CHƯƠNG 1: 32LÝ THUYẾT VỀ ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP NƯỚC NGOÀI VỚI MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN KINH TẾ BỀN VỮNG VÀ KINH NGHIỆM QUỐC TẾ
1.3. Đóng góp của đầu tư trực tiếp nước ngoài vào mục tiêu phát triển kinh tế bền vững
Mục tiêu phát triển bền vững về kinh tế được đưa ra, nhìn nhận theo các tiêu chí khác nhau, phụ thuộc vào nhận thức, mong muốn ở từng giai đoạn và tình hình kinh tế, chính trị, xã hội của mỗi nước, khu vực và thế giới. FDI thực sự đóng góp vào mục tiêu phát triển kinh tế bền vững của nước nhận đầu tư được hiểu là khi FDI đáp ứng các kỳ vọng của nước nhận đầu tư: huy động vốn, tăng tổng đầu tư xã hội, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; chuyển dịch mô hình, cơ cấu kinh tế theo hướng hiệu quả, bền vững; tiếp nhận chuyển giao công nghệ, quy trình, kinh nghiệm quản lý tiên tiến, hiện đại; đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng, chất lượng nguồn nhân lực bảo đảm nhu cầu phát triển trong nước và hội nhập vào sự phân công lao động quốc tế; thúc đẩy R&D, nâng cao năng suất các nhân tố tổng hợp; phát triển các ngành nghề mới, mở rộng thị trường, thâm nhập ngày càng sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu; tác động cạnh tranh, lan tỏa buộc các doanh nghiệp trong nước phải cải tiến công nghệ, nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm và dịch vụ; tăng cường liên kết và hỗ trợ giữa khu vực kinh tế trong nước và khu vực kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng như trong chính nội bộ khu vực FDI...
FDI là loại hình đầu tư phát triển. Đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài vào trong nước thông qua hình thức đầu tư trực tiếp không những làm tăng tài sản của chủ đầu tư mà còn làm gia tăng tài sản của nền kinh tế và gia tăng năng lực sản xuất của nước tiếp
nhận đầu tư, nhưng không làm phát sinh các khoản nợ đối với nước tiếp nhận đầu tư. Do đó hình thức FDI thường được các nước tiếp nhận ưa thích hơn so với các hình thức đầu tư tài chính, hoặc vay thương mại khác. Việc gia tăng nguồn vốn đầu tư ổn định, nâng cao hiệu quả và tính bền vững của khu vực kinh tế này với tỉ trọng đóng góp thích hợp có vai trò quan trọng với mục tiêu phát triển bền vững về kinh tế của nước tiếp nhận đầu tư.
Mục tiêu của FDI là lợi nhuận tối đa, thu hồi vốn nhanh nhất cho nhà đầu tư.
Tâm lý chung của phần lớn các nhà đầu tư nước ngoài trước đây là khai thác và tận dụng tối đa, triệt để các ưu đãi, lợi thế, nguồn lực của nước tiếp nhận đầu tư để tìm kiếm lợi nhuận từ lợi thế so sánh, lợi thế cạnh tranh và lợi thế độc quyền. Hơn nữa, các nhà đầu tư nước ngoài đến từ các quốc gia khác cho nên thường có tâm lý không tự nguyện đóng góp vào mục tiêu phát triển kinh tế bền vững của nước sở tại. Trong khi đó, mục tiêu của nước tiếp nhận đầu tư là phát triển kinh tế nhanh và bền vững, là sự tăng trưởng cao, liên tục, ổn định, đồng thời bảo đảm khả năng tăng trưởng lâu dài về kinh tế, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thế hệ hiện tại, không gây trở ngại cho việc đáp ứng nhu cầu của thế hệ mai sau, dựa vào việc sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và tối ưu các nguồn lực.
Xét về bản chất, nhà đầu tư nước ngoài và nước tiếp nhận đầu tư không có cùng mục tiêu kinh tế, chính trị, xã hội, môi trường.... Mục tiêu của nhà đầu tư nước ngoài là lợi nhuận, lợi thế độc quyền, chi phối về kinh tế, chính trị..., trong khi mục tiêu của nước tiếp nhận là phát triển kinh tế bền vững, sự độc lập, tự chủ về kinh tế, chính trị....
Vậy trên góc độ kinh tế, khi nào mục tiêu của nhà đầu tư và mục tiêu của nước tiếp nhận đầu tư gặp nhau, hay khi nào FDI gắn trực tiếp với mục tiêu phát triển kinh tế bền vững của nước tiếp nhận?
