Khoảng trống nghiên cứu

Một phần của tài liệu Đầu tư trực tiếp nước ngoài với mục tiêu phát triển kinh tế bền vững của việt nam (Trang 35 - 38)

2. Tổng quan các công trình nghiên cứu có liên quan và khoảng trống nghiên cứu

2.3. Khoảng trống nghiên cứu

Các nghiên cứu thực nghiệm về tác động của FDI đối với nền kinh tế nước tiếp nhận đầu tư cho kết quả không thống nhất trong các trường hợp khác nhau. Điều này tạo nên ba trường phái điển hình trong đánh giá tác động của FDI.

* Trường phái thứ nhất khẳng định FDI có vai trò tích cực đối với nền kinh tế và mục tiêu phát triển kinh tế bền vững của nước tiếp nhận đầu tư, cụ thể như:

- FDI giúp đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, thúc đẩy phân công lao động quốc tế và hội nhập, tạo tiền đề tham gia và khai thác có hiệu quả chuỗi giá trị sản phẩm toàn cầu. Đồng thời, thông qua việc tao ra những doanh nghiệp mới, thu hút thêm lao động, giải quyết một phần nạn thất nghiệp, cải thiện đời sống người lao động.

- FDI đem lại cho nước tiếp nhận nguồn vốn bổ sung quan trọng, khắc phục một phần tình trạng thiếu hụt vốn, góp phần giải quyết mâu thuẫn giữa nhu cầu phát triển với nguồn tài chính hạn hẹp trong thời kỳ đầu công nghiệp hoá. Điều này càng đặc biệt quan trọng đối với những nước hạn chế vốn trong nước, có cơ hội bổ sung vốn mà không phải lo gánh nặng nợ công. Hơn nữa, FDI còn có khả năng kích thích nguồn vốn trong nước vào các dự án đầu tư thông qua tác động lan tỏa và nhu cầu liên kết sản xuất, kinh doanh.

- FDI đi kèm với di chuyển máy móc thiết bị và công nghệ mới giúp nước nhận đầu tư tiếp cận với tiến bộ công nghệ, kỹ thuật mới, nâng cao giá trị các sản phẩm trong nước, sản xuất các sản phẩm chất lượng cao có giá trị gia tăng cao. Quá trình chuyển giao công nghệ giúp nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực, tiết kiệm chi phí và nâng cao khả năng cạnh tranh của các sản phẩm trong nước. Bên cạnh đó, việc chuyển giao công nghệ đi kèm với FDI buộc các doanh nghiệp trong nước cũng phải đầu tư cải tiến công nghệ, nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm, dịch vụ.

- Cùng với FDI, những kiến thức về quản lý kinh tế, quản trị doanh nghiệp tiên tiến, hiện đại được du nhập vào trong nước, tạo môi trường cạnh tranh, giúp các tổ chức sản xuất trong nước bắt kịp phương thức quản lý công nghiệp hiện đại, lực lượng lao động quen dần với phong cách làm việc công nghiệp cũng như hình thành dần đội ngũ doanh nhân giỏi.

- Quá trình vận hành dự án, FDI gắn liền với việc tuyển dụng, đào tạo, sử dụng lao động trong nước góp phần hình thành đội ngũ lao động chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư cũng như sự nghiệp công nghiệp hóa và phát triển kinh tế bền vững.

- Hoạt động R&D của FDI cũng được đánh giá rất cao. Lợi ích mang lại từ R&D đôi khi lớn hơn rất nhiều so với việc di chuyển vốn. Đây chính là lý do, nhiều quốc gia tiếp nhận đầu tư đưa ra các chính sách ưu đãi đặc biệt nhằm khuyến khích các tập đoàn lớn thành lập và triển khai các chi nhánh nghiên cứu và phát triển ở nước mình.

- FDI còn góp phần phát triển mở cửa thị trường hàng hoá nước ngoài, giúp các doanh nghiệp trong nước tiếp cận với thị trường thế giới thông qua liên doanh và mạng sản xuất, cung ứng trong khu vực và toàn cầu. Đây là con đường nhanh nhất và có hiệu quả cao nhất giúp các doanh nghiệp trong nước tiếp cận với thị trường nước ngoài....

