí, tỉnh quảng ninh (Trang 27 - 35)

Chương 1 CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ KINH NGHIỆM THỰC TIỄN

1.1. Cơ sở lý luận về chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã

1.1.4. Tiêu chí đánh giá chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã

Đặc điểm chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã sẽ được thể hiện qua các tiêu chí đánh giá như sau:

a. Tiêu chí về năng lực chuyên môn và kỹ năng công tác + Trình độ học vấn:

Trình độ học vấn là một yếu tố cơ bản và tối thiểu đối với mỗi cán bộ, công chức. Nó phản ánh sự nắm vững kiến thức căn bản và đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành quan niệm về thế giới và con người, đồng thời thể hiện khả năng tư duy, nhận thức và sự hiểu biết về các quy luật khách quan, cũng như các vấn đề kinh tế, xã hội, văn hóa và chính trị. Trình độ học vấn cung cấp nền tảng cho việc tiếp thu kiến thức mới, nâng cao trình độ chuyên môn và nghiệp vụ, cũng như xác định thái độ và cách ứng xử trong thực hiện nhiệm vụ công vụ.

Trên thực tế, trình độ học vấn được đánh giá dựa trên các văn bằng trong hệ thống giáo dục quốc gia, từ cấp cơ sở đến bậc đại học và sau đại học. Theo Thông tư số 13/2019/TT-BNV ngày 06 tháng 11 năm 2019 của Bộ Nội vụ, công chức cấp xã và những người không chuyên trách hoạt động ở cấp xã, thôn, tổ dân phố được quy định phải tốt nghiệp trung học phổ thông.

+ Trình độ chuyên môn:

Với quy định về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, cán bộ, công chức cấp xã cần tốt nghiệp đại học trở lên của ngành đào tạo phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của từng chức danh công vụ, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn nghiệp vụ từ trung cấp trở lên đối với cán bộ, công chức làm việc tại các xã: miền núi, vùng cao, biên giới, hải đảo, xã đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (Điều 3 Nghị định số 112/2011/NĐ-CP ngày 05 tháng 12 năm 2011 của Chính phủ về công chức xã, phường, thị trấn).

Trình độ chuyên môn nghiệp vụ là điều kiện tiên quyết trong thực hiện các nhiệm vụ và tạo ra sản phẩm công việc. Trình độ là mức độ về sự hiểu biết, về kỹ năng được xác định hoặc đánh giá theo tiêu chuẩn nhất định nào đó thể hiện ở văn bằng chứng chỉ mà mỗi công chức nhận được thông qua quá trình học tập.

- Về trình độ năng lực, khả năng hoàn thành nhiệm vụ

Để thực hiện các nhiệm vụ theo chức năng được giao, công chức cấp xã cần được trang bị các kĩ năng, kiến thức cần thiết để thực hiện công việc một cách hiệu quả, mà ở đây là năng lực về ngoại ngữ, tin học, cũng như các kĩ năng nghiệp vụ chuyên nghiệp tùy theo yêu cầu công việc. Ngoài ra, với đặc thù công việc như một người đại diện của cơ quan công quyền làm việc với người dân về những vấn đề liên quan tới các thủ tục, hoạt động hành chính… thì trình độ lý luận chính trị cũng như các kiến thức về quản lý Nhà nước sẽ là điều kiện cần có để công chức hoàn thành tốt chức trách nhiệm vụ của bản thân.

Trong thời kỳ hội nhập hiện nay, trình độ ngoại ngữ và tin học là những yếu tố quan trọng và cần thiết trong hoạt động thực thi công vụ của công chức. Tin học và ngoại ngữ đóng vai trò là cách thức và phương tiện để công chức thu thập, khai thác, xử lý và sử dụng thông tin một cách hiệu quả, đa dạng và đáp ứng tốt cho hoạt động công vụ. Thông tư số 13/2019/TT-BNV quy định rằng công chức cấp xã phải có chứng chỉ sử dụng công nghệ thông tin theo chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản, được quy định tại Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT ngày 11 tháng 3 năm 2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông. Về trình độ ngoại ngữ, Thông tư không đưa ra quy định cụ thể, tuy nhiên, theo đó Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được quyền quyết định việc xây dựng kế hoạch đào tạo và bồi dưỡng đối với từng chức danh công chức cấp xã về ngoại ngữ và tiếng dân tộc thiểu số (đối với các địa bàn công tác yêu cầu sử dụng tiếng dân tộc thiểu số trong hoạt động công vụ).