Có nhiều điều kiện khác nhau nhưng có thể chỉ ra hai loại điều kiện chủ yếu xuất phát từ yếu tố nội tại của hai chủ thể. Trước hết, FDI gắn với mục tiêu phát triển kinh tế bền vững của nước tiếp nhận khi mục tiêu phát triển kinh tế bền vững cũng chính là mục tiêu theo đuổi của nhà đầu tư nước ngoài nhằm bảo đảm duy trì hoặc xây dựng một thương hiệu tốt, hướng tới lợi ích dài hạn, và với một số rất ít nhà đầu tư xuất phát từ nhận thức nhân văn và trách nhiệm với cộng đồng. Hoặc khi, dù nhà đầu tư nước ngoài không tự nguyện nhưng nước tiếp nhận vẫn có thể thông qua các loại công cụ và chính sách để khuyến khích, định hướng và bảo đảm việc nhà đầu tư cam kết thực hiện đầu tư phát triển kinh tế bền vững.
Trong trường hợp thứ nhất, về bản chất, nếu không có những cơ chế ràng buộc, trong các yếu tố bền vững vẫn tồn tại nhiều yếu tố không bền vững đối với nước tiếp nhận do những toan tính của nhà đầu tư nước ngoài. Nước tiếp nhận chỉ có thể xây dựng, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện công cụ chính sách mới thực sự bảo đảm được FDI
gắn với mục tiêu phát triển kinh tế bền vững. Tuy nhiên, chính sách của nước tiếp nhận đầu tư không thể là sự áp đặt chủ quan, một chiều. Công cụ, chính sách của nước tiếp nhận đầu tư phải dựa trên cơ sở điều kiện hiện quan của tình hình chính trị, kinh tế, xã hội của thế giới, khu vực và tình hình trong nước; phù hợp với xu thế và nhận thức của mỗi thời kỳ; phải bảo đảm hài hòa được lợi ích của nhà đầu tư, nhà nước và xã hội.
Có thể khái quát, FDI gắn với mục tiêu phát triển kinh tế bền vững là việc nhà đầu tư nước ngoài triển khai và vận hành dự án đầu tư đáp ứng các đòi hỏi của mục tiêu phát triển kinh tế bền vững của nước tiếp nhận một cách tự nguyện hoặc do yêu cầu của các công cụ chính sách của nước tiếp nhận. Việc xem xét, đánh giá FDI gắn với mục tiêu phát triển kinh tế bền vững có thể thông qua đánh giá tác động, đóng góp của FDI vào việc thực hiện các mục tiêu, ổn định các cân đối lớn của nền kinh tế; bảo đảm duy trì, phát triển bền vững các yếu tố như vốn, lao động, công nghệ, tài nguyên...; gia tăng năng suất, hiệu quả sử dụng các nguồn lực, hay nâng tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp; sự chuyển dịch mô hình, cơ cấu kinh tế một cách hiệu quả, nâng cao chất lượng, tính cạnh tranh, tính bền vững của sản phẩm, thúc đẩy sự tham gia, thâm nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu, các khâu sản xuất có giá trị gia tăng cao; cũng như tác động lan tỏa của FDI đến phần còn lại của nền kinh tế:
- FDI góp phần quan trọng vào gia tăng giá trị và hiệu quả sử dụng các yếu tố đầu vào của nước tiếp nhận đầu tư, đặc biệt là với các nước đang phát triển. Cung cấp một lượng vốn lớn, bù đắp một phần đáng kể sự thiếu hụt vốn cho đầu tư phát triển kinh tế, xã hội mà không phải lo gánh nặng nợ công. Việc đào tạo, đào tạo lại, sử dụng lao động địa phương vào đầu tư, sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tạo cơ hội và điều kiện cho người lao động nâng cao trình độ, kỹ năng và tri thức, góp phần nâng cao hiệu quả, năng suất. Đi kèm với FDI thường là công nghệ, kỹ thuật tiên tiến hơn trong nước là tiền đề tăng năng suất lao động, hiệu quả sử dụng nguồn lực như đất đai, vốn, tài nguyên... Cùng với công nghệ, kỹ thuật, kỹ năng quản lý, điều hành, quản trị doanh nghiệp... mới, tiên tiến mà các doanh nghiệp FDI chuyển giao là những tài sản vô hình hết sức quan trọng góp phần tăng năng suất, hiệu quả sử dụng các nguồn lực, nâng tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp.
- Với lợi thế về vốn, công nghệ, kỹ năng quản lý, thương hiệu, thị trường..., FDI có tác động tới chuyển dịch cơ cấu ngành, vùng kinh tế, cơ cấu lao động, tạo dựng và phát triển các ngành nghề mới, tạo điều kiện từng bước khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên, thúc đầy nền kinh tế hội nhập quốc tế, mở ra cơ hội và tạo điều kiện thuận lợi để nước tiếp nhận tham gia và khai thác có hiệu quả chuỗi giá trị của các ngành hàng và chuỗi giá trị toàn cầu.