* Đối lập với trường phái thứ nhất, qua một số trường hợp điển hình, trường phái thứ hai phủ định và hoài nghi về bảo đảm tính bền vững kinh tế có thể mang lại cho nền kinh tế nước tiếp nhận đầu tư từ khu vực FDI:

- Vốn FDI thực tế triển khai tại nước tiếp nhận đầu tư là thấp và khá đắt đỏ nếu so sánh giữa đóng góp của FDI và sự tiêu hao nguồn lực. Đồng thời, với sự thống trị của các MNC trong một nền kinh tế đang phát triển có thể gây bất lợi cho tăng trưởng và phát triển kinh tế. FDI làm tăng sản lượng ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhưng lại làm giảm sản lượng đối với doanh nghiệp trong nước (Haddad M. And Harrison’s A. E., 1993; Kopp R. and Smith V. K., 1993). Thậm chí còn xảy ra tình trạng FDI chèn lấn nhằm loại bỏ doanh nghiệp trong nước để chiếm lĩnh thị trường.

- Không những việc chuyển giao công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường rất phổ biến mà những lợi ích tương ứng của công nghệ nước ngoài đưa vào nước sở tại có thể không đáng kể hoặc thậm chí là không có (Imad A. Moosa, 2002). Trong nhiều trường hợp không thấy có dấu hiệu tích cực nào của tác động tràn công nghệ (Aiken B.

J. and Harrison’s A. E., 1999), và ảnh hưởng lan truyền của FDI tới sản lượng là rất nhỏ (Haddad M. and Harrison’s A. E., 1993). Trong trường hợp có sự chuyển giao công nghệ tích cực thì để khu vực FDI có năng suất cao hơn đầu tư trong nước, nước tiếp nhận FDI phải có đủ ngưỡng tối thiểu về vốn con người (Borensztein E., Jose De Gregorio and J-W Lee, 1998). Do vậy nguy cơ nước tiếp nhận đầu tư trở thành bãi rác công nghệ cho các nhà đầu tư nước ngoài là hiện hữu.

- Cơ cấu kinh tế chuyển dịch mất cân đối do FDI thường tập trung vào các ngành có lợi thế so sánh, các ngành có lợi nhuận và khả năng cạnh tranh cao của nước tiếp nhận đầu tư (Imad A. Moosa, 2002), không bảo đảm mục tiêu phát triển cân đối, hài hòa và bền vững về kinh tế của nước tiếp nhận đầu tư.

- Sử dụng không hiệu quả các nguồn lực và nguy cơ cạn kiệt tài nguyên. Việc tranh thủ mọi nguồn lực, khai thác triệt để mọi nguồn tài nguyên sẵn có của nước tiếp nhận nhằm bảo đảm lợi nhuận tối đa chuyển về nước đầu tư là nguy cơ của tình trạng lãng phí, sử dụng không hiệu quả nguồn lực, gây cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên và gây ô nhiễm môi trường.

* Dung hòa giữa hai trường phái, trường phái thứ ba thừa nhận FDI vừa có mặt tích cực nhưng đồng thời cũng tiềm ẩn nhiều tác động tiêu cực đối với nền kinh tế và mục tiêu phát triển kinh tế bền vững của nước tiếp nhận. Đồng thời khẳng định, để thu được lợi ích thực sự từ FDI, đặc biệt gắn với mục tiêu phát triển kinh tế bền vững, nước tiếp nhận đầu tư cần chuẩn bị sẵn sàng về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, thể chế và các công cụ chính sách điều tiết và quản lý hiệu quả....

Nghiên cứu của Esiyok & Ugur (2015) chỉ ra, việc mở cửa thị trường, tiềm năng thị trường, giáo dục trung học ở cấp tỉnh tạo sức hút đáng kể đối với FDI, trong đó các công ty đa quốc gia và chính MNCs tác động đến thúc đẩy xuất khẩu của địa phương, địa phương lân cận và cả nước.