Trình độ lý luận chính trị phản ánh sự nhận thức, tư duy và lý luận về các vấn đề cơ bản trong hệ thống, cũng như kiến thức liên quan đến lĩnh vực chính trị, đặc biệt là Chủ nghĩa Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, chế độ xã hội chủ nghĩa, bản chất của Nhà nước, quan điểm, đường lối và chủ trương của Đảng, cùng với chính sách và pháp luật của Nhà nước. Trình độ lý luận chính trị giúp cán bộ và công chức xây dựng lập trường và tư tưởng vững vàng, đảm bảo thực hiện nhiệm vụ theo đúng định hướng chính trị của Đảng và Nhà nước. Nó cũng hỗ trợ trong việc tuyên truyền và tổ chức thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước trong thực tế cuộc sống một cách dễ dàng và hiệu quả. Do đó, để nâng cao năng lực của công chức cấp xã, việc nâng cao trình độ lý luận chính trị là cần thiết.

Kiến thức về quản lý nhà nước là tổng hợp các kiến thức cơ bản về Nhà nước, pháp luật, hệ thống hành chính, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Nhà nước, cũng như về đội ngũ cán bộ, công chức và thực hiện nhiệm vụ. Nó cung cấp những kiến thức về cải cách hành chính và quản lý nhà nước trong các lĩnh vực và nhiệm vụ cơ bản của công chức. Kiến thức này giúp cán bộ, công chức cấp xã hiểu rõ hơn về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của mình, đồng thời cung cấp các kỹ năng, phương pháp và công cụ quản lý nhà nước cần thiết trong hoạt động công vụ.

Theo Thông tư số 13/2019/TT-BNV, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được giao trách nhiệm tự quyết định về việc xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao trình độ lý luận chính trị và kiến thức quản lý nhà nước cho từng chức danh công chức cấp xã.

b. Tiêu chí về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống - Về phẩm chất đạo đức, lối sống

Đạo đức cách mạng đóng vai trò cốt lõi, là sức mạnh của đội ngũ cán bộ, công chức. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng từng nói: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn; cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo;

người cách mạng phải có đạo đức cách mạng, không có đạo đức thì tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”.

Người cách mạng chỉ có thể được tôn trọng và có uy tín trước mắt nhân dân nếu họ mang trong mình đạo đức cách mạng và có lối sống giản dị, trong sạch, lành mạnh. Điều này tạo điều kiện thuận lợi để họ thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.

Ngược lại, sự suy thoái đạo đức và lối sống của các công chức và đảng viên, đặc biệt là cán bộ, công chức, không chỉ là nguyên nhân gây ra những vấn đề tham nhũng và quan liêu, mà còn đe dọa đến sự tồn vong của Đảng, của Nhà nước và chế độ. Để xây dựng lòng tin từ phía nhân dân và thuyết phục họ, công chức phải khiêm tốn, giản dị và trung thực. Nếu cán bộ, công chức không có những phẩm chất đạo đức này, họ thường bị xa lánh bởi nhân dân, không được tin tưởng và điều này sẽ ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng công việc của họ. Hiện nay, tham nhũng và các hành vi tiêu cực khác trong xã hội là một trong những vấn đề đang khiến nhân dân bức xúc, và đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã cũng không ngoại lệ.

Vì vậy, phẩm chất đạo đức của cán bộ, công chức cấp xã là điều quyết định để chống lại tham nhũng và những hành vi tiêu cực trong xã hội, không chỉ bên trong tổ chức mà còn bên ngoài xã hội. Đồng thời, công chức cũng phải chú trọng đến những phẩm chất khác như: Sự cần cù, tiết kiệm, liêm chính, trí tuệ, công tác vô tư; không học theo thói quen xa hoa, lãng phí và không lợi dụng quyền lực để đạt lợi ích cá nhân.

- Về phẩm chất chính trị

Phẩm chất chính trị là điều kiện tối tiên quyết và cần thiết đối với mỗi công chức. Để trở thành một công chức có năng lực, trước hết phải trang bị phẩm chất chính trị vững vàng, trong sáng. Phẩm chất chính trị của đội ngũ công chức ở cấp xã và thị trấn được thể hiện đầu tiên là sự tin tưởng tuyệt đối vào lý tưởng cách mạng, và kiên định với mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đây là con đường mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn, và không bị dao động bởi những khó khăn và thách thức. Đồng thời, cần có biện pháp để đường lối đó được thực thi trong cuộc sống hàng ngày của nhân dân địa phương.