- Tác động lan tỏa của FDI rất đáng kể. Bên cạnh việc các doanh nghiệp nước tiếp nhận có điều kiện tiếp cận và sử dụng máy móc thiết bị hiện đại để tăng năng suất lao động thông qua FDI, việc chuyển giao công nghệ còn tạo ra môi trường cạnh tranh buộc các doanh nghiệp trong nước phải đổi mới, cải tiến dây chuyền công nghệ, quy trình quản lý, nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, dịch vụ; cạnh tranh đào tạo, thu hút, đãi ngộ lao động và di chuyển lao động giữa các doanh nghiệp, khu vực kinh tế FDI với các doanh nghiệp, khu vực kinh tế trong nước, tạo động lực nâng cao chất lượng nhân lực; thông qua liên doanh, tham gia mạng sản xuất, chuỗi cung ứng trong khu vực và toàn cầu giúp các doanh nghiệp nước tiếp nhận tiếp cận với thị trường thế giới.
Tuy nhiên, tất cả những tác động tích cực của FDI đối với mục tiêu phát triển kinh tế bền vững của nước tiếp nhận nêu trên thực chất mới chỉ là cái nhìn lạc quan, kỳ vọng của nước tiếp nhận với FDI. Để đánh giá một cách khách quan, trung thực đóng góp của FDI với mục tiêu phát triển kinh tế bền vững, cần phải đánh giá toàn diện về cả những đóng góp và những thiệt hại, tổn thất (nếu có) nó gây ra cho nền kinh tế, xã hội và môi trường.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, nếu hạch toán một cách đầy đủ những chi phí mà nền kinh tế và xã hội phải bỏ ra để khắc phục những tổn hại về mặt kinh tế, xã hội và môi trường do hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh gây ra, tốc độ tăng trưởng của một doanh nghiệp, một quốc gia có thể sẽ thấp hơn rất nhiều những con số được công bố, thậm chí nhiều dự án, nhiều doanh nghiệp còn tạo ra một sự tăng trưởng âm, kìm hãm và gây tổn hại tới mục tiêu phát triển kinh tế bền vững. FDI có thực sự đóng góp vào mục tiêu phát triển kinh tế bền vững của nước tiếp nhận hay không phần lớn phụ thuộc vào chính các yếu tố nội tại của nền kinh tế.
Nếu nước tiếp nhận có đủ công cụ, chính sách hữu hiệu để vừa khuyến khích, không ngừng gia tăng thu hút FDI có chất lượng, vừa buộc các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cam kết và bảo đảm thực hiện các ràng buộc về khai thác tài nguyên, môi trường và xã hội. Đồng thời, FDI góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế hợp lý theo đúng định hướng. Khi đó, việc đánh giá vai trò của FDI với mục tiêu phát triển kinh tế bền vững có thể được xem xét và đánh giá khá chính xác thông qua đánh giá vai trò của FDI với việc bổ sung, mở rộng, cải thiện các yếu tố trong nền kinh tế và mối quan hệ tương quan giữa khu vực kinh tế này với các chỉ tiêu ổn định, phát triển kinh tế của nước tiếp nhận đầu tư: hiệu quả sử dụng vốn của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; tỷ trọng đóng góp vào thu ngân sách, tăng trưởng kinh tế, gia tăng xuất khẩu; vai trò đào tạo nguồn nhân lực, gia tăng năng suất lao động; chuyển giao bí quyết công nghệ, kinh nghiệm quản trị, cải thiện tỷ trọng đóng góp của năng suất các
nhân tố tổng hợp; tác động lan tỏa tích cực của khu vực kinh tế FDI; hội nhập kinh tế quốc tế, thâm nhập vào các chuỗi giá trị toàn cầu, mở rộng và nâng cao hiệu quả thị trường... Trong đó, TFP có thể được đánh giá là một công cụ để đo lường hiệu quả sản xuất và cung cấp một số bằng chứng về đóng góp của FDI với mục tiêu phát triển kinh tế bền vững của nước tiếp nhận.
Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, việc lựa chọn hướng đi, hoàn thiện chính sách FDI đối với các nước đang phát triển nhằm phát huy những mặt tích cực, hạn chế các tác động tiêu cực của FDI và hướng khu vực kinh tế này đóng góp tích cực vào mục tiêu phát triển kinh tế bền vững là việc làm vô cùng khó khăn. Việc làm khôn ngoan nhất cho các nước này là nghiên cứu kinh nghiệm của các nước đi trước và rút ra bài học. Chính vì vậy, nghiên cứu kinh nghiệm một số nước trong khu vực về FDI với mục tiêu phát triển kinh tế bền vững, rút ra bài học cho Việt Nam là cần thiết.