Chương 3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN
3.5. Đánh giá chung hoạt động tiếp cận tín dụng của các hợp tác xã nông nghiệp tỉnh Bắc Ninh
3.5.1. Kết quả đạt được
Hoạt động cho vay của các TCTD tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2015-2020 đã tăng trưởng ổn định, an toàn và hiệu quả, vươn tới tất cả các vùng nông thôn, đặc biệt những vùng sâu, vùng xa, đóng góp rất lớn vai trò của mình trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế NNNT, phát triển kinh tế địa phương.
Các TCTD tỉnh Bắc Ninh thực hiện củng cố thị trường truyền thống bằng cách đưa ra nhiều biện pháp như áp dụng lãi suất ưu đãi, chuyển đổi phương thức cho vay, đơn giản thủ tục phù hợp với cơ chế và các chính sách khuyến khích phát triển kinh tế của Tỉnh, đặc biệt ưu tiên vốn cho khu vực NNNT.
Tỷ lệ nợ xấu luôn được duy trì ở mức thấp. Với việc bám sát chủ trương phát triển kinh tế của tỉnh, vốn đầu tư của các TCTD đang hướng vào các chương trình kinh tế trọng điểm phù hợp với đối tượng mà ngân hàng đã và đang đầu tư như: sản xuất hàng hoá xuất khẩu, nuôi trồng thuỷ hải sản, dịch vụ du lịch, các làng nghề truyền thống ở nông thôn. Cơ cấu đầu tư tín dụng đã tăng tỷ trọng cho vay vốn các HTX, DNVVN, cùng với tập trung vốn cho các dự án nuôi trồng, sản xuất, chế biến mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hoạt động tín dụng đã có bước chuyển mạnh sang phương thức đầu tư theo các chương trình, dự án của Chính phủ, dự án phát triển kinh tế địa phương nhằm khai thác mọi tiềm năng của địa phương phát triển nền kinh tế. Qua đó, từng bước chuyển hoạt động tín dụng phù hợp và thích ứng kịp thời theo cơ chế thị trường.
Góp phần phát triển nhiều ngành nghề mới, giải quyết việc làm, xoá đói giảm nghèo, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế NNNT. Với việc bám sát định hướng của chính phủ, vốn đầu tư của các TCTD đã có sự tập trung ưu tiên bố trí vốn cho các dự án, phương án kinh doanh có hiệu quả kinh tế, đảm bảo khả năng trả nợ. Cơ cấu dư nợ đã có sự chuyển biến tích cực, ưu tiên đầu tư phát
triển kinh tế hộ, mở rộng cho vay đối với doanh nghiệp ngoài quốc doanh, hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Trong quá trình đầu tư đã gắn việc cho vay với việc tạo công ăn việc làm, giải quyết xoá đói giảm nghèo. Qua đó, giúp phát triển nhiều ngành nghề mới, khôi phục các làng nghề truyền thống... và quan trọng hơn, thông qua đầu tư tín dụng đã giải quyết khá nhiều việc làm, xoá đói giảm nghèo cho nhiều gia đình ở nông thôn, góp phần không nhỏ thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH, HĐH NNNT.
3.5.2. Tồn tại
Mặc dù trong những năm qua, vốn tín dụng của các TCTD đã phát huy được hiệu quả trong cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn, tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại sau:
- Một là sự phối hợp với các ngành các cấp có lúc, có nơi còn chưa được đồng bộ. Điều này thể hiện ở chỗ: từ khâu đầu tư vốn đến khâu sản xuất chế biến tiêu thụ là một chu trình khép kín, mỗi khâu là một mắt xích trong quá trình, nhưng trong nông nghiệp chưa có quy hoạch vùng, chưa có thu mua chế biến gắn liền với tiêu thụ sản phẩm.
Cho vay NN - NT thực hiện còn chưa đồng đều giữa các TCTD, định hướng phát triển tín dụng (tập trung cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn) ở một số TCTD thuộc khu vực thành phố, thị xã còn chưa phù hợp.
- Hai là cơ chế chính sách của các TCTD về cơ bản đã thực hiện tốt nhưng bên cạnh đó vẫn còn một số bất cập: các đối tượng đi vay sản xuất NN - NT được hướng dẫn về khoa học kỹ thuật chưa nhiều, chưa được tạo điều kiện sản xuất hết mức nên hiệu quả sử dụng vốn còn chưa cao, sản phẩm làm ra chưa được tiêu thụ hết. Thủ tục vay vốn của Ngân hàng được thực hiện theo quy định của Chính phủ nên theo đúng các trình tự cho vay, các khách hàng vay vốn chủ yếu là người dân muốn được vay mà không cần thủ tục phức tạp thì hay e ngại trong việc đi vay vốn.
