Kinh nghiệm của Hàn Quốc

Một phần của tài liệu Đầu tư trực tiếp nước ngoài với mục tiêu phát triển kinh tế bền vững của việt nam (Trang 65 - 68)

CHƯƠNG 1: 32LÝ THUYẾT VỀ ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP NƯỚC NGOÀI VỚI MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN KINH TẾ BỀN VỮNG VÀ KINH NGHIỆM QUỐC TẾ

1.5. Một số kinh nghiệm quốc tế về FDI với mục tiêu phát triển kinh tế bền vững

1.5.1. Kinh nghiệm của Hàn Quốc

Sau Chiến tranh Triều Tiên, Hàn Quốc là một trong những nước nghèo nhất thế giới đã dần vươn lên trở thành một nền kinh tế phát triển, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2015 đứng thứ tư ở châu Á và đứng thứ 11 trên thế giới (Theo WB với 172 quốc gia và vùng lãnh thổ, 2016). Thu nhập bình quân đầu người theo sức mua tương đương của Hàn Quốc hiện nay xếp khoảng thứ 30 trên tổng số trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ được xếp hạng hàng năm. Một phân tích gần đây bởi Goldman Sachs năm 2007 đã chỉ ra, Hàn Quốc sẽ trở thành nước giầu thứ 3 trên thế giới vào năm 2025 với GDP bình quân đầu người là 52.000 USD và tiếp 25 năm sau nữa sẽ vượt qua tất cả các nước ngoại trừ Hoa Kỳ để trở thành nước giầu thứ hai trên thế giới, với GDP bình quân đầu người là 81.000 USD. Mặc dù với sự trỗi dậy hiện nay của Trung Quốc, mọi việc trở nên khó dự báo hơn, nhưng Hàn Quốc vẫn là một quốc gia để các nước đang phát triển nghiên cứu, học tập kinh nghiệm phát triển kinh tế trong đó có chính sách FDI với mục tiêu phát triển kinh tế bền vững.

Bảng 1.3: Thu nhập bình quân đầu người theo sức mua tương đương Đơn vị tính: USD

Tên nước

1990 (148)* 2000 (175)* 2005 (186)* 2010 (184)* 2015 (166)*

Thu nhập

Xếp hạng

Thu nhập

Xếp hạng

Thu nhập

Xếp hạng

Thu nhập

Xếp hạng

Thu nhập

Xếp hạng

Sing-ga-po 21960 9 40700 4 51460 7 70200 4 81190 2

Hàn Quốc 8590 42 17960 34 24030 35 30500 30 34700 30

Ma-lai-xi-a 6290 51 11430 45 15730 51 19330 50 26140 41

Thái Lan 4060 75 6970 72 9740 77 12020 77 15210 69

Trung Quốc 980 125 2880 116 5020 113 9200 93 14160 76

In-đô-nê-xi-a 2810 90 4240 99 5790 107 8100 99 10680 95

Phi-líp-pin 2550 91 3940 102 5370 111 7330 105 8900 101

Việt Nam 910 127 2070 130 3050 134 4230 129 5690 122

Lào 1050 120 1770 137 2570 140 3570 137 5380 123

Đông Ti-mo 1680 143 2090 149 6140 115 3820 131

Cam-pu-chia 1050 157 1670 156 2340 153 3290 136

B-ru-nây 49820 1 59030 2 67370 4 4

Thế giới 5336 7831 10001 12755 15415

Nguồn: World Bank (*) - Số quốc gia World Bank xếp hạng tính đến tháng 10/2016

Sở dĩ Hàn Quốc đạt được những thành công như vậy là nhờ có những chính sách điều hành kinh tế vĩ mô hợp lý, phù hợp với từng giai đoạn. Trong đó bao gồm cả chính sách FDI với mục tiêu phát triển kinh tế bền vững.