Phẩm chất chính trị tốt của một cán bộ, công chức không chỉ là lời tuyên bố và hứa hẹn, mà quan trọng hơn là việc tuân thủ một cách nghiêm túc các đường lối, chỉ thị, và nghị quyết của Đảng cùng với pháp luật của Nhà nước. Công chức cần kiên quyết chống lại mọi hành vi sai trái và biểu hiện không đúng với đường lối, chủ trương của Đảng, cũng như chính sách và pháp luật của Nhà nước. Phẩm chất chính trị của cán bộ, công chức xã và thị trấn còn được thể hiện qua việc làm việc có trách nhiệm và hiệu quả, không ở thái độ thụ động hay ỷ lại. Họ cần có ý chí cầu tiến và sẵn sàng học hỏi, đồng thời phục vụ nhân dân với tinh thần trách nhiệm và tận tụy.

c. Tiêu chí về uy tín trong công tác và kết quả trong công việc - Về uy tín trong công tác

Uy tín là sự tín nhiệm và sự kính trọng từ mọi người. Nó phản ánh phẩm chất và năng lực của một cá nhân, từ đó thể hiện qua hiệu suất và kết quả công việc xử lý. Điều này có nghĩa là người cán bộ, công chức cần phải có kiến thức chuyên môn tốt, không có những thiếu sót về đạo đức, và xây dựng mối quan hệ gần gũi và hòa

nhã với mọi người. Công chức cần luôn quan tâm đến công việc chung những cũng không bỏ bê trách nhiệm và tình cảm đối với gia đình.

Người cán bộ, công chức có uy tín không chỉ đạt được sự tuân thủ từ phía những người dưới quyền, mà quan trọng hơn là họ tự nguyện tuân thủ với niềm tin mạnh mẽ. Do đó, uy tín là kết quả của nỗ lực chủ quan tổng hợp nhiều yếu tố, bao gồm phẩm chất và năng lực.

Tóm lại, uy tín là kết quả của sự phấn đấu và rèn luyện không ngừng của người công chức. Đặc biệt đối với những người lãnh đạo, uy tín phải được xây dựng bằng sự tài năng, đạo đức, ý chí và ảnh hưởng của họ trong tư tưởng và hành động thực tế, chứ không phải dựa trên danh hiệu, chức vụ hoặc các thủ đoạn và chiêu trò.

- Về kết quả thực hiện

Kết quả triển khai nhiệm vụ của cán bộ, công chức cấp xã có vai trò cơ bản trong xây dựng, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng, bổ nhiệm, miễn nhiệm, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện chính sách đối với công chức. Để đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ, có thể sử dụng các chỉ tiêu cụ thể sau đây:

+ Sứ mạnh, tầm nhìn, chiến lược, kế hoạch của tổ chức và vai trò của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã: Đánh giá sự phù hợp và thực hiện hiệu quả của sứ mạnh, tầm nhìn, chiến lược và kế hoạch tổ chức trong việc phát triển xã hội. Đồng thời, xem xét vai trò và đóng góp của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã trong việc đạt được mục tiêu này.

+ Hiệu quả thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, tỉnh, huyện về phát triển kinh tế-xã hội, an ninh-quốc phòng, mặt trận tổ quốc và hoạt động của các đoàn thể liên quan: Đánh giá mức độ thành công trong thực hiện các chỉ thị, nghị quyết từ cấp cao đến cấp thấp liên quan đến phát triển kinh tế-xã hội, an ninh-quốc phòng, mặt trận tổ quốc và công tác của các đoàn thể có liên quan. Quan trọng là xác định vai trò và đóng góp của đội ngũ công chức cấp xã trong quá trình này.

+ Hiệu quả công việc được đánh giá thông qua nhận xét, đánh giá cuối năm với từng cán bộ, công chức cấp xã: Xem xét nhận xét, đánh giá cuối năm của từng công chức cấp xã để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, sự đóng góp và hiệu quả công việc của họ.

+ Hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã: Đánh giá khả năng và thành tích của đội ngũ công chức cấp xã trong công tác kiểm tra, kiểm soát để đảm bảo sự tuân thủ các quy định, chính sách và quy trình được đề ra.

d. Tiêu chí về thể lực, tâm lực (tâm lý) của cán bộ, công chức cấp xã

Các tiêu chí về thể lực và tâm lý của công chức cấp xã có thể được thể hiện qua các yếu tố sau:

- Thể lực:

Sức khỏe: Sức khỏe của người lao động nói chung và công chức cấp xã nói riêng đóng vai trò quan trọng trong tăng cường năng suất lao động bằng cách cải thiện sự bền bỉ, linh hoạt và khả năng tập trung vào công việc. Sức khỏe của con người bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, bao gồm thu nhập, mức sống, chế độ ăn uống, thời gian làm việc và nghỉ ngơi, chăm sóc sức khỏe, tuổi tác, thời gian làm việc, giới tính và nhiều yếu tố khác.