Ngoài ra, có nhiều nghiên cứu chỉ ra, FDI ảnh hưởng khác nhau đối với các quốc gia khác nhau, các ngành, lĩnh vực khác nhau trong một nền kinh tế, tác động tích cực với quốc gia này, ngành này nhưng lại ảnh hưởng tiêu cực tới quốc gia khác, ngành khác và hình thức đầu tư khác nhau cũng có ảnh hưởng khác nhau.

Có thể thấy chủ đề FDI và tác động của nó tới nước tiếp nhận đầu tư nhận được rất nhiều sự quan tâm nghiên cứu của các chuyên gia, nhà khoa học trong nước cũng như quốc tế. Kết quả nghiên cứu phản ánh một bức tranh đa chiều, không đồng nhất về vai trò và tác động của FDI đối với mục tiêu phát triển kinh tế bền vững của nước tiếp nhận đầu tư. Bên cạnh rất nhiều các công trình nghiên cứu thực nghiệm, đánh giá thực trạng, tác động, đưa ra các giải pháp tăng cường thu hút FDI, còn có các nghiên cứu hướng tới các giải pháp nâng cao hiệu quả giải ngân và chất lượng các dự án FDI bảo đảm mục tiêu phát triển kinh tế bền vững, cũng như đánh giá những tác động hai mặt của FDI đối với nền kinh tế nước nhận để có những kiến nghị điều chỉnh chính sách phù hợp. Các công trình nghiên cứu khoa học có liên quan góp phần vào việc xây dựng, sửa đổi, hoàn thiện chính sách thu hút, quản lý FDI ngày càng hiệu quả.

Những năm gần đây, các nghiên cứu về chỉ tiêu đánh giá, mục tiêu và các giải pháp bảo đảm phát triển kinh tế bền vững, một trong ba trụ cột của phát triển bền

vững, cũng rất được quan tâm nghiên cứu. Kết quả đi đến thống nhất, phát triển kinh tế bền vững nói riêng và phát triển bền vững nói chung phải là đích hướng đến của mỗi doanh nghiệp, mỗi quốc gia và toàn nhân loại.

Tuy nhiên, tính đến nay, theo sự tìm hiểu của tác giả, chưa có công trình khoa học nào đã được công bố tập trung nghiên cứu về FDI với tư cách là một nguồn lực quan trọng đóng góp vào mục tiêu phát triển kinh tế bền vững của nước tiếp nhận. Các nghiên cứu về FDI ít gắn với mục tiêu phát triển kinh tế bền vững. Ngược lại, các nghiên cứu về phát triển kinh tế bền vững thường ít gắn với FDI. Do đó, luận án là nghiên cứu góp phần lấp khoảng trống nghiên cứu gắn FDI với mục tiêu phát triển kinh tế bền vững.

Luận án tiếp cận theo hướng, bên cạnh những đóng góp quan trọng, FDI bộc lộ những hạn chế trong nền kinh tế Việt Nam, chưa bảo đảm đóng góp tích cực vào mục tiêu phát triển kinh tế bền vững. Tuy nhiên, FDI vẫn là một nguồn lực quan trọng và thực sự cần thiết trong thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế bền vững, đóng góp tích cực vào hiện thực hóa các mục tiêu phát triển kinh tế bền vững của Việt Nam khi có sự sẵn sàng cả về số lượng, chất lượng của các nguồn lực, hạ tầng cơ sở, hạ tầng kỹ thuật, sự hoàn thiện của thể chế và các công cụ quản lý, điều tiết hiệu quả. Điều này đặt ra yêu cầu đánh giá, sàng lọc đối tác, cơ cấu, chất lượng nguồn vốn, công nghệ, ngành nghề, địa bàn và hình thức đầu tư... phù hợp, sự sẵn sàng về thể chế, hạ tầng cơ sở, các nguồn lực trong nước, cũng như các công cụ chính sách điều tiết, quản lý có hiệu quả để FDI đóng góp tích cực vào mục tiêu phát triển kinh tế bền vững.

Một phần của tài liệu Đầu tư trực tiếp nước ngoài với mục tiêu phát triển kinh tế bền vững của việt nam (Trang 35 - 38)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(183 trang)