Mặc dù thu hút FDI từ những năm 1960, Hàn Quốc vẫn ưu tiên hỗ trợ bảo lãnh doanh nghiệp trong nước vay tín dụng nước ngoài, nhập khẩu công nghệ, mở rộng, nâng cấp cơ cấu công nghiệp. Chính sách này mang lại thành công trong hình thành những thương hiệu toàn cầu như Samsung, Huyndai, LG… từ một nền kinh tế nông nghiệp chỉ sau 3 thập kỷ (Choong Yong Ahn, 2008). Việc thu hút FDI thời kỳ này được quản lý rất ngặt nghèo, FDI chỉ được phép hoạt động trong một số lĩnh vực mục tiêu, cần thiết có sự hỗ trợ kỹ thuật, học hỏi kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ của nước ngoài và đặc biệt là chỉ khuyến khích liên doanh chứ không khuyến khích hình thức 100% vốn nước ngoài. Đồng thời, sau khi các đối tác Hàn Quốc đã tiếp nhận và làm chủ thành công công nghệ chuyển giao, đủ sức cạnh tranh và thắng thầu quốc tế, chính phủ sẽ mua lại phần vốn thuộc sở hữu của đối tác nước ngoài. Điều này đã giúp cho các tập đoàn (Chaebol) và các doanh nghiệp của Hàn Quốc nhanh chóng tiếp cận, làm chủ công nghệ, tăng cường học hỏi, nâng cao năng lực R&D, năng lực quản trị cũng như khả năng cạnh tranh quốc tế (Frédérique Sachwald, 2003). Có thể nói chính sách bền vững công nghệ đối với FDI là đặc thù của Hàn Quốc. Đây là cách thức tạo sự bền vững kinh tế nội tại.

Ngay từ giai đoạn đầu mở cửa, Hàn Quốc thực hiện một chính sách hiệu quả đối với FDI, có sự sàng lọc rất khắt khe, cẩn trọng và rõ ràng đối với khu vực kinh tế này nhằm tận dụng được các lợi thế và bảo đảm những đóng góp tích cực vào mục tiêu phát triển kinh tế bền vững của đất nước. Một trong những điểm nổi bật trong chính sách FDI của Hàn Quốc là phát triển công nghệ bền vững, thông qua chính sách thu hút, quản lý FDI bảo đảm tiếp cận, làm chủ công nghệ cao, biến công nghệ nước ngoài thành công nghệ trong nước.

Tương tự như vậy trong lĩnh vực tài chính, cuối những năm 1970, với mục tiêu tiếp cận công nghệ tài chính tiên tiến và nâng cấp các dịch vụ tại Hàn Quốc, Chính phủ Hàn Quốc khuyến khích các ngân hàng hàng đầu tham gia vào liên doanh với các ngân hàng nội địa, trong sự kiểm soát nghiêm ngặt của Chính phủ.

Với những quy định và sự kiểm soát chặt chẽ đối với FDI, trong suốt hơn 3 thập kỷ, từ những năm 60 cho đến giữa những năm 90, Hàn Quốc được biết đến là một quốc gia hạn chế hoạt động của doanh nghiệp FDI. FDI của Hàn Quốc thời kỳ này thực chất chỉ nhằm mục tiêu nuôi dưỡng các nhóm công nghiệp quốc gia, hỗ trợ các Chaebol trong nước phát triển, củng cố sức mạnh và tăng cường khả năng cạnh tranh,

hình thành những tập đoàn kinh tế nội địa mạnh, nâng cao năng lực sản xuất trong nước, thay thế nhập khẩu và hướng ra xuất khẩu.

