CHƯƠNG 1: 32LÝ THUYẾT VỀ ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP NƯỚC NGOÀI VỚI MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN KINH TẾ BỀN VỮNG VÀ KINH NGHIỆM QUỐC TẾ
1.6. Một số điều kiện gắn đầu tư trực tiếp nước ngoài với mục tiêu phát triển
Để gắn FDI với mục tiêu phát triển kinh tế bền vững, nước tiếp nhận, trước hết phải xây dựng được cơ chế định hướng và khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư phát triển bền vững. Có các chính sách hỗ trợ nhà đầu tư hiệu quả góp phần giảm chi phí, bảo đảm kinh doanh có lãi trong trường hợp nhà đầu tư lựa chọn phương án đầu tư bền vững. Bên cạnh đó cũng cần thiết lập cơ chế quản lý, giám sát và chế tài bảo đảm việc nhà đầu tư thực hiện đầu tư phát triển bền vững, cũng như ngăn chặn các hành vi không tuân thủ quy định nhà nước, tiếp tay cho nhà đầu tư triển khai các dự án không bảo đảm chất lượng của các địa phương. Ngoài ra cần nâng cao vai trò và hiệu quả của công tác truyền thông, xúc tiến đầu tư, hoạt động của các hiệp hội, các tổ chức hỗ trợ đầu tư:
- Có hệ thống pháp luật đồng bộ, rõ ràng, minh bạch và bảo đảm định hướng phát triển kinh tế bền vững đối với FDI. Trong quản lý, điều hành hoạt động kinh tế nói chung và đầu tư trực tiếp nước ngoài nói riêng pháp luật có ai trò đặc biệt quan trọng. Pháp luật không chỉ là một công cụ quản lý Nhà nước hữu hiệu nhằm bảo đảm FDI gắn với mục tiêu phát triển kinh tế bền vững, mà còn tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động FDI phát triển và làm lành mạnh hóa hoạt động đầu tư. Hệ thống pháp luật vừa là một cam kết bảo đảm trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương với nhà đầu tư và hoạt động đầu tư vừa là công cụ điều tiết, chọn lọc nhà đầu tư, dự án đầu tư bảo đảm mục tiêu phát triển kinh tế bền vững ở từng giai đoạn phát triển.
- Công khai quy hoạch và bảo đảm thực hiện chiến lược phát triển kinh tế bền vững phù hợp với đặc thù, lợi thế cạnh tranh của nền kinh tế, mỗi vùng, địa phương, ngành nghề và sản phẩm. Bản chất của FDI là do động lực lợi nhuận và việc nhà đầu tư tìm kiếm lợi nhuận tối đa quyết định. Việc thiếu hoặc không công khai, thực hiện quy hoạch bảo đảm tính liên kết, bổ trợ, một tầm nhìn dài hạn, một cơ cấu hợp lý, hiệu quả nền kinh tế nói chung và đối với FDI nói riêng trên các mặt đối tác, ngành nghề, sản phẩm, địa phương, công nghệ… sẽ dẫn tới việc vỡ quy hoạch, mất cân đối, cạnh tranh không lành mạnh, lãng phí nguồn lực và không bảo đảm mục tiêu phát triển kinh tế bền vững trong hoạt động đầu tư nói chung và FDI nói riêng. Việc công khai và thực hiện quy hoạch theo mục tiêu, chiến lược phát triển kinh tế bền vững sẽ bảo đảm sự phát triển một cách đồng bộ, hài hoà theo không gian lãnh thổ, ngành nghề, sản phẩm, khai thác hiệu quả các lợi thế, nguồn lực phục vụ mục tiêu phát triển toàn diện và bền vững kinh tế.
- Phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại, kết nối, đồng bộ, bảo đảm nhà đầu tư hoạt động hiệu quả khi chọn phương án đầu tư bền vững. Cơ sở hạ tầng đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của một quốc gia. Hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại, kết nối, đồng bộ góp phần giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất, hiệu quả đầu tư, tạo động lực thu hút các nhà đầu tư chiến lược đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế bền vững. Tại phiên thảo luận chuyên đề “Phát triển cơ sở hạ tầng và Tài chính cho cơ sở hạ tầng” trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng lần thứ 6, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Umeda Kunio cũng nhận định, cơ sở hạ tầng thiếu chất lượng sẽ không chỉ làm hạn chế phát triển bền vững mà còn trở thành điểm nghẽn tăng trưởng. Ngược lại, cơ sở hạ tầng chất lượng cao sẽ bảo đảm hiệu quả kinh tế, tạo việc làm, xây dựng năng lực và chuyển giao công nghệ cũng như hiểu biết về phương thức cho các cộng đồng địa phương (Thu Phương, 2018).
