Kinh nghiệm tiếp cận tín dụng của các HTXNN trên thế giới

Một phần của tài liệu Đánh giá thực trạng và đề xuất một số giải pháp tiếp cận tín dụng của các hợp tác xã nông nghiệp tại tỉnh bắc ninh (Trang 33 - 36)

Chương 1. TỔNG QUAN VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU

1.3. Cơ sở thực tiễn

1.3.1. Kinh nghiệm tiếp cận tín dụng của các HTXNN trên thế giới

* Tín dụng nông nghiệp nông thôn ở Nhật Bản

Nhật Bản được coi là một trong những nước thành công trong hoạt động tín dụng nông nghiệp và nông thôn. Ngay sau chiến tranh thế giới thứ hai, chính phủ Nhật Bản đã khuyến khích mạnh phát triển nông nghiệp bằng việc thành lập ngân hàng cầm đồ, thế nợ bất động sản và những ngân hàng nông - công nghiệp địa phương. Sau đó các tổ chức này được thay thế bằng các tổ chức tài chính nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản (AFFFC), cung cấp tiền cho nông nghiệp với số lượng lớn, lãi suất thấp và dài hạn để đầu tư cho việc hình thành

vốn cố định trong hộ nông dân và các trang trại nông nghiệp chủ yếu thông qua các HTX nông nghiệp (Joann Ledgerwood, 2001) [7].

Từ đầu những năm 1960 Chính phủ Nhật Bản đã có chương trình cho vay vốn nông nghiệp (GPALs) để tăng cường đầu tư cho nông nghiệp. Nguồn vốn của chương trình này là từ Chính phủ và tư nhân thông qua HTX nông nghiệp. Năm 1984 có 19 loại quỹ Chính phủ cho GPALs và 21 loại quỹ tư nhân với lượng tiền 693 tỷ yên. Chương trình cho vay nông nghiệp của Chính phủ Nhật Bản hiện nay được cho là khá hoàn hảo với lãi suất và thời gian vay dài hạn.

HTX nông nghiệp ở Nhật Bản đóng vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp của đất nước và tài chính của các trang trại nông nghiệp. Đây là một tổ chức trực tiếp quan hệ tín dụng với nông dân và các trang trại. Hàng năm HTX nông nghiệp cung cấp tới 70% số tiền cho vay nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản.

Như vậy ở Nhật Bản toàn bộ tín dụng cho nông nghiệp nông thôn được đáp ứng bởi HTX nông nghiệp và AFFFC và GPALs.

* Tín dụng nông nghiệp nông thôn ở Hàn Quốc

Từ sau chiến tranh thế giới thứ hai Hàn Quốc là nước chậm phát triển 70% dân số sống ở nông thôn, tài nguyên nghèo nàn, đất đai chủ yếu là núi đồi.

Giai đoạn 1962-1972 do phải đối phó với tình hình lạm phát cao người nông dân khó có thể tiếp cận được với nguồn vốn tín dụng chính thống vì lãi suất cho vay của các tổ chức này tương đối cao. Từ năm 1973-1985 Nhà nước áp dụng chính sách thả nổi lãi suất huy động và lãi suất cho vay, tăng cường hoạt động dịch vụ tài chính cho phép ngân hàng bán lại các loại séc hoặc công trái của Nhà nước theo giá thoả thuận. Khi đó người nông dân Hàn Quốc dần tiếp cận đầy đủ với các nguồn tín dụng mà đặc biệt là nguồn tín dụng chính thống để phục vụ phát triển sản xuất.

Từ 1986 đến nay Hàn Quốc ngày càng chiếm lĩnh được các thị trường lớn nhất trên thế giới về sản phẩm hàng hoá có công nghệ cao. Nhà nước khuyến khích các công ty tăng mức chi cho nghiên cứu và phát triển khoa học. Trong lĩnh vực nông nghiệp tập trung nỗ lực về vốn để đầu tư cho việc phân bổ lại ruộng đất, phổ biến kỹ thuật mới về các biện pháp phong ngừa sâu bệnh, xây dựng cơ sở hạ tầng ở nông thôn, đặt ra mục tiêu tự túc lương thực và đã đạt được kết quả lớn trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Người nông dân Hàn Quốc đã thực sự yên tâm sản xuất và ngày càng có nhiều hộ nông dân sản xuất với quy mô lớn vì họ không phải lo thiếu vốn.

* Tín dụng nông nghiệp nông thôn ở Philippin

Hệ thống tín dụng chính thống cung cấp vốn tín dụng cho khu vực nông nghiệp nông thôn ở Philippin bao gồm các ngân hàng thương mại và các ngân hàng đặc biệt của Chính phủ. Hệ thống các ngân hàng nông thôn, ngân hàng tiết kiệm và ngân hàng thương mại bao gồm của Nhà nước và của tư nhân có các chi nhánh xuống tận làng xã ở khắp cả nước. Trong đó, ngân hàng nông thôn là tổ chức tín dụng chính thống lớn nhất trong tổng số dư tiền cho vay của ngân hàng nông thôn thì có tới 97%-100% là cho vay nông nghiệp. Chính phủ Philippin đã có những chính sách tín dụng phục vụ cho phát triển nông nghiệp nông thôn như bắt buộc tất cả các ngân hàng thương mại phải dành tối thiểu 25% quỹ tiền vay có thể của họ cho nông nghiệp, chính phủ có một ngân hàng đặc biệt cung cấp tín dụng cho nông nghiệp nông thôn lớn nhất đó là Land Bank của Philippin. Ngân hàng này đã dành tới 67% số vốn huy động để cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn. Đặc biệt ở Philippin cũng có những ngân hàng những công ty được coi là thành công trong việc cho hộ nông dân nghèo vay vốn. Như vậy ở Philippin không chỉ các hộ nông dân được tiếp cận đầy đủ với vốn TDCT mà ngay cả ở các hộ nông dân nghèo cũng rất được quan tâm cho vay vốn để yên tâm sản xuất (Joann Ledgerwood, 2001) [7].

1.3.1.2. Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam và tỉnh Bắc Ninh

- Việc tiếp cận vốn tín dụng của các HTXNN còn gặp nhiều khó khăn, vì vậy phải có quy trình đơn giản và cụ thể. Có nhiều tổ chức tín dụng tham gia qua kênh cung vốn thì các HTXNN mới có thể tiếp cận được vốn cho sản xuất.

- Cần tăng cường nguồn vốn, đặc biệt là vốn vay ưu đãi để đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, tích cực tìm kiếm các nguồn vốn tín dụng ưu đãi nước ngoài.

- Các NHTM cần nghiên cứu các sản phẩm tín dụng phù hợp với đặc thù địa bàn tỉnh Bắc Ninh, thiết kế các sản phẩm tín dụng phù hợp với tính chất mùa vụ, điều kiện tự nhiên...

- Nâng cao năng lực quản lý, năng suất và chất lượng lao động của HTXNN.

- Hỗ trợ HTXNN trong việc xây dựng phương án, kế hoạch sản xuất đảm bảo tính khả thi. Có kế hoạch chi tiết tiếp cận nguồn vốn vay.

Một phần của tài liệu Đánh giá thực trạng và đề xuất một số giải pháp tiếp cận tín dụng của các hợp tác xã nông nghiệp tại tỉnh bắc ninh (Trang 33 - 36)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(115 trang)