Đầu những năm 1990, Chính phủ Hàn Quốc bắt đầu nỗ lực hơn trong việc tự do hóa FDI nhưng tiến độ, hiệu quả vẫn còn chậm và không ổn định cho đến cuối thập kỷ này. Hàn Quốc chỉ thực sự trở thành một nền kinh tế mở đối với FDI kể từ năm 1997, sau khi nước này gia nhập OECD vào năm 1996, với việc thực hiện các cam kết tự do hóa FDI theo tiêu chuẩn của các nước OECD. Đến năm 2002, khu vực FDI được phép hoạt động ở 99,8% các lĩnh vực, ngành nghề sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Theo đó, chính sách về FDI của Hàn Quốc được chuyển trọng tâm từ “hạn chế và kiểm soát”

thành “thúc đẩy và hỗ trợ” đã tạo điều kiện gia tăng nhanh chóng thị phần của FDI trong nền kinh tế Hàn Quốc, góp phần quan trọng vào việc giúp Hàn Quốc vượt qua khủng hoảng Châu Á 1997 và suy thoái kinh tế thế giới 2007 một cách thần kỳ (O. Yul Kwon, 2004).

Theo Young – Keun Chung and Kumju Hwang (2006), chính sách FDI gắn với mục tiêu phát triển kinh tế bền vững còn được hỗ trợ bởi chiến lược phát triển bền vững quốc gia, được sự quan tâm đặc biệt của các đời Tổng thống gần đây: Tổng thống Thứ 14, Kim Young – Sam tuyên bố ông sẽ là Tổng thống cải thiện môi trường ngay sau Chương trình Nghị sự 21 năm 1992. Tổng thống Thứ 15, Kim Dae Yung thành lập các Ủy ban của Tổng thống về phát triển bền vững và các ủy ban này bắt đầu nhiệm vụ từ Tháng 9/2000. Tổng thống Thứ 16, Ro Mu Hyun tuyên bố “Tầm nhìn quốc gia về phát triển bền vững”, trong đó đưa ra mục tiêu bảo đảm sự tăng trưởng bền vững trong khi vẫn duy trì sự cân bằng giữa kinh tế, xã hội và môi trường. Nhấn mạnh quản trị tốt dựa trên sự đồng thuận và tham gia của các bên liên quan là rất quan trọng để đạt được phát triển bền vững.

FDI gắn với mục tiêu phát triển kinh tế bền vững của Hàn Quốc được bảo đảm bởi khuôn khổ Chiến lược phát triển kinh tế bền vững của Hàn Quốc thời kỳ này:

Nâng cao hiệu quả cơ cấu kinh tế công nghiệp thông qua việc thúc đẩy quản lý bền vững và thiết lập một nền sản xuất, hệ thống tiêu thụ thân thiện với môi trường; Cải thiện hiệu suất môi trường thông qua việc thành lập một cơ cấu năng lượng hiệu quả;

Tạo ra một hệ thống Thắng –Thắng, cân bằng giữa kinh tế và môi trường, cải thiện chất lượng cuộc sống bằng việc thiết lập một nền kinh tế và ngành công nghiệp sinh thái (Young – Keun Chung and Kumju Hwang, 2006).

Đặc biệt, việc bảo đảm FDI với mục tiêu phát triển kinh tế bền vững còn được củng cố bởi cơ chế quản lý, vận hành chính sách FDI hiệu quả như: hệ thống Thanh tra đầu tư được thành lập từ Tháng 10/1999 để tiếp nhận và phối hợp với các cơ quan

chức năng giải quyết các khiếu nại của nhà đầu tư nước ngoài, hướng tới mục tiêu cải thiện môi trường đầu tư cho các công ty đa quốc gia nước ngoài; hình thành đội ngũ chuyên gia tư vấn cao cấp thường được gọi với cái tên “bác sĩ gia đình” đóng vai trò cầu nối quan trọng trong việc kiến nghị giải quyết khiếu nại của nhà đầu tư; hay việc thành lập Hội đồng cạnh tranh quốc gia của Tổng thống Lee Myung – Bak, với sự tham gia của nhiều chuyên gia nước ngoài để thúc đẩy một môi trường kinh doanh thân thiện…(Choong Yong Ahn, 2008).

Một phần của tài liệu Đầu tư trực tiếp nước ngoài với mục tiêu phát triển kinh tế bền vững của việt nam (Trang 65 - 68)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(183 trang)