- Nâng cao hiệu quả và hiệu năng quản lý nhà nước, vừa bảo đảm hỗ trợ nhà đầu tư triển khai hiệu quả dự án vừa kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh, tạo niềm tin cũng như ý thức tự giác trong bảo đảm đầu tư bền vững. Quản lý, điều tiết nền kinh tế là vai trò tất yếu của Nhà nước nhằm kiểm soát, hạn chế các thất bại của thị trường, đồng thời hỗ trợ và điều tiết các hoạt động kinh tế bảo đảm mục tiêu phát triển trong mỗi giai đoạn. Năng lực tổ chức và quản trị của nhà nước có liên quan trực tiếp tới sự tăng trưởng về thu nhập và kết quả của nền kinh tế. Xây dựng, thực thi các chính sách, qui định và thể chế (bao gồm cả bảo vệ quyền sở hữu tài sản) bảo đảm nhất quán, có khả năng giảm thiểu các rủi ro khi đầu tư và tạo sự tiếp cận bình đẳng với các cơ hội kinh tế (World Bank & Australian Government, 2016). Đây chính là điều kiện bảo đảm cải thiện và nâng cao năng lực cạnh tranh của môi trường Đầu tư Việt Nam, tạo sức hút và nâng cao hiệu quả hoạt động FDI.
- Bảo đảm chất lượng cũng như sự sẵn sàng của các nguồn lực đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao. Nguồn lực đối với FDI là tổng thể các yếu tố tự nhiên, kinh tế, xã hội, chính sách, thị trường… có ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp tới các hoạt động kinh tế của nhà đầu tư. Trong đó, nguồn nhân lực đóng vai trò quyết định. Nguồn lao động có trình độ năng lực phù hợp, có khả năng tiếp cận công nghệ hiện đại, ý thức tổ chức kỷ luật cao, đủ khả năng đáp ứng nhu cầu cả về số lượng và chất lượng tạo sức hút mạnh mẽ nhất đối với FDI chất lượng cao, là điều kiện quan trọng bảo đảm năng suất lao động và hiệu quả đầu tư bền vững.
Hiểu, đánh giá đúng, chuẩn bị sẵn sàng và định hướng khai thác hợp lý, hiệu quả các nguồn lực sẽ tạo môi trường ổn định, hấp dẫn thu hút luồng FDI chất lượng cao. FDI chất lượng cao sẽ có tác động tích cực trở lại trong việc làm tăng năng lực sản xuất,
tạo điều kiện để khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, đóng góp tích cực vào mục tiêu phát triển kinh tế bền vững.
- Đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác vận động, xúc tiến đầu tư, phát huy vai trò cầu nối của các hiệp hội, tổ chức dịch vụ hỗ trợ đầu tư, hướng vào các nhà đầu tư mục tiêu, coi trọng chất lượng đầu tư thay vì số lượng. Bên cạnh việc chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện kinh tế, kỹ thuật, cơ sở hạ tầng, hoàn thiện chính sách, luật pháp, thể chế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực …đáp ứng yêu cầu của những nhà đầu tư chiến lược, công tác xúc tiến đầu tư và hoạt động của các hiệp hội đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm FDI gắn với mục tiêu phát triển kinh tế bền vững. Trong đó, xúc tiến đầu tư là công cụ quảng bá, marketing hữu hiệu trong tiếp cận, giới thiệu năng lực, nhu cầu và ưu đãi đầu tư tới các nhà đầu tư chiến lược.
Trong khi, việc bảo đảm môi trường và sự phát triển lành mạnh của các hiệp hội, các dịch vụ hỗ trợ FDI là điều kiện bảo đảm sự minh bạch thông tin, tạo dựng lòng tin và thu hút hiệu quả FDI chất lượng cao phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế bền vững…
CHƯƠNG 2