Chương 1. TỔNG QUAN VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU
1.2. Bản chất và chức năng của tín dụng
1.2.1. Bản chất của tín dụng
Về mặt hình thức, tín dụng là sự chuyển nhượng quyền sử dụng một lượng giá trị nhất định dưới hình thức hiện vật hay tiền tệ trong một thời hạn nhất định từ người sở hữu sang người sử dụng và khi đến hạn, người sử dụng
phải hoàn trả lại cho người sở hữu một lượng giá trị lớn hơn. Khoản giá trị dôi ra này được gọi là lợi tức tín dụng [3].
Hoạt động tín dụng đã xuất hiện từ thời kỳ cuối của xã hội cộng sản khi xã hội có phân công lao động, sản xuất và trao đổi hàng hóa với hình thức sơ khai là hoạt động cho vay nặng lãi. Do lực lượng sản xuất phát triển, chế độ tư hữu ra đời đã dẫn đến sự phân hóa giàu nghèo trong nội bộ công xã. Người giàu tập trung trong tay của cải và tiền tệ, người nghèo vì thiếu tư liệu sản xuất và tư liệu sinh hoạt nên phải đi vay người giàu và chịu lãi nặng. Cho vay nặng lãi là hình thức đặc biệt trong lịch sử của tín dụng, đặc trưng của chế độ chiếm hữu nô lệ và chế độ phong kiến và các quan hệ tư bản chủ nghĩa chưa phát triển.
Cho vay nặng lãi thích ứng với nền sản xuất nhỏ. Trong điều kiện này, người cho vay nặng lãi chiếm hầu hết sản phẩm thặng dư của người nông dân và thợ thủ công dưới hình thức lợi tức. Vì thế tín dụng nặng lãi làm bần cùng hóa phạm vi rộng lớn những người sản xuất nhỏ và góp phần làm xuất hiện phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa. Tuy vậy, khi phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa phát triển, việc cho vay nặng lãi đã trở thành chướng ngại cho sự phát triển của chủ nghĩa tư bản vì lợi tức tín dụng quá cao và vì vậy dần bị đẩy lùi. Chủ nghĩa tư bản chống nạn cho vay nặng lãi thông qua những luật lệ của nhà nước tư bản và những điều răn đe cấm hoặc kết tội của nhà thờ, nhưng chủ yếu bằng những biện pháp kinh tế như lập ra các ngân hàng, xây dựng chế độ tín dụng tư bản chủ nghĩa.
Trong nền kinh tế thị trường, đồng tiền phản ánh quan hệ cung cầu và quy luật giá trị. Mọi vận hành kinh tế đều được tiền tệ hóa. Mỗi chủ thể tham gia nền kinh tế đều cần nguồn vốn để hoạt động trên thị trường hoặc nhằm thỏa mãn nhu cầu của mình. Tuy nhiên nguồn vốn tự có thường không đủ, trong khi đó, ở một nơi khác lại có người đang có vốn nhàn rỗi. Sự tương tác giữa các chủ thể kinh tế giúp các khoản vốn được luân chuyển từ nơi thừa vốn tới nơi thiếu vốn, giúp cho người thừa vốn sử dụng nguồn vốn dư thừa của mình sao
cho có lợi nhất, đồng thời người thiếu vốn tìm cách bù đắp được sự thiếu hụt vốn của mình với chi phí thấp nhất. Vì vậy, tín dụng trở thành một yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy xã hội loài người đi tới văn minh thịnh vượng trong nền kinh tế thị trường dựa trên nền sản xuất lớn hiện đại.
Ẩn dưới sự di chuyển các luồng vốn tạm thời từ người có vốn và người cần vốn là quan hệ vay mượn. Hay nói rõ hơn, bản chất của tín dụng là quan hệ vay mượn giữa người cho vay và người đi vay. Họ là những người khác nhau trong nền kinh tế, gặp nhau ở điểm cân bằng giữa nhu cầu vay vốn tiền tệ và khả năng đáp ứng nhu cầu này theo những tổ chức của pháp luật và những nguyên tắc tín dụng tương ứng.
Vốn tín dụng được biểu hiện dưới hình thái tiền tệ hoặc hàng hóa. Quá trình vận động của vốn tín dụng có thể được khái quát qua ba giai đoạn sau:
* Giai đoạn 1: Phân phối vốn tín dụng dưới hình thức cho vay. Ở giai đoạn này, vốn tiền tệ hoặc giá trị vật tư hàng hóa được chuyển từ người cho vay sang đi vay. Đây là đặc điểm cơ bản khác với việc mua bán hàng hóa (giao ngay) thông thường. Trong quan hệ mua bán hàng hóa thì giá trị chỉ thay đổi hình thái tồn tại. Người bán nhượng đi giá trị hàng hóa, nhưng lại nhận lại giá trị tiền tệ. Người mua nhượng đi giá trị tiền tệ nhưng nhận lại giá trị hàng hóa.