- Ba là sau khi giải ngân, việc sử dụng vốn vay của các đối tượng đi vay vốn còn chưa thực sự đạt hiệu quả.
- Bốn là nợ xấu vẫn còn tồn tại mặc dù các TCTD đã thực hiện tốt chất lượng tín dụng.
- Năm là hiệu quả của việc mở rộng cho vay còn thấp. Năng suất cho vay của các TCTD tuy tăng trưởng khá nhờ tăng trưởng dư nợ với tốc độ cao, phù hợp với nhịp độ tăng trưởng nền kinh tế, nhưng chưa có sự chuyển biến mạnh theo hướng tập trung mà chủ yếu vẫn còn phân tán, manh mún. Vì vậy, hiệu quả mang lại vẫn chưa cao, còn tiềm ẩn nguy cơ rủi ro lớn. Hiện nay, phương thức cho vay từng lần, cho vay phân tán và manh mún đến từng đối tượng là chủ yếu, các hình thức cho vay khép kín, cho vay theo các dự án phát triển kinh tế, các vùng tập trung sản xuất chuyên canh, mũi nhọn trong phát triển NNNT chưa nhiều nên rủi ro trong hoạt động cho vay vẫn còn có nguy cơ cao.
3.5.3. Nguyên nhân của tồn tại Nguyên nhân khách quan
- Môi trường pháp lý chưa thật thuận lợi. Hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng tuy đã được cải thiện nhiều nhưng chưa đồng bộ, chưa phù hợp với môi trường cạnh tranh của cơ chế thị trường. Thủ tục và điều kiện cho vay còn rườm rà, phức tạp đã khiến cho các TCTD phải từ chối nhiều khoản vay vì khách hàng không đáp ứng được đầy đủ các điều kiện vay vốn, cũng như việc công chứng chứng thực, đăng ký thế chấp, đăng ký giao dịch đảm bảo thủ tục còn rất tốn kém thời gian, công sức. Trong quan hệ tín dụng, hoạt động tín dụng gặp vướng mắc khi phải xử lý nợ vay có liên quan đến tài sản đảm bảo cho khoản vay, còn lệ thuộc rất nhiều vào các cơ quan công quyền của Nhà nước. Quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng đất chưa rõ ràng, rành mạch lúc đồng sở hữu cùng đứng tên, lúc đại diện đứng tên...
Nguyên nhân chủ quan
- Trình độ đội ngũ cán bộ còn nhiều bất cập. Trình độ của đội ngũ cán bộ, nhất là CBTD còn nhiều hạn chế trong thực hiện nghiệp vụ ngân hàng cũng như hiểu biết các kiến thức pháp luật, kiến thức về các ngành nghề sản xuất, trình độ phân tích, thẩm định dự án đầu tư, phương án vay vốn của cán bộ chưa toàn diện, còn nhiều hạn chế, nhất là ở các chi nhánh của các TCTD. Một số cán bộ còn thiếu trách nhiệm trong công việc được giao, thiếu kiến thức và am hiểu pháp luật, hiểu biết ngành nghề sản xuất trong thẩm định. Kỹ năng thẩm định hiệu quả kinh tế của dự án đầu tư, đánh giá tình hình tài chính của khách hàng còn yếu, việc tình toán các hệ số tài chính còn sơ sài, xác định vòng đời quá dài so với tính chất các tài sản liên quan của dự án về hao mòn hữu hình, vô hình, xác định vòng quay vốn lưu động thiếu thực tế. Trong cho vay bỏ sót một số bước thẩm định, hạ thấp điều kiện vay. Việc sử dụng cán bộ tại một số chi nhánh cấp 3 chưa có tính chọn lọc, do số lượng cán bộ ít, chất lượng của cán bộ chưa cao do không được đào tạo chuyên sâu về tín dụng. Cán bộ cho vay gặp nhiều rủi ro trong thi hành nhiệm vụ, mang nặng chế độ trách nhiệm nhưng tiền lương, phụ cấp cũng như cán bộ, viên chức bình thường, không có chế độ đãi ngộ thích đáng để khuyến khích và nâng cao trách nhiệm trong quá trình cho vay.
Tóm lại, hiệu quả hoạt động tín dụng của các TCTD tỉnh Bắc Ninh đối với lĩnh vực NNNT trong những năm qua đã có được những kết quả khả quan và khẳng định được vai trò của một NHTM chủ lực tại Bắc Ninh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH, HĐH NNNT. Những hạn chế, vướng mắc như đã phân tích trên đây cần được xem xét để đưa ra các biện pháp khắc phục.