Phát triển bền vững và phát triển kinh tế bền vững

Một phần của tài liệu Đầu tư trực tiếp nước ngoài với mục tiêu phát triển kinh tế bền vững của việt nam (Trang 52 - 55)

CHƯƠNG 1: 32LÝ THUYẾT VỀ ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP NƯỚC NGOÀI VỚI MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN KINH TẾ BỀN VỮNG VÀ KINH NGHIỆM QUỐC TẾ

1.2. Lý thuyết về mục tiêu phát triển kinh tế bền vững

1.2.2. Phát triển bền vững và phát triển kinh tế bền vững

Từ khi xuất hiện thuật ngữ "phát triển bền vững" đến nay đã có nhiều khái niệm về phát triển bền vững được đưa ra. Tựu chung lại có thể hiểu, phát triển bền vững là

sự phát triển kinh tế - xã hội lành mạnh, dựa trên việc sử dụng hợp lý các nguồn lực và bảo vệ môi trường, nhằm đáp ứng nhu cầu của hiện tại nhưng không làm ảnh hưởng bất lợi cho các thế hệ mai sau. Hay, phát triển bền vững là sự phát triển kinh tế - xã hội với tốc độ tăng trưởng cao, liên tục trong thời gian dài dựa trên việc sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên mà vẫn bảo vệ được môi trường sinh thái. Là sự phát triển kinh tế đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội hiện tại, song không làm cạn kiệt tài nguyên, để lại hậu quả về môi trường, tổn hại khả năng thỏa mãn nhu cầu của thế hệ tương lai.

Trong Báo cáo “Tương lai của chúng ta” (Our common future) năm 1987 của WCED, “phát triển bền vững” được định nghĩa “là sự phát triển đáp ứng được những yêu cầu của hiện tại, nhưng không gây trở ngại cho việc đáp ứng nhu cầu của các thế hệ mai sau” (WCED, 1987). Định nghĩa của WCED được nhiều tổ chức và quốc gia trên thế giới thừa nhận và được sử dụng rộng rãi trong các ấn phẩm về PTBV vì nó mang tính khái quát hoá cao về mối quan hệ giữa các thế hệ về thoả mãn các nhu cầu về đời sống vật chất, tinh thần, từ đó tạo ra PTBV, vì suy cho cùng, bản chất của PTBV tức là sự tồn tại bền vững của loài người trên trái đất không phân biệt quốc gia, dân tộc và trình độ kinh tế, xã hội, ở đây sự tồn tại của loài người luôn gắn với sự tồn tại của môi trường kinh tế, xã hội và tự nhiên mà con người cần phải có. Tuy nhiên, định nghĩa này thiên về đưa ra mục tiêu, yêu cầu cho sự PTBV, mà chưa nói đến bản chất các quan hệ nội tại của quá trình PTBV là thế nào.

Bên cạnh đó, ADB đã đưa ra định nghĩa cụ thể hơn, đó là: “phát triển bền vững là một loại hình phát triển mới, lồng ghép một quá trình sản xuất với bảo toàn tài nguyên và nâng cao chất lượng môi trường. PTBV cần phải đáp ứng các nhu cầu của thế hệ hiện tại mà không phương hại đến khả năng của chúng ta đáp ứng các nhu cầu của các thế hệ tương lai”. Định nghĩa này đề cập cụ thể hơn về mối quan hệ ràng buộc giữa sự đáp ứng nhu cầu hiện tại với khả năng đáp ứng nhu cầu tương lai, thông qua lồng ghép quá trình sản xuất với các biện pháp bảo toàn tài nguyên, nâng cao chất lượng môi trường. Tuy vậy, định nghĩa này vẫn chưa đề cập được tính bản chất của các quan hệ giữa các yếu tố của PTBV và chưa đề cập đến các nhóm nhân tố cụ thể mà quá trình PTBV phải đáp ứng (tuân thủ) cùng một lúc, đó là nhóm nhân tố tạo ra tăng trưởng kinh tế, nhóm nhân tố tác động thay đổi xã hội, bao gồm thay đổi cả văn hoá và nhóm nhân tố tác động làm thay đổi tài nguyên, môi trường tự nhiên.

Nội hàm về phát triển bền vững được bổ sung, hoàn thiện tại Hội nghị Johannesburg - 2002: “Phát triển bền vững là quá trình phát triển có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa ba mặt của sự phát triển. Đó là; phát triển kinh tế, công

bằng xã hội và bảo vệ môi trường”. Hiện nay, ngoài ba mặt chủ yếu kể trên, nhiều khía cạnh của phát triển bền vững như văn hóa, chính trị, dân tộc, tôn giáo… cũng được đặt ra và đưa vào các chiến lược, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của nhiều nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ.