Còn trong việc cho vay, chỉ có một bên nhận được giá trị và cũng chỉ một bên nhượng đi giá trị mà thôi.
* Giai đoạn 2: Sử dụng vốn tín dụng trong quá trình tái sản xuất. Sau khi nhận được giá trị vốn tín dụng, người đi vay được quyền sử dụng giá trị đó để thỏa mãn một mục đích nhất định. Ở giai đoạn này, vốn được sử dụng trực tiếp nếu vay bằng hàng hóa; hoặc vốn vay được sử dụng để mua hàng hóa nếu vay bằng tiền để thỏa mãn nhu cầu sản xuất hoặc tiêu dùng của người đi vay.
Tuy nhiên, người đi vay không có toàn quyền sở hữu giá trị đó, mà chỉ được quyền sử dụng trong một thời gian nhất định.
* Giai đoạn 3: Sự hoàn trả của tín dụng. Đây là giai đoạn kết thúc một vòng tuần hoàn của tín dụng. Sau khi vốn tín dụng đã hoàn thành nhiệm vụ sản xuất hoặc tiêu dùng thì vốn tín dụng được người đi vay hoàn trả lại cho người cho vay.
Sự hoàn trả của tín dụng là đặc trưng thuộc về bản chất vận động của tín dụng, là dấu ấn phân biệt phạm trù tín dụng với các phạm trù kinh tế khác. Mặt khác, sự hoàn trả của tín dụng là quá trình quay trở về của giá trị. Hình thái vật chất của sự hoàn trả là sự vận động dưới hình thái hàng hóa hoặc giá trị. Tuy nhiên, sự vận động đó không phải với tư cách là phương tiện lưu thông, mà với tư cách một lượng giá trị được vận động. Sự hoàn trả trong tín dụng luôn luôn phải được bảo tồn về mặt giá trị và có phần tăng thêm dưới hình thức lợi tức tín dụng.
Khi xem xét một quan hệ tín dụng, cần thiết phải xác định những yếu tố cơ bản sau:
- Chủ thể của tín dụng gồm người cho vay và người đi vay. Trong một số trường hợp, bên cạnh hai chủ thể tín dụng này còn có một chủ thể thứ ba xuất hiện với tư cách là người bảo lãnh.
- Người cho vay là người nhượng quyền sử dụng vốn tín dụng cho người khác sử dụng, có thể là thể nhân hay pháp nhân, khi nhượng quyền sử dụng tài sản của mình cho người khác theo đuổi những mục tiêu kinh tế - xã hội khác nhau, nhưng chủ yếu là kiếm lời.
- Người đi vay là người nhận quyền sử dụng vốn tín dụng của người cho vay, sử dụng vốn tín dụng với hai lý do tiêu dùng hoặc kinh doanh (đầu tư), trong đó lý do kinh doanh đóng vai trò chủ đạo.
Người đi vay có thể dựa vào uy tín hoặc một số tài sản nhất định của mình để đảm bảo sự hoàn trả vốn vay. Khi người đi vay không đủ tín nhiệm đối với người cho vay, người bảo lãnh tín dụng xuất hiện trong quan hệ tín
dụng nhằm tạo sự đảm bảo bổ sung trong việc hoàn trả nợ đối với người cho vay.
- Đối tượng tín dụng là quyền sử dụng (không phải là quyền sở hữu) vốn tín dụng, biểu hiện dưới dạng tiền hoặc hiện vật (hàng hóa, tài sản,...).
- Thời hạn tín dụng là khoảng thời gian thực hiện chuyển quyền sử dụng vốn tín dụng. Nó được tính từ khi bắt đầu giao vốn tín dụng cho người đi vay và kết thúc khi người cho vay nhận lại đối tượng tín dụng kèm một phần giá trị phụ thêm.
Khi xác định thời hạn tín dụng, cần phân biệt giữa thời hạn tín dụng chung và thời hạn tín dụng trung bình. Thời hạn tín dụng chung được tính từ khi bắt đầu chuyển giao vốn, cho tới khi kết thúc việc hoàn trả vốn tín dụng.
Thời hạn tín dụng trung bình phản ánh chính xác thời hạn của khoản tín dụng.
- Giá tín dụng là giá trị bù đắp cho người cho vay do việc chuyển nhượng quyền sử dụng vốn tín dụng. Cũng có thể coi giá tín dụng là giá mà người đi vay phải trả do nhận quyền sử dụng vốn tín dụng.
- Sự điều chỉnh quan hệ tín dụng giữa các chủ thể tín dụng được định hình bằng các thỏa thuận giữa các bên, hoặc bằng miệng hoặc bằng văn bản gọi là hợp đồng tín dụng (hợp đồng vay mượn). Những thỏa thuận ấy phải phù hợp với luật pháp quốc gia hay thông lệ quốc tế [2].