Các nhân tố tác động đến phát triển KCN

Một phần của tài liệu Giải pháp phát triển các khu công nghiệp tại vùng kinh tế trọng điểm miền trung (Trang 45 - 50)

PHẦN II: NỘI DUNG VÀ KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

CHƯƠNG 2: CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ PHÁT TRIỂN CÁC KHU CÔNG NGHIỆP

2.2. Phát triển khu công nghiệp trong vùng kinh tế trọng điểm

2.2.6. Các nhân tố tác động đến phát triển KCN

2.2.6.1. Các nhân tố tác động đến quyết định đầu tư của doanh nghiệp

Đây là nhóm nhân tố tác động trực tiếp đến quyết định đầu tư và kết quả hoạt động của các doanh nghiệp trong KCN. Nó bao gồm các yếu tố địa lý, không gian kinh tế và điều kiện hạ tầng kỹ thuật của KCN.

- Vị trí địa lý: Đây là nhân tố liên quan đến chi phí đầu tư và có tác động xuyên suốt trong quá trình khảo sát, lập dự án, ra quyết định đầu tư vào KCN. KCN được bố trí khoảng cách hợp lý với các khu đô thị, trung tâm văn hóa, xã hội và thuận lợi cho việc xây dựng kết cấu hạ tầng như gần các tuyến giao thông đường bộ, đường sắt, hàng không, cảng biển; hệ thống thông tin, viễn thông và nguồn điện, nguồn nước CN được cung cấp đầy đủ; điều kiện về nguồn nguyên liệu và nhân lực dồi dào... sẽ tận dụng được đầu vào sẵn có, làm giảm chi phí của doanh nghiệp và tạo lợi thế nhất định trong phát triển. Vị trí địa lý của một KCN cần được xem xét trên khía cạnh hiện tại và sự duy trì khả năng ấy trong tương lai.

- Quy mô và sự phát triển kinh tế của địa phương: Sự phát triển của các KCN để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế của địa phương. Một địa phương có quy mô

35

kinh tế lớn và phát triển sẽ có nhu cầu phát triển các KCN. Đồng thời chính quy mô kinh tế lớn và phát triển lại là điều kiện thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư hay mở rộng đầu tư vào địa phương.

- Kết cấu hạ tầng: Đây là nhân tố xuất phát điểm có ảnh hưởng rất lớn đối với các nhà đầu tư cả trong giai đoạn thu hút đầu tư và quá trình hoạt động của doanh nghiệp trong KCN. Nó bao gồm một nhóm các yếu tố phản ánh mức độ tiện lợi của hệ thống dịch vụ cả trong và ngoài hàng rào KCN tạo điều kiện thuận lợi cho việc sản xuất kinh doanh của các nhà đầu tư. Cụ thể là: Mức độ bảo đảm của hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật của KCN như hệ thống đường giao thông, hệ thống cung ứng điện, nước, xử lý chất thải, hệ thống các khu nhà điều hành, dịch vụ phụ trợ; nơi đặt trụ sở ngân hàng, trạm hải quan, máy ATM; trạm bưu điện, bãi để xe; hệ thống trụ cứu hỏa; hệ thống thông tin liên lạc, truyền dẫn số liệu…; hệ thống hạ tầng kết nối ngoài hàng rào KCN; các khu dân cư và dịch vụ công cộng.

- Lực lượng doanh nghiệp: Thực tế đây cũng là một nhân tố phản ánh sự phát triển kinh tế của địa phương nhưng có tác động đáng kể đến quyết định đầu tư của doanh nghiệp khi vừa là khách hàng, đối tác hoặc đối thủ cạnh tranh. Tốc độ phát triển của lực lượng doanh nghiệp cả về quy mô và cơ cấu doanh nghiệp sẽ phản ánh mức độ hấp dẫn của thị trường và tạo nhiều cơ hội cho đầu tư mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, ngược lại khi lực lượng doanh nghiệp có quy mô thấp hoặc đa phần là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ sẽ dẫn đến tăng chi phí kinh doanh do không tận dụng được điều kiện địa lý đồng thời làm giảm năng lực cạnh tranh.

2.2.6.2. Nhóm các nhân tố liên quan đến quản lý nhà nước

Bản chất của KCN chính là tổ chức sản xuất CN trên lãnh thổ được thực hiện gắn liền với quá trình tăng cường tích tụ, tập trung sản xuất theo lãnh thổ, công tác quản lý nhà nước theo phạm vi hành chính và môi trường đầu tư. Đây là nhóm nhân tố luôn có những tác động mạnh mẽ đến khả năng thực hiện các mục tiêu phát triển của KCN.