Khi đánh giá về thể lực, có một số chỉ tiêu quan trọng được xem xét, bao gồm chiều cao, cân nặng, chỉ số khối cơ thể (BMI) và các chỉ số liên quan đến tình trạng sức khỏe như áp lực máu, ảnh hưởng của các bệnh mãn tính như cận thị, viễn thị, tiểu đường, bệnh viêm gan B...

Việc chú trọng đến sức khỏe giúp đảm bảo rằng cán bộ, công chức cấp xã có thể hoạt động một cách hiệu quả và nâng cao hiệu suất làm việc. Đồng thời, việc duy trì một sức khỏe tốt cũng mang lại lợi ích cho sự phát triển cá nhân và hạnh phúc của công chức, giúp họ đối mặt với các thách thức và đóng góp tốt hơn vào công việc và cộng đồng.

Chiều cao, cân nặng luôn là những chỉ tiêu ban đầu để đánh giá về thể lực và qua đó cho biết một phần nào đó về khả năng lao động. Yêu cầu về sức khỏe của cán bộ, ông chức cấp xã không chỉ là tiêu chuẩn bắt buộc khi tuyển dụng công chức mà còn là yêu cầu được duy trì trong cả cuộc đời công vụ của cán bộ, công chức.

Trước khi tham gia vào bên công vụ, họ phải đảm bảo đủ sức khỏe để thực hiện nhiệm vụ, công vụ mới được dự tuyển công chức.

Đánh giá trạng thái sức khỏe tổng quát của công chức, bao gồm các chỉ số như khả năng vận động, chịu đựng, sức bền, và khả năng thích ứng với công việc và

môi trường làm việc. Theo đó tình trạng sức khỏe của công chức sẽ được kiểm tra, đánh giá qua các buổi khám sức khỏe thường niên hoặc định kỳ theo lịch của đơn vị hành chính sự nghiệp.

Song song với việc đảm bảo tình trạng sức khỏe tốt của công chức, cũng cần có sự xem xét đánh giá mức độ năng lượng, sự tỉnh táo, sự tự động trong việc thực hiện nhiệm vụ cũng như khả năng chịu áp lực, từ đó đảm bảo công chức có đủ năng lực và động lực để hoàn thành công việc một cách hiệu quả.

- Tâm lực (yếu tố tâm lý):

Tâm lực là khía cạnh tâm lý quan trọng của con người, và đánh giá tâm lực cao hay thấp dựa trên một số yếu tố như nhận thức, trách nhiệm về động cơ làm việc, ý chí phấn đấu, thái độ và phong cách làm việc, kỷ luật lao động, tính tự lập trong thực hiện nhiệm vụ, tinh thần hợp tác và khả năng làm việc nhóm, cũng như lòng trung thành với cơ quan và tổ chức.

Tâm lực phản ánh cá nhân về nhân cách, thẩm mỹ và quan điểm sống, đồng thời thể hiện nét văn hóa của người lao động, là cơ sở tâm lý để tăng cường khả năng sáng tạo trong công việc. Tâm lực là một yếu tố quan trọng trong việc nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã. Tâm lực ở đây có nghĩa là lòng đam mê, tận tụy và cống hiến trong công việc, coi công việc như ý nghĩa cuộc sống và không quan tâm đến sự mệt mỏi. Đây cũng là ý thức trách nhiệm cao trong công việc của công chức nói chung. Bất kỳ công việc nào cũng phải có tâm, và nếu công chức cấp xã có lòng đam mê, yêu nghề và phục vụ nhân dân một cách tận tụy như phục vụ người thân trong gia đình, họ sẽ cảm thấy tự hào khi đại diện cho Đảng và Nhà nước, và cống hiến cho nhân dân. Nói cách khác, tâm lực thể hiện khả năng và ý chí, là mong muốn sử dụng sức lực của bản thân: sức mạnh của ý chí và tinh thần để đẩy mạnh công việc và hoàn thành nhiệm vụ. Do đó, thiếu tâm lực sẽ dẫn đến sự lơ là trong công việc và không thể hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Tâm lực cũng có thể hiểu là lương tâm nghề nghiệp, bao gồm ý thức và thái độ lương thiện, không lừa dối, không làm phiền công dân, không lợi dụng quyền hành để làm những việc trái với lương tâm và pháp luật. Người sử dụng quyền lực trong vai trò cán bộ, công chức cấp xã phải có phẩm chất liêm khiết và minh bạch.

Một phần của tài liệu Nâng cao chất lượng cán bộ, công chức cấp xã trên địa bàn thành phố uông bí, tỉnh quảng ninh (Trang 27 - 35)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(119 trang)