Có thể khái quát và đưa ra khái niệm về PTBV như sau: PTBV là một phương thức phát triển kinh tế- xã hội nhằm giải quyết tốt mối quan hệ giữa phát triển kinh tế, các vấn đề xã hội và BVMT với mục tiêu đáp ứng tốt hơn các nhu cầu của thế hệ hiện tại đồng thời không gây trở ngại cho việc đáp ứng nhu cầu của các thế hệ mai sau. Hay nói cách khác: đó là sự phát triển hài hoà cả về kinh tế, văn hoá, xã hội, môi trường ở các thế hệ nhằm không ngừng nâng cao chất lượng sống của con người.

1.2.2.2. Phát triển kinh tế bền vững

Có thể thấy ba thành tố của phát triển bền vững (kinh tế, môi trường, xã hội) có mối quan hệ biện chứng, dường như không thể phân tách thành những khái niệm riêng biệt. Thuật ngữ phát triển kinh tế bền vững hay phát triển bền vững về kinh tế là thuật ngữ thường xuyên xuất hiện trong thời gian gần đây. Một số tác giả cũng đã đưa ra khái niệm về phát triển kinh tế bền vững: Nguyễn Hữu Sở (2009) cho rằng “phát triển kinh tế bền vững là sự tăng trưởng về kinh tế một cách hợp lý, hiệu quả và bền vững:

mà chỉ cần cao ở mức vừa phải đồng thời duy trì một cơ cấu kinh tế ngành một cách phù hợp và từng bước có sự dịch chuyển cơ cấu kinh tế theo đúng xu thế đi lên”; còn theo Hoàng Thị Thu Hà (2015) “phát triển kinh tế bền vững là một trong các nội dung của PTBV, trong đó đảm bảo sự lâu bền của tốc độ tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng ngày càng hợp lý, nâng cao hiệu quả tăng trưởng”.

Phát triển kinh tế bền vững theo nghĩa rộng có thể được hiểu chính là phát triển bền vững. Vì nền kinh tế phát triển bền vững được thể hiện qua tốc độ tăng trưởng ổn định trong một khoảng thời gian dài, trên cơ sở sử dụng hiệu quả các nguồn lực, bảo vệ môi trường, đời sống vật chất, tinh thần của mọi tầng lớp dân cư được nâng lên, an sinh và công bằng xã hội được bảo đảm, đáp ứng được những yêu cầu của hiện tại nhưng không gây trở ngại cho việc đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai.

Xem xét dưới tư cách là một trong ba thành tố cấu thành phát triển bền vững, dựa trên những khái niệm về phát triển bền vững được đưa ra, theo tác giả, có thể khái quát phát triển kinh tế bền vững như sau: phát triển kinh tế bền vững là sự tăng trưởng liên tục, ổn định, đồng thời bảo đảm khả năng tăng trưởng lâu dài của nền kinh tế; là sự phát triển kinh tế trên cơ sở khai thác hợp lý và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các

nguồn lực, với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tiến bộ, hoàn thiện thể chế;

tạo ra sự thịnh vượng chung cho tất cả mọi người, vừa đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của thế hệ hiện tại, vừa không gây trở ngại cho việc đáp ứng nhu cầu của thế hệ mai sau; là sự phát triển kinh tế bảo đảm sự tiết kiệm, bảo tồn, tái tạo, tăng trưởng và phát triển lành mạnh tất cả các nguồn lực của nền kinh tế, bao gồm cả bốn thành tố là vốn, lao động, công nghệ và tài nguyên thiên nhiên.

Phát triển kinh tế bền vững là trạng thái phát triển của một nền kinh tế theo hướng giảm bớt các khâu giá trị có giá trị gia tăng thấp sang các khâu có giá trị gia tăng cao, phù hợp với điều kiện tự nhiên, xã hội của quốc gia, hướng tới cơ cấu kinh tế thông tin, cơ cấu kinh tế tri thức; khai thác hiệu quả và phát huy tối ưu lợi thế so sánh, lợi thế cạnh tranh của các lĩnh vực, ngành nghề mà quốc gia có lợi thế. Phát triển kinh tế bền vững còn là sự bảo đảm nền kinh tế không bị rơi vào tình trạng nợ nước ngoài, cán cân thanh toán không bị thâm hụt quá mức gây bất ổn định kinh tế vĩ mô. Phát triển kinh tế bền vững trong bối cảnh hội nhập quốc tế còn được thể hiện ở năng lực cạnh tranh của nền kinh tế nói chung cũng như từng doanh nghiệp, từng loại sản phẩm nói riêng.

Một phần của tài liệu Đầu tư trực tiếp nước ngoài với mục tiêu phát triển kinh tế bền vững của việt nam (Trang 52 - 55)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(183 trang)