- Quy hoạch các KCN: Quy hoạch là công cụ rất quan trọng để thực thi các chính sách quản lý của nhà nước, nó định hướng và đảm bảo sự đồng bộ trong phát triển dài hạn. Xây dựng quy hoạch và thực hiện tốt quy hoạch sẽ khắc phục

36

được tình trạng phát triển tự phát, chắp vá, lãng phí trong quá trình phát triển.

Thực chất của việc xây dựng quy hoạch phát triển KCN đó là luận chứng phát triển và tổ chức lãnh thổ sản xuất CN.

Các vấn đề tác động của quy hoạch đến phát triển các KCN gồm: vị trí đặt KCN, khả năng kết nối với cơ sở hạ tầng và giao thông vận tải, khả năng đảm bảo và cung ứng nguồn nhân lực tại chỗ, khả năng liên kết kinh tế, chuyển giao công nghệ. Quy hoạch và phân bố KCN hợp lý sẽ khai thác triệt để lợi thế so sánh và đặc thù của từng vùng lãnh thổ; phát huy sử dụng có hiệu quả các nguồn lực sẵn có của địa phương đồng thời đảm bảo được tính đồng đều, hợp lý của toàn ngành CN trong phạm vi liên vùng.

- Môi trường kinh doanh: Môi trường kinh doanh tác động đến quyết định đầu tư của doanh nghiệp, môi trường đầu tư thuận lợi, thông thoáng, giải quyết nhanh chóng các thủ tục hành chính, không gây trở ngại cho các nhà đầu tư và có nhiều chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư vào KCN phù hợp sẽ tạo sự hấp dẫn với các nhà đầu tư, giảm được thời gian cho việc giải quyết các thủ tục hành chính, đẩy nhanh tiến độ đưa doanh nghiệp đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Yếu tố này được đại diện bằng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Tuy nhiên cũng có thể chỉ sử dụng các chỉ số thành phần trong đó, chẳng hạn chỉ số hỗ trợ doanh nghiệp, khi chỉ số này cao tức là các doanh nghiệp đánh giá được hỗ trợ tốt bởi các dịch vụ của địa phương, đầu tư vào KCN tăng, qua đó thúc đẩy tăng GTSX, hiệu quả sử dụng đất các KCN cũng tăng.

Ở Việt Nam, các KCN thường nằm trong khu vực có chính sách ưu tiên phát triển CN của địa phương, đặc biệt là trong các vùng KTTĐ hay khu vực làm đòn bẩy phát triển kinh tế của cả nước. Những khu vực này có thể được nhà nước, địa phương áp dụng những chính sách ưu đãi, hỗ trợ về tài chính, đất đai trong quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình phục vụ chung. Ngoài các chính sách kinh tế vĩ mô khác về đầu tư, các chính sách về lao động, việc làm, giáo dục đào tạo, thương mại... cũng có ảnh hưởng đến môi trường đầu tư chung và vào các KCN nói riêng.

Bên cạnh đó, sự ổn định chính trị, cũng là một yếu tố quan trọng của môi trường đầu tư. Thực tiễn thu hút đầu tư cho thấy, sự ổn định về chính trị, xã hội của

37

một quốc gia là một nhân tố tác động đến quyết định đầu tư của doanh nghiệp. Yếu tố ổn định về thể chế chính trị, chủ trương chính sách, an ninh xã hội... giúp các nhà đầu tư yên tâm sản xuất, kinh doanh trong KCN.

- Năng lực quản lý của Ban Quản lý các KCN của địa phương: Ngoài vai trò đảm bảo các KCN thực hiện đúng chính sách và chủ trương phát triển theo quy hoạch ban đầu thì Ban Quản lý các KCN cũng là đơn vị trực tiếp tiếp xúc với các hoạt động của KCN, kiểm tra giám sát và xử lý các vi phạm kịp thời, đồng thời hiểu rõ được những thế mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức của từng KCN trong phạm vi quản lý của mình. Các chính sách phát triển nếu được Ban Quản lý các KCN của địa phương tiếp nhận và triển khai kịp thời, đúng đắn sẽ mang lại kết quả rõ rệt bởi sức ảnh hưởng mạnh mẽ và trực tiếp đến các doanh nghiệp trong KCN. Chính vì vậy, Ban Quản lý có vai trò quyết định mạnh mẽ và trực tiếp nhất đến khả năng quá trình phát triển của KCN cả về số lượng và chất lượng.

2.2.6.3. Nhóm các nhân tố bổ trợ

- Sự phát triển của các ngành công nghiệp phụ trợ, khả năng cung cấp nguyên vật liệu: Để giảm chi phí sản xuất, đảm bảo duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định, nâng cao khả năng cạnh tranh thì các nhà đầu tư, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn sẽ cân nhắc các yếu tố đầu vào, như sự đảm bảo, ổn định trong việc cung ứng nguyên, vật liệu tại chỗ của địa phương, khoảng cách tới vùng nguyên liệu trước khi quyết định đầu tư vào một KCN. Bên cạnh đó, trong bối cảnh hiện nay, để trở thành đối tác của các doanh nghiệp lớn và có uy tín trên thị trường thì mỗi doanh nghiệp cần phải đảm bảo hệ thống sản xuất hướng tới sự bền vững, có khả năng kết nối với chuỗi giá trị và mạng lưới toàn cầu để đáp ứng yêu cầu của kinh tế quốc tế.

Đây là rào cản vô cùng to lớn đối với doanh nghiệp khi muốn nâng cao năng lực cạnh tranh trên trường quốc tế, nhất là trong giai đoạn hội nhập và cạnh tranh gia tăng.

Khả năng đáp ứng năng lực các ngành CN hỗ trợ, chất lượng hoạt động các ngành logistics phục vụ hoạt động cho các doanh nghiệp trong KCN như: bưu chính, thông tin, tài chính, ngân hàng... là các yếu tố để phát triển KCN ở khía cạnh hệ thống.

- Yếu tố lao động: Hoạt động sản xuất nói chung và trong KCN nói riêng, xét

38

về thực chất, là quá trình lao động, tức là sự kết hợp giữa các yếu tố con người với tư liệu sản xuất, trong đó người lao động luôn là nhân tố quan trọng, là lực lượng sản xuất chủ yếu. Vì vậy quy mô, mức độ, hiệu quả kinh doanh trong KCN phụ thuộc rất lớn vào số lượng và chất lượng nguồn lao động hiện có và xu hướng vận động của nó.

Nguồn lao động có đủ sức lao động (những năng lực về thể chất, trình độ chuyên môn, tinh thần) là nền tảng cho sự phát triển của KCN. Do vậy, việc cung ứng đủ số lượng và đảm bảo chất lượng, trình độ tay nghề của người lao động nói chung, cũng như lao động có hàm lượng chất xám cao nói riêng làm việc trong các KCN vừa là tiêu chí đánh giá, vừa là nhân tố tác động đến sự phát triển các KCN.

- Yếu tố vốn đầu tư của địa phương: Đầu tư phát triển của địa phương là nhân tố nguồn lực để gia tăng năng lực sản xuất của địa phương trong đó có các yếu tố như cơ sở hạ tầng KT- XH. Qua đó thúc đẩy sự phát triển các KCN.

- Sự phát triển của các trung tâm kinh tế và đô thị liền kề: Theo lý thuyết về cực tăng trưởng, sự tập trung CN của các KCN sẽ tạo tác động lan tỏa đến các địa phương khác của khu vực đặt KCN và sự phát triển của các trung tâm kinh tế và đô thị gần kề sẽ tạo tác động tương hỗ, gia tăng sức hấp dẫn với các nhà đầu tư KCN nhất là các nhà đầu tư nước ngoài.

KCN cần có mối liên hệ với các trung tâm kinh tế và đô thị vì có thể tận dụng được những lợi thế so sánh phục vụ cho việc phát triển, thúc đẩy sự thành công của KCN, cụ thể:

+ Lợi thế về việc tận dụng cơ sở hạ tầng của khu vực đã được nhà nước và địa phương đầu tư (đường giao thông, hệ thống cấp điện, cấp nước, hệ thống thông tin liên lạc, bệnh viện, trường học...);

+ Lợi thế về việc tận dụng hạ tầng dịch vụ tài chính, như hệ thống ngân hàng, tín dụng, bảo hiểm, các quỹ đầu tư; hệ thống dịch vụ nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi, giải trí, khu thể thao...;

+ Là nơi tập trung các cơ sở đào tạo, dạy nghề, các Trung tâm, Viện nghiên cứu và các tổ chức nghiên cứu khoa học khác; là nơi tập trung nhiều lao động kỹ thuật có chất lượng cao;

+ Là nơi đã có sẵn những cơ sở CN phụ trợ (cung cấp linh kiện, vật tư, thiết bị, phụ tùng, bán thành phẩm...).

39

Một phần của tài liệu Giải pháp phát triển các khu công nghiệp tại vùng kinh tế trọng điểm miền trung (Trang 45 - 50)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(